THAM LUẬN HỘI THẢO: Quảng Ninh phát triển du lịch trên nền tảng các di sản văn hóa
Những bước tiến về du lịch của Quảng Ninh những năm gần đây
Quảng Ninh là vùng đất có bề dày về lịch sử và truyền thống văn hóa. Cùng với quá trình dựng nước và giữ nước hàng nghìn năm của nhân dân Việt Nam, lớp trầm tích văn hóa của Quảng Ninh không ngừng được bồi đắp. Đến năm 2023, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có 635 di tích, trong đó có 1 di sản thiên nhiên thế giới và 6 di tích quốc gia đặc biệt.
Các di sản văn hóa đã và đang đóng góp rất lớn cho sự phát triển toàn diện của tỉnh Quảng Ninh nói chung, ngành du lịch nói riêng. Những năm qua, với việc triển khai Nghị quyết số 08-NQ/TW, của Bộ Chính trị, “Về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”; Nghị quyết số 11-NQ/TU, của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh, “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững”, cấp ủy, chính quyền các cấp ở Quảng Ninh đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy du lịch phát triển bền vững, đồng thời thường xuyên quan tâm đến việc bảo vệ các di tích, di sản gắn với bảo tồn, sưu tầm, phát huy giá trị di sản văn hóa.
Từ năm 2015, Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên tại Việt Nam được hỗ trợ xây dựng Tài khoản vệ tinh cấp tỉnh để đánh giá tác động trực tiếp của du lịch tới kinh tế địa phương. Ngành du lịch Quảng Ninh trong năm 2017 đã đón gần 10 triệu khách du lịch, trong đó có 4,2 triệu khách du lịch quốc tế, tăng 25% so với năm 2016(1). Năm 2018, đón được 12,2 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế là 5,2 triệu lượt. Tổng thu từ du lịch năm 2018 là trên 24.000 tỷ đồng. Từ năm 2020, 2021, các ngành kinh tế nói chung và ngành du lịch nói riêng của Quảng Ninh bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19. Từ ngày 8-6-2021, UBND tỉnh Quảng Ninh ban hành Văn bản số 3531/UBND-DL1 để “mở dịch vụ, du lịch trong trạng thái bình thường mới”, đến nay, du lịch Quảng Ninh phục hồi và phát triển với tốc độ thần kỳ. Năm 2022, ngành du lịch Quảng Ninh tăng trưởng vượt kỳ vọng, thu hút 11,6 triệu lượt khách, doanh thu trên 22.500 tỷ đồng, trở thành động lực tăng trưởng chính của tỉnh. Trong năm 2023, tỉnh Quảng Ninh phấn đấu đón từ 14-15 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 2 triệu lượt khách quốc tế(2).
Nhìn chung, kinh tế tỉnh Quảng Ninh tăng trưởng liên tục và ổn định, năm 2022, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh đạt 10,28%, là năm thứ 7 liên tiếp (2016 - 2022), tăng trưởng kinh tế hai con số (trong đó có 3 năm 2020, 2021, 2022 bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh COVID-19), lập nên kỳ tích trong công cuộc đổi mới; quy mô nền kinh tế tăng nhanh, hết năm 2022 ước đạt 269.000 tỷ đồng (tính theo giá hiện hành và chỉ đứng sau Hà Nội, Hải Phòng); GRDP bình quân đầu người năm 2022 đạt trên 8.200 USD (cao nhất ở khu vực phía Bắc); thu ngân sách nhà nước đạt trên 55.000 tỷ đồng, thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước(3). Trong sự phát triển của toàn tỉnh Quảng Ninh hiện nay và trong tương lai, ngành du lịch, dịch vụ có vai trò quan trọng, then chốt, đặc biệt trong bối cảnh Quảng Ninh chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”.
Du lịch và du lịch dựa trên nền tảng di sản văn hóa ở Quảng Ninh hiện nay
Ngành du lịch được định nghĩa là: “hoạt động kinh doanh liên quan đến việc cung cấp nơi ở, dịch vụ và giải trí cho những người đến một nơi nào đó để nghỉ dưỡng hoặc kết hợp làm việc”(4). Các loại hình du lịch bao gồm: Du lịch làm ăn; du lịch giải trí, năng động; du lịch nội địa, khám phá biên giới; du lịch tham quan trong thành phố; du lịch mạo hiểm, khám phá, trải nghiệm; du lịch hội thảo, triển lãm MICE; du lịch giảm stress, du lịch ba lô, tự túc khám phá; du lịch bụi; du lịch biển đảo; du lịch văn hóa; du lịch sinh thái; du lịch y tế; du lịch người cao tuổi. Như vậy, nhìn một cách tổng quát, du lịch văn hóa mang ý nghĩa tổng quát nhất về các loại hình du lịch.
Quảng Ninh hiện nay được xem là địa phương sở hữu hệ thống kết cấu hạ tầng du lịch đồng bộ, hiện đại của cả nước. Những năm gần đây, hàng loạt công trình giao thông trọng điểm của Quảng Ninh đi vào hoạt động, gồm: Cảng sân bay quốc tế Vân Đồn; cảng tàu du lịch khách quốc tế chuyên biệt đầu tiên của Việt Nam; cao tốc Hạ Long - Vân Đồn..., bảo đảm cho sự thuận lợi của khách đến du lịch bằng đường bộ, đường biển và đường hàng không. Năm 2019, Quảng Ninh có 4 khách sạn 5 sao, tổng cộng 1.326 phòng và 2 khách sạn 4 sao, tổng cộng 276 phòng. Nhiều khách sạn, dịch vụ được đánh giá có chất lượng hàng đầu trong nước và khu vực ASEAN, như: Khách sạn nghỉ dưỡng Vinpearl Resort & Spa Hạ Long thuộc top 5 khách sạn 5 sao tốt nhất Việt Nam năm 2019; khách sạn Sài Gòn Hạ Long đạt danh hiệu khách sạn 4 sao tốt nhất Việt Năm năm 2019; Nhà hàng ẩm thực Làng chài Hạ Long xếp hạng 1 trong danh sách nhà hàng ăn uống phục vụ khách du lịch tốt nhất Việt Nam năm 2019; khu du lịch Sun World Hạ Long Park xếp hạng 1 trong danh sách khu du lịch và vui chơi giải trí tốt nhất Việt Nam năm 2019; Công ty Du thuyền Năm sao Tuần Châu và Công ty Du thuyền Bhaya xếp hạng 1 và hạng 3 trong danh sách doanh nghiệp vận tải đường thủy tốt nhất trên cả nước năm 2019(5).
Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao Quảng Ninh, trên địa bàn tỉnh có 635 di tích gồm 6 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 57 di tích cấp quốc gia và 89 di tích cấp tỉnh. Tỉnh Quảng Ninh có 13 đơn vị hành chính trực thuộc cấp huyện là 4 thành phố, 2 thị xã và 7 huyện thì ở đơn vị nào cũng có di tích cấp tỉnh trở lên. Có thể thấy rằng, tỉnh Quảng Ninh là một điểm đến du lịch của văn hóa, di sản(6). Tại Quảng Ninh còn có 2 di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, Thực hành Then Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam và 7 di sản văn hóa phi vật thể nằm trong danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia là Hát nhà tơ (hát múa Cửa đình), Nghi lễ Then của dân tộc Tày, Lễ hội đền Cửa Ông, Lễ hội Tiên Công, Lễ hội đình Quan Lạn, Lễ hội đình Trà Cổ, Lễ hội Bạch Đằng.
Có thể khẳng định, các di sản văn hóa có vai trò quan trọng là những điểm tham quan, du lịch thu hút khách du lịch và giữ chân khách du lịch ở lại lâu hơn và chi tiêu nhiều hơn. Du lịch Quảng Ninh không chỉ tăng trưởng về số lượng và doanh thu, thời gian lưu trú của khách du lịch đến Quảng Ninh cũng thay đổi tích cực, dao động ở mức 2 - 3 ngày. Trong đó, khách du lịch quốc tế là 2,8 ngày, chỉ thấp hơn một số địa điểm du lịch quen thuộc như Hà Nội, Thành Hồ Chí Minh hay các địa bàn nghỉ dưỡng đặc thù ở Khánh Hòa, Phú Quốc. Đây là số liệu đáng khích lệ, cho thấy chất lượng dịch vụ du lịch Quảng Ninh đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Trước hết, chúng ta phải kể tới Di sản Thiên nhiên Thế giới của UNESCO, Di tích quốc gia đặc biệt - Vịnh Hạ Long. Vịnh Hạ Long là một vịnh nhỏ thuộc phần bờ Tây vịnh Bắc Bộ tại khu vực biển Đông Bắc Việt Nam, bao gồm vùng biển đảo của thành phố Hạ Long thuộc tỉnh Quảng Ninh. Vịnh Hạ Long có diện tích khoảng 1.553km² bao gồm 1.969 hòn đảo lớn nhỏ, phần lớn là đảo đá vôi, trong đó vùng lõi của vịnh có diện tích 335km² quần tụ dày đặc 775 hòn đảo. Vịnh Hạ Long là thiên đường của đảo, núi đá và các hang động đẹp trên biển, là khu vực độc nhất vô nhị trên thế giới. Các đảo ở vịnh Hạ Long có hai dạng là đảo đá vôi và đảo phiến thạch, tập trung ở hai vùng chính là vùng phía Đông Nam vịnh Bái Tử Long và vùng phía Tây Nam vịnh Hạ Long.
Theo thống kê của Ban Quản lý Vịnh Hạ Long, trong tổng số 1.969 đảo của Vịnh Hạ Long có đến 1.921 đảo đá với nhiều đảo có độ cao khoảng 200m. Vùng tập trung các đảo đá có phong cảnh ngoạn mục và nhiều hang động đẹp là vùng trung tâm Di sản Thiên nhiên Vịnh Hạ Long, bao gồm phần lớn Vịnh Hạ Long (vùng lõi), một phần Vịnh Bái Tử Long và Vịnh Lan Hạ thuộc quần đảo Cát Bà (vùng đệm). Du khách đi từ bến tàu Hạ Long du ngoạn trên mặt vịnh không chỉ ngắm những hòn, đảo mà còn có thể thăm thú những hang động vừa có giá trị lịch sử, vừa có giá trị văn hóa, thẩm mỹ do thiên nhiên ban tặng từ những quá trình thay đổi về địa chất từ xa xưa, như hang Sửng Sốt, động Thiên Cung, hang Đầu Gỗ, hang Tiên Nữ, hang Bồ Nâu… Năm 2019, Vịnh Hạ Long đã đón 4,4 triệu khách. Trong đó, 2,9 triệu khách quốc tế, 1,5 triệu khách trong nước, doanh thu từ du lịch đạt 1.237 tỷ đồng(7).
Ngoài Vịnh Hạ Long đã rất nổi tiếng cũng không thể không nhắc tới Khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử đã được xếp hạng di tích cấp quốc gia đặc biệt từ năm 2012. Du khách đến thăm quan Yên Tử lại thuộc hình thức du lịch văn hóa, tâm linh, lịch sử. Khu di tích Yên Tử thuộc thành phố Uông Bí và Thị xã Đông Triều, là một quần thể di tích rộng lớn. Khu di tích Yên Tử khi kết hợp với Khu di tích lịch sử nhà Trần tại thị xã Đông Triều sẽ có một quần thể di tích rộng tới hơn 11ha gắn với lịch sử nhà Trần (1226 - 1400) với chiến công hiển hách 3 lần thắng giặc Nguyên - Mông và nhiều vị minh quân, tướng lĩnh tài ba như Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Anh Tông, Trần Nhân Tông, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, Thái Sư Trần Quang Khải… Yên Tử là một trong những trung tâm Phật giáo của cả nước, gắn với nhiều kiến trúc cổ, được xây dựng qua các thời kỳ lịch sử khác nhau (Lý, Trần, Lê, Nguyễn) nhưng gắn liền với tên tuổi vị Phật hoàng Trần Nhân Tông (1258-1308), người đã lãnh đạo quân dân thời Trần 2 lần đánh thắng quân Nguyên - Mông, rồi từ bỏ ngai vàng, lên Yên Tử tu hành, sáng lập ra Thiền phái Trúc Lâm mang nét độc đáo riêng của văn hóa Việt Nam.
Khu di tích lịch sử nhà Trần tại Đông Triều, gắn với vương triều nhà Trần (1225 - 1400) với võ công, văn trị hiển hách, đã mở ra một kỷ nguyên hào hùng trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Theo tư liệu lịch sử và phả tộc họ Trần, vùng Đông Triều chính là đất tụ cư đầu tiên của họ Trần ở nước ta, sau đó, vùng đất này được vua Trần Thái Tông ban cho anh trai là Trần Liễu làm ấp thang mộc, chính vì vậy, nơi đây luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của các vua nhà Trần. Từ cuối thế kỷ XIV, nhiều lăng mộ của vua Trần được xây dựng hoặc di chuyển về Đông Triều. Cùng với việc xây dựng lăng mộ, triều đình còn xây dựng đền, miếu để thờ cúng các bậc tiên đế, cùng nhiều công trình kiến trúc tôn giáo để phục vụ cho việc tu hành, giảng đạo. Vì thế, nơi đây đã trở thành một vùng linh thiêng, nơi tập trung nhiều kiến trúc độc đáo mang đậm dấu ấn của triều đại nhà Trần.
Hai khu di tích này hằng năm cũng đón hàng triệu lượt khách trong và ngoài nước tới thăm quan, đặc biệt vào dịp đầu năm mới với văn hóa đi lễ đền chùa của người Việt để cầu bình an, hạnh phúc, cầu những điều tốt đẹp đến với đất nước, gia đình, người thân và bản thân mình. Ngoài nhu cầu về tín ngưỡng, tâm linh, 2 khu di tích trên còn là điểm đến lý tưởng của du khách yêu thích và muốn tìm hiểu về lịch sử, văn hóa Việt Nam.
Quảng Ninh còn có 3 khu di tích khác được xếp hạng di tích cấp quốc gia đặc biệt là:
Khu di tích lịch sử Bạch Đằng, gồm các điểm di tích: Đền Trần Hưng Đạo - Miếu Vua Bà, Bãi Cọc Yên Giang, Bến đò Rừng, Đình Yên Giang, Bãi cọc Đồng Má Ngựa, Bãi cọc Đồng Vạn Muối, Đền Trung Cốc, Đình Trung Bản (thị xã Quảng Yên); Đình Đền Công (thành phố Uông Bí) thuộc địa giới thị xã Quảng Yên và thành phố Uông Bí, rộng hơn 0,4ha. Đây là địa điểm ghi dấu sự kiện quân và dân nhà Trần đã lập nên chiến thắng lẫy lừng - Chiến thắng Bạch Đằng đánh tan quân Nguyên Mông xâm lược lần thứ 3 ngày 9-4 (8-3 Âm lịch) năm 1288. Trải qua những thăng trầm của lịch sử, dấu tích của trận chiến Bạch Đằng năm 1288 vẫn còn hiện hữu qua những di tích tiêu biểu như: Bãi cọc Yên Giang, Bãi cọc đồng Vạn Muối, Bãi cọc đồng Má Ngựa. Nơi đây còn có đền thờ Trần Hưng Đạo, là địa điểm lưu niệm vị anh hùng dân tộc, thiên tài quân sự Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Hiện nay, trong đền còn lưu giữ được 9 đạo sắc phong của các vua triều Nguyễn phong cho Trần Hưng Đạo và một số hiện vật khác.
Khu di tích Đền Cửa Ông gồm: Đền Cửa Ông nằm tại phường Cửa Ông, thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh và Đền Cặp Tiên, huyện Vân Đồn. Đền Cửa Ông là nơi thờ Hưng Nhượng Đại Vương Trần Quốc Tảng con trai của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn cùng nhiều nhân vật nổi tiếng thời nhà Trần, và cũng là nơi diễn ra Lễ hội đền Cửa Ông hằng năm. Cuối năm 2017, đền Cửa Ông được Chính phủ xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt. Từ nhiều năm trước đây, du khách đến với Vân Đồn thì chắc chắn sẽ đến viếng thăm đền Cửa Ông nơi thờ vị tướng lĩnh tài ba, trung hiếu.
Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đảo Cô Tô, gồm: Khu tượng đài Bác Hồ, Nhà trưng bày lưu niệm, Ruộng khoai, Cánh đồng muối… Ngày 9-5-1961, Bác Hồ thăm quân và dân các dân tộc trên đảo Cô Tô. Để thể hiện lòng kính trọng, biết ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh, tháng 1-1962, Ủy ban Hành chính tỉnh Hải Ninh xin phép Bác cho dựng tượng Bác trên đảo và đã được Bác đồng ý. Đây là nơi duy nhất Bác cho phép dựng tượng mình khi Bác còn sống. Di tích lịch sử (Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đảo Cô Tô) được xây dựng từ năm 1968 và được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt vào ngày 18-1-2022.
Ngoài ra, Quảng Ninh còn có 57 di tích xếp hạng cấp quốc gia, tiêu biểu là: Đền An Biên, Di tích lịch sử mỏ than Mạo Khê (gồm: Địa điểm nhà máy cơ khí; chùa Non Đông; Nơi thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở Quảng Ninh), Khu di tích lịch sử và thắng cảnh núi Bài Thơ (Bia khắc trên núi, chùa Long Tiên, đền Đức Ông) Đình Trà Cổ, Cụm di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Quan Lạn (đình, chùa, miếu, nghè), Thương cảng Vân Đồn (bến Cái Làng), Thương cảng Vân Đồn (bến Cống Đông, Cống Tây)…Quảng Ninh còn có 7 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và 2 di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Những năm gần đây, Quảng Ninh là một điểm sáng về phát triển kinh tế nói chung, phát triển du lịch nói riêng. Quảng Ninh là một trong những địa phương đi đầu trên cả nước về phát triển du lịch, trong đó đặc biệt nhất là du lịch văn hóa dựa trên nền tảng của các di sản văn hóa. Sự phát triển kinh tế du lịch ở Quảng Ninh không chỉ đến từ kết cấu hạ tầng, dịch vụ du lịch, giao thông đi lại hoàn thiện(8), mà còn có sức hấp dẫn tới từ những di sản văn hóa. Trên địa bàn tỉnh có 635 di sản văn hóa vật thể được xếp loại các cấp, 363 di sản văn hóa phi vật thể. Với việc triển khai Nghị quyết số 08-NQ/TW, của Bộ Chính trị, “Về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”; Nghị quyết 11-NQ/TU, của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững”, cấp ủy, chính quyền các cấp ở Quảng Ninh đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy du lịch phát triển bền vững. Cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân về vai trò, hiệu quả phát triển ngành du lịch, Quảng Ninh đã thường xuyên quan tâm đến việc bảo vệ các di tích, di sản gắn với bảo tồn, sưu tầm, phát huy giá trị di sản vật thể và phi vật thể. Quảng Ninh đã và đang thực sự là một địa phương của du lịch văn hóa, di sản trên cả nước.
Quảng Ninh là một trường hợp tiêu biểu trong cả nước về phát triển du lịch dựa trên nền tảng của di sản văn hóa và thành công trong việc xây dựng một “mạng lưới kết nối” các địa điểm du lịch (bao gồm cả di sản văn hóa) cần được quan tâm, học tập và phát huy./.
----------------------
(1) Sở Du lịch Quảng Ninh (2018): Chào mừng những vị khách quốc tế đầu tiên đến xông đất Hạ Long trong năm mới, Cổng Thông tin điện tử Sở Du lịch Quảng Ninh
(2) Sở Du lịch Quảng Ninh (2023): Hiệp hội Du lịch Quảng Ninh phấn đấu thực hiện mục tiêu tăng trưởng năm 2023, Cổng Thông tin điện tử Sở Du lịch Quảng Ninh
(3) Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Quảng Ninh (2023): Báo cáo Kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU, ngày 9-3-2018, của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững
(4) Từ điển Oxford
(5) Tổng cục Du lịch: Báo cáo thường niên Du lịch Việt Nam 2019, Nxb. Lao Động, Hà Nội, 2020
(6) Thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao Quảng Ninh
(7) Sở Du lịch Quảng Ninh (2020), Số lượng khách du lịch tham quan 8 di sản thế giới tại Việt Nam tăng mạnh, Cổng Thông tin điện tử Sở Du lịch Quảng Ninh
(8) Theo số liệu thống kê, đến nay tỉnh Quảng Ninh đã có 1.300 cơ sở lưu trú được xếp hạng với 20.564 buồng. Đội tàu du lịch tham quan Vịnh Hạ Long có khoảng 500 chiếc, trong đó có 170 tàu thủy lưu trú du lịch với 2.023 phòng...
Phát huy tinh thần “Kỷ luật và đồng tâm” - linh hồn của văn hóa công nhân mỏ, văn hóa người dân đất mỏ trong sự nghiệp xây dựng tỉnh Quảng Ninh giàu đẹp  (30/09/2023)
THAM LUẬN HỘI THẢO: Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số khu vực biên giới tỉnh Quảng Ninh  (30/09/2023)
Thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh: Phát triển văn hóa, du lịch từng bước trở thành thương hiệu, tạo động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội  (30/09/2023)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên