Phát huy giá trị văn hóa trong mô hình OCOP ở các vùng, miền, dân tộc trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh
Phát huy các giá trị văn hóa trong phát triển mô hình OCOP
Quảng Ninh nằm ở phía Đông Bắc Tổ quốc với vị trí địa kinh tế, chính trị chiến lược quan trọng của đất nước; là tỉnh đa dạng về địa hình, có miền núi, biên giới, hải đảo, với diện tích đất liền hơn 6.100km2 và diện tích biển trên 6.000km2, cùng 2.077 đảo lớn, nhỏ. Hiện dân số của tỉnh là trên 1,4 triệu người, với 22 dân tộc anh em cùng chung sống. Quảng Ninh có 4 thành phố, 2 thị xã và 7 huyện; 177 xã, phường, thị trấn; 1.452 thôn, bản, khu phố.
Kinh tế Quảng Ninh luôn giữ vững đà tăng trưởng 2 con số liên tiếp trong 7 năm vừa qua (2016 - 2022); hoàn thành và hoàn thành vượt mức 13/13 chỉ tiêu kinh tế, xã hội và môi trường đề ra. GRDP của tỉnh năm 2022 đạt 10,28%, thu ngân sách nhà nước đạt trên 55.000 tỷ đồng, thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước. Công tác phát triển văn hóa, xã hội, con người, chăm lo bảo đảm an sinh xã hội trong tỉnh luôn được quan tâm, nhất là ở khu vực miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đến nay, 100% số địa phương cấp xã, cấp huyện và tỉnh Quảng Ninh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo theo tiêu chí của Trung ương. Tiếp đà phát triển đó, tỉnh Quảng Ninh đang bước vào xây dựng Nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu và giảm nghèo bền vững theo tiêu chí riêng của tỉnh, cao hơn tiêu chí chung của cả nước.
Với quan điểm văn hóa, con người là nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng phục vụ cho sự phát triển, ngày 9-3-2018, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Trong đó, đặt mục tiêu là giữ gìn và phát huy bền vững bản sắc văn hóa; các giá trị di sản thiên nhiên, di sản văn hóa; sức mạnh đại đoàn kết dân tộc; xây dựng con người Quảng Ninh với các đặc trưng Năng động - Sáng tạo - Hào sảng - Lành mạnh - Văn minh - Thân thiện. Đặc biệt là phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực quan trọng để xây dựng và phát triển Quảng Ninh với các đặc trưng Hành chính minh bạch - Kinh tế phát triển - Văn hóa đặc sắc - Xã hội văn minh - Nhân dân hạnh phúc.
Nghị quyết Đại hội XV của Đảng bộ tỉnh cũng tiếp tục xác định: “Xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh gắn với thu hẹp khoảng cách giàu, nghèo” là một trong 3 khâu đột phá chiến lược; tập trung dành nhiều nguồn lực, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội để tập trung thực hiện hiệu quả, thành công khâu đột phá này.
Được ví như đất nước Việt Nam thu nhỏ, Quảng Ninh là tỉnh có điều kiện địa lý, khí hậu và thổ nhưỡng khá phong phú, đa dạng, có cả vùng núi, vùng biển, vùng đồng bằng, và hình thái khí hậu khác nhau, do vậy ở các làng quê của Quảng Ninh có nhiều sản phẩm đặc sản đặc trưng, như: Trà hoa vàng, ba kích tím Ba Chẽ; nếp cái hoa vàng Đông Triều, lợn Móng Cái, gà Tiên Yên, sá sùng Vân Đồn, mực Cô Tô, ngọc trai Hạ Long… đây chính là những lợi thế để hình thành các sản phẩm đặc trưng OCOP của tỉnh Quảng Ninh.
Yêu cầu về xây dựng nông thôn mới ở Quảng Ninh vừa tập trung đầu tư hỗ trợ xây dựng hạ tầng kỹ thuật, vừa phải phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm cho nhân dân khu vực nông thôn. Sau nhiều năm hỗ trợ sản xuất nhỏ, lẻ, kém hiệu quả, năm 2013 tỉnh đưa Chương trình OCOP (Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”) vào triển khai đã tạo ra giải pháp quan trọng trong phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho người dân nông thôn, nâng mức thu nhập bình quân từ 10 triệu đồng/người (năm 2010) lên 56 triệu đồng/người (năm 2022).
Để phát huy có hiệu quả các giá trị văn hóa trong phát triển mô hình OCOP các vùng miền, dân tộc, tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều giải pháp, ban hành nhiều cơ chế, chính sách, ưu tiên lồng ghép các nguồn lực để hỗ trợ phát triển sản xuất gắn với đẩy nhanh tiến độ hoàn thành Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Với quan điểm phát triển sản phẩm OCOP phải dựa trên thế mạnh, lợi thế về nguyên liệu địa phương, văn hóa và tri thức bản địa, trong đó tập trung phát triển các sản phẩm đặc sản, sản vật và làng nghề truyền thống, dịch vụ du lịch có lợi thế của phường, xã, cộng đồng theo chuỗi giá trị. Phát triển OCOP phải dựa trên 3 nguyên tắc cơ bản là: Hành động địa phương, hướng đến toàn cầu; Tự lực, tự tin và sáng tạo; Đào tạo nguồn nhân lực, trên cơ sở nguyên lý hỗ trợ sản xuất theo chuỗi giá trị hoàn chỉnh từ sản xuất ngoài cánh đồng - thu hoạch - chế biến - tiêu thụ để gia tăng giá trị nguyên liệu bản địa, gắn với truyền thống văn hóa vùng, miền.
Sau gần 10 năm triển khai đến nay, Quảng Ninh đã có 569 sản phẩm tham gia Chương trình OCOP, trong đó có 336 sản phẩm đạt từ 3-5 sao; có 3 sản phẩm đạt 5 sao cấp Trung ương; 87 sản phẩm đạt 4 sao và có 246 sản phẩm đạt 3 sao. Toàn tỉnh có 219 đơn vị sản xuất, trong đó có 54 doanh nghiệp, 87 hợp tác xã, 78 hộ kinh doanh cá thể.
Có thể khẳng định, Chương trình OCOP là hướng đi đúng đắn, là giải pháp cụ thể, quan trọng, phù hợp với điều kiện khu vực nông thôn, cùng với Chương trình xây dựng Nông thôn mới đã góp phần thúc đẩy cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa tập trung, xây dựng thương hiệu, gia tăng giá trị sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người sản xuất. Chương trình OCOP đã khai thác và phát huy được thế mạnh về sản xuất nông nghiệp của tỉnh, dần trở thành một chương trình phát triển kinh tế quan trọng, chất lượng sản phẩm từng bước được nâng cao, mẫu mã bao bì được cải thiện, trình độ năng lực của các tổ chức kinh tế tham gia Chương trình được nâng lên. Các sản phẩm từng bước được chuyên nghiệp, chuẩn hóa, giao dịch trên các sàn thương mại điện tử; các trung tâm thương mại, các cửa hàng OCOP và được người tiêu dùng tin tưởng, sử dụng.
Tuy nhiên, việc phát huy các giá trị văn hóa trong phát triển mô hình OCOP ở các vùng miền, dân tộc trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế: Một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa quyết liệt trong chỉ đạo phát triển sản phẩm OCOP, chưa xem OCOP là chương trình kinh tế quan trọng, gắn với phát huy các giá trị văn hóa truyền thống vùng miền, do đó các sản phẩm OCOP phát triển thiếu tính bền vững. Chủ thể OCOP còn gặp khó khăn để tiếp cận các cơ chế chính sách hỗ trợ của nhà nước; vai trò “bà đỡ” đối với chủ thể OCOP ở một số nơi chưa thực sự rõ nét. Một bộ phận chủ thể OCOP chưa nhận thức được tầm quan trọng trong việc tạo ra các sản phẩm OCOP có chất lượng cao gắn với văn hóa vùng miền, dân tộc.
Một số giải pháp trong thời gian tới để phát huy giá trị văn hóa trong phát triển mô hình OCOP
Để phát huy giá trị văn hóa trong phát triển mô hình OCOP ở các vùng miền, dân tộc, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Ninh đề xuất một số giải pháp cụ thể như sau:
Thứ nhất, tăng cường tuyên truyền, quảng bá, nâng cao nhận thức cho cộng đồng trong việc phát huy giá trị văn hóa trong phát triển OCOP ở các vùng miền. Phát huy tối đa các kênh truyền thông của Trung ương và địa phương, các website, các trang mạng xã hội như: youtube, tiktok, facebook trong quảng bá các sản vật truyền thống, các giá trị văn hóa, tiềm năng lợi thế của địa phương. Các cơ quan báo chí xây dựng các chuyên trang, chuyên mục để tuyên truyền về Chương trình OCOP, quảng bá các sản phẩm và các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Tổ chức lồng ghép nội dung tuyên truyền về Chương trình OCOP vào các hội nghị, hội thảo cấp tỉnh, huyện, xã, thôn; họp thôn văn hóa và Chương trình xây dựng nông thôn mới; các cuộc họp, hội nghị của các tổ chức xã hội - nghề nghiệp... xây dựng sàn giao dịch thương mại điện tử OCOP để quảng bá, giới thiệu rộng rãi các sản phẩm của Chương trình OCOP đến người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Thứ hai, hỗ trợ các chủ thể tiếp cận các cơ chế, chính sách, huy động các nguồn lực hỗ trợ Chương trình OCOP, theo các chính sách của Trung ương và rà soát, đánh giá các chính sách riêng của tỉnh đã ban hành, sửa đổi bổ sung ban hành chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP, gắn với phát huy giá trị văn hóa bản địa trong từng sản phẩm, xây dựng hệ thống bán hàng hoàn chỉnh trong các tuyến điểm du lịch, các chợ nông thôn, các cửa hàng tiện ích, tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ thể tham gia sản xuất và tiêu thụ làm gia tăng giá trị cho các sản phẩm OCOP của tỉnh.
Thứ ba, xây dựng các “Câu chuyện sản phẩm” mang đậm bản sắc văn hóa vùng, miền là thông điệp mà chủ thể OCOP muốn truyền tải đến cộng đồng, người tiêu dùng nhằm thay đổi cảm xúc của họ khi mua sắm sản phẩm, dịch vụ, tạo nên thương hiệu. Từng câu chuyện sản phẩm OCOP chứa đựng niềm tự hào, dấu ấn, giá trị văn hóa truyền thống của mỗi vùng đất. Một trong những sự khác biệt của phẩm OCOP so với các sản phẩm thông thường khác là phải có câu chuyện sản phẩm gắn với lịch sử truyền thống, giá trị văn hóa và yếu tố địa danh...
Cơ quan điều hành OCOP các địa phương cần có nhiều giải pháp hỗ trợ chủ thể lựa chọn sản phẩm tiềm năng đăng ký tham gia chương trình, hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ, chuẩn hóa sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng. Cán bộ OCOP các cấp phải luôn quan tâm, hướng dẫn chủ thể cách xây dựng câu chuyện hấp dẫn, ý nghĩa, gần gũi, mộc mạc nhưng thể hiện được sự tinh túy, cầu kỳ trong sản xuất, chế biến. Câu chuyện sản phẩm phải được in trên bao bì từng sản phẩm OCOP, giúp chủ thể OCOP quảng bá nét văn hóa đặc sắc, giới thiệu sản phẩm tới người tiêu dùng.
Thứ tư, giá trị văn hóa được thể hiện thông qua việc tạo ra các sản phẩm có chất lượng tốt nhất dựa trên sức mạnh của cộng đồng. Để có được lòng tin của người tiêu dùng, sản phẩm OCOP phải có chất lượng tốt nhất. Sản phẩm OCOP đạt từ 3-5 sao phải được đánh giá dựa trên 3 nhóm tiêu chí theo Bộ tiêu chí Đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP do Thủ tướng Chính phủ ban hành, gồm: Nhóm tiêu chí sức mạnh cộng đồng; nhóm tiêu chí về chất lượng và nhóm thương mại hóa. Sản phẩm 4 sao phải đạt 70 điểm đến 90 điểm; 5 sao phải đạt trên 90 điểm. Để đạt sao, sản phẩm OCOP phải có vùng nguyên liệu ổn định và đạt tiêu chuẩn cao; có nhà xưởng, máy móc, thiết bị công nghệ hiện đại để sản phẩm làm ra được đồng đều; thiết kế bao bì mẫu mã đẹp, thuận tiện và phải có tem truy xuất nguồn gốc; ngoài ra, các sản phẩm phải được kiểm nghiệm đạt các chỉ tiêu về an toàn thực phẩm; có câu chuyện hấp dẫn và có hợp đồng tiêu thụ ở nhiều kênh thương mại khác nhau để minh chứng cho uy tín và thương hiệu sản phẩm...
Cần tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng chủ thể OCOP nhận thức được chất lượng là một trong những yếu tố giá trị hàng đầu cần được đưa vào tuyên ngôn sứ mệnh của mình và đây cũng là giá trị văn hóa cốt lõi kết tinh trong từng sản phẩm.
Thứ năm, tập trung các hoạt động xúc tiến, quảng bá giá trị sản phẩm gắn với việc cụ thể hóa Quyết định số 922/QĐ-TTg, ngày 2-8-2022, của Thủ tướng Chính phủ, "Phê duyệt Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025" để xây dựng kế hoạch triển khai các sản phẩm du lịch cộng đồng gắn Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”. Tăng cường kết nối du lịch nông nghiệp, nông thôn, hình thành các tour, tuyến chất lượng, đa dạng và hấp dẫn. Đẩy mạnh hỗ trợ các cộng đồng nông thôn làm du lịch nông nghiệp, nông thôn, thông qua các doanh nghiệp du lịch, lữ hành. Hình thành các “điểm đến vệ tinh” với các trung tâm du lịch lớn, nhằm giới thiệu, lan tỏa những điểm đến ở nông thôn, đặc biệt là đối với khách du lịch quốc tế.
Tổ chức Hội chợ OCOP thường niên vào các dịp lễ, tết, các lễ hội truyền thống văn hóa địa phương gắn với các hoạt động quảng bá xúc tiến du lịch; tổ chức các tuần kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP để phục vụ du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan và mua sắm. Kết nối đưa sản phẩm OCOP vào các trung tâm thương mại, các cửa hàng tiện lợi, xây dựng các điểm giới thiệu và bán hàng OCOP; tăng cường bán hàng OCOP qua mạng inernet.
Đề xuất kiến nghị
- Đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có chương trình phối hợp với các cơ quan truyền thông quốc gia mở chuyên mục tuyên truyền về sản phẩm OCOP để người dân và du khách trong cả nước nâng cao hiểu biết về Chương trình OCOP và các sản phẩm OCOP mang đậm các giá trị văn hóa vùng miền, dân tộc. Đề nghị Bộ chỉ đạo các tỉnh đẩy nhanh tiến độ triển khai phát triển sản phẩm thuộc Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” trên địa bàn cả nước và có các hoạt động kết nối để các sản phẩm văn hóa vùng, miền được giao lưu, trao đổi, tiêu thụ phục vụ khách du lịch trong và ngoài nước.
- Đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu tham mưu cho Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực du lịch nông nghiệp, nông thôn, du lịch trải nghiệm gắn với các giá trị văn hóa vùng miền, văn hóa truyền thống của từng dân tộc./.
THAM LUẬN HỘI THẢO: Quảng Ninh phát triển du lịch trên nền tảng các di sản văn hóa  (30/09/2023)
Phát huy tinh thần “Kỷ luật và đồng tâm” - linh hồn của văn hóa công nhân mỏ, văn hóa người dân đất mỏ trong sự nghiệp xây dựng tỉnh Quảng Ninh giàu đẹp  (30/09/2023)
THAM LUẬN HỘI THẢO: Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số khu vực biên giới tỉnh Quảng Ninh  (30/09/2023)
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm