Quảng Ninh chủ động hội nhập, tăng cường hợp tác giao lưu quốc tế về văn hóa
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế diễn ra ngày càng sâu rộng, văn hóa được nhiều quốc gia sử dụng như một công cụ đắc lực của “quyền lực mềm”. Với Việt Nam, ngoại giao văn hóa đã được ông cha ta vận dụng linh hoạt, khéo léo trong công cuộc đấu tranh, bảo vệ và xây dựng đất nước.
Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 2013/QĐ-TTg, ngày 30-11-2021, nêu rõ vai trò của nền ngoại giao văn hóa, đó là đưa quan hệ Việt Nam với các đối tác đi vào chiều sâu, ổn định; bảo đảm lợi ích quốc gia - dân tộc, tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; huy động nguồn lực bên ngoài, biến điều kiện thuận lợi, vị thế đất nước thành nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời tôn vinh các giá trị, vẻ đẹp của văn hóa Việt Nam, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, qua đó khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, tăng cường sức mạnh mềm, nâng cao vị thế quốc gia. Đồng thời, vai trò này cũng được khẳng định tại Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng: “đóng góp thiết thực vào quảng bá mạnh mẽ hình ảnh quốc gia và tăng cường sức mạnh tổng hợp của đất nước”.
Nhận thức được vai trò và tầm quan trọng của ngoại giao văn hóa, trong thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Quảng Ninh đã bám sát chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước để chủ động và linh hoạt triển khai công tác ngoại giao văn hóa tại địa phương, bảo đảm đồng bộ, phù hợp với điều kiện thực tiễn của tỉnh.
Tỉnh Quảng Ninh được xác định là địa bàn chiến lược về kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh và đối ngoại; là cửa ngõ hội nhập quốc tế với thế giới của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và kết nối với khu vực ASEAN, Trung Quốc, Đông Bắc Á… Được ví như “một Việt Nam thu nhỏ”, tỉnh Quảng Ninh hội tụ nhiều tiềm năng, điều kiện; là tỉnh duy nhất có cả đường biên giới trên bộ và trên biển với Trung Quốc (đường biên giới trên bộ 118,8 km; đường phân định Vịnh Bắc Bộ trên biển 191 km); có nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú, đa dạng với trữ lượng than lớn nhất Đông Nam Á. Bên cạnh đó, Quảng Ninh còn có nhiều cảnh quan có giá trị toàn cầu, như: Di sản - Kỳ quan thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long, Quần thể danh thắng Yên Tử; có nền tảng văn hóa lâu đời với 22 dân tộc sinh sống, là nơi hội tụ, giao thoa, thống nhất trong đa dạng của nền văn minh sông Hồng… cùng hơn 600 di tích lịch sử, văn hóa. Đây là những điều kiện thuận lợi để Quảng Ninh hội nhập sâu rộng, tăng cường hợp tác giao lưu quốc tế về văn hóa và là cơ hội lớn để tỉnh phát triển kinh tế tổng hợp, toàn diện, hiện đại với độ mở cao.
Bám sát chiến lược Chiến lược ngoại giao văn hóa của Việt Nam đến năm 2020, Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành, tỉnh Quảng Ninh luôn chủ động, tích cực hội nhập quốc tế và tăng cường hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực đối ngoại, đặc biệt là ngoại giao văn hóa. Tỉnh đã tăng cường triển khai các chương trình hợp tác, các hoạt động giao lưu văn hóa với các địa phương nước ngoài và các tổ chức quốc tế; gắn kết các hoạt động ngoại giao văn hóa với các hoạt động thông tin đối ngoại, ngoại giao chính trị và ngoại giao kinh tế… Một số hoạt động, chương trình cụ thể có thể kể đến là:
Giai đoạn 2010-2020: Tỉnh đã đón tiếp các đoàn famtrip, presstrip quốc tế đến khảo sát, đưa tin về các tuyến, điểm du lịch tại Quảng Ninh; xây dựng các ấn phẩm, cẩm nang, video clip nhiều ngôn ngữ (tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Trung Quốc, tiếng Nhật Bản) quảng bá về văn hóa, du lịch Quảng Ninh để phát trên các phương tiện vận chuyển, nhà ga, các tạp chí đặt trên các chuyến bay trong nước và quốc tế; tổ chức thành công nhiều chương trình xúc tiến du lịch Quảng Ninh quy mô lớn tại các quốc gia: Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Anh, Nga, Cộng hòa Séc...; cử các đoàn đại biểu tham dự các sự kiện văn hóa, du lịch do các địa phương, đối tác quốc tế tổ chức...
Nhiều đoàn nghệ thuật, thể thao của Quảng Ninh tham gia các sân chơi văn hóa, thể thao tại nước ngoài, điển hình như: tham gia giải bơi thuyền châu Á tại Quảng Tây (Trung Quốc); tham gia giải vô địch Taekwondo Đông Nam Á tại Thái Lan; giải cờ vua Đông Nam Á tại Myanmar; giải đua thuyền rồng quốc tế tại thành phố Phòng Thành Cảng (Trung Quốc); giải vô địch canoeing Đông Nam Á, vô địch Muay thế giới và cờ vua quốc tế tại Thái Lan…
Đồng thời, tỉnh đã cử các đoàn nghệ thuật tham gia các sự kiện văn hóa ở nước ngoài; triển khai các chương trình hợp tác văn hóa với Quảng Tây, Hải Nam (Trung Quốc), Gangwon (Hàn Quốc), Luang Prabang (Lào), Cebu (Philippin), Nhật Bản; chủ trì và phối hợp tổ chức thành công nhiều sự kiện văn hóa quốc tế, tiêu biểu như: Lễ hội Hoa Anh đào - Mai vàng Yên Tử, Lễ hội Carnaval Hạ Long, Hội thi giao lưu hát đối hữu nghị Việt - Trung trên sông biên giới, Cuộc thi Tiếng hát Hữu nghị Việt - Trung, Liên hoan âm nhạc mới quốc tế Á - Âu, Cuộc thi Tiếng hát ASEAN+3, Liên hoan Xiếc quốc tế - Hạ Long 2019, Festival âm nhạc quốc tế - Hạ Long 2020... Cho phép tổ chức Ngày quốc tế Yoga (Ấn Độ) tại Quảng Ninh, Tuần văn hóa Idonesia, Ẩm thực Nhật Bản tại thành phố Hạ Long,… Những hoạt động văn hóa, du lịch trên đã trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc của địa phương, làm cho văn hóa trở thành sức mạnh mềm, thu hút khách du lịch quốc tế, nhà đầu tư nước ngoài đến với Quảng Ninh, tranh thủ ngoại lực và sự ủng hộ quốc tế đối với tỉnh. Đồng thời, qua đó quảng bá hình ảnh một Hạ Long năng động, rực rỡ, đa sắc màu, đóng góp đắc lực trong tiến trình hội nhập quốc tế của đất nước.
Từ đầu năm 2022 đến nay: Tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức thành công nhiều sự kiện đối ngoại quan trọng như: Hội nghị trực tuyến Gặp gỡ đầu xuân năm 2022 và Hội nghị lần thứ 13 Ủy ban công tác Liên hợp giữa các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang (Việt Nam) với Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc), Hội nghị trực tuyến kỷ niệm 5 năm thiết lập quan hệ hữu nghị với tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc), Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Quảng Ninh năm 2022 trong khuôn khổ sự kiện Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC (ABAC), Đại hội đồng Diễn đàn Du lịch Liên khu vực Đông Á (EATOF) lần thứ 17 năm 2022 gắn với Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập EATOF; Hội nghị triển khai chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW, ngày 23-11-2022, của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Xúc tiến đầu tư Vùng với chủ đề “Liên kết phát triển - Đổi mới sáng tạo - Xanh và Bền vững”, Hội nghị phát triển dịch vụ logistics tỉnh Quảng Ninh,... thu hút sự tham gia của đông đảo du khách, nhà quản lý, nhà đầu tư, các doanh nhân, học giả,.. đến từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ.
Đặc biệt, tỉnh đã tổ chức thành công 7 môn thi đấu SEA Games 31 tại Quảng Ninh; 21 môn tại Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX tại Quảng Ninh, nhận được sự ghi nhận, đánh giá cao của các đoàn vận động viên trong nước và khu vực về tham dự. Trong khuôn khổ Lễ hội Việt Nam tại Sapporo (Nhật Bản) vào tháng 9-2022, tỉnh Quảng Ninh đã tích cực tham dự và tổ chức giới thiệu các sản phẩm OCOP đặc trưng, ấn phẩm du lịch của tỉnh; kết nối với chính quyền tỉnh Hokkaido (Nhật Bản), tạo tiền đề cho việc tổ chức lễ hội Hokkaido tại Hạ Long dự kiến vào tháng 11-2023 - sự kiện rất ý nghĩa trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản. Đồng thời, tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức thành công cuộc thi “Tiếng hát hữu nghị Việt - Trung” năm 2022. Đây là sự kiện văn hóa hướng tới kỷ niệm 72 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam - Trung Quốc, nhằm xúc tiến giao lưu, giới thiệu, quảng bá những giá trị văn hóa tốt đẹp, tăng cường tình hữu nghị và sự hiểu biết giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Trung Quốc.
Không chỉ tổ chức thành công, ấn tượng các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch cấp quốc gia, quốc tế tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, các doanh nghiệp, địa phương của tỉnh cũng đẩy mạnh tổ chức hoạt động, sự kiện văn hóa, thể thao nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế du lịch địa phương, như: Tuần Văn hóa - Du lịch, Hội Mùa vàng Bình Liêu năm 2022, Hội hoa sở Bình Liêu năm 2022; Liên hoan Văn hóa ẩm thực Vân Đồn lần thứ 2; Lễ hội Văn hóa - Thể thao dân tộc Sán Chỉ - Mùa vàng Soóng cọ (Tiên Yên)... Các sự kiện này đã trở thành cơ hội để quảng bá hình ảnh, bản sắc, văn hóa, con người của tỉnh Quảng Ninh, điểm đến “an toàn, thân thiện, hấp dẫn” đối với du khách và nhà đầu tư.
Về kết quả triển khai:
Có thể khẳng định, ngoại giao văn hóa đã góp phần quan trọng mở đường cho quan hệ hợp tác hữu nghị của tỉnh Quảng Ninh với các địa phương, đối tác nước ngoài; là chất xúc tác đẩy mạnh ngoại giao chính trị và ngoại giao kinh tế; là công cụ quảng bá mạnh mẽ văn hóa và hình ảnh của tỉnh Quảng Ninh ra trường quốc tế, giúp khẳng định và giữ vững thương hiệu của tỉnh; đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh trong những năm qua.
Năm 2020 , trong giai đoạn khó khăn của nền kinh tế trước ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, tỉnh Quảng Ninh vẫn thu hút được nhiều nhà đầu tư, tập đoàn lớn trong nước và quốc tế tin tưởng lựa chọn đầu tư, phát triển các dự án quy mô lớn. Thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn tỉnh, năm 2020 đạt khoảng 28.387,5 tỷ đồng, tương đương khoảng 1.218 triệu USD, trong đó vốn FDI khoảng 592,5 triệu USD, gấp 2,6 lần so với năm 2019.
Ngành du lịch cũng đạt được nhiều kết quả ấn tượng, với gần 5,8 triệu lượt khách quốc tế đến với Quảng Ninh trong năm 2019. Năm 2020, do tình hình đại dịch COVID-19, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam nói chung và Quảng Ninh nói riêng sụt giảm mạnh. Tỉnh Quảng Ninh đã chủ động tổ chức thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trong toàn ngành du lịch; hỗ trợ, cung cấp thông tin cho khách du lịch qua các kênh thông tin đa dạng; ban hành nhiều chính sách kích cầu du lịch, bảo đảm thực hiện “mục tiêu kép” đẩy lùi dịch bệnh và phát triển kinh tế...
Với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, trong năm 2022, tỉnh Quảng Ninh đã đạt được những kết quả quan trọng, cụ thể: Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2022 tăng 10,28%, là năm thứ 7 liên tiếp (từ 2016 đến 2022), tỉnh Quảng Ninh đạt mức tăng trưởng 2 con số. Tổng khách du lịch ước đạt 11,6 triệu lượt, gấp 2,6 lần so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp trên địa bàn ước đạt 2.783 triệu USD, tăng 8,58% cùng kỳ. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh Quảng Ninh tiếp tục giữ vị trí Quán quân 05 năm liên tiếp (2016 - 2021); Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) đứng thứ nhất toàn quốc 3 năm liên tiếp (2019 - 2021), Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) năm 2021 đứng thứ 2 cả nước.
Nhận thức ngoại giao văn hóa là yếu tố quan trọng trong nền ngoại giao Việt Nam, tỉnh Quảng Ninh sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động ngoại giao văn hóa, lồng ghép đồng bộ với các kênh ngoại giao để góp phần quảng bá, nâng cao vị thế của địa phương trên trường quốc tế, tranh thủ các nguồn lực và sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế.
Phát huy những thành tựu đạt được, trên cơ sở bám sát Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2030 tại Quyết định số 2013/QĐ-TTg, ngày 30-11-2021, của Thủ tướng Chính phủ; Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Kế hoạch số 188/KH-UBND, ngày 4-8-2022, về việc triển khai Chiến lược Ngoại giao văn hóa của tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030; trong đó, đề ra 6 nhóm giải pháp trọng tâm, cụ thể là:
(1) Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về ngoại giao văn hóa trên địa bàn tỉnh, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc thông qua việc tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền một cách đa dạng, sáng tạo, chú trọng khai thác và phát triển những lợi thế của công nghệ thông tin và các loại hình truyền thông hiện đại để tối đa hóa khả năng tiếp cận của nhân dân trong và ngoài nước
(2) Quảng bá hình ảnh, bản sắc văn hóa các dân tộc của tỉnh đến với bạn bè và cộng đồng quốc tế; tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại thông qua việc quảng bá và thực hiện tốt công tác tổ chức các lễ hội truyền thống, sự kiện/hoạt động văn hóa nghệ thuật tiêu biểu, đặc sắc của tỉnh; đầu tư, quảng bá, bảo tồn các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể trên địa bàn tỉnh; tăng cường phối hợp với các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài để tuyên truyền, quảng bá về mảnh đất, con người, văn hóa giàu bản sắc của tỉnh Quảng Ninh.
(3) Thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp văn hóa trên địa bàn tỉnh trên cơ sở khai thác tốt tiềm năng, lợi thế như du lịch văn hóa, quảng cáo, nghệ thuật biểu diễn,...; đăng cai, phối hợp tổ chức các sự kiện văn hóa nghệ thuật quốc tế trên địa bàn tỉnh; lồng ghép các chương trình quảng bá phát triển công nghiệp văn hóa gắn với các sự kiện ngoại giao văn hóa trong và ngoài nước.
(4) Gắn kết chặt chẽ ngoại giao văn hóa với ngoại giao chính trị, thông qua việc tiếp tục duy trì hoạt động ngoại giao văn hóa với các địa phương có quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống cũng như phát triển, mở rộng giao lưu, hợp tác với các thành phố, địa phương trên thế giới. Đồng thời, triển khai Chiến lược ngoại giao văn hóa gắn kết với các hoạt động ngoại giao kinh tế như tăng cường đưa hình ảnh đẹp về thiên nhiên, văn hóa, con người, các loại hình nghệ thuật dân gian, đặc sản địa phương, ẩm thực Quảng Ninh vào các hoạt động xúc tiến, kích cầu du lịch, thương mại quốc tế.
(5) Gắn kết các hoạt động ngoại giao văn hóa với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài trong việc quảng bá hình ảnh, bản sắc văn hóa tỉnh Quảng Ninh. Tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện để cộng đồng người Quảng Ninh ở nước ngoài giới thiệu, quảng bá bản sắc văn hóa tỉnh Quảng Ninh tại nước sở tại.
(6) Tăng cường nguồn lực, công tác đào tạo, bồi dưỡng về ngoại giao văn hóa và xây dựng, hoàn thiện, bảo đảm thực hiện cơ chế, chính sách. Phối hợp với các bộ, ngành trung ương tổ chức các lớp tập huấn chuyên đề nâng cao lý luận, nhận thức và chuyên môn về hoạt động ngoại giao văn hóa cho lãnh đạo các cấp, các ngành, địa phương và đội ngũ cán bộ trực tiếp tham mưu công tác này.
Kế hoạch triển khai Chiến lược Ngoại giao văn hóa của tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030 là cơ sở cho các sở, ban, ngành, địa phương thuộc tỉnh thực hiện công tác ngoại giao văn hóa một cách thống nhất, đồng bộ để ngoại giao văn hóa là một trụ cột quan trọng trong công tác đối ngoại của tỉnh; tạo đồng thuận trong nhận thức và hành động của các sở, ban, ngành, địa phương, các tổ chức, doanh nghiệp, người dân về hoạt động ngoại giao văn hóa của tỉnh. Các sở, ban ngành của tỉnh đã chủ động trong quá trình triển khai kế hoạch, hình thành được cơ chế, chính sách và bố trí kinh phí triển khai các hoạt động để thúc đẩy ngoại giao văn hóa. Ngoài ra, hàng năm tỉnh ban hành Kế hoạch đối ngoại chung của tỉnh để triển khai thực hiện và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, địa phương triển khai thực hiện, bảo đảm đồng bộ, hiệu quả./.
Phát huy giá trị văn hóa trong mô hình OCOP ở các vùng, miền, dân tộc trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh  (30/09/2023)
THAM LUẬN HỘI THẢO: Quảng Ninh phát triển du lịch trên nền tảng các di sản văn hóa  (30/09/2023)
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm