Phát triển công nghiệp văn hóa, tạo động lực phát triển nhanh và bền vững ở Quảng Ninh hiện nay
Là vùng đất cổ giao thoa giữa văn hóa biển, đảo và văn hóa đồng bằng Bắc Bộ, Quảng Ninh hội tụ đầy đủ các điều kiện thuận lợi để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Đây vừa xu hướng khách quan vừa là chủ trương của tỉnh Quảng Ninh nhằm gắn kết hài hòa giữa kinh tế và văn hóa, qua đó phát huy các giá trị văn hóa, thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững.
1- Quảng Ninh là một tỉnh miền núi, duyên hải, ở địa đầu phía đông bắc của nước ta với tổng diện tích trên 12.200km2, trong đó có trên 6.100km2 đất liền và trên 6.100km2 diện tích mặt nước biển. Là vùng đất cổ có lịch sử lâu đời, tỉnh Quảng Ninh là nơi hội tụ, giao thoa, thống nhất trong đa dạng của nền văn minh sông Hồng, đồng thời là một trong những cái nôi của giai cấp công nhân Việt Nam với truyền thống “kỷ luật và đồng tâm”. Quảng Ninh sở hữu đa dạng các chủ thể văn hóa với cộng đồng 22 dân tộc anh em. Chính điều kiện địa lý giao thoa đặc biệt đã tạo nên những phẩm chất đặc trưng cho con người Quảng Ninh, như kiên cường, năng động, sáng tạo, hào sảng. Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Ninh còn có kho tàng di sản văn hóa vô giá gồm 609 di tích lịch sử, văn hóa và danh thắng, trong đó có 5 di tích quốc gia đặc biệt, 1 di sản thiên nhiên thế giới (Vịnh Hạ Long), 52 di tích cấp quốc gia, 78 di tích cấp tỉnh, 474 di tích đã được kiểm kê, phân loại cùng 362 di sản văn hóa phi vật thể được chia làm 7 loại hình (tiếng nói chữ viết, ngữ văn dân gian, nghệ thuật trình diễn dân gian, tập quán xã hội, lễ hội truyền thống, nghề thủ công, tri thức dân gian)(1). Các di sản này được coi là hồn cốt, chất chứa tinh hoa của dòng chảy văn hóa trong suốt chiều dài lịch sử, đồng thời là nguồn lực to lớn cho sự phát triển bền vững ở Quảng Ninh trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Trên cơ sở xác định tiềm năng, lợi thế, nguồn lực để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, tỉnh Quảng Ninh quán triệt quan điểm, chủ trương của Đảng được đề ra trong Văn kiện Đại hội XIII là: “Khẩn trương triển khai phát triển có trọng tâm, trọng điểm ngành công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa trên cơ sở xác định và phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam, vận dụng có hiệu quả các giá trị, tinh hoa và thành tựu mới của văn hóa, khoa học, kỹ thuật, công nghệ của thế giới”(2). Cùng với đó là Nghị quyết số 30-NQ/TW, ngày 23-11-2022, của Bộ Chính trị “Về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, trong đó nhấn mạnh: Khai thác và phát huy các thế mạnh của vùng về địa chính trị, địa kinh tế, điều kiện tự nhiên, các giá trị văn hóa, lịch sử… Phát triển kinh tế hài hòa với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; bảo đảm bình đẳng trong tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa, giá trị lịch sử, nhất là văn hóa đồng bằng Bắc Bộ. Mục tiêu đến năm 2030 đồng bằng sông Hồng là vùng phát triển nhanh, bền vững, có cơ cấu kinh tế hợp lý, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Nghị quyết cũng đề ra các nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ, trong đó nhấn mạnh đến nhiệm vụ phát triển tỉnh Quảng Ninh trở thành trung tâm du lịch kết nối với khu vực và thế giới(3).
2- Thực hiện theo các quan điểm chỉ đạo trên, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh đã tập trung phát huy tối đa nội lực, khai thác tốt nhất các tiềm năng, lợi thế, gắn phát kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, tạo động lực cho phát triển bền vững của địa phương, bước đầu đã có những kết quả quan trọng.
Trong lĩnh vực du lịch văn hóa:
Quảng Ninh hiện có 91 điểm du lịch, 2 khu du lịch địa phương, 1 khu du lịch quốc gia. Các sản phẩm gồm: du lịch biển đảo, du lịch văn hóa, tâm linh, du lịch cộng đồng sinh thái và du lịch biên giới. Thời gian qua, du lịch văn hóa luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của cấp ủy và chính quyền địa phương nên có nhiều khởi sắc, bước đầu xây dựng được thương hiệu du lịch văn hóa của tỉnh, cụ thể như sau:
Thứ nhất, về du lịch văn hóa lễ hội: Quảng Ninh hiện có 76 lễ hội truyền thống và trong 4 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Các lễ hội này diễn ra quanh năm, trong đó tập trung nhiều nhất vào mùa xuân, gắn với các di tích lịch sử văn hóa của địa phương, như lễ hội đền Cửa Ông, lễ hội Yên Tử, lễ hội Tiên Công, lễ hội đình Trà Cổ Móng Cái, lễ hội đình Quan Lạn và gần đây là lễ hội Carnaval Hạ Long theo phong cách quốc tế. Cốt lõi tạo nên những lễ hội này chính những điển tích, những câu chuyện văn hóa gắn với các vị anh hùng, những người có công với dân với nước, có ý nghĩa thiêng liêng (Phật Hoàng Trần Nhân Tông, tướng quân Trần Quốc Tảng, Ngô Quyền, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn và Lê Hoàn, 17 vị Tiên Công…). Lễ hội văn hóa được tổ chức không chỉ góp phần giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn, cầu cho mùa màng bội thu, mà còn là nơi giao lưu, cộng cảm và trao truyền những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc, là cầu nối giữa quá khứ với hiện tại, củng cố tình yêu quê hương đất nước, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc, đồng thời thỏa mãn nhu cầu tinh thần của người dân và du khách. Ngoài các sản phẩm du lịch văn hóa trên thì phải kể đến một loại hình di sản Then cổ đặc sắc của người Tày ở tỉnh Quảng Ninh. Di sản này nằm trong hợp phần “Thực hành then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam” đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Vốn là một hình thức sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng, hát then đã phát triển thành một hình thức văn nghệ dân gian. Việc phát huy loại hình di sản then cổ này không chỉ phục vụ đời sống văn hóa tâm linh của người dân, mà còn trở thành chất liệu độc đáo tạo nên dòng sản phẩm du lịch đặc sắc, hấp dẫn đối với du khách.
Thứ hai, về du lịch văn hóa tâm linh: Tỉnh Quảng Ninh phát triển chuỗi các khu di tích, danh thắng tiêu biểu, như di tích lịch sử nhà Trần (Đông Triều), quần thể di tích danh thắng Yên Tử, chùa Ba Vàng (Uông Bí), chùa Lôi Âm và chùa Long Tiên (Hạ Long), đền Cửa Ông (Cẩm Phả), chùa Cái Bầu (Vân Đồn)…
Thứ ba, về du lịch di sản thiên nhiên: Tỉnh Quảng Ninh phát triển loại hình này khá hiệu quả trên cơ sở khai thác các tuyến du lịch tới vịnh Hạ Long - Di sản thiên nhiên thế giới, ruộng bậc thang ở Lục Hồn (huyện Bình Liêu), cùng nhiều danh thắng khác, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước.
Thứ tư, về du lịch làng nghề thủ công truyền thống: Tỉnh Quảng Ninh hiện có một số địa phương phát triển du lịch làng nghề thủ công truyền thống, như thị xã Đông Triều với nghề gốm sứ; thị xã Quảng Yên với nghề đan ngư cụ, đóng tàu vỏ gỗ; huyện Vân Đồn với nghề nuôi cấy ngọc trai... Từ năm 2017, sản phẩm ngọc trai Vân Đồn đã được xếp hạng 5 sao, đạt tiêu chuẩn quốc tế. Mỗi ngày, mỗi điểm tham quan, mua sắm ngọc trai đã đón tiếp hàng nghìn lượt du khách.
Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Ninh còn tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào các công trình văn hóa, các khu du lịch giải trí quy mô lớn, tạo thêm những dòng sản phẩm du lịch văn hóa mới, phong phú, đa dạng, như Khu vui chơi giải trí Sun World Ha Long Park, Khu nghỉ dưỡng khóang nóng cao cấp (thành phố Cẩm Phả), Quần thể du lịch nghỉ dưỡng FLC Hạ Long, Khu vui chơi giải trí quốc tế Tuần Châu, Công viên Dragon Park, Bảo tàng tranh 3D Funny Art...
Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ của ngành du lịch Quảng Ninh trong giai đoạn từ năm 2015 - 2022 cho thấy: Lượng khách và doanh thu từ du lịch đều tăng trưởng tốt qua từng năm (từ 7,76 triệu lượt năm 2015 tăng lên 14 triệu lượt vào năm 2019), trong đó lượng khách quốc tế tăng từ 2,75 triệu lượt khách lên tới 5,74 triệu lượt. Lượng khách nội địa tăng từ hơn 5 triệu lượt lên hơn 8,25 triệu lượt. Doanh thu của du lịch văn hóa ước đạt 20% doanh thu của toàn ngành du lịch Quảng Ninh (Doanh thu từ du lịch đạt 10.900 tỷ, nộp ngân sách 1.200 tỷ năm 2015, đến năm 2019, doanh thu tăng lên 29,486 tỷ và nộp ngân sách 3,568 tỷ đồng. Từ năm 2020, do ảnh hưởng của dịch bệnh, lượng khách và doanh thu từ du lịch giảm từ 36,8% năm 2020 xuống còn 63% năm 2021 so với năm 2019). Năm 2022, nhờ dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, ngành du lịch Quảng Ninh cùng cả nước mở cửa và có những bứt phá tăng trưởng ấn tượng. Tổng lượng khách du lịch đến Quảng Ninh năm 2022 đạt 11,6 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt 304,000 lượt, tăng 122% so với năm 2021; tổng thu đạt 22,582 tỷ đồng, tăng 119% so với kế hoạch được giao.
Trong lĩnh vực điện ảnh:
Thời gian qua, có rất nhiều đoàn phim trong và ngoài nước đã đến Quảng Ninh lấy bối cảnh và cốt chuyện văn hóa, con người, đời sống lao động sản xuất nơi đây làm tư liệu để sáng tạo ra tác phẩm điện ảnh ở nhiều thể loại, như phim truyện, phim tài liệu, phim khoa học…, tiêu biểu như “Người đất mỏ” (năm 1967), “Mùa than” (năm 1970), “Điểm sáng vùng than” (năm 1986)… Đến năm 1991, sau khi phim “Đông Dương” lấy bối cảnh danh thắng vịnh Hạ Long được công chiếu tại Pháp và tạo tiếng vang, vịnh Hạ Long đã trở thành điểm đến thu hút nhiều du khách Pháp và quốc tế. Đặc biệt, vào năm 1994 và năm 2000, vịnh Hạ Long được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới, từ đó nhiều nhà sản xuất, phát hành phim đã khai thác tiềm năng di sản này để sản xuất, phát hành nhiều bộ phim hơn. Năm 2017, vịnh Hạ Long xuất hiện trong bộ phim bom tấn Hollywood - Kong: Đảo đầu lâu (Kong: Skull Island). Bộ phim thực hiện 70% các cảnh quay ở Việt Nam, mọi người đều tò mò muốn biết các cảnh đẹp ở Vịnh Hạ Long, Tràng An và động Phong Nha ra sao khi được đưa lên màn ảnh. Theo công bố của đơn vị phát hành, tại Việt Nam chỉ sau 2 tuần đầu ra rạp, bộ phim đã thu về 150 tỷ đồng, với gần 1,8 triệu lượt khán giả.
Trong lĩnh vực kiến trúc, mỹ thuật:
Một trong những công trình tiêu biểu về kiến trúc và mỹ thuật của tỉnh Quảng Ninh là Bảo tàng Quảng Ninh. Tọa lạc trên tổng diện tích gần 24.000m² với tổng vốn đầu tư hơn 900 tỷ đồng, Bảo tàng Quảng Ninh bao gồm 3 khối nhà được kết nối với nhau bằng hệ thống đường cầu, trên cao là bảo tàng, thư viện và khu vực hội thảo, dưới là khu trưng bày. Lấy ý tưởng từ hình tượng than đá - loại khoáng sản đặc trưng của vùng đất mỏ, Bảo tàng Quảng Ninh được thiết kế màu đen tuyền nổi bật, tượng trưng cho vùng đất mỏ. Khu vực trưng bày ngoài trời của bảo tàng có hiện vật là hòn than nguyên khối lớn nhất Việt Nam, tượng công nhân mỏ. Khu trưng bày trong bảo tàng là câu chuyện về toàn bộ lịch sử ngành công nghiệp khai thác than Quảng Ninh từ thời Nguyễn và thời Pháp thuộc cho đến ngày nay. Một trong những trải nghiệm thú vị là được vào vai “thợ mỏ vào ca”. Du khách được khóac lên mình bộ trang phục thợ mỏ, bước vào hầm lò với đầy đủ trang thiết bị, thưởng thức đặc sản bánh mì mỏ. Ngoài ra, Bảo tàng đã triển khai hoạt động trải nghiệm và sáng tạo tại ngay chính không gian trưng bày với các sân chơi bổ ích, thú vị cho các em nhỏ cũng như khách tham quan, như “Tìm hiểu lịch sử Quảng Ninh qua hiện vật bảo tàng”, “Đêm hội Trăng rằm - Trải nghiệm cùng bé”, “Bé làm nghệ nhân nhí”,...
Ngoài ra, Cụm thông tin cổ động biên giới Sa Vĩ do Nhà nước đầu tư có giá trị lớn, tổng diện tích 16.000m2, được hoàn thành năm 2013 tại nơi đặt nét bút đầu tiên để vẽ nên bản đồ hình chữ “S” của nước Việt Nam cũng là điểm đến hấp dẫn nhiều du khách. Đây là công trình mang hình biểu trưng Tổ quốc nơi biên giới đất liền với quy mô lớn, có kiến trúc văn hóa độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa của các dân tộc tỉnh Quảng Ninh.
3- Bên cạnh những kết quả đã đạt được, thời gian qua, quá trình khai thác, phát huy các giá trị văn hóa trong các ngành công nghiệp văn hóa ở tỉnh Quảng Ninh còn tồn tại một số khó khăn, thách thức. Quá trình phát triển công nghiệp văn hóa còn lúng túng và chưa thu hút được nhiều sự quan tâm, đầu tư của xã hội. Ví dụ ở lĩnh vực công nghiệp điện ảnh, Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh và một số công ty điện ảnh tư nhân nắm thị phần chủ yếu song mới chỉ tập trung ở nhiệm vụ phát hành phim. Mảng sản xuất phim hiện nay chưa phát triển, mới dừng ở một số phim tài liệu do Đài Truyền hình Quảng Ninh thực hiện. Ở khu vực ngoài nhà nước, các công ty tư nhân chủ yếu chỉ tập trung sản xuất phim quảng cáo ngắn theo đơn đặt hàng và kinh doanh dịch vụ phát hành phim. Điều này cho thấy, công nghiệp điện ảnh của tỉnh Quảng Ninh còn là một mảnh đất trống và hứa hẹn nhiều dư địa để phát triển. Vấn đề đặt ra là làm sao khai thác, phát huy các giá trị văn hóa dồi dào của miền đất địa đầu đông bắc của Tổ quốc trong phát triển các ngành công nghiệp điện ảnh, nhất là đưa ngành công nghiệp điện ảnh của tỉnh Quảng Ninh vươn ra thị trường trong nước và quốc tế, vừa phục vụ nhu cầu thưởng thức của công chúng vừa góp phần quảng bá văn hóa, con người Quảng Ninh. Bên cạnh đó, hệ thống cơ chế, chính sách về khuyến khích, huy động mọi nguồn lực xã hội cho sự phát triển các ngành công nghiệp văn hóa còn nhiều bất cập. Việc rà soát, hoàn thiện, xây dựng hệ thống chế độ chính sách đối với các hoạt động văn hóa, nghệ thuật và đội ngũ văn nghệ sĩ, đầu tư đặt hàng, tài trợ, khuyến khích sáng tác, thành lập quỹ sáng tác chưa đồng bộ. Hoạt động đầu tư về cơ sở vật chất và trang thiết bị, máy móc, kỹ thuật chưa tương xứng với nhu cầu thực tiễn. Để khắc phục những hạn chế trên, một số giải pháp được đề xuất như sau:
Một là, tăng cường công tác truyền thông nâng cao nhận thức của các chủ thể văn hóa, đặc biệt là các cơ quan quản lý và người dân về vị trí, vai trò của các giá trị văn hóa trong phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở tỉnh Quảng Ninh, góp phần tạo động lực quan trọng cho sự phát triển nhanh và bền vững của địa phương và đất nước. Đồng thời nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các ngành, đơn vị liên quan trong việc thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa tỉnh Quảng Ninh phát triển, nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và tiêu dùng của nhân dân cũng như du khách đến với Quảng Ninh.
Hai là, bổ sung và hoàn thiện các cơ chế, chính sách về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của tỉnh trong giai đoạn 2020 - 2025 nhằm cải thiện điều kiện kinh doanh sản phẩm, dịch vụ văn hóa; nâng cao hiệu quả việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ và các quyền liên quan, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh trên thị trường. Hoàn thiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh với nhiều nội dung, ưu đãi nhằm khuyến khích sáng tạo đối với văn nghệ sĩ, các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa.
Ba là, tiếp tục xây dựng con người Quảng Ninh phát triển toàn diện, gắn kết hài hòa giữa các giá trị truyền thống với hiện đại, hội tụ đầy đủ các tiêu chí chung trong hệ giá trị con người Việt Nam, vừa mang đặc trưng riêng của vùng đất mỏ; hướng tới chuẩn mực con người văn minh, hiện đại, trí tuệ, bản lĩnh, chuyên nghiệp, nhân văn, thân thiện, tận tâm và tận hiến. Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với chuyển đổi số và kinh tế xanh của tỉnh. Tiếp tục hoàn thiện chính sách đào tạo, liên kết đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, kiến tạo môi trường làm việc năng động và có chính sách đãi ngộ xứng đáng để khơi dậy mạnh mẽ khát vọng cống hiến của nhân dân vì mục tiêu phát triển tỉnh Quảng Ninh ngày càng giàu mạnh, văn minh, hạnh phúc.
Bốn là, tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch số 112/KH-UBND, ngày 29-5-2017, của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh “Về việc triển khai thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, trong đó cần xác định một số lĩnh vực có lợi thế, tiềm năng để triển khai thực hiện theo hướng có trọng tâm, trong điểm và đem lại kết quả nhất định, làm tiền đề và động lực để phát triển các lĩnh vực khác, qua đó góp phần thúc đẩy tỉnh Quảng Ninh phát triển ngày càng nhanh và bền vững./.
-------------------
(1) Xem: Di sản văn hóa tỉnh Quảng Ninh, http://disanquangninh.gov.vn/
(2) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 145
(3) Nghị quyết số 30-NQ/TW, ngày 23-11-2022, của Bộ Chính trị “Về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”
Phát triển văn hóa đọc trong thời kỳ chuyển đổi số  (30/09/2023)
Phát triển du lịch Yên Tử theo hướng bền vững  (30/09/2023)
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm