Thời gian qua, Quảng Ninh đã chú trọng dành nhiều nguồn lực từ các chương trình, đề án để thực hiện công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa trên địa bàn gắn với phát triển du lịch tạo dấu ấn riêng và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Với những kết quả đạt được cùng với sự nỗ lực của toàn Đảng bộ và nhân dân, tỉnh Quảng Ninh đang chứng minh rằng bảo tồn văn hóa là cách để chuyển hóa di sản thành tài sản, phục vụ phát triển kinh tế và xây dựng thương hiệu địa phương.

Coi văn hóa truyền thống vừa là nền tảng tinh thần vừa là động lực phát triển

Trong tất cả các giai đoạn lịch sử, Đảng và Nhà nước ta luôn nhất quán quan điểm coi văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước. Theo đó, từ năm 2018, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững”; trở thành nguồn lực quan trọng để hiện thực hóa khát vọng xây dựng, phát triển bền vững tỉnh Quảng Ninh với các đặc trưng “Thiên nhiên tươi đẹp - Văn hóa đặc sắc - Xã hội văn minh - Hành chính minh bạch - Kinh tế phát triển - Nhân dân hạnh phúc”. Tiếp nối những kết quả đã đạt được của Nghị quyết số 11-NQ/TU, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục ban hành Nghị quyết số 17-NQ/TU, ngày 30-10-2023 về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững. Nghị quyết đã đặt ra 18 mục tiêu phát triển con người Quảng Ninh toàn diện cả về nhân cách, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật, tình yêu quê hương, đất nước với các đặc trưng “Bản lĩnh, Tự cường, Kỷ cương, Đoàn kết, Nghĩa tình, Hào sảng, Sáng tạo, Văn minh” phù hợp với xu thế thời đại, thích ứng với xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội.

Nghị quyết đặt ra mục tiêu xây dựng, quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh bảo đảm đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, có lộ trình cụ thể. Trước hết thực hiện tốt nhiệm vụ bảo tồn văn hóa nói chung và văn hóa truyền thống, văn hóa vật thể và phi vật thể nói riêng; giữ gìn và phát huy đặc trưng tốt đẹp của các dân tộc thiểu số; các giá trị đặc sắc về văn hóa biển đảo, văn hóa công nhân Vùng mỏ. Theo đó, các địa phương đã triển khai xây dựng các đề án bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của người Tày, Dao, Sán Chỉ (Bình Liêu); Sán Dìu (Vân Đồn)... 

Cùng với đó, tỉnh đã có bước đột phá trong việc huy động các nguồn lực đầu tư thiết chế văn hóa, thể thao đồng bộ, hiện đại với các công trình nổi bật như Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh; Quảng trường 30-10; Thư viện, Bảo tàng Quảng Ninh; Cung Văn hóa thanh thiếu nhi tỉnh Quảng Ninh; Trung tâm văn hóa, thể thao vùng Đông Bắc... Qua đó, tạo những điểm đến du lịch hấp dẫn của tỉnh và đưa Quảng Ninh trở thành một trong những trung tâm thu hút tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao cấp quốc gia, quốc tế.

Tỉnh cũng đã triển khai Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị một số Làng dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch cộng đồng giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” gắn với quan tâm phục dựng các lễ hội truyền thống, lễ hội đồng bào các dân tộc, bảo tồn một số bộ môn nghệ thuật dân tộc để trở thành sản phẩm văn hóa phục vụ khách du lịch. Cùng với đó, nhiều lễ hội mới được xây dựng thành sản phẩm văn hóa thường niên như lễ hội Carnaval, lễ hội hoa Anh đào - Mai vàng Yên Tử, Lễ hội Hoa sở, Lễ hội Trà hoa vàng... vừa bảo tồn được di sản văn hóa, vừa tạo thành sản phẩm văn hóa, du lịch riêng có, độc đáo thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Với quan điểm văn hóa, con người là nền tảng tinh thần vững chắc, là nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng phục vụ cho sự phát triển, trong những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, làm tốt công tác bảo tồn, gìn giữ, đầu tư, xây dựng và phát triển văn hóa toàn diện. Qua đó, góp phần hiện thực hoá mục tiêu phát triển văn hóa mang bản sắc của Quảng Ninh gắn với phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Tiếp tục gìn giữ, phát huy giá trị kho tàng văn hóa truyền thống

Trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, Quảng Ninh có vị trí, vai trò quan trọng đặc biệt. Theo các dữ liệu khảo cổ, Vịnh Hạ Long là một trong những cái nôi của người Việt cổ với 3 nền văn hóa tiền sử kế tiếp nhau, cách ngày nay từ 18.000 - 3.500 năm, là văn hóa Soi Nhụ, văn hóa Cái Bèo và văn hóa Hạ Long. Thương cảng Vân Đồn ra đời cùng với trang Vân Đồn vào năm 1149 (thời vua Lý Anh Tông). Khi ấy, thuyền buôn của 3 nước Trảo Oa, Lộ Lạc và Xiêm La đã xin cư trú buôn bán và lập trang ở đây để buôn bán. Đây là thương cảng đầu tiên của người Việt ở thời kỳ độc lập tự chủ.

Đông Triều được xem là khởi nguồn của vương triều nhà Trần. Vùng đất Quảng Ninh đã chứng kiến chiến thắng lịch sử của tướng Trần Khánh Dư trước giặc Nguyên Mông tại Vân Đồn và trên dòng sông Bạch Đằng. Đặc biệt, Yên Tử được xem là đất tổ của Phật giáo Việt Nam, nơi vua Trần Nhân Tông tu hành và sáng lập Thiền phái Trúc Lâm, tông phái thuần Việt với tư tưởng nhập thế, gắn đạo với đời. Suốt thời kỳ phong kiến tiếp theo, dù thăng hay trầm, Quảng Ninh với các tên gọi khác nhau, vẫn luôn được các triều đại coi trọng...

Đến nay, quá trình lịch sử còn để lại cho Quảng Ninh hơn 630 di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh. Các di tích này đã được kiểm kê, phân loại và xếp hạng, trong đó có 8 khu di tích quốc gia đặc biệt (gồm cả Di sản thế giới Vịnh Hạ Long) và khoảng hơn 150 di tích cấp quốc gia, cấp tỉnh. Những năm qua, tỉnh và các địa phương đã quan tâm, bền bỉ huy động nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực xã hội hóa với trị giá hàng nghìn tỷ đồng để đầu tư tu bổ, tôn tạo lại. Việc làm này không chỉ có ý nghĩa tri ân các di sản do tiền nhân để lại, giúp các công trình bền vững hơn trước mưa nắng thời gian, mà còn khiến các di tích này trở thành điểm đến có sức hấp dẫn, thu hút trung bình 6 triệu lượt khách du lịch hằng năm, tiêu biểu như Yên Tử, Cửa Ông, Cái Bầu, Ba Vàng...

Các di sản lớn của tỉnh như Vịnh Hạ Long, Yên Tử, Bạch Đằng đều đã và đang được định hướng để trở thành những di sản thế giới liên vùng. Trong đó, Di sản thế giới Vịnh Hạ Long được định hướng mở rộng sang khu vực quần đảo Cát Bà (Hải Phòng), vốn là khu vực biển đảo có mối quan hệ mật thiết với Vịnh Hạ Long về giá trị cảnh quan thiên nhiên, môi trường, văn hóa; di sản Yên Tử mở rộng theo không gian văn hóa trong lịch sử bao gồm 4 khu di tích lớn ở Quảng Ninh (Yên Tử, nhà Trần tại Đông Triều), Hải Dương (khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc và chùa Thanh Mai), Bắc Giang (khu di tích Tây Yên Tử).

Nhiều di tích tiếp tục được định hướng nâng tầm giá trị, đồng thời, nghiên cứu bảo tồn và phát huy giá trị các di sản này gắn với phát triển du lịch và giao lưu văn hóa quốc tế. Nối tiếp những bước đi giai đoạn trước, Quảng Ninh còn định hướng trong việc ưu tiên phát triển và hình thành các khu du lịch quốc gia gắn với các di sản lớn, như Vịnh Hạ Long, Vân Đồn (gắn với di sản Thương cảng cổ Vân Đồn), Yên Tử (gắn với khu di tích - danh thắng Yên Tử).

Quảng Ninh hiện có 362 di sản văn hóa phi vật thể với 7 loại hình gồm: 76 lễ hội dân gian truyền thống, 25 di sản, nghề thủ công truyền thống, 22 di sản nghệ thuật trình diễn dân gian, 14 di sản ngữ văn dân gian, 168 di sản tập quán xã hội, 7 di sản tiếng nói chữ viết, 50 di sản tri thức dân gian. Trong đó, có 12 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia gồm: Thực hành then của người Tày, Hát nhà tơ (hát cửa đình), Lễ hội đền Cửa Ông, Lễ hội Tiên Công, Lễ hội đình Trà Cổ, Lễ hội đình Quan Lạn, Lễ hội Bạch Đằng, hát Soóng cọ của người Sán Chỉ, hát Soọng cô của người Sán Dìu, Lễ hội đình Đầm Hà, Lễ hội đình Vạn Ninh (TP Móng Cái) và Lễ hội Xuống đồng (TX Quảng Yên).

Nhiều lễ hội đã được phục dựng thành công, bài bản, đúng bản sắc truyền thống của dân tộc, như lễ hội văn hóa, thể thao dân tộc Dao, Tày, Sán Chỉ, Sán Dìu... Từ việc duy trì, phục dựng các lễ hội truyền thống, nhiều giá trị văn hóa đã mai một được bảo tồn, sống lại trong đời sống hôm nay, như các trò chơi dân gian, các loại hình văn hóa, văn nghệ truyền thống, các trang phục truyền thống được đồng bào gìn giữ, trân trọng và sử dụng thường xuyên hơn... Có sức sống mạnh mẽ và sôi động nhất có lẽ phải kể tới các lễ hội ở khu vực miền Đông của tỉnh. Lễ hội ở đây không chỉ ở một xã, một vài xã hay một huyện, mà có sức lan tỏa rộng khắp, trở thành ngày hội chung của đồng bào các dân tộc. Với những giá trị văn hóa độc đáo, một số thôn, làng, bản ở khu vực miền Đông đã, đang được xây dựng để trở thành “bảo tàng sống” nhằm bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống đặc sắc, gắn với phát triển du lịch.

Mỗi lễ hội truyền thống đều là một “kho tàng” chứa đựng trong đó nhiều giá trị văn hóa đậm đà bản sắc mỗi vùng, miền, cộng đồng, dân tộc. Từng phong tục tập quán, nghi lễ, trang phục, âm nhạc, các trò vui chơi, ẩm thực... xuất hiện trong dịp lễ hội, chính là những mảnh ghép nhỏ hợp lại thành "bức tranh" khái quát về vẻ đẹp đời sống tinh thần của một vùng quê. Khi được hòa mình vào lễ hội, mỗi người dân, du khách được tìm hiểu về truyền thống lịch sử phát triển của vùng đất, về câu chuyện của những bậc tiền nhân đức độ mà cộng đồng nơi đó tôn vinh. Sau phần lễ là các phần hội với nhiều hoạt động phong phú, là dịp để mọi người gặp gỡ, giao lưu, làm cho đời sống tinh thần của xã hội thêm phong phú; hoặc chiêm ngưỡng danh lam, thắng cảnh, ngắm nhìn các công trình di tích... và càng dày thêm tình cảm gắn bó với quê hương. Những ý nghĩa nhân văn như vậy đã làm nên sức sống lâu bền cho các lễ hội truyền thống trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

Mở ra tiềm năng to lớn cho phát triển du lịch

Trong bối cảnh mới hiện nay, phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc là yêu cầu cấp thiết được đặt ra để thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành du lịch nói riêng và kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ninh nói chung.

Trên cơ sở xác định vai trò của văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội, trước yêu cầu phát triển bền vững, ngành du lịch tỉnh Quảng Ninh đã đưa sản phẩm du lịch văn hóa trở thành một trong những dòng sản phẩm quan trọng hàng đầu được thúc đẩy phát triển, coi đây là một trong những ngành công nghiệp văn hóa quan trọng mà địa phương có nhiều lợi thế, tiềm năng để phát triển, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, góp phần quảng bá hình ảnh vùng đất, con người Quảng Ninh ra thế giới.

Xác định việc quản lý, bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch, là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Từ năm 2020 đến nay, Quảng Ninh triển khai đồng bộ nhiều đề án quan trọng nhằm gìn giữ bản sắc văn hóa kết hợp với phát triển du lịch. Đáng chú ý là các đề án như phát triển du lịch cộng đồng bền vững ở vùng miền núi, biên giới và hải đảo, bảo tồn dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 - 2030, khôi phục và phát huy các môn thể thao truyền thống, cũng như quản lý và tổ chức các lễ hội mang bản sắc riêng. Đặc biệt, giai đoạn 2023 - 2025, tỉnh đã thí điểm xây dựng bốn làng văn hóa tiêu biểu gắn với phát triển du lịch cộng đồng, bao gồm: Làng người Tày ở Bản Cáu và làng người Sán Chỉ tại thôn Lục Ngù (huyện Bình Liêu), làng người Dao Thanh Y thôn Pò Hèn (thành phố Móng Cái), và làng người Sán Dìu xã Bình Dân (huyện Vân Đồn). Đây là những điểm đến không chỉ lưu giữ những giá trị văn hóa nguyên bản mà còn mang đến trải nghiệm độc đáo, chân thực cho du khách.

Để bảo tồn văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch, ngày 21-6-2023, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 161/KH-UBND về thí điểm xây dựng, bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa 4 làng dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch cộng đồng khu vực miền núi, giai đoạn 2023 - 2025. Đó là làng người Dao ở thôn Pò Hèn, xã Hải Sơn (thành phố Móng Cái), làng người Tày ở thôn Bản Cáu, xã Lục Hồn và làng người Sán Chỉ ở thôn Lục Ngù, xã Húc Động (huyện Bình Liêu), làng người Sán Dìu ở thôn Vòng Tre, xã Bình Dân (huyện Vân Đồn). Việc hình thành các làng văn hóa nhằm tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống đặc sắc của các dân tộc thiểu số, gắn với phát triển du lịch bền vững.

Với sự quan tâm đầu tư, làm mới sản phẩm du lịch, cùng với chú trọng công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, gắn kết nguồn lực văn hóa với phát triển kinh tế du lịch, đầu năm 2024 đến nay, các điểm đến du lịch trên địa bàn Quảng Ninh đã đón trên 10,4 triệu lượt khách tham quan, trải nghiệm, tăng gần 20% so với cùng kỳ 2023; doanh thu du lịch trên 22.200 tỷ đồng, tăng trên 30% cùng kỳ. Trong đó, quốc tế tăng trưởng ấn tượng với khoảng 2 triệu lượt, tăng gần 2,5 lần so với cùng kỳ…

Với những kết quả đạt được cùng với sự nỗ lực của toàn Đảng bộ và nhân dân, tỉnh Quảng Ninh đang chứng minh rằng bảo tồn văn hóa truyền thống là cách để chuyển hóa di sản thành tài sản, phục vụ phát triển kinh tế và xây dựng thương hiệu địa phương. Những giá trị văn hóa tinh hoa của nhân dân đã trở thành chìa khóa mở ra tiềm năng to lớn cho du lịch cộng đồng, mang đến cho du khách những trải nghiệm độc đáo và đọng lại dấu ấn khó quên. Bằng tầm nhìn chiến lược và cách làm bài bản, Quảng Ninh đang từng bước khẳng định mình là vùng đất hội tụ vẻ đẹp thiên nhiên và chiều sâu văn hóa, là điểm đến không thể bỏ lỡ trên bản đồ du lịch Việt Nam và thế giới./.