TCCS - Quảng Ninh là nơi có nhiều di sản văn hóa mang đậm bản sắc riêng gắn với lịch sử hình thành và phát triển của khu vực đồng bằng sông Hồng. Trong bối cảnh đổi mới, hi nhập, toàn cầu hóa hiện nay... tỉnh Quảng Ninh đã có những hành động cụ thể nhằm khai thác có hiệu quả các di sản, biến di sản trở thành “tài sản”, là nguồn lực quan trọng nhằm phát triển du lịch, kinh tế - xã hội địa phương, hội nhập với khu vực và quốc tế.

Trong quá trình đổi mới, hội nhập và toàn cầu hóa đang diễn ra manh mẽ như hiện nay, tài nguyên di sản có một vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của mỗi quốc gia, dân tộc bởi di sản được coi là nguồn lực quan trọng của phát triển, có vai trò không chỉ góp phần đem lại sự phát triển kinh tế mà còn là nền tảng của sự gắn kết xã hội, tạo ra năng lực sáng tạo, khả năng thích ứng, linh hoạt, là cơ hội để tăng cường kết nối, giao lưu, hội nhập với các quốc gia, dân tộc khác trên thế giới. Theo số liệu điều tra của Tổ chức du lịch thế giới, có đến 80% số khách đi du lịch nhằm mục đích hưởng thụ các di sản, giá trị văn hóa độc đáo, tìm sự khác biệt với nền văn hóa của dân tộc họ, họ bị hấp dẫn bởi các điểm đến bởi cảnh đẹp tự nhiên, nền văn hóa truyền thống và đặc biệt là các di sản văn hóa đã được UNESCO công nhận, vinh danh như những tài sản đẳng cấp của nhân loại(1). Vì vậy, việc khai thác các giá trị di sản để từ đó hình thành các sản phẩm du lịch độc đáo, riêng biệt, tạo sức hút đối với thị trường khách du lịch nhằm phát triển kinh tế du lịch di sản từ lâu đã trở thành quan điểm tiếp cận trong xây dựng, thực hiện chiến lược, chính sách phát triển của nhiều quốc gia dân tộc trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Quảng Ninh là tỉnh nằm ở phía Đông Bắc của đồng bằng sông Hồng với diện tích đất liền hơn 6.100 km2 và trên 6.000 km2 mặt biển, dân số khoảng 1,34 triệu người, tài nguyên thiên nhiên phong phú, có đủ địa hình đồng bằng, trung du, đồi núi, biển, biên giới, hải đảo… do đó rất thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội. Tỉnh Quảng Ninh có vị trí địa chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh, là địa phương duy nhất của cả nước có cả đường biên giới trên bộ và trên biển với nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, cửa ngõ giao thương quan trọng của Việt Nam với ASEAN và là địa phương nằm ở khu vực kinh tế trọng điểm của vùng đồng bằng sông Hồng và “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”(2). Với những đặc điểm về địa hình, địa mạo, nguồn tài nguyên di sản phong phú rất thuận lợi để tỉnh Quảng Ninh phát triển kinh tế du lịch di sản, đẩy mạnh phát triển kinh tế biển và liên kết vùng, bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Mối quan hệ giữa di sản với phát triển kinh tế du lịch

Ngày nay không ai phủ nhận vai trò quan trọng của văn hóa với tư cách là nhân tố trực tiếp tham gia vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia, dân tộc, trong đó con người văn hóa có ý nghĩa quyết định làm nên sức mạnh của văn hóa. Khi đề cập đến vai trò của văn hóa đối với phát triển kinh tế nói riêng, phát triển bền vững nói chung, tổ chức UNESCO từng khẳng định rằng: nước nào tự đặt cho mình mục tiêu phát triển kinh tế mà tách khỏi môi trường và văn hóa thì nhất định sẽ mất cân đối nghiêm trọng cả về kinh tế lẫn văn hóa và tiềm lực sáng tạo của dân tộc ấy sẽ bị suy yếu rất nhiều. Chính vì vậy, văn hóa không thể đứng ngoài mà phải ở trong kinh tế và ngược lại kinh tế cũng phải đặt trong văn hóa.

Trong ngành du lịch, văn hóa nói chung, di sản nói riêng được coi là “nguồn vốn” quan trọng bậc nhất để các quốc gia, các địa phương tạo ra các sản phẩm du lịch đa dạng, hấp dẫn và có bản sắc. Các di sản văn hóa mang tính quốc tế hay quốc gia thường được hình hành, phát triển mang tính chất quốc gia, vùng, miền, tộc người xuyên suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, là cơ sở để các cấp chính quyền, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch khai thác, sáng tạo, làm giàu các sản phẩm du lịch, phát triển kinh tế và tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương.

Giữa di sản với hoạt động du lịch thường có mối quan hệ biện chứng, tác động qua lại với nhau. Vai trò góp phần quyết định của di sản trong phát triển du lịch được thể hiện qua: 1- Thị trường du lịch; 2- Các dịch vụ du lịch phù hợp; 3- Các sản phẩm du lịch đặc thù và sự lựa chọn của du khách; 4- Thương hiệu, hình ảnh, sự khác biệt của các điểm đến; 5- Các điểm, tuyến du lịch; 6- Quy hoạch phát triển du lịch; 7- Sự tham gia đầu tư của các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân và khai thác, phát triển điểm tuyến du lịch của các công ty lữ hành. Khai thác các di sản trong phát triển du lịch đem lại cơ hội, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, qua đó: 1- Tạo công ăn việc làm, thay đổi cơ cấu nghề nghiệp, kinh tế cho địa phương, cộng đồng cư dân; 2- Là cơ hội giao lưu, hợp tác và hiểu biết về văn hóa giữa các vùng, miền, tộc người, quốc gia; 3- Là cơ hội để các cộng đồng được đào tạo về kiến thức, kĩ năng, nghiệp vụ tổ chức, quản lí, phát triển du lịch, khả năng giao tiếp ngoại ngữ, công nghệ thông tin... 4- Là cơ sở để bảo tồn, phát huy và giới thiệu, quảng bá các di sản, đồng thời nâng cao ý thức cho cộng đồng địa phương về thái độ trân quý, gìn giữ và phát huy các giá trị của di sản văn hóa(3); 5- Khi du lịch phát triển góp phần cải thiện kết cấu hạ tầng, đáp ứng sự đa dạng về nhu cầu của thị trường khách du lịch.

Di sản - yếu tố quan trọng để tỉnh Quảng Ninh tạo ra các sản phẩm du lịch đặc thù nhằm phát triển kinh tế di sản

Khái quát về hệ thống các di sản của tỉnh Quảng Ninh

Tỉnh Quảng Ninh là nơi được thiên nhiên ban tặng cho nhiều cảnh quan tự nhiên kỳ vĩ vừa có núi, có sông, có biển … gắn liền với đời sống văn hóa của người Việt cổ với ba nền văn hóa tiền sử kế tiếp nhau, cách ngày nay từ 18.000 đến 3.500 năm là văn hóa Soi Nhụ, văn hóa Cái Bèo và văn hóa Hạ Long với nhiều giá trị văn hóa phong phú, đa dạng. Tài nguyên du lịch của tỉnh Quảng Ninh được biết đến với nhiều danh lam thắng cảnh đẹp, trong đó nổi bật lên là Vịnh Hạ Long, quần đảo Cô Tô, bãi tắm Trà Cổ, Quan Lạn, Vườn quốc gia Bái Tử Long, hồ Yên Lập (Hoành Bồ), hồ Yên Trung (Uông Bí), thác Lựng Xanh (Uông Bí), thác Mơ (Yên Hưng), rừng thông (Yên Hưng), rừng nguyên sinh Yên Tử, Khu Bảo tồn Đồng Sơn - Kỳ Thượng... Theo thống kê hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có 632 danh lam, thắng cảnh, di tích lịch sử, trong đó có 1 di sản thiên nhiên thế giới là Vịnh Hạ Long được UNESCO ghi danh về giá trị cảnh quan tự nhiên (1994), địa chất địa mạo (2000) và ban hành quyết định phê duyệt mở rộng ranh giới di sản thế giới Vinh Hạ Long bao gồm cả quần đảo Cát Bà của tỉnh Hải Phòng (2023); 5 di tích quốc gia đặc biệt (danh lam thắng cảnh vịnh Hạ Long (thành phố Hạ Long, thành phố Cẩm Phả, huyện Vân Đồn, với hệ thống đảo đá và hang động đẹp; di tích và danh thắng Yên Tử (thành phố Uông Bí - nơi hình thành, ra đời và phát triển của Trung tâm Phật giáo Trúc Lâm Phật hoàng Trần Nhân Tông); di tích lịch sử Bạch Đằng (thị xã Quảng Yên, với quần thể các bãi cọc, đình, đền, miếu dàn trải bên tả ngạn sông Bạch Đằng); Khu di tích nhà Trần (thị xã Đông Triều, gồm quần thể các lăng, mộ, đền, chùa, am, tháp, trung tâm văn hóa tâm linh tiêu biểu của nhà Trần); và di tích lịch sử Đền Cửa Ông (thành phố Cẩm Phả và huyện Vân Đồn, với khu đền thờ Hưng Nhượng Đại vương Trần Quốc Tảng), 54 di tích cấp quốc gia, 85 di tích cấp tỉnh, 488 di tích đã được kiểm kê, phân loại; có 362 di sản phi vật thể đã được kiểm kê, phân loại với 7 loại, trong đó có 7 di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu đặc sắc được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và 9 bảo vật quốc gia.

Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Ninh còn có nhiều di sản văn hóa gắn với cộng đồng các tộc người sinh sống tại địa phương như người Kinh, Tày, Dao, Sán Chay, Sán Dìu, Hoa... với bản sắc văn hóa đa dạng, đặc sắc với hàng chục lễ hội truyền thống mang đặc trưng của từng vùng miền, có 6 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia (lễ hội truyền thống đình Trà Cổ - Móng Cái; lễ hội truyền thống đình Quan Lạn - Vân Đồn; hát nhà tơ, còn gọi là hát cửa đình - Móng Cái; hát then - Bình Liêu; lễ hội Tiên Công - Quảng Yên; và lễ hội đền Cửa Ông - Cẩm Phả). Ngoài ra, còn phải kể đến những lễ hội rất độc đáo của đồng bào dân tộc thiểu số như: Hội làng của đồng bào Dao ở xã Bằng Cả (Hoành Bồ); lễ hội Soóng Cọ; lễ hội đình Lục Nà của đồng bào Tày, xã Lục Hồn (Bình Liêu), lễ hội đình Trà Cổ (Móng Cái), lễ hội Vân Đồn (xã Quan Lạn, huyện Vân Đồn), lễ hội Tiên Công, lễ hội Bạch Đằng (thị xã Quảng Yên), hội chùa Quỳnh Lâm, hội đền An Sinh (thị xã Đông Triều)... Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam mà Quảng Ninh có đại diện là Then của người Tày ở Bình Liêu đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Sự đa dạng về các tài nguyên du lịch cùng với di sản được UNESCO công nhận ... là điều kiện thuận lợi để tỉnh Quảng Ninh hình thành các sản phẩm du lịch đặc thù, mang bản sắc văn hóa địa phương nhằm thu hút khách du lịch trong nước và nước ngoài đến thăm quan, khám phá, trải nghiệm, đẩy mạnh liên kết vùng, liên kết các điểm đến, qua đó thúc đẩy du lịch trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, từ đó góp phần thúc đẩy Quảng Ninh trở thành trung tâm kinh tế trọng điểm của vùng đồng bằng sông Hồng.

Các sản phẩm du lịch dựa trên tài nguyên di sản

Dựa trên “tài nguyên di sản” trong đó có di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh đã phát huy hiệu quả giá trị các di sản trong xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch đặc sắc. Nhiều sản phẩm du lịch chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu mạnh, mang đậm bản sắc văn hóa của vùng đất, con người tỉnh Quảng Ninh gắn với tài nguyên tự nhiên, văn hóa đặc trưng của 4 vùng du lịch trọng điểm là Hạ Long; Vân Đồn - Cô Tô; Móng Cái; Đông Triều - Uông Bí - Quảng Yên được hình thành và khai thác khá hiệu quả, gồm: 1- Du lịch biển đảo; 2- Du lịch văn hóa, tâm linh; 3- Du lịch cộng đồng, sinh thái; 4- Du lịch biên giới. Thời gian qua, việc phát huy di sản để đẩy mạnh phát triển du lịch, trong đó đặc biệt là du lịch biển đảo, du lịch cộng đồng sinh thái ở vùng du lịch trọng điểm Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long, du lịch tâm linh Thiền viện Trúc lâm Yên Tử… đã đem lại hiệu quả lớn, thu hút được số lượng khách du lịch trong và ngoài nước đến thăm quan, lưu trú và trải nghiệm... từ đó tạo điều kiện, cơ sở cho giải quyết các vấn đề phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương và các doanh nghiệp trong tỉnh và phát triển kết cấu hạ tầng. Nhờ có hoạt động du lịch được đẩy mạnh mà nhiều sản phẩm có tiềm năng trở thành động lực để phát triển thị trường sản phẩm và dịch vụ văn hóa như du lịch di sản, du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch làng nghề, du lịch khám phá, du lịch trải nghiệm, du lịch thể thao, du lịch văn hóa tâm linh, du lịch MICE, di lịch lễ hội.

Các sản phẩm du lịch gắn với loại hình du lịch biển đảo ngày càng được đa dạng hóa dựa trên việc khai thác tài nguyên, thế mạnh của di sản văn hóa gồm các sản phẩm du lịch biển đặc trưng của Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long như vận chuyển khách thăm quan du lịch, lưu trú, nghỉ đêm, thăm quan hang động, leo núi, ngắm cảnh, tắm biển, chèo thuyền kayak, đò chèo tay, xuồng cao tốc, các sản phẩm cao cấp đáp ứng thị trường khách, dành cho khách chi trả cao như du thuyền khám phá, dịch vụ bay trực thăng ngắm cảnh Vịnh Hạ Long, thủy phi cơ. Để Vịnh Hạ Long trở thành một điểm đến hấp dẫn hàng đầu châu Á và để du lịch Vịnh Hạ Long trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, trọng điểm... nhiều hoạt động, hình thức tuyên truyền, quảng bá Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long được tỉnh Quảng Ninh nói chung, thành phố Hạ Long nói riêng triển khai và đạt hiệu quả tích cực như: kết nối, trao đổi thông tin với website của tổ chức UNESCO, mạng lưới di sản biển, Câu lạc bộ các vịnh đẹp nhất thế giới, Tổ chức New 7 Wonders, các ban quản lý di sản thế giới tại Việt Nam... góp phần thúc đẩy sự hợp tác, liên kết trong tuyên truyền, quảng bá, trao đổi kinh nghiệm quản lý và phát triển du lịch. Việc mở rộng quan hệ hợp tác, thúc đẩy phát triển thị trường và công tác quảng bá, xúc tiến và xây dựng thương hiệu du lịch Hạ Long - Quảng Ninh gắn liền với di sản Vịnh Hạ Long theo hướng xây dựng những sản phẩm du lịch, dịch vụ đẳng cấp quốc tế được duy trì và phát huy.

Tỉnh Quảng Ninh có hệ thống công trình kiến trúc tôn giáo gồm nhiều chùa, am, tháp, bia, đền, lăng mộ trải khắp tỉnh, tập trung ở thành phố Uông Bí và thành phố Đông Triều. Hầu hết những công trình này nằm ở không gian thiên nhiên khoáng đạt là những tài nguyên rất có giá trị để phát triển du lịch tâm linh. Vì vậy, sản phẩm du lịch tâm linh của tỉnh Quảng Ninh cũng được đẩy mạnh, tạo nên sức hấp dẫn và hằng năm thu hút hàng nghìn lượt khách thăm quan nhất là vào những ngày lễ hội Xuân đầu năm như Chùa Ba Vàng, Chùa Yên Tử (Uông Bí), Chùa Cái Bầu (Vân Đồn), Chùa Cửa Ông (Cẩm Phả)…, trong đó Khu di tích quốc gia đặc biệt Yên Tử, nơi khởi nguồn của Phật giáo Việt Nam đã và đang phát huy được nhiều giá trị, đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của tỉnh Quảng Ninh và ngành du lịch của Việt Nam.

Công tác phối hợp liên kết phát triển du lịch với các địa phương trọng điểm về du lịch trong nước và quốc tế; tính kết nối giữa các tour, tuyến, điểm, khu du lịch, sản phẩm du lịch để gia tăng giá trị của chuỗi sản phẩm nhằm tăng thời gian lưu trú và chi tiêu của khách du lịch được quan tâm, đẩy mạnh. Xác định việc mở rộng thị trường khách du lịch quốc tế đến với tỉnh Quảng Ninh, tỉnh đã chỉ đạo xây dựng chiến lược phát triển thị trường du lịch, chú trọng phát triển các thị trường khách quốc tế từ các quốc gia như Trung Quốc, Đông Bắc Á, ASEAN, châu Âu, Nga, Bắc Mỹ, Nam Á, Trung Đông và hướng đến các dòng khách có khả năng chi trả cao. Nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách và để tỉnh Quảng Ninh trở thành điểm đến hấp dẫn, đưa kinh tế du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn… tỉnh Quảng Ninh xác định, cần phải có những sự đổi mới trong cách thức hoạt động, nhất là sự đa dạng của các sản phẩm du lịch thì bên cạnh những sản phẩm du lịch đã được triển khai, khai thác, trong năm 2024 tỉnh Quảng Ninh đã cho “ra mắt” 7 sản phẩm du lịch mới gồm: Tổ hợp vui chơi, giải trí Ngọn Hải Đăng; sản phẩm du thuyền nhà hàng kết hợp đám cưới trên vịnh Hạ Long; sản phẩm lưu trú đẳng cấp; phiên chợ đồ cũ “Ký ức xưa” (cạnh Bảo tàng Quảng Ninh và Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long); phố đi bộ và ẩm thực Bãi Cháy (Khu Công viên Sun World Hạ Long); mô hình du lịch cộng đồng xã Sơn Dương, Tổ hợp vui chơi giải trí Kim Cương (Tuần Châu). Trong thời gian tới, tỉnh Quảng Ninh cũng định hướng phát triển thêm 7 sản phẩm du lịch mới là: Điểm du lịch hoài niệm nhà chờ phà và tuyến phà Bãi Cháy; mô hình tuyến phố đi bộ kết hợp kinh tế đêm khu vực Cung Quy hoạch, hội chợ và triển lãm tỉnh và tuyến đường Trần Quốc Nghiễn; điểm check in trên tuyến phố Đặng Bá Hát và đồi Đặng Bá Hát; phố đi bộ Công viên hoa Hạ Long; cụm di tích Khu Văn hóa núi Bài Thơ, đền thờ Đức Ông Trần Quốc Nghiễn và Chùa Long Tiên; Đền thờ Vua Lê Thái Tổ; Di tích thắng cảnh hồ Yên Lập - chùa Lôi Âm. Trong số 62 sản phẩm dự kiến ra mắt năm 2024, thành phố Hạ Long có 9 sản phẩm, trong đó có một số sản phẩm đáng chú ý như: Phố đi bộ phong cách Hàn Quốc kết hợp ẩm thực, dịch vụ do doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư; tổ hợp khu vui chơi, giải trí ngọn Hải Đăng bên bờ Vịnh Hạ Long với các xe bus cũ, các thuyền buồm truyền thống được thiết kế, trang trí lại thành quán cà-phê, bảo tàng văn hóa biển. Ngoài ra, tỉnh Quảng Ninh còn có kế hoạch khôi phục hoạt động của các chuyến phà Bãi Cháy xưa thành sản phẩm du lịch kết nối hai bờ vịnh Cửa Lục và dọc tuyến giao thông đang có. Thành phố Cẩm Phả có một sản phẩm liên quan đến tour ngành than. Theo đó, du khách có cơ hội ngắm 3 moong than: Cọc Sáu, Đèo Nai, Cao Sơn, trong đó moong than Cọc Sáu được coi là moong than sâu nhất Đông Nam Á hiện vẫn còn khai thác (khoảng - 300m so với mực nước biển). Huyện Vân Đồn có 14 sản phẩm, với các hoạt động, như: dù lượn gắn động cơ, cắm trại, bóng đá và bóng chuyền bãi biển, cáp trượt… tại khu nghỉ dưỡng Sonasea Vân Đồn và khu nghỉ dưỡng Angsana đảo Quan Lạn; trải nghiệm xã đảo và Vườn quốc gia Bái Tử Long… Huyện đảo Cô Tô có 7 sản phẩm. Trong đó, với tour “Hành trình vì biển đảo quê hương”, du khách lần đầu tiên được thăm Đảo Trần - được ví như “Trường Sa của vùng Đông Bắc”, ngoài ra, du khách sẽ được cắm trại đêm, trải nghiệm bắt ốc, câu cá… tại một số đảo của Cô Tô. Thành phố Móng Cái có 4 sản phẩm, trong đó có tour tham quan, trải nghiệm đạp xe xuyên biên giới Việt Nam - Trung Quốc(4)

Để biến tài nguyên di sản trở thành một ngành kinh tế du lịch đem lại hiệu quả cao cho phát triển kinh tế của địa phương, tạo công ăn việc làm cho người dân… tỉnh Quảng Ninh, trong đó có thành phố Hạ Long đã đưa ra mục tiêu đón 19 triệu lượt khách du lịch trong năm 2024, trong đó chú ý đến khách du lịch nước ngoài đến thăm quan, lưu trú ở Vịnh Hạ Long… nhiều hoạt động kích cầu du lịch đã được diễn ra. Theo Sở Du lịch Quảng Ninh trong năm 2024, tỉnh tổ chức hơn 90 chương trình, hoạt động trong đó, có 17 chương trình, sự kiện, hoạt động kích cầu du lịch quốc tế, cấp quốc gia và cấp tỉnh, với một số sự kiện văn hóa, thể thao có quy mô lớn được tổ chức vào quý III, quý IV/2024, như tại thành phố Hạ Long có các hoạt động: Giải chạy Vnexpress Marathon Amazing Ha Long với cung đường chạy trải dài bên vịnh di sản với quy mô 11.000 vận động viên trong và ngoài nước; Chương trình Đại nhạc hội Hàn Quốc và Việt Nam với chủ đề “Hạ Long - Kỳ quan thế giới, điểm đến của những ngôi sao” dự kiến sẽ được tổ chức vào tháng 12-2024 tại Quảng trường Sun Carnival Hạ Long với quy mô khoảng 20.000 người/đêm diễn; một số sự kiện văn hóa, thể thao khác như: Giải 3 môn phối hợp Bay Triathlon 51.1 Tuần Châu - Hạ Long 2024; trưng bày chuyên đề “Sắc màu di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam tại Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long”; Liên hoan ẩm thực Quảng Ninh 2024…

Thống kê cho đến nay, 23/62 sản phẩm du lịch mới của năm 2024 đã được đưa vào khai thác phục vụ khách du lịch, với nhiều sản phẩm tiêu biểu, như: Tổ hợp vui chơi, giải trí Ngọn Hải đăng, du thuyền Grand Pioneers II khai thác “Hành trình di sản” kết nối Vịnh Hạ Long - Bái Tử Long, du thuyền nhà hàng kết hợp đám cưới, trải nghiệm kỳ nghỉ trên Vịnh Hạ Long (thành phố Hạ Long), khu nghỉ dưỡng Wyndham Garden Sonasea (Vân Đồn), không gian bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống dân tộc Tày tại Quảng Ninh Gate, điểm vui chơi giải trí dịch vụ du lịch Tân Việt Bắc (thành phố Đông Triều), sản phẩm chợ phiên văn hoá vùng cao tại một số địa phương... Điều đó cho thấy rõ sự đa dạng về sản phẩm du lịch trải dài khắp các thành phố, huyện lỵ và khẳng định sự quyết tâm của tỉnh Quảng Ninh trong việc đẩy mạnh khai thác các nguồn tài nguyên để phát triển kinh tế du lịch di sản trở thành một ngành kinh tế trọng điểm.

Hiệu quả từ các hoạt động du lịch

Trong những qua, hoạt động du lịch tỉnh Quảng Ninh đã thu hút được số lượng khách lớn. Chẳng hạn như năm 2022, ngành du lịch Quảng Ninh đã có bước phục hồi mạnh mẽ: Tổng khách du lịch đạt 11,6 triệu lượt (tăng 164,6% so với cùng kỳ), trong đó khách quốc tế đạt 304,000 lượt; tổng thu đạt 22,599 tỷ (tăng 191,8% so với cùng kỳ). Năm 2023, tỉnh Quảng Ninh đón thêm 15 triệu lượt khách, doanh thu đạt 32.010 tỷ đồng. Từ đầu năm 2024 đến tháng 7-2024, Quảng Ninh đã đón khoảng 13 triệu lượt khách du lịch, trong đó có hơn 2,2 triệu lượt khách quốc tế; tổng thu du lịch ước đạt trên 29.300 tỷ đồng. Lượng khách nội địa tập trung chủ yếu tại các điểm du lịch tâm linh lớn, được đầu tư khang trang, có cảnh quan đẹp, như: Khu Di tích - Danh thắng Yên Tử, chùa Ba Vàng (Uông Bí), đền Cửa Ông (thành phố Cẩm Phả), chùa Lôi Âm, Long Tiên, đền Đức Ông Trần Quốc Nghiễn (thành phố Hạ Long), chùa Cái Bầu (huyện Vân Đồn), Khu di tích lịch sử nhà Trần (thành phố Đông Triều), Khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Bạch Đằng (thị xã Quảng Yên). Đáp ứng nhu cầu du khách, trong dịp này, các địa phương đã tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, thể thao, lễ hội thu hút nhiều lượt khách tham quan, trải nghiệm. Một trong những điểm hút khách lớn nhất của tỉnh Quảng Ninh là Vịnh Hạ Long. Theo thống kê cho thấy, giai đoạn 2019 đến năm 2022, tổng lượng khách đạt trên 38 triệu lượt khách (trong đó khách quốc tế đạt 6,6 triệu lượt), tổng thu từ du lịch đạt trên 80.778 tỷ đồng.

Theo báo cáo của Ban Quản lý vịnh Hạ Long, lượng khách trong nước và quốc tế tham quan vịnh Hạ Long ngày càng tăng mạnh, nhất là khách quốc tế chủ yếu là đến từ các nước Hàn Quốc, Ấn Độ, châu Âu, châu Mỹ, khách Hàn Quốc, Ấn Độ và Malaysia tăng đột biến trong vài năm trở lại đây... Các điểm đến được nhiều du khách quốc tế lựa chọn như: Động Thiên Cung, Hòn Gà Chọi, Hang Đầu Gỗ, Đảo Ti Tốp, Hang Luồn, Hang Ba Hang… Lượng khách nội địa thường tăng mạnh vào những dịp đầu hè, ngày thường cũng luôn duy trì ít nhất cũng khoảng 15.000 khách/ngày. Năm 2023, vịnh Hạ Long đón khoảng 2,6 triệu khách, trong đó lượng khách quốc tế và trong nước ngang nhau, đạt doanh thu khoảng 800 tỉ đồng, trong khi chỉ tiêu tỉnh Quảng Ninh giao của năm là khoảng 790 tỉ đồng. Năm 2023, có hơn 110.000 chuyến tàu du lịch xuất bến, trong đó hơn 19.600 chuyến tàu lưu trú qua đêm. Khách lưu trú qua đêm trên Vịnh Hạ Long là 484.000 người, trong đó khách nước ngoài là hơn 405.000 người. 6 tháng đầu năm 2024, Vịnh Hạ Long đón 1.648.236 lượt khách tham quan, bằng 136,8% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó khách trong nước là 608.749 lượt khách, khách nước ngoài là 1.039.487 lượt khách; thu phí tham quan đạt 496,4 tỷ đồng bằng 140,8% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 62% kế hoạch tỉnh giao.

Có thể thấy, di sản và du lịch có sự liên kết chặt chẽ với nhau, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Chính nhờ các di sản thiên nhiên, di sản văn hóa và các di tích lịch sử... đã trở thành nguồn lực quan trọng để du lịch phát triển; ở chiều ngược lại, du lịch phát triển đã tạo nguồn lực đầu tư trở lại cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị của di sản cũng như mang đến lợi ích kinh tế, xã hội cho cộng đồng. Để khai thác tài nguyên, giá trị di sản gắn với phát triển bền vững nhằm bảo đảm duy trì chất lượng môi trường thiên nhiên và xã hội, vì lợi ích cộng đồng, nâng cao trải nghiệm của khách tham quan, du lịch đã và đang chú trọng phát triển sản phẩm du lịch văn hóa, sinh thái, du lịch cộng đồng như tham quan, trải nghiệm giá trị văn hóa độc đáo của cộng đồng…

Để khai thác hiệu quả di sản trong chiến lược phát triển thời gian tới, để kinh tế du lịch phát triển trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển bền vững... không đơn thuần chỉ dựa vào các loại hình di sản, các sản phẩm du lịch đã và đang khai thác... mà cần phải “sáng tạo” trong các phương thức tổ chức và xây dựng sản phẩm du lịch phù hợp với sự đa dạng, phong phú của thị trường khách du lịch hiện nay để từ đó tỉnh Quảng Ninh trở thành điểm đến hấp dẫn và là thành phố của di sản.

Thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW, ngày 23-11-2022, của Bộ Chính trị “Về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, trong đó tỉnh Quảng Ninh được coi là khu vực trọng điểm, có tính chiến lược để phát triển kinh tế vùng đồng bằng sông Hồng. Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 80/QĐ-TTg, ngày 11-2-2023, đưa ra mục tiêu phát triển tỉnh Quảng Ninh trở thành trung tâm du lịch kết nối khu vực và quốc tế, là trung tâm công nghiệp văn hóa với những khu nghỉ dưỡng cao cấp có hệ thống cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại, có sản phẩm du lịch đa dạng, đặc sắc, chất lượng cao, thương hiệu mạnh và sức hấp dẫn toàn cầu, có năng lực cạnh tranh cao, liên kết với các hãng hàng không, tàu biển, các tập đoàn du lịch hàng đầu quốc tế. Phấn đấu đến năm 2030, tỉnh Quảng Ninh đón được 25 triệu lượt khách du lịch, trong đó có khoảng 8 triệu lượt khách du lịch quốc tế. Tỉnh Quảng Ninh đã và đang khai thác hiệu quả “nguồn tài nguyên di sản” để phát triển du lịch, “biến di sản thành hàng hóa” để sáng tạo ra nhiều sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt thu hút được sự quan tâm của du khách trong và ngoài nước.

Đẩy mạnh phát triển kinh tế di sản và trở thành trung tâm du lịch kết nối với khu vực và quốc tế, tỉnh Quảng Ninh đang xúc tiến việc khai thác các tuyến du lịch đường biển từ một số địa phương của Trung Quốc để hoàn thành mục tiêu đón 3,5 triệu lượt khách quốc tế. Với khách du lịch đường hàng không, tỉnh Quảng Ninh thống nhất với các doanh nghiệp du lịch, xây dựng tuyến bay qua Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn như: đường bay Trung Quốc - Vân Đồn; đường bay Jeju, Hàn Quốc - Vân Đồn và đường bay nội địa khu vực phía Nam đến tỉnh Quảng Ninh qua Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn. Song song với những giải pháp này, tỉnh Quảng Ninh, trong đó có thành phố Hạ Long đẩy mạnh phát triển sản phẩm, chương trình du lịch vào mùa thu đông trên địa bàn tỉnh; nghiên cứu đưa vào khai thác các sản phẩm dịch vụ gắn với giá trị di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long theo hướng tăng thêm trải nghiệm cho khách du lịch; đưa vào khai thác hành trình kết nối Vịnh Hạ Long - Vịnh Bái Tử Long sau khi có quyết định công bố các hành trình tham quan du lịch trên Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long. Cùng với đó là khuyến khích các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn đưa vào khai thác các sản phẩm du lịch mới của đơn vị như các sản phẩm du lịch biển, đảo; du lịch cộng đồng, sinh thái; phát triển sản phẩm du lịch MICE thông qua việc thu hút các chương trình hội nghị, hội thảo của các bộ, ngành Trung ương, các tổ chức kinh tế tổ chức tại tỉnh Quảng Ninh.

Di sản là cầu nối giữa quá khứ với hiện tại, giữa hiện tại và tương lai, cầu nối giữa các di sản từ các vùng, miền, các địa phương, các quốc gia, châu lục lại với nhau, là nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương... vì thế, việc khai thác, phát huy di sản gắn với du lịch một cách hiệu quả và phát triển bền vững. Tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức xây dựng cơ chế chính sách để bảo đảm sự cân bằng, hài hòa giữa bảo tồn di sản với phát triển sinh kế cho người dân, xây dựng cộng đồng trở thành trung tâm trong việc bảo vệ di sản để “sống trong di sản, bảo vệ di sản và hưởng lợi từ di sản”(5), đồng thời, thực hiện giải pháp, nâng cao tinh thần trách nhiệm, cam kết thực hiện tốt quy định trong công tác quản lí, phát huy giá trị di sản, đặc biệt là trong quần thể di sản được UNESCO công nhận. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, để Vịnh Hạ Long trở thành trung tâm phát triển kinh tế du lịch trọng điểm của tỉnh Quảng Ninh, có vai trò quan trọng trong định hướng xây dựng thành phố Hạ Long nằm trong mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, là điểm đến của các sự kiện quốc gia và quốc tế, thành phố của di sản, kì quan và đẩy mạnh phát triển kinh tế biển và liên kết vùng thì rất cần thiết phải có những cơ chế, giải pháp phù hợp.

Một số giải pháp nhằm phát huy di sản để phát triển kinh tế du lịch di sản để trở thành trung tâm kinh tế trọng điểm của đồng bằng sông Hồng

Tỉnh Quảng Ninh sẽ phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững, gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; góp phần giữ vững an ninh, chủ quyền biên giới quốc gia; bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Tỉnh phát triển du lịch thực sự chuyên nghiệp, hiện đại, chú trọng chiều sâu, chất lượng đạt đẳng cấp quốc tế, đóng vai trò vừa là điểm đến hấp dẫn, khẳng định thương hiệu mạnh và khả năng cạnh tranh quốc tế cao. Tỉnh cũng sẽ phát triển đa dạng các loại hình, sản phẩm du lịch, hình thành nhiều sản phẩm du lịch đẳng cấp, khác biệt và độc đáo, có sức cuốn hút mạnh mẽ dựa trên giá trị di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, Bái Tử Long và các tài nguyên du lịch nổi bật. Đặc biệt, tỉnh chú trọng phát triển du lịch quốc tế, đẩy mạnh khai thác có hiệu quả du lịch nội địa; đẩy mạnh xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển du lịch; liên kết chặt chẽ với các địa phương trong vùng đồng bằng sông Hồng và với các trung tâm du lịch lớn, đặc biệt là Thủ đô Hà Nội để phát triển du lịch(6). Để đạt được mục tiêu đặt ra, thời gian tới cần:

- Một là, bám sát các cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý và tình hình thực tiễn để cụ thể hóa các nhiệm vụ, triển khai công việc hiệu quả, trong đó chú trọng đến Nghị quyết số 08-NQ/TW, của Bộ Chính trị, “Về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”; Nghị quyết số 36-NQ/TW, của Trung ương “Về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2023, tầm nhìn đến năm 2045”; Nghị quyết số 30-NQ/TW, ngày 23-11-2022, của Bộ Chính trị “Về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và Quyết định số 80/QĐ-TTg, ngày 11-2-2023, của Thủ tướng Chính phủ, “Phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.

- Hai là, tiếp tục có những chính sách, quy hoạch mang tính chiến lược, dài hạn cho phát triển tổng thể tỉnh Quảng Ninh trở điểm đến hấp dẫn hàng đầu về du lịch di sản văn hóa khu vực châu Á và thế giới; thành phố Hạ Long trở thành thành viên của mạng lưới các thành phố sáng tạo trên thế giới của UNESCO, thành phố của di sản, kì quan. Khi xây dựng thành phố sáng tạo của UNESCO cần được nghiên cứu, triển khai theo lộ trình một cách đồng bộ, đồng thời đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, phương tiện đi lại tại các bến cảng, bến neo đậu, cầu cảng; cải tạo điều kiện về kỹ thuật, an toàn tại các bến cảng… phù hợp với điều kiện tự nhiên, văn hóa bản địa của vùng đất, con người địa phương, đáp ứng tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch theo tiêu chuẩn quốc tế, tạo ra nguồn năng lượng điện và nước sạch đủ cung cấp cho các điểm đến, chú ý đến các năng lượng tái tạo, có khả năng thích ứng và đối phó được tình trạng biến đổi khí hậu.

- Ba là, Hình thành các sản phẩm du lịch, loại hình du lịch có tính thống nhất, đa dạng, phù hợp với thị hiếu, nhu cầu của nhiều đối tượng du khách khác nhau, song vẫn đảm bảo được cái riêng, cái đặc sắc... để tạo sức hút cho du khách. Tiếp tục tập trung khai thác các sản phẩm du lịch tâm linh, du lịch biên giới gắn với văn hóa của các dân tộc thiểu số.

- Bốn là, đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực phù hợp, đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ có kiến thức, có kĩ năng, có trình độ ngoại ngữ, tin học, am hiểu văn hóa... để phục vụ cho hoạt động du lịch tại địa phương. Để du lịch chiếm vị trí then chốt, trọng điểm trong nền kinh tế cần xác định đầy đủ, rõ ràng về yếu tố con người, yếu tố nguồn lực để phục vụ, quản lí, điều hành, phân phối… các sản phẩm du lịch. Chất lượng của dịch vụ du lịch phụ thuộc vào con người, phụ thuộc vào phẩm chất của người làm du lịch(7). Do đó để du lịch trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, du lịch phát triển bền vững thì việc quan tâm, đầu tư và nắm bắt được các đặc điểm cơ bản của nhân lực du lịch là hết sức quan trọng và cần thiết.

- Năm là, đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số trong hoạt động du lịch, tiếp tục quảng bá hình ảnh, di sản và các sản phẩm du lịch qua các nền tảng số, lưu tâm đến loại hình thuyết minh tự động tại các di sản, di tích lịch sử, văn hóa... để du khách chủ động hơn trong hành trình du lịch, tìm hiểu, khám phá của mình.

- Sáu là, nâng cao hiệu quả của công tác quản trị, tiếp tục rà soát, hoàn thiện các cơ chế quản lí di sản, nhất là cơ chế phối hợp liên ngành, liên vùng.

- Bảy là, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh cần phối hợp các địa phương trong tỉnh và ngoài tỉnh, với các cơ quan có liên quan, các nhà nghiên cứu, nhà quản lí, doanh nghiệp lữ hành... có chiến lược, kế hoạch nhằm khai thác hiệu quả, đúng, có trọng tâm các nguồn lực di sản để tạo ra các sản phẩm du lịch, xây dựng các điểm, tuyến du lịch mang đặc trưng, bản sắc địa phương… trong đó chú ý đến liên kết vùng, liên kết các điểm đến, liên kết trong bảo tồn, phát huy các di sản… đồng thời, chú trọng hội nhập và phát triển di sản. Thường xuyên lựa chọn các giá trị văn hóa đặc sắc, tiêu biểu để tạo ra các “sản phẩm du lịch trải nghiệm” tại thành phố Hạ Long, không chỉ các di sản UNESCO công nhận mà cả các giá trị, di sản văn hóa của các dân tộc cư trú và sinh sống trên địa bàn của tỉnh.

- Tám là, nhận diện và xử lí hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn với khai thác di sản với phát triển kinh tế - xã hội. Khai thác các giá trị di sản thông qua các hoạt động phát triển du lịch đòi hỏi phải có mục tiêu rõ ràng để đạt được sự tương tác tích cực giữa hai phía, chú ý nguyên tắc phát triển bền vững, lấy phát triển bền vững làm cốt lõi, cân bằng giữa bảo vệ di sản với phát triển du lịch, giữa lợi ích kinh tế - xã hội - môi trường, không làm ảnh hưởng đến tính nguyên bản, tính toàn vẹn và giá trị của di sản. Điều đó có nghĩa kiên trì nguyên tắc bảo vệ di sản văn hóa gắn với du lịch bền vững, du lịch có trách nhiệm, phải đặt lợi ích của di sản, văn hóa di sản, bảo vệ di sản trước lợi ích kinh tế. Phát triển kinh tế, phát triển du lịch thông qua di sản nhưng không được quá tải so với sức chứa của di sản, làm tổn hại di sản, xung đột với di sản, văn hóa tinh thần của cộng đồng...

Hệ thống các di sản tỉnh Quảng Ninh, trong đó có Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long không chỉ là tài sản vô giá của tỉnh Quảng Ninh mà còn cả của Việt Nam, đã và đang đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, giao lưu và hội nhập. Thời gian qua, trên cơ sở các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tỉnh Quảng Ninh bước đầu cân bằng hài hòa giữa bảo tồn và khai thác di sản, có sự chuyển hướng tiếp cận di sản vật chất sang hướng tiếp cận toàn diện, phát triển bền vững để di sản văn hóa “sống động” hơn, tác động tích cực hơn vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, trong đó lấy cộng đồng làm trung tâm, trên cơ sở các tiêu chuẩn, công cụ của UNESCO nhằm hỗ trợ đắc lực cho địa phương trong quá trình phát triển bền vững, giúp người dân bảo vệ di sản để hưởng lợi từ di sản, quảng bá, hội nhập và tăng cường mối liên kết di sản với di sản, từ quá khứ - hiện tại đến tương lai, từ nội vùng - liên vùng và mở rộng trên phạm vi quy mô toàn cầu. Xác định di sản như một loại tài sản đặc biệt, di sản là hàng hóa có giá trị ngày càng gia tăng theo thời gian có tác động to lớn đến sự phát triển kinh tế du lịch bền vững, tỉnh Quảng Ninh cần nhìn nhận và định hướng một cách rõ ràng, đúng đắn để bảo vệ, quản lý, khai thác một cách hiệu quả, từng bước đưa tỉnh Quảng Ninh trở thành một điểm đến du lịch hấp dẫn toàn cầu, để kinh tế du lịch di sản nói riêng, kinh tế du lịch nói chung trở thành ngành kinh tế trọng điểm và tỉnh Quảng Ninh là trung tâm kinh tế trọng điểm của đồng bằng sông Hồng. Với sự đồng lòng và quyết tâm, tỉnh Quảng Ninh nói chung, du lịch Quảng Ninh nói riêng sẽ cất cánh, vươn mình trong Kỷ nguyên mới, Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc./.

----------------------

(1) Phan Huy Xu, Võ Văn Thành (2018), Du lich Việt Nam: Từ lí thuyết đến thực tiễn, Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 127.

(2) Ngày 22/10/2018, Hội nghị lần thứ 8 (khóa XII), Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thông qua Nghị quyết số 36-NQ/TW về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” (gọi tắt là Chiến lược biển 2030), trong đó nhấn mạnh việc phát triển bền vững kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái biển; bảo đảm hài hòa giữa các hệ sinh thái kinh tế và tự nhiên, giữa bảo tồn và phát triển...

(3) Nguyễn Thị Song Hà (2023), Phát huy giá trị di sản văn hóa để phát triển du lịch tỉnh Ninh Bình trở thành điểm đến hấp dẫn và ngành kinh tế mũi nhọn, Hội thảo cấp Quốc gia Định dạng bản sắc Ninh Bình gắn với xây dựng thương hiệu địa phương.

(4)https://baophapluat.vn/quang-ninh-nghien-cuu-mo-them-62-san-pham-du-lich-moi-post518291.html

(5)https://bvhttdl.gov.vn/ninh-binh-danh-thuc-di-san-de-phat-trien-du-lich-20221108153920594.htm

(6)https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/hoat-ong-cua-lanh-ao-ang-nha-nuoc/-/2018/829412/den-nam-2030%2C-phat-trien-du-lich-quang-ninh-tro-thanh-nganh-kinh-te--mui-nhon-va-ben-vung.aspx

(7) Nguyễn Phạm Hùng (2022), Văn hóa du lịch, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia, Hà nội, tr 308.