Chúng ta đã đi qua gần trọn chặng đường của năm 2007, nhìn lại 11 tháng đã qua, tình hình kinh tế - xã hội vẫn tiếp tục phát triển ổn định: thu hút đầu tư nước ngoài đạt mức cao nhất từ trước đến nay; sản xuất công nghiệp duy trì được tốc độ tăng trưởng cao (17%); các lĩnh vực dịch vụ vẫn tiếp tục đạt kết quả khá; tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng cao (22,9%); kim ngạch xuất khẩu tăng khá (20%); nhiều mặt hoạt động xã hội phát triển theo chiều hướng tích cực. Tuy nhiên, lũ lụt liên tục ở miền Trung đã ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất nông nghiệp; giá cả tiếp tục có diễn biến phức tạp, nhập siêu khá cao...Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng tháng 11 tăng 1,23 % so với tháng 10, đây là tháng có mức tăng cao thứ hai (sau tháng 2 là tháng có tết Nguyên đán), đưa chỉ số giá 11 tháng đầu năm 2007 lên mức 9,45% so với tháng 12-2006, cao hơn nhiều so với mức tăng 6% của 11 tháng đầu năm 2006 (nếu tính theo cách tính mới, bình quân 11 tháng đầu năm 2007 so với 11 tháng đầu năm 2006 thì chỉ số giá tiêu dùng tăng 7,92%). Chỉ số giá vàng tăng 8,89%, chỉ số giá đô la Mỹ giảm 0,28% so với tháng 10. Như vậy, 11 tháng năm 2007, chỉ số giá vàng tăng 24,69%, chỉ số giá đô la Mỹ tăng 0,17%

Nguyên nhân dẫn đến xu hướng tăng giá

Nguyên nhân sâu xa, bao trùm là trình độ phát triển của nền kinh tế thấp, sức cạnh tranh chưa cao. Còn những nguyên nhân trực tiếp là:

- Độ mở của nền kinh tế lớn (tổng kim ngạch xuất khẩu bằng 82,85% GDP), trong đó, giá thị trường thế giới của những hàng hoá nước ta phải nhập khẩu với khối lượng lớn và những loại hàng hoá xuất khẩu chủ lực của nước ta liên tục tăng cao trong suốt thời gian từ đầu năm đến nay và vẫn trong xu thế tăng, đã kéo giá trong nước tăng theo. Đáng chú ý là giá xăng dầu thế giới tăng nhanh ở mức cao kỷ lục. Giá dầu thô WTI bình quân 28 ngày đầu tháng 11-2007 dao động ở mức cao kỷ lục: 95,183 USD/thùng, tăng 11,24% so với bình quân tháng 10-2007 (85,563 USD/thùng), tăng 60,5% so với cùng kỳ năm 2006 (59,32 USD/thùng), tăng 75,19% so với tháng 01-2007 (54,33 USD/thùng). Các chủng loại xăng dầu chủ yếu trong 28 ngày đầu tháng 11đều tăng mạnh so với tháng 10-2007. Giá bình quân các mặt hàng xăng dầu chủ yếu như sau:

(Đơn vị tính: thùng, riêng Ma-zút: USD/tấn)

Chủng loại xăng dầu chủ yếu

Giá bình quân tháng 10-2007 (1)

Giá bình quân 28 ngày đầu tháng 10-2007 (2)

Mức tăng (2) so với (1)

Mức tuyệt đối (%)

Mức tương đối (%)

Xăng RON 92

87,457

99,101

+ 11,644

+13,31

Dầu hoả

96,616

112,925

+ 16,309

+ 16,88

Đi-ê-zen 0,25S

96,561

108,732

+ 12,171

+ 12,6

Ma-Zút

445,431

506,085

+ 60,654

+ 13,62

Dầu thô WTI

85,563

95,183

+ 9,62

+ 11,24

Dầu thô Bạch Hổ

87,931

96,236

+ 8,305

+ 9,44

- Thiên tai diễn biến phức tạp gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản; dịch bệnh ở gia súc, gia cầm xuất hiện trở lại làm suy giảm nguồn cung, đẩy giá tăng mạnh.

- Chính phủ chủ động thực hiện lộ trình từng bước xoá bỏ bao cấp qua giá để thực hiện cơ chế thị trường đối với một số nhóm hàng (xăng dầu, điện, than...) và tăng tổng phương tiện thanh toán để tăng nhanh dự trữ ngoại hối trong điều kiện cho phép.

- Thu nhập của dân cư tăng (tăng 5,8 % so với năm 2006 đã trừ yếu tố trượt giá).

- Tác động của các yếu tố tâm lý khi giá tăng.

Để bình ổn giá, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các biện pháp cấp bách, có tính đột phá ngay từ đầu năm:

- Tích cực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để khai thác và phát huy có hiệu quả các nguồn lực, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, không để xảy ra mất cân đối cung - cầu hàng hoá dịch vụ.

- Giữ ổn định các lãi suất chủ đạo của đồng Việt Nam như năm 2006; điều chỉnh tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi VNĐ và ngoại tệ; khống chế dư nợ cho vay đầu tư chứng khoán dưới 3% tổng dư nợ; thực hiện nghiệp vụ thị trường mở, bán tín phiếu Ngân hàng Nhà nước để rút tiền từ lưu thông về. Phát hành trái phiếu Chính phủ, trái phiếu chính quyền địa phương theo kế hoạch.

- Đẩy mạnh cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước; thúc đẩy việc giải ngân vốn đầu tư; cắt giảm thuế theo lộ trình cam kết; giảm thuế nhập khẩu đối với 20 nhóm hàng có chỉ số giá tiêu dùng tăng cao.

- Tăng cường kiểm soát chi ngân sách nhà nước.

- Giãn lộ trình điều chỉnh tăng giá một số hàng hoá dịch vụ theo cơ chế giá trị trường; giảm giá một số hàng hoá dịch vụ. Triển khai việc kiểm tra, kiểm soát các yếu tố hình thành giá đối với các sản phẩm có mức giá tăng cao, đối với các mặt hàng đươc giảm thuế nhưng không giảm giá.

Những kết quả đạt được trong công tác bình ổn giá

- Trong dịp tết Nguyên đán Đinh Hợi, chỉ số giá tiêu dùng không tăng quá cao, thậm chí tháng 3 còn giảm 0,22%. Do chỉ đạo có hiệu quả công tác bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán Đinh Hợi nên chỉ số giá tiêu dùng trong dịp Tết không tăng quá cao, thậm chí tháng 3 còn giảm 0,22 %. Tháng 8, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thực hiện quyết liệt các biện pháp bình ổn giá nên quan hệ cung cầu hàng hoá dịch vụ cân đối, phong trào bán hàng với nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá diễn ra ở nhiều nơi trong tháng 9, tháng 10, nhất là ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh...Vì vậy, chỉ số giá tiêu dùng tháng 6, tháng 7 từ chỗ tăng cao (0,85% và 0,94%), đã giảm tốc độ tăng: còn 0,55 % tháng 8, và 0,51 % vàotháng 9... Nhiều mặt hàng giữ được mức giá ổn định và có những mặt hàng giá đã giảm, có tác động tích cực đến sản xuất và đời sống như: điện, than, cước vận tải hành khách, xi măng, nước sạch, một số loại sữa, cước viễn thông, ô tô nhập khẩu...

Tuy nhiên, xét trên tổng thể, chỉ số giá tiêu dùng tăng như vậy là cao, đã có những ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất, đời sống của người dân. Vì vậy, trong công tác bình ổn giá thời gian tới cần rút kinh nghiệm ở những vấn đề sau:

- Sự phối kết hợp giữa các Bộ, ngành trong việc kiểm tra, kiểm soát chưa thật chặt chẽ, có hiệu quả.

- Chưa quyết liệt cùng doanh nghiệp dứt khoát cắt bỏ ngay chi phí bất hợp lý để giảm giá hàng.

- Quy định về mặt pháp lý để các địa phương thực hiện bình ổn giá chưa cụ thể...

- Việc kiểm soát tốc độ tăng tăng tổng phương tiện thanh toán còn hạn chế, việc trung hoà lượng tiền cung ứng mua ngoại tệ và rút tiền từ lưu thông về chưa nhịp nhàng, ăn khớp.

- Một số phương tiện thông tin đại chúng đưa nhiều thông tin về tình hình giá cả thị trường, các biện pháp bình ổn giá của Chính phủ còn có những nội dung chưa tạo thuận lợi cho việc ngăn ngừa tâm lý tăng giá, góp phần kiềm chế tăng giá thị trường./.