Festival với du lịch Huế

18:39, ngày 02-06-2008

Thừa Thiên Huế - trung tâm du lịch lớn của Việt Nam, kinh đô của nước Việt Nam dưới triều đại phong kiến nhà Nguyễn. Các di sản văn hoá vật thể và phi vật thể của Huế, vừa hội tụ những đặc trưng, những tinh hoa của văn hoá dân tộc, vừa thể hiện những nét riêng có của một vùng văn hoá truyền thống, được đánh giá là “đỉnh cao của sức sáng tạo Việt Nam”. Trải qua những thăng trầm và biến động trong lịch sử của dân tộc, văn hoá Huế đã có sự giao lưu, kế thừa và phát triển một cách có chọn lọc, hiện còn lưu giữ được những nét văn hoá truyền thống đặc sắc của dân tộc, được thể hiện thông qua các lễ hội bên cạnh các di tích văn hoá - lịch sử có sức thu hút rất lớn đối với khách du lịch

Nhận thức được tầm quan trọng của văn hoá lễ hội nói chung và Festival Huế nói riêng đối với việc phát triển du lịch, tăng cường sức hấp dẫn và đa dạng hoá các loại hình sản phẩm, Du lịch Thừa Thiên Huế đã quan tâm tập trung cho việc đầu tư khai thác một số lễ hội truyền thống hiện có, nhằm thu hút khách du lịch như Lễ hội vật võ Làng Sình, Lễ hội điện Hòn Chén, lễ hội Phật Đản, Lễ hội đua thuyền trên sông Hương và đặc biệt hơn cả là lễ hội Festival Huế.

Được tổ chức liên tục hai năm một lần, Festival Huế không chỉ đơn thuần là một lễ hội giao lưu văn hoá, hướng đến việc xây dựng Huế trở thành “Thành phố Festival” của Việt Nam, mà còn là một sự kiện du lịch lớn, góp phần quan trọng trong việc khai thác các giá trị văn hoá truyền thống đặc trưng của Huế, xây dựng Festival Huế trở thành thương hiệu du lịch hàng đầu của Việt Nam” để tăng cường thu hút du khách trong và ngoài nước, kéo dài thêm thời gian lưu trú, nâng cao sức hấp dẫn của các sản phẩm du lịch của Thừa Thiên Huế, góp phần tạo ra động lực phát triển cho Thừa Thiên Huế.

Điểm lại qua các kỳ tổ chức Festival Huế, có thể thấy rõ điều đó mà Festival Huế 2000 và 2002 là một minh chứng sinh động. Mặc dù diễn ra ngay sau trận lụt lịch sử 1999 và sau sự kiện 11-9-2001 ở Mỹ, nhưng sức thu hút của Festival Huế không hề sút giảm trong lòng du khách bốn phương, thể hiện qua việc hàng chục vạn lượt khách đến với Huế trong thời gian diễn ra lễ hội. Từ những thành công qua các kỳ tổ chức Festival Huế trước đây, nhiều quốc gia trên thế giới đã gửi các đoàn nghệ thuật tham gia trong lễ hội Festival Huế 2008 và Festival Huế không còn chỉ đơn thuần là một lễ hội giao lưu văn hoá, mà còn là một sự kiện văn hoá, du lịch lớn của quốc gia, khu vực và quốc tế.

Với chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển”, Festival Huế 2008 với sự tham gia của 25 đoàn nghệ thuật đến từ các quốc gia của 5 châu lục sẽ diễn ra trong thời gian từ 3-6-2008 - 11-6-2008, ngoài ý nghĩa về tăng cường giao lưu văn hoá, giới thiệu giá trị văn hoá tiêu biểu và đặc trưng của Việt Nam, nghệ thuật truyền thống đất Cố Đô, hình ảnh Huế với bạn bè quốc tế và các giá trị văn hóa đặc sắc của các quốc gia tham dự, mà còn tạo ra sức hút rất lớn đối với khách du lịch quốc tế, cũn là vận hội để du lịch Thừa Thiên Huế, du lịch miền Trung chuyển mình thực sự, trở thành điểm đến hấp dẫn của du lịch Việt Nam, đồng thời là “động lực” cho phát triển du lịch Thừa Thiên Huế, du lịch miền Trung

Có thể nói, thành công và tiếng vang của các kỳ Festival Huế đã từng bước biến lễ hội văn hóa này thành một thương hiệu uy tín, độc đáo của du lịch Thừa Thiên Huế. Thực tế là, không chỉ khách du lịch đã đến với Huế để được tham dự Festival qua đó hiểu thêm về đất nước, con người và một nền văn hóa độc đáo, đặc sắc của các dân tộc Việt Nam mà có nhiều du khách biết đến Festival Huế trước khi biết đến Huế và thông qua đó họ biết đến Việt Nam nhiều hơn. Không phải ngẫu nhiên mà đã có ý kiến cho rằng, nếu Festival 2000 là lễ hội văn hóa là chính, thì từ Festival 2004 đã hình thành ý tưởng khuyếch trương thương hiệu mà bằng chứng là một loại các sản phẩm với tên gọi Festival ra đời, nhiều doanh nghiệp đã xây dựng chiến lược phát triển từ thương hiệu Festival. Festival Huế 2008 chính là cơ hội để các nhà tổ chức kỳ vọng về một thương hiệu du lịch hàng đầu của Việt Nam được khẳng định và nâng lên tầm cao mới. Chỉ tính riêng ngành du lịch, đến nay đã có nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ mang tên Festival với hi vọng thông qua sự “nổi tiếng của Festival Huế” để tạo ra ấn tượng với du khách. Không chỉ có ngành du lịch mà một số doanh nghiệp ngoài ngành đã rất thành công với những sản phẩm mang tên Festival như sản phẩm Bia Festival – sản phẩm bán chạy nhất trong mấy năm nay của nhà máy bia Huế là một ví dụ.

Kế thừa những thành quả đó, Festival Huế 2008 lần này thực sự sẽ là “một cuộc chơi lớn”, tạo ra “ cú huých” thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nói chung và ngành du lịch nói riêng, từng buớc khẳng định Festival Huế là thương hiệu Du lịch có uy tín trên thế giới thông qua những hiệu quả mà nó đem lại:

Một là: thông qua Festival Huế, sẽ góp phần khai thác tốt hơn nguồn tài nguyên du lịch văn hoá hiện có của Thừa Thiên Huế. Đây là nguồn tài nguyên được đánh giá là hết sức hấp dẫn, phong phú, có giá trị cao. Điều mà trong những năm qua, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, ngành du lịch chưa khai thác một cách toàn diện nguồn tài nguyên này phục vụ mục đích du lịch. Hiện nay, khách du lịch đến Huế chủ yếu chỉ mới biết đến các di sản văn hoá như Đại Nội, lăng tẩm, chùa chiền…, các giá trị văn hoá phi vật thể còn lại chưa được đầu tư khai thác một cách có hệ thống. Chỉ thông qua các kỳ tổ chức Festival Huế, du khách mới có được cái nhìn khá đầy đủ về các loại hình văn hoá truyền thống Huế hết sức đặc sắc, cũng như có dịp thưởng thức các loại hình nghệ thuật tiêu biểu khác của Việt Nam và của các quốc gia tham dự.

Hai là: qua những lần tổ chức các lễ hội truyền thống, đặc biệt là qua các kỳ Festival Huế, chúng ta học hỏi được kinh nghiệm và công nghệ tổ chức các lễ hội quốc tế lớn, hiện đại. Việc tổ chức thành công các kỳ Festival Huế không chỉ có lợi cho ngành du lịch Thừa Thiên Huế và khu vực miền Trung mà còn cho cả Du lịch Việt Nam.

Ba là: thông qua du lịch lễ hội và sự kiện Festival Huế, công tác xã hội hóa các hoạt động dịch vụ nhất là dịch vụ du lịch phát triển, thu hút đông đảo dân cư tham gia tích cực vào lễ hội thông qua các hoạt động như lưu trú trong nhà dân, du lịch nhà vườn, du lịch thăm quan Cố đô bằng xích lô du lịch, xe ngựa du lịch (City tour), tham gia trực tiếp vào các lễ hội văn hóa dân gian…, đặc biệt là thúc đẩy công tác xuất khẩu tại chỗ đối với ngành hàng thủ công mỹ nghệ, hàng hóa phục vụ tiêu dùng…

Bốn là: thông qua việc tổ chức lễ hội và Festival Huế, kết cấu hạ tầng đô thị (đường sá, điện, nước, thông tin liên lạc ... ), cảng biển nước sâu Chân Mây, nhà ga Huế, sân bay quốc tế Phú Bài, hệ thống đường liên tỉnh và đường đến các khu du lịch được nâng cấp ngày càng hiện đại và đồng bộ hơn, đáp ứng nhu cầu của khách du lịch, góp phần khơi thông luồng khách du lịch đến Huế và đưa Huế trở thành một thành phố du lịch. Đây là điều kiện hết sức quan trọng, nâng cao sức cạnh tranh của du lịch Thừa Thiên Huế so với các địa phương khác trong cả nước. Cùng với Đà Nẵng, Huế đã và đang trở thành một cửa ngõ quan trọng đón khách vào khu vực miền Trung qua sân bay du lịch quốc tế Phú Bài,

Năm là: Festival Huế sẽ góp phần tích cực trong việc tạo dựng hình ảnh của Huế và của Việt Nam trong con mắt bạn bè quốc tế. Đây là sản phẩm du lịch văn hoá hết sức độc đáo, mang tính biểu trưng cho nền văn hoá của nhiều dân tộc trên thế giới, góp phần nâng cao vị thế của Huế với tư cách là một trung tâm du lịch lớn của miền Trung và cả nước.

Sáu là: nhờ có Festival Huế, ngành du lịch Thừa Thiên Huế cũng có thêm nhiều yếu tố thuận lợi để phát triển: cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch được đầu tư, tôn tạo, nâng cấp mở rộng hơn; đội ngũ cán bộ, nhân viên được đào tạo bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ và ngoại ngữ; sản phẩm du lịch ngày càng đa dạng và hấp dẫn hơn... góp phần thực hiện mục tiêu của ngành là tăng doanh thu, kéo dài ngày lưu trú của khách, thực hiện thắng lợi mục tiêu đón 2,5 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế chiếm 50% vào năm 2010./.