Chuyện tám nông dân góp tiền xây nhà máy

Nguyễn Văn Chiến
10:53, ngày 01-06-2008

Cách thị xã Kon Tum hơn 5 km về phía tây, trên tỉnh lộ 671 đi huyện biên giới Sa Thầy, có một nhà máy trên địa bàn xã Vinh Quang đêm ngày nhộn nhịp, người xe hối hả với bộn bề công việc... Đó là nhà máy chế biến mủ cao su, được xây dựng trên một vùng đất vốn hoang vu, giữa ngút ngàn rừng cao su miền cực Bắc Tây Nguyên.

Tôi phóng xe máy từ thị xã Kon Tum xuống nhà máy. Đến nơi, tôi hỏi thăm thì gặp được chính "ông chủ" của cơ ngơi này. Nhìn thấy ông, tôi chợt nghĩ, đây đích thực là "giám đốc nông dân" bởi phong thái xem ra cũng loàng xoàng, áo bỏ ngoài quần, râu ria lởm chởm và khuôn mặt gầy, đen đúa nhưng được cái xởi lởi, đon đả "mời cán bộ uống nước" giữa ngôi nhà ngổn ngang, bề bộn toàn là sản phẩm cao su. Tên chính thức của ông là Nguyễn Thắng, chủ nhiệm Hợp tác xã Kinh doanh tổng hợp Vinh Quang, ông chủ của cái nhà máy chế biến mủ cao su tư nhân nghe có vẻ "ngược đời" trên đất Kon Tum này.

Từ nỗi lo chung của người dân

Ông Phạm Ngọc Dự, một trong 8 thành viên sáng lập ra nhà máy này cho biết, trên địa bàn xã Vinh Quang có trên 400 ha cao su tiểu điền được bà con trong xã trồng từ năm 1998 đến năm 2000 theo Chương trình 327 của Chính phủ. Đến năm 2004, một số diện tích của người dân đã cho khai thác nhưng sản phẩm mủ cao su của người dân tiêu thụ khó hoặc bị tư thương ép giá, giá thu mua chỉ thấp bằng hai phần ba thậm chí có những lúc giá chỉ bằng một nửa giá thị trường nhưng người dân vẫn phải "bán đổ bán tháo" vì không bán thì không có chỗ cất chứa, để lâu ngày mùi nồng nặc trong nhà. Đời sống của người dân gặp rất nhiều khó khăn, gây tác động tiêu cực đến tư tưởng phát triển cây công nghiệp nói chung trên địa bàn xã. Sản phẩm mủ cao su càng nhiều, bà con khai thác không tập trung, hơn nữa lại trôi nổi trên thị trường, một số người dao động, chán nản và không còn "mặn mà" để dốc sức cho loại cây trồng chiến lược được xác định ở vùng đất này. Thế là, được người quen giới thiệu, Nguyễn Thắng đã tìm đến Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao kỹ thuật cao su Tây Nguyên ở thành phố Plei-ku, tỉnh Gia Lai để tìm hiểu. Tại đây, anh đã được các chuyên gia đầu ngành tận tình hướng dẫn, giúp đỡ với mong muốn giúp chuyển giao công nghệ chế biến mủ cao su. Anh còn lặn lội vào tận tỉnh Bình Dương, tìm đến các cơ sở, xí nghiệp chế biến mủ cao su để học hỏi cách quản lý, tổ chức sản xuất. Trở về Kon Tum, vận động, thuyết phục được 4 thanh niên đã tốt nghiệp trung học phổ thông đang làm nông nghiệp tại quê nhà để đưa anh em vào học kỹ thuật, chuyển giao công nghệ chế biến. Học xong nhưng quả là "vạn sự khởi đầu nan" tưởng chừng như những ý tưởng và ước vọng về một nhà máy sẽ không bao giờ trở thành hiện thực. Nhưng theo anh Thắng "đó là sự quyết tâm của chính bản thân tôi".

Gặp những người cùng ý tưởng

Vì không có vốn nên khi Nguyễn Thắng đem ý tưởng muốn thành lập nhà máy để mua sản phẩm của nông dân, tạo công ăn việc làm cho thanh niên trong xã, góp phần giải quyết vấn đề xã hội, thì có nhiều người cho rằng "tay này chắc không bình thường mất rồi". Vì từ trước đến nay, "nhà máy" chỉ Nhà nước mới làm được. Do đó, người bàn vào thì ít mà kẻ tãi ra là nhiều. Anh mời Phạm Ngọc Dự, là đảng viên vừa nghỉ công tác tại xã. Anh Dự đồng ý ngay và thế là hai anh em vạch ra phương án, kế hoạch chi tiết; đồng thời, thuyết phục thêm 6 người nữa là các ông, bà: Trần An, Huỳnh Ngọc Mai, Trần Thơ, Trần Thị Nhã, Lê Thị Chúng và Trần Hòa. Tất cả đều là những người nông dân rất bình thường ở xã Vinh Quang. Họ gom được tất cả khoảng 1 tỉ đồng, trong đó riêng ông Trần An góp một mảnh đất hơn 4.000m2 để xây dựng nhà máy. Các hộ đã mạnh dạn thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để vay tiền của ngân hàng với lãi suất 1,5%. Họ cùng quyết tâm: "Thành công cùng hưởng, thất bại cùng chịu" và phân việc cụ thể. Và đến giữa năm 2005, tiếng máy đã reo vui trên vùng đất của xã Vinh Quang, mảnh đất của nhà ông Trần An ngày trước hoang vu thì bây giờ nhộn nhịp, hối hả người xe tấp nập kẻ bán, người mua... Ban Chủ nhiệm tuyển 25 công nhân là thanh niên nam, nữ trong xã vào làm việc tại nhà máy; trong đó, có 4 công nhân kỹ thuật, 4 công nhân chuyên lo thu mua sản phẩm, 4 người là đồng bào dân tộc Ba Na ở làng Đăk-choa của xã Vinh Quang một bộ phận lo tiêu thụ và còn lại lao động phổ thông. Lương bình quân của công nhân được trả từ 1,3 đến 1,6 triệu đồng/người/tháng, các chế độ bảo hiểm xã hội, hợp đồng lao động được thực hiện đầy đủ.

Bà Trần Thị Nhã, một trong 8 thành viên quản lý của nhà máy cho biết, hiện nay trên địa bàn xã Vinh Quang đã có trên 300 ha cao su của nông dân đã đến độ khai thác, trong đó có khoảng 60 ha của 90 hộ là của bà con dân tộc Ba Na, Giẻ Triêng thuộc 2 làng Plei-chưm và Đăk-choa. Giá mủ cao su được nhà máy mua với giá thị trường, trả trực tiếp bằng tiền ngay rất sòng phẳng, nông dân lúc giao hàng, nên đã hấp dẫn khách hàng. Ông A Nhơn, già làng Đăk-choa cho biết: "Chúng tôi cảm ơn nhà máy đã giúp bà con tiêu thụ sản phẩm, chúng tôi không còn phải lo bị ép giá hoặc không có nơi tiêu thụ sản phẩm như trước nữa". Ngoài việc tiêu thụ sản phẩm mủ cao su cho bà con, nhà máy còn cung cấp vật tư, trang thiết bị và thuốc bảo vệ thực vật cho nông dân trong vùng trồng và chăm sóc cây cao su.

Nguyễn Thắng dẫn tôi đi xem cơ ngơi nhà máy. Từ khi đi vào sản xuất đến nay, những con người ở đây đã làm ra trên 400 tấn mủ khô, với doanh thu đạt gần 17 tỉ đồng. Với việc xây dựng xong 16 hồ đánh đông, 3 lò sấy, 3 nhà phơi, 1 nhà xưởng bảo đảm đầy đủ với quy trình sản xuất khép kín, làm ra sản phẩm chất lượng cao, được khách hàng tín nhiệm. Hiện nay, hợp tác xã kinh doanh dịch vụ tổng hợp của tám hộ nông dân với nhà máy chế biến cao su này đã có số vốn cố định hơn 800 triệu đồng và hơn 1 tỉ đồng vốn lưu động. Theo dự định, với việc thu mua mủ cao su như hiện nay (từ 4 đến 5 tấn mủ tươi mỗi ngày), nhà máy sẽ mở rộng thêm dây chuyền mới để đáp ứng nhu cầu chế biến.

Đi giữa đất trời Tây Nguyên trong những cơn mưa đầu mùa, tiếng máy reo vui từ nhà máy cao su Vinh Quang dội vào lòng người bao điều mới lạ. Từ một suy nghĩ đầy quyết tâm và táo bạo, 8 người nông dân "ngược đời" này đã chung tay dựng nên một nhà máy, để dòng nhựa trắng từ vùng đất đỏ ba zan này tỏa đi mọi phương trời./.