Những sự kiện trong nước đáng chú ý trong tuần từ 22-9 đến 28-9-2008
1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội cảnh cáo một số giáo sĩ tại Nhà thờ Thái Hà
Ngày 22-9-2008, Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo ký Công văn số 1407/UBND-NC cảnh cáo một số giáo sĩ tại Nhà thờ Thái Hà có hành động "đòi đất" do Công ty Cổ phần May Chiến Thắng đang quản lý và sử dụng. UBND thành phố đã thành lập Ðoàn thanh tra liên ngành, tiến hành thanh tra, giải quyết đơn theo đúng quy định của pháp luật và khẳng định việc các ông Trịnh Ngọc Hiên, Nguyễn Văn Thật, Nguyễn Ngọc Nam Phong, Ðinh Tiến Ðức, Nguyễn Văn Khải và một số giáo dân đòi quyền sử dụng nhà đất mà Nhà nước đã quản lý trong các thời kỳ thực hiện chính sách nhà đất những năm 60 của thế kỷ trước, hiện nay do Công ty Cổ phần May Chiến Thắng đang quản lý sử dụng là không có cơ sở pháp lý. Trong quá trình giải quyết, một số giáo sĩ giáo xứ Thái Hà, đứng đầu là linh mục chính xứ Vũ Khởi Phụng, đã liên tục có những hành vi vi phạm pháp luật, đẩy một số giáo dân đến vi phạm pháp luật hình sự; làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của đạo Thiên chúa, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân. Vì những hành vi trên, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cảnh cáo ông Vũ Khởi Phụng, Nguyễn Văn Khải, Nguyễn Văn Thật, Nguyễn Ngọc Nam Phong. Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu các giáo sĩ này dừng ngay các hành vi vi phạm pháp luật, nếu cố tình sẽ bị xử lý nghiêm minh theo pháp luật.
2. Tổng Bí thư Nông Ðức Mạnh tiếp đoàn đại biểu cấp cao Ban Tổ chức Trung ương Ðảng Nhân dân cách mạng Lào
Ngày 22-9-2008, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Nông Ðức Mạnh đã tiếp và nói chuyện thân mật với Ðoàn đại biểu cấp cao Ban Tổ chức Trung ương Ðảng Nhân dân cách mạng Lào do đồng chí Bun-thoong Chít-ma-ny, Bí thư Trung ương Ðảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, dẫn đầu đang thăm và làm việc tại Việt Nam. Chiều cùng ngày, Ðoàn đại biểu cấp cao Ban Tổ chức Trung ương Ðảng Cộng sản Việt Nam do đồng chí Hồ Ðức Việt, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Ðảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương làm trưởng đoàn đã tiến hành hội đàm với Ðoàn đại biểu cấp cao Ban Tổ chức Trung ương Ðảng Nhân dân cách mạng Lào. Hai bên trao đổi ý kiến và bàn các biện pháp cụ thể thực hiện thỏa thuận giữa lãnh đạo cấp cao hai Ðảng, hai Ban về công tác xây dựng Ðảng và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, góp phần củng cố và tăng cường hơn nữa quan hệ hữu nghị truyền thống đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào. Trong chương trình hoạt động, Ðoàn đại biểu cấp cao Ban Tổ chức Trung ương Ðảng Nhân dân cách mạng Lào còn đi thăm và làm việc với Thành ủy Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ và một số cơ sở kinh tế, văn hóa của Việt Nam.
3. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết chủ trì Phiên họp cải cách tư pháp thứ 18
Ngày 22-9-2008, Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương đã họp phiên thứ 18. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương, chủ trì phiên họp. Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương đã nghe, thảo luận và cho ý kiến đối với các nội dung: Ðề án tổ chức hệ thống tòa án thành bốn cấp (Tòa án sơ thẩm khu vực, Tòa án phúc thẩm, Tòa án thượng thẩm, Tòa án Nhân dân tối cao) theo tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/T.W về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020; đề án tổ chức bộ máy và chức năng, nhiệm vụ của Viện Kiểm sát trong tiến trình cải cách tư pháp; đề án đổi mới phân bổ ngân sách đối với cơ quan tư pháp, hoạt động tư pháp theo Nghị quyết số 49-NQ/T.W; báo cáo việc chuẩn bị tổ chức Ðại hội thành lập Liên đoàn luật sư Việt Nam. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đề nghị Ban cán sự Ðảng Tòa án Nhân dân tối cao và Ban cán sự Ðảng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao hoàn thiện các đề án tổ chức hệ thống, chức năng và nhiệm vụ của ngành theo yêu cầu của cải cách tư pháp, tạo thuận lợi cho các trình tự tiếp theo. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết lưu ý rằng, công tác cải cách tư pháp hiện nay đang đi chậm hơn so với một số lĩnh vực khác vì một trong những nguyên nhân là đội ngũ cán bộ thiếu về số lượng, trình độ chưa đáp ứng nhiệm vụ.
4. Ðoàn đại biểu cấp cao Ðảng Cộng sản Nhật Bản sang thăm Việt Nam
Ngày 23-9-2008, Ðoàn đại biểu Ðảng Cộng sản Nhật Bản do đồng chí Tê-chư-dô Phu-oa, nguyên Chủ tịch Ðảng, Ủy viên Thường vụ Ðoàn Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Ðảng Cộng sản Nhật Bản, Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội dẫn đầu đến thăm Việt Nam và tiến hành trao đổi lý luận lần thứ hai với Ðảng ta. Chiều 24-9-2008, tại Trụ sở Trung ương Ðảng, Tổng Bí thư Nông Ðức Mạnh đã thân mật tiếp và trao đổi ý kiến với đồng chí Tê-chư-dô Phu-oa và Ðoàn. Từ ngày 23 đến 26-9-2008, Ðoàn đại biểu Ðảng Cộng sản Việt Nam do đồng chí Tô Huy Rứa, Bí thư Trung ương Ðảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương làm Trưởng đoàn và Ðoàn đại biểu Ðảng Cộng sản Nhật Bản do đồng chí Tê-chư-dô Phu-oa dẫn đầu đã tiến hành Hội nghị trao đổi lý luận. Ðây là Hội nghị trao đổi lý luận lần thứ hai giữa Ðảng Cộng sản Việt Nam và Ðảng Cộng sản Nhật Bản sau Hội nghị lần đầu diễn ra vào năm 2007 tại Nhật Bản.
5. Tiếp tục phát hiện số lượng lớn sữa có xuất xứ từ Trung Quốc trên thị trường
Ngày 24-9 và 25-9-2008, các Đoàn thanh tra Bộ Y tế đã phát hiện số lượng lớn sản phẩm sữa và nguyên liệu từ sữa có nguồn gốc từ Trung Quốc tại Công ty thực phẩm Á Châu (phát hiện 27 tấn sữa bột nguyên kem có xuất xứ Trung Quốc đã bán hết). Tại Thành phố Hồ Chí Minh, Đoàn thanh tra Bộ y tế phối hợp với Sở Y tế Thành phố tiến hành thanh tra 51 cơ sở sản xuất kinh doanh sữa trên địa bàn. Hầu hết, các mẫu sữa được kiểm nghiệm đều cho kết quả dương tính. Đoàn đã tịch thu, niêm phong khoảng vài trăm tấn sữa chờ xử lý tiêu hủy. Trước đó, Đoàn thanh tra Bộ Y tế đã kiểm tra đột xuất sản phẩm sữa của Công ty Hanoi Milk và phát hiện 280 tấn sữa nguyên kem có nguồn gốc từ Trung Quốc. Cùng ngày, Sở Y tế Hà Nội phát hiện Công ty cổ phần thương mại và công nghệ thực phẩm Hoàng Lâm đã bán 25 tấn kem không sữa xuất xứ Trung Quốc, chưa có chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm. Được biết, năm 2007 công ty này cũng đã nhập 42 tấn sữa từ Công ty Weihai Jinbao Dairying, (Trung Quốc) mà chưa được Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) cấp giấy chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng. Đại diện công ty Hoàng Lâm thừa nhận đã bán 18 tấn sữa trên cho Công ty An Co (Ba Vì, Hà Nội) và bán một số khác cho Công ty Cổ phần Sữa Hà Nội (Hanoi Milk). Ngoài ra, Đoàn thanh tra Sở Y tế Hà Nội cũng đã niêm phong 2 tấn sữa còn lại ở Công ty An Co. Các mẫu sữa thu thập được qua kiểm tra đã được gửi tới Viện Dinh dưỡng để xét nghiệm tìm chất mê-la-min (melamine).
6. Việt Nam lọt vào danh sách thị trường hấp dẫn nhất trong 10 nước có tốc độ tăng trưởng cao
Ngày 24-9-2008, tại Luân Ðôn kết thúc Hội nghị các lãnh đạo doanh nghiệp Anh về chủ đề các nền kinh tế đang nổi lên, được gọi là khối BRIC. Trong báo cáo nhan đề "Các thị trường của tương lai" vừa công bố, Cơ quan thương mại và đầu tư của Chính phủ Anh (UKTI) nhận định, Việt Nam là thị trường có sức hấp dẫn nhất, đứng đầu trong 10 nước có tốc độ tăng trưởng cao trong tương lai. Theo UKTI, 10 thị trường mới nổi có tốc độ tăng trưởng cao trong tương lai là Việt Nam, Mê-hi-cô, Các Tiểu vương quốc A-rập Thống nhất, U-crai-na, In-đô-nê-xi-a, Xin-ga-po, Ba Lan, Nam Phi, Ác-hen-ti-na và A-rập Xê-út.
7. Khởi công kết nối mạng giáo dục
Ngày 25-9-2008, tại Hà Nội, Tổng Công ty Viễn thông Quân đội (Viettel) và Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Lễ khởi công kết nối mạng giáo dục. Theo đó, Viettel hỗ trợ Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện kết nối băng thông rộng phục vụ cho hoạt động của ngành giáo dục bao gồm kết nối từ Bộ tới các Sở Giáo dục và Đào tạo 63 tỉnh, thành phố, kết nối các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề, các trường trung học phổ thông, trung học cơ sở và tiểu học trên phạm vi cả nước. Tổng chi phí của chương trình hỗ trợ kết nối mạng giáo dục của Viettel khoảng 500 triệu USD. Về phía ngành giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo hỗ trợ Viettel thực hiện việc quảng bá hình ảnh, thương hiệu cũng như các sản phẩm, dịch vụ tới các đơn vị trong ngành, chuẩn hóa nguồn nhân lực, giới thiệu nguồn nhân lực có chất lượng từ các trường đại học, các cơ sở đào tạo cho Viettel tuyển dụng. Sau khi hoàn thành kết nối mạng giáo dục quốc gia và kết nối in-tơ-net, ngành giáo dục sẽ giảm được chi phí, nâng cao hiệu quả quản lý, thông tin thuận tiện, có kho học liệu dùng chung, giao lưu, học hỏi trong nước và quốc tế. Hơn 27 triệu người, gồm thầy cô giáo và học sinh, sinh viên của gần 40.000 đơn vị bao gồm các sở giáo dục và đào tạo, trường đại học, cao đẳng, trung cấp, dạy nghề, trung học phổ thông, trung học cơ sở, tiểu học, mầm non... sẽ được hưởng lợi từ chương trình hợp tác này.
8. Khởi công dự án tổ hợp hoá dầu Long Sơn
Ngày 25-9-2008, tại xã đảo Long Sơn, thành phố Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Công ty TNHH Hoá dầu Long Sơn tổ chức lễ khởi công Dự án Tổ hợp Hoá dầu Long Sơn với sự tham dự của Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải, lãnh đạo Tập đoàn dầu khí Việt Nam, lãnh đạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và đông đảo đại diện các cơ quan chức năng cùng nhân dân địa phương. Dự án do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), Tổng Công ty Hoá chất Việt Nam (Vinachem), Công ty Hóa chất Vina thuộc Tập đoàn Xi măng Thái Lan (Vina SCG Chemicals) và Công ty Nhựa và Hoá chất Thái Lan (TPC) cùng hợp tác đầu tư với tổng mức đầu tư gần 4 tỉ USD và quy mô công suất hơn 3 triệu tấn sản phẩm/năm, Tổ hợp Hoá dầu Long Sơn là dự án hoá dầu độc lập có tổng mức đầu tư và quy mô lớn nhất ở Việt Nam hiện nay. Theo tiến độ, Tổ hợp Hoá dầu Long Sơn bắt đầu hoạt động từ cuối năm 2012 và là nguồn cung cấp sản phẩm hạt nhựa HDPE và LDPE duy nhất cho thị trường Việt Nam.
9. Xóa đói, giảm nghèo là một trong những ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Việt Nam
Ngày 25-9-2008, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm đọc bản tham luận tại Cuộc thảo luận bàn tròn về mục tiêu xóa đói, giảm nghèo trong Phiên họp cấp cao Ðại hội đồng Liên hợp quốc kiểm điểm giữa kỳ việc thực hiện Các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (MDG). Bản tham luận đã nêu bật nỗ lực của Việt Nam biến cam kết thành hành động thực tế nhằm tiến tới thực hiện tám mục tiêu MDG vào năm 2015. Việt Nam đã đạt hoặc vượt ở nhiều mục tiêu và nhiều khả năng sẽ hoàn thành các mục tiêu còn lại trước năm 2015. Theo chuẩn nghèo quốc gia, tỷ lệ hộ nghèo toàn quốc đã giảm từ 58% năm 1993 xuống còn 14,8% năm 2007, theo chuẩn quốc tế thì cũng từ 58% năm 1993 xuống còn 24% vào năm 2004 và do vậy, đã sớm đạt mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ về xóa đói, giảm nghèo.
10. ADB tài trợ hơn 1,1 tỉ USD xây dựng đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai
Ngày 26-9, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Giàu và ông A-i-mi Cô-ni-si, Giám đốc Quốc gia ADB đã ký Hiệp định khoản vay trị giá 1,196 tỉ USD cho Dự án xây dựng đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, trong Hành lang giao thông Côn Minh - Hải Phòng. Mục tiêu của Dự án nhằm xây dựng một tuyến đường cao tốc chuẩn, hiệu quả, an toàn và có độ tin cậy cao từ Nội Bài đến Lào Cai; tạo điều kiện mở rộng dịch vụ vận chuyển xe khách đường dài kết nối với các dịch vụ vận tải công cộng của địa phương; tạo khả năng tiếp cận tốt hơn các dịch vụ xã hội và lao động tại các thành phố và thị xã... Tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai có chiều dài 244 km là một phần trong tuyến đường kết nối phía đông của Hành lang kinh tế phía Bắc, thuộc tiểu vùng sông Mê Công mở rộng.
11. Mưa lũ gây thiệt hại nặng nề
Ngày 27-9-2008, theo kết quả thống kê, mưa lũ ở các tỉnh phía Bắc đã làm 37 người chết, trong đó Sơn La có tới 14 người, nhiều người bị thương và mất tích; làm đổ, hư hỏng gần 2.500 căn nhà, trong đó tỉnh bị thiệt hại nhất là Sơn La với trên 1.000 căn; làm gần 100.000 ha lúa và hoa màu bị úng ngập; gây sạt lở 189.810m3 đường sá và hư hại 17 công trình thủy lợi (Bắc Giang 6, Sơn la 7, Bắc Cạn 4). Tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương với các bộ, ban, ngành có liên quan diễn ra sáng 27-9-2008, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhận định, thời gian qua công tác dự báo và chỉ đạo ứng phó với bão, lũ là tương đối tốt nhưng số lượng người chết và mất tích vẫn còn cao, cần chỉ đạo sát hơn nữa để bảo đảm an toàn về người. Bộ Quốc phòng tiếp tục tổ chức lực lượng tìm kiếm cứu nạn để giúp đỡ các địa phương khắc phục hậu quả ở những vùng còn bị chia cắt. Bộ Y tế nắm chắc tình hình ở các tỉnh để cung cấp đầy đủ thuốc men và các phương tiện cứu chữa những người bị thương. Bộ Giao thông Vận tải tập trung lực lượng để thông xe, bảo đảm việc cứu hộ, cứu trợ kịp thời. Bộ Thông tin Truyền thông tập trung khôi phục những khu vực bị mất liên lạc, về lâu dài, phải tính đến việc bảo đảm bền vững hơn đối với những vùng thường bị thiên tai. Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn chỉ đạo việc duy trì thường trực, đảm bảo an toàn đê, an toàn hồ chứa./.
*** Những sự kiện trong nước đáng chú ý trong tuần từ 15-9 đến 21-9-2008
Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần từ 22-9 đến 28-9-2008  (29/09/2008)
Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần từ 22-9 đến 28-9-2008  (29/09/2008)
Cà Mau tận dụng mọi thời cơ, đẩy nhanh hơn nữa tốc độ phát triển  (29/09/2008)
Giá gạo xuất khẩu sẽ tăng nhẹ do nhu cầu mới  (29/09/2008)
Bão số 7 hoạt động trên biển Đông  (29/09/2008)
FDI toàn cầu năm 2008 có dấu hiệu giảm sút  (29/09/2008)
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên