Đồng chí Vũ Xuân Kiều: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã làm rất tốt việc “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”
TCCS - Đồng chí Vũ Xuân Kiều - nguyên Vụ trưởng Vụ Kinh tế (nay là Trưởng Ban Kinh tế) Tạp chí Cộng sản - chia sẻ, khi còn công tác ở Tạp chí Cộng sản, gia đình tôi sống ở tầng 2; còn gia đình đồng chí Nguyễn Phú Trọng sống ở tầng 3 trong căn hộ 25m2 tại khu tập thể cũ cao 3 tầng, tại số 16 Nguyễn Thượng Hiền, Hai Bà Trưng, Hà Nội có tổng diện tích mặt sàn khoảng 200m2, với 8 phòng và 8 hộ sinh sống.
Trước đây, tôi và đồng chí Nguyễn Phú Trọng thường xuyên có cơ hội tiếp xúc, gặp gỡ, đi công tác cùng nhau. Đồng chí về công tác tại Tạp chí Cộng sản (khi đó còn gọi là Tạp chí Học tập) vào cuối năm 1967, còn tôi về Tạp chí công tác đầu năm 1968. Trong 25 năm công tác cùng nhau, chúng tôi rất gắn bó, thường xuyên có những chuyến công tác địa phương với nhau. Sau này, khi Đồng chí làm Trưởng Ban Xây dựng Đảng, rồi làm Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, thỉnh thoảng vẫn bảo tôi rằng: “Hai anh em mình lại đi với nhau một chuyến đi”.
Trong công việc, đồng chí Nguyễn Phú Trọng có tư duy sắc bén, nghiêm túc, cách làm việc khoa học, hiệu quả. Đặc biệt, Đồng chí rất coi trọng công tác nghiên cứu và học tập lý luận. Đối với đồng nghiệp, Đồng chí cư xử rất điềm đạm, hòa đồng, ít nói, không bao giờ to tiếng, ngay cả khi công việc có áp lực lớn.
Một gia đình hạnh phúc và mẫu mực
“Đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã đạt được rất nhiều thành tựu trong cuộc đời của mình. Và điều tôi khâm phục nhất ở Đồng chí là cách xây dựng một gia đình hạnh phúc và mẫu mực. Trong suốt bao nhiêu năm sinh sống cùng đồng chí Nguyễn Phú Trọng tại khu tập thể này, tôi chưa một lần nghe hai vợ chồng to tiếng với nhau”, đồng chí Vũ Xuân Kiều hồi tưởng lại.
Theo đồng chí Kiều, bà Ngô Thị Mận - vợ đồng chí Nguyễn Phú Trọng - là hình mẫu của người phụ nữ khiêm nhường, hết mực thương yêu chồng con, luôn làm hậu phương, giúp chồng thành công trong sự nghiệp. Dù khi đồng chí Nguyễn Phú Trọng công tác ở Tạp chí hay khi giữ vị trí lãnh đạo cao nhất của Đảng, thì vợ và hai người con vẫn giữ một thái độ khiêm nhường, chân thành, vui vẻ, giản dị, sồng chan hòa với mọi người. Có thể nói, Đồng chí là người chồng, người cha, người ông mẫu mực, lại có được người vợ hiền hậu, luôn là hậu phương, chỗ dựa vững chắc, vậy nên, “nếp nhà đó” càng bền chặt, vững chắc. Theo thời gian, nhiều cái sẽ trôi đi, nhưng hạnh phúc gia đình, tình cảm gia đình vẫn còn mãi mãi!
Thêm vào đó, các con của Đồng chí đều ngoan ngoãn, học giỏi, có ý thức tự phấn đấu vươn lên, không ỷ lại vào cha mẹ; có lối sống giản dị, khiêm nhường. Đồng chí Vũ Xuân Kiều khẳng định, để giữ gìn nền nếp, gia phong là điều không hề đơn giản. Và việc gìn giữ được gia đình vẹn toàn, biết cách đối nhân xử thế, có trước, có sau, đầy tình nghĩa, luôn nghĩ đến người khác… của một lãnh đạo cấp cao như đồng chí Nguyễn Phú Trọng là điều rất đáng để nhiều người học hỏi và noi theo. Các cụ đã nói: “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”, nên phải chăm lo cái gốc là bản thân, gia đình trước… Đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã làm rất tốt việc giữ “nếp nhà”, gia đình, vợ con, họ hàng luôn giữ được nét truyền thống, văn hóa của dân tộc…
Một lãnh đạo “lấy dân làm gốc” được lòng dân, thực hiện “ý nguyện” của dân
Trong sự nghiệp, có thể nói cho đến nay, theo tôi, điều Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tâm huyết và cũng là điểm nổi bật nhất mà Tổng Bí thư để lại cho chúng ta là những thành quả trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua. Xuyên suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn thể hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, toàn diện và đầy sức thuyết phục về công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng ta; góp phần làm sáng rõ bước phát triển trong tư duy lý luận của Đảng về công tác xây dựng Đảng nói chung, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nói riêng.
Qua các bài phát biểu, qua các cuốn sách và các bài báo để lại và qua thực tế đã chứng minh cho chúng ta thấy, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã lý giải sâu sắc, thuyết phục về bản chất của tham nhũng, tiêu cực. Tổng Bí thư đã lý giải rất ngắn gọn và súc tích về “Tham nhũng là gì?” như sau: Tham nhũng (tham ô, nhũng nhiễu) là hiện tượng xã hội tiêu cực, xấu xa mà thời nào, chế độ nào, quốc gia nào cũng có; đó là “khuyết tật bẩm sinh” của quyền lực. Các quốc gia tồn tại và phát triển vững mạnh đều quan tâm và tiến hành đấu tranh phòng, chống tham nhũng có hiệu quả. Luận điểm này của Tổng Bí thư giúp mỗi chúng ta nhận thức rõ ba vấn đề: Một là, tham nhũng, tiêu cực là một hiện tượng xã hội mang tính phổ biến toàn cầu mà từng quốc gia, dân tộc cần phải đối mặt, nhận diện và giải quyết; Hai là, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là cuộc đấu tranh hết sức cam go, gian khổ vì diễn ra trong nội bộ và là “ta tự đánh vào ta” nên cần có quyết tâm cao, nỗ lực lớn cùng sự đồng sức đồng lòng của toàn toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cả hệ thống chính trị; Ba là, chỉ rõ tác hại, phạm vi của tham nhũng, tiêu cực.
Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là nhiệm vụ rất quan trọng và vô cùng khó khăn, phức tạp, đòi hỏi phải tiến hành một cách kiên quyết, kiên trì, liên tục, bền bỉ, không nghỉ, không ngừng ở tất cả các cấp, các ngành, các lĩnh vực; thực hiện đồng bộ các biện pháp chính trị, tư tưởng, tổ chức, hành chính, kinh tế, hình sự; với những bước đi vững chắc, tích cực, chủ động và có trọng tâm, trọng điểm. Có thể nói, chưa bao giờ, chúng ta xử lý nghiêm khắc nhiều cán bộ, kể cả cán bộ cấp cao có sai phạm như vừa qua. Đây là điều không ai mong muốn, thậm chí rất đau xót, rất đau lòng; nhưng vì sự nghiệp chung, vì sự nghiêm minh của kỷ luật đảng, thượng tôn pháp luật của Nhà nước, sự trong sạch, vững mạnh và uy tín của Đảng, Nhà nước và ý nguyện của nhân dân, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã làm và kiên quyết làm, làm quyết liệt, mạnh mẽ. Tổng Bí thư rất day dứt khi chỉ từ vụ án tham nhũng, tiêu cực xảy ra tại Công ty Việt Á đã làm tha hóa nhiều cán bộ ở Trung ương và địa phương, với số lượng cán bộ, đảng viên bị xử lý kỷ luật, xử lý hình sự lên đến hàng trăm người, trong đó có cả cán bộ cấp cao. Tôi nghĩ, để công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục đạt được kết quả trong thời gian tới, rất cần những tấm gương sáng, mẫu mực, suốt đời vì nước, vì dân như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng!
Trong những ngày này, khi nghe tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, trong tôi thực sự là cảm giác mất mát, buồn đau như mất người thân. Nhân dân cả nước tiếc thương, buồn đau trước tin Đồng chí từ trần. Đó là lòng dân (điều không dễ có) đối với một nhà lãnh đạo mà mọi người tin yêu không chỉ ở sự trong sạch, liêm khiết, phong cách sống giản dị, gần dân, trọng dân, mà còn ở sự kiên định, tâm huyết cống hiến hết mình cho đất nước của Đồng chí - một lãnh đạo “lấy dân làm gốc” được lòng dân, thực hiện “ý nguyện” của dân! Dẫu còn nhiều việc dang dở, nhiều mong muốn (của dân) mà Đồng chí chưa kịp thực hiện, nhưng cuộc đời của một con người là hữu hạn...
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhà lãnh đạo tài năng và đức độ, nên được cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân kính trọng, tín nhiệm, tin tưởng và yêu quý, được bạn bè quốc tế trân trọng và đánh giá cao. Đồng chí thực sự là tấm gương tiêu biểu, mẫu mực về đạo đức cách mạng trong sáng. Trong công tác cũng như sinh hoạt thường ngày, ông luôn sống giản dị, chân thành, tận tâm với công việc và thân ái với mọi người…
Có thể nói, cuộc đời và sự nghiệp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thể hiện sự gương mẫu, nhất quán giữa nói và làm, sự kiên trì đấu tranh không ngừng nghỉ của người cộng sản kiên trung, trọn đời sống “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”, nói đi đôi với làm, lý luận gắn liền với thực tiễn; một tấm gương tuyệt vời về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh. Với một sự nghiệp đáng tự hào, với những dấu ấn mạnh mẽ không thể phai mờ, với những chủ trương, quyết sách “hợp lòng dân”, “ý nguyện” của dân thì sử sách hậu thế sẽ còn viết nhiều, rất nhiều về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - người chiến sĩ cộng sản kiên trung, trọn đời vì Đảng, vì đất nước, vì nhân dân!
Trong thời khắc đau buồn này, tôi xin được gửi đến gia đình Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lời chia buồn sâu sắc và chân thành nhất!
Nhân dân cả nước tiếc thương, tiễn đưa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về nơi an nghỉ cuối cùng  (27/07/2024)
Nhân dân cả nước tiếc thương, tiễn đưa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về nơi an nghỉ cuối cùng  (27/07/2024)
- Phát huy hệ giá trị con người Việt Nam, hoàn thiện chuẩn mực đội ngũ cán bộ ngành ngoại giao trong thời kỳ mới
- Xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Sự phát triển nhận thức của Đảng ta về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực qua gần 40 năm đổi mới
- Một số vấn đề về chuyển đổi nội dung số trong các tạp chí của Việt Nam hiện nay
- Tỉnh Nam Định xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay