Thành viên Chính phủ trả lời chất vấn tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Thể hiện quyết tâm cao trong việc khắc phục khó khăn
Đến dự vào phát biểu tại phiên chất vấn, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã thay mặt Chính phủ nêu rõ chủ trương của Chính phủ trong điều hành, ổn định cán cân kinh tế vĩ mô. Về vấn đề lạm phát, Phó Thủ tướng nhấn mạnh tới những yếu tố tác động chủ quan dẫn đến tình trạng khó khăn trong kiểm soát giá, trong đó có một số yếu kém nội tại của nền kinh tế như hạ tầng, năng suất lao động, sự phụ thuộc vào thị trường quốc tế,…
Đặc biệt, một số mặt hàng quan trọng đã bao cấp một thời gian dài, khi gặp khó khăn và Nhà nước không thể bù lỗ đã bộc lộ những yếu kém rõ rệt. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng, ngay từ cuối năm 2007 khi nền kinh tế thế giới bộc lộ những dấu hiệu suy thoái và dự báo sẽ diễn biến phức tạp trong thời gian tới, thì Chính phủ cũng như các cấp, các ngành đều xác định nhiệm vụ ưu tiên số một hiện nay chính là bài toán kiềm chế lạm phát.
“Trả lời câu hỏi của đại biểu liệu những giải pháp Chính phủ thực hiện thời gian qua đã trúng chưa, xin được trả lời là những giải pháp này cần tiếp tục thực hiện và liên tục theo dõi, sẵn sàng điều chỉnh khi cần thiết. Kiềm chế lạm phát không có một giải pháp cố định và không chỉ ngày một ngày hai. Kinh nghiệm các nước cho thấy phải xử lý ngay trong giai đoạn đầu thì mức độ thiệt hại, tác động của lạm phát sẽ ít đi”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phiên chất vấn và trả lời chất vấn đầu tiên này bắt đầu với hai Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh và Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát.
Công tác điều hành kinh tế vĩ mô kịp thời và đúng đắn
Phần chất vấn Bộ trưởng Vũ Văn Ninh xoay quanh vấn đề giá cả tăng cao và các giải pháp kiềm chế lạm phát. Sau khi giải trình rõ tình hình thực trạng, nguyên nhân chỉ số CPI tăng cao thời gian qua, Bộ trưởng Tài chính đã tập trung trình bày về những giải pháp tài chính quyết liệt, thắt chặt chi tiêu, tăng cường kiểm soát, kiên trì thực hiện lộ trình giá thị trường có sự kiểm soát của Nhà nước.
Về những vấn đề cụ thể, trả lời chất vấn về việc liệu có phải do chủ trương tăng lương vào dịp Tết, tăng giá xăng dầu vào thời điểm nhạy cảm đã dẫn đến tăng giá và lạm phát từ cuối năm 2007 đến nay, Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh khẳng định: Chương trình tăng lương cho cán bộ công nhân viên chức nằm trong lộ trình nâng lương của Chính phủ, do vậy việc tăng lương để đảm bảo đời sống cho cán bộ, công nhân, viên chức trong dịp Tết là điều cần thiết. Về việc tăng giá xăng dầu, chủ trương này cũng nằm trong lộ trình thị trường hóa giá một số mặt hàng như xăng dầu, điện than sắt thép và đã được Chính phủ cân nhắc, tính toán rất kỹ.
Bộ trưởng cũng khẳng định, về điều hành kinh tế vĩ mô, trong 3 tháng đầu năm 2008, Chính phủ đã có rất nhiều nỗ lực giảm lạm phát thông qua việc ban hành liên tục các chính sách kiểm soát chặt chẽ hệ thống tín dụng ngân hàng, điều hành cẩn trọng, linh hoạt chính sách tiền tệ, đẩy mạnh sản xuất cân đối cung cầu, điều hành chính sách tài chính - ngân sách theo hướng phấn đấu tăng thu, thắt chặt chi tiêu và chi tiêu hợp lý nhằm giảm bội chi ngân sách.
Những chính sách kịp thời và hợp lý trên đã dần phát huy tác dụng. Đến tháng 3, tốc độ tăng giá đã có dấu hiệu giảm (tháng 2: 3,56%, tháng 3: 2,99%), lãi suất đang có chiều hướng tiếp tục giảm. Mặc dù trên thế giới giá dầu thô vẫn tiếp tục tăng nhưnggiá trong nước được giữ vững, thị trường, tình hình sản xuất kinh doanh bắt đầu đi vào ổn định.
“Tuy nhiên, vấn đề giảm lạm phát không thể giải quyết ngay một sớm một chiều. Mục đích cao nhất của Chính phủ là giảm lạm phát và tiếp tục bình ổn kinh tế trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục suy thoái. Việc thực hiện cả 2 mục tiêu này thực sự là nhiệm vụ khó khăn đòi hỏi nhiều trí tuệ, sức lực và nỗ lực của cả người dân và Chính phủ”, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh trình bày.
Trả lời câu hỏi liên quan đến tình trạng đầu cơ giá, Bộ trưởng thừa nhận, hiện nay trên thị trường có hiện tượng "làm giá". Một số doanh nghiệp đầu mối đã lợi dụng giá đầu vào tăng để nâng giá đầu ra cao hơn mức có thể. Trước tình hình này, ngay từ cuối năm 2007 Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính kết hợp với các cơ quan thuế, công an, quản lý thị trường và chính quyền địa phương tiến hành kiểm tra 440 doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu. Đoàn kiểm tra đã lập biên bản xử lý một số doanh nghiệp lên giá mặt hàng quá cao so với giá nhập mà không có căn cứ. Những doanh nghiệp còn lại đã cam kết không nâng giá. Bộ Tài chính sẽ tiếp tục thanh tra, kiểm tra các tổng công ty lớn sản xuất mặt hàng quan trọng, thiết yếu có tác động đến thị trường tiêu dùng, đồng thời yêu cầu ngành thuế kết hợp với các địa phương tổ chức điều tra, buộc các doanh nghiệp bán sỉ, lẻ phải niêm yết giá, bán đúng giá đã cam kết.
Trả lời chất vấn về việc giải quyết tình trạng nhập siêu và một số vấn đề liên quan đến thuế, Bộ trưởng cho biết: Một trong những nguyên nhân gây ra lạm phát là nhập siêu, để dần giảm bớt gánh nặng nhập siêu, cân bằng cán cân thương mại, Chính phủ đưa ra giải pháp điều chỉnh thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng như tăng thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc, loại bỏ khỏi danh sách ưu tiên một số ngành sản xuất như xi măng, sắt thép, các dự án thủy điện, giao thông… Lý do là trong những năm gần đây những ngành sản xuất trên đã từng bước đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước (xi măng, phân bón) và bắt đầu đi vào sản xuất kinh doanh có lãi.
Liên quan đến chất vấn về chính sách tiền tệ, lãi suất ngân hàng, kiểm soát tín dụng, Thống đốc Ngân hàng nhà nước Nguyễn Văn Giàu thừa nhận khuyết điểm trong điều hành chính sách tiền tệ, đặc biệt là công tác dự báo nếu sát tình hình hơn thì CPI đã không tăng cao như vừa qua. Năm 2007, chúng ta đã không dự báo được nguồn vốn đầu tư gián tiếp lớn như vậy. Người đứng đầu Ngân hàng nhà nước cho biết, hiện Thủ tướng đã yêu cầu Ngân hàng nhà nước phải kiểm soát tín dụng và tổng phương tiện thanh toán và tăng trưởng tín dụng ngay từ đầu năm xung quanh mức 30%.
Nông dân, ngư dân sẽ là đối tượng được hỗ trợ cao nhất
Phần chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát có 2 nội dung chính: tiến độ thực hiện một số dự án thủy lợi, nông nghiệp và tình hình giá cả vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp tăng cao và giải pháp khắc phục.
Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, trong thời gian vừa qua giá cả hầu hết các loại vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp đều có chiều hướng tăng liên tục. Tuy nhiên đây chính là lĩnh vực chịu nhiều yếu tố khách quan nhất trong bài toán tăng giá thời gian qua khi 50% nhu cầu phân bón, 100% khô dầu, 45% bột cá, 100% các chất phụ gia sản xuất thức ăn chăn nuôi, gần 100% thuốc, nguyên liệu sản xuất thuốc bảo vệ thực vật, 70% thuốc thú y, 100% xăng dầu phục vụ sản xuất nông nghiệp đều phải nhập khẩu trong điều kiện giá thế giới cũng tăng liên tục.
Việc giá cả vật tư đã tác động đáng kể làm cho giá thành sản xuất tăng, gây khó khăn cho việc mở rộng sản xuất của nông dân. Tuy nhiên, do giá cả hầu hết các mặt hàng nông sản đều tăng và thị trường thuận lợi nên người sản xuất vẫn có lãi. Do giá lúa cao, bình quân 1ha lúa Đông Xuân ở bằng sông Cửu Long cho lợi nhuận đạt 12,15 triệu đồng, tăng 2 triệu đồng so với cùng vụ 2007.
Trước những chất vấn về khó khăn “đầu vào” của nông dân, Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định, nông, ngư nghiệp chính là lĩnh vực được Chính phủ đặc biệt quan tâm, thực hiện nhiều biện pháp đảm bảo hiệu quả sản xuất, từ việc dùng chính sách hạn chế tình trạng “sang tay”, độc quyền đối với vật tư nông nghiệp, chỉ đạo giảm thuế nhập khẩu các loại vật tư nông nghiệp (đến nay, hầu hết các loại vật tư này đều có thuế nhập khẩu 0%) đến việc bù lỗ hàng nghìn tỷ đồng nhiên liệu cho ngư dân,…
Vinh danh “vì sự phát triển cộng đồng”  (28/03/2008)
Vinh danh “vì sự phát triển cộng đồng”  (28/03/2008)
Phát triển khu công nghiệp, khu chế xuất khu vực đồng bằng sông Cửu Long - Triển vọng và thách thức  (28/03/2008)
Hoạt động và đóng góp của phụ nữ Việt Nam trong những năm gần đây  (28/03/2008)
Thành phố Cần Thơ trên con đường đổi mới và hội nhập  (28/03/2008)
Một số vấn đề xây dựng luật phát triển năng lượng nguyên tử ở nước ta  (28/03/2008)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên