Sáng nay, ngày 28-3-2008, tại tỉnh Long An đã diễn ra hội thảo khoa học: “Phát triển khu công nghiệp, khu chế xuất khu vực đồng bằng sông Cửu Long - Triển vọng và thách thức” do Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản phối hợp với Tỉnh ủy Long An và Viện Khoa học Công nghệ Phương Nam tổ chức.

Dự hội thảo có PGS, TS Tạ Ngọc Tấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; đồng chí Trương Văn Tiếp, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Long An; Phan Quốc Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu; Trần Thị Kim Cúc, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Tiền Giang. Tham dự hội thảo còn có gần 100 nhà khoa học, nhà quản lý; đại diện các bộ, ngành liên quan, đại diện lãnh đạo tỉnh và các khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX) 13 tỉnh trong khu vực .

Mục đích của hội thảo là làm rõ yêu cầu, vị trí và chiến lược phát triển các KCN, KCX khu vực đồng bằng sông Cửu Long trong tổng thể chiến lược phát triển chung của cả nước.

Trong phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Trương Văn Tiếp nêu rõ: Hội thảo này là một diễn đàn lớn để trao đổi, lắng nghe những ý kiến có tính nhận xét, đánh giá phản biện của các nhà khoa học, nhà quản lý, các doanh nghiệp xoay quanh những vấn đề: Phát triển KCN, KCX, cụm công nghiệp, vấn đề đào tạo nguồn nhân lực, về cơ chế quản lý, môi trường văn hóa… của khu vực đồng bằng sông Cửu Long hiện tại và trong tương lai.

PGS, TS Tạ Ngọc Tấn, trong Báo cáo đề dẫn tại Hội thảo đã nêu rõ: Là một vùng kinh tế trọng điểm quan trọng bậc nhất về an ninh lương thực và thủy, hải sản của cả nước, trong thời gian qua, mặc dù đã đạt được một số thành tựu rất đáng khích lệ, nhưng cũng giống như nhiều khu vực khác của cả nước, đồng bằng sông Cửu Long đang đứng trước hàng loạt các vấn đề cần có sự thống nhất chung về mặt nhận thức để có những bước đi thích hợp và sự điều chỉnh kịp thời. Điều nổi rõ, dễ nhận thấy nhất của khu vực này là, chất lượng quy hoạch và định hướng chung của sự phát triển chưa cao. Phát triển các KCN chưa gắn kết với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Nhiều KCN đã được hình thành, nhưng ít có các sản phẩm và các hoạt động trực tiếp hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn, giúp khai thác các lợi thế của địa phương và toàn vùng.

Để giải quyết những vấn đề thực tiễn đang đặt ra, Hội thảo tập trung phân tích, làm rõ một số vấn đề sau:

1. Vấn đề quy hoạch phát triển KCN, CĐCN ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long: Có nên phát triển KCN ở tất cả các tỉnh hay chỉ tập trung hình thành một số trung tâm công nghiệp đặc trưng vùng; Phát triển tất cả các ngành công nghiệp như mọi KCN khác của cả nước, hay chỉ nên tập trung phát triển các ngành công nghiệp mà địa phương có nhiều lợi thế.

2. Ô nhiễm môi trường đang thực sự trở thành vấn nạn tại các KCN vùng đồng bằng sông Cửu Long. Bằng cách nào để ngăn chặn vấn đề này?

3. Vì sao hiệu quả sử dụng đất tại các KCN đã được hình thành ở đồng bằng sông Cửu Long rất thấp so với các khu vực khác của cả nước?

4. Chính sách thu hồi đất, vấn đề tái định cư, đào tạo tay nghề và sắp xếp bố trí việc làm cho người nông dân sau khi thu hồi đất.

5. Làm sao để thu hút các ngành công nghiệp, các ngành dịch vụ tập trung đầu tư khai thác có hiệu quả nhất lợi thế của vùng này?

6. Vấn đề đào tạo nguồn nhân lực và chăm lo đời sống cho người lao động tại các KCN và cả vùng đồng bằng sông Cửu Long.

7. VIệc quy hoạch phát triển các KCN
 
Tại Hội thảo này, Ban tổ chức đã nhận được hơn 50 báo cáo đề cập tương đối toàn diện đến các vấn đề đang được quan tâm.