Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng tại buổi họp báo Ảnh: Website Chính phủ

"Bình tĩnh, vững vàng trước khó khăn, lạc quan trước tương lai, quyết liệt trong hành động, giành lấy thuận lợi, lợi thế, chúng ta sẽ vượt qua khó khăn, đạt được mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế", Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng đã nhấn mạnh như vậy trong buổi họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 27-3 tại Hà Nội.

Tham dự cuộc họp báo có lãnh đạo các Bộ: Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Thông tin và Truyền thông, Văn phòng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Các biện pháp kiềm chế lạm phát bắt đầu phát huy tác dụng

Điểm qua tình hình kinh tế xã hội quý I/2008, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, trong bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm, giá cả tăng cao; thiên tai lũ lụt, rét đậm, rét hại và các dịch bệnh cây trồng, gia súc, gia cầm diễn ra liên tiếp gây khó khăn cho đời sống nhân dân, song bằng sự quyết tâm, nỗ lực chung của các Bộ, ngành, địa phương, nhân dân cả nước, tốc độ tăng trưởng GDP trong quý I/2008 đã đạt 7,4 %; tốc độ tăng giá tháng 3-2008 thấp hơn và có dấu hiệu chững lại so với tháng 2-2008 là điều đáng mừng, cho thấy hiệu quả bước đầu của việc tập trung thực hiện quyết liệt các biện pháp kiềm chế lạm phát.

- GDP quý I/2008 tăng 7,4%, trong đó nông nghiệp tăng 4,1% là kết quả đáng khích lệ
- Tháng 3-2008, tốc độ tăng giá có dấu hiệu chững lại và thấp hơn tháng 2-2008
- Công nghiệp tăng khá
- Các biện pháp kiềm chế lạm phát bắt đầu phát huy tác dụng
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng chỉ rõ, trong những năm qua, kinh tế thế giới tăng trưởng cao liên tục, nền tài chính thế giới đang ở thời kỳ khá mạnh; nước ta có lượng dự trữ ngoại tệ khá lớn nên đủ sức vượt qua các khó khăn hiện nay. Thực tế cho thấy, trong điều kiện nền kinh tế toàn cầu suy giảm nhưng Việt Nam vẫn thu hút ngày càng nhiều các nhà đầu tư nước ngoài (quý I/2008 lượng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt 5,4 tỉ USD).

Hơn nữa, Việt Nam có lợi thế với những mặt hàng xuất khẩu mà nhiều nước đều cần như cao su, cà phê, thủy sản, dệt may. Do vậy, "nếu ta vững vàng chèo lái con thuyền Việt Nam cùng thế giới vượt qua khó khăn hiện nay, chúng ta chắc chắn lạc quan phát triển trong trung và dài hạn", Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng quả quyết.

Đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp

Chung sức, chung lòng thực hiện các mục tiêu, giải pháp đã đề ra

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng cho biết, trong ba ngày 25 đến 27-3, Chính phủ đã họp và thống nhất 8 giải pháp chủ yếu cần tập trung chỉ đạo, điều hành trong thời gian tới, trong đó tập trung ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì đà tăng trưởng của nền kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.

Để đạt được các mục tiêu đề ra, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng chỉ rõ, phải có sự kết hợp tốt, đồng bộ giữa điều hành, chỉ đạo của Chính phủ; hệ thống doanh nghiệp trong cả nước phải quyết liệt cùng Chính phủ thực hiện các biện pháp kiềm chế lạm phát, trong đó phải tính lại chiến lược kinh doanh, tìm biện pháp tốt nhất kiểm soát giá thành sản phẩm, dịch vụ, sản xuất tiết kiệm nhất một cách có thể, tìm nơi bán hàng tốt nhất; người dân tiết kiệm chi tiêu, sắp xếp việc tiêu dùng một cách phù hợp,... Tóm lại, cần phải có sự thống nhất hành động trong toàn xã hội, toàn hệ thống chính trị trong việc thực hiện các mục tiêu, giải pháp đã đề ra.

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng cho biết, trong những ngày tới, Chính phủ sẽ có các cuộc họp với lãnh đạo các tổng công ty 90, 91, các tập đoàn kinh tế để chỉ đạo kiểm soát giá cả, điều chỉnh sản xuất; họp lãnh đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trong toàn quốc để tạo sự thống nhất trong chỉ đạo, điều hành.

Trước sự quan tâm của các nhà báo về khả năng thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế như Quốc hội đề ra, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng cho biết, trong điều kiện khách quan là bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm, giá cả tăng cao, song với tinh thần quyết tâm, biện pháp quyết liệt, đồng bộ Chính phủ bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì đà tăng trưởng của nền kinh tế; tuy nhiên khả năng thực hiện mục tiêu do Quốc hội đề ra là khó khăn, Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội, việc điều chỉnh chỉ tiêu nào và mức độ điều chỉnh ra sao sẽ do Quốc hội quyết định.

Tăng cường xuất khẩu thủy sản
góp phần tăng tốc nền kinh tế
Đề cập đến việc thành lập Ủy ban giám sát tài chính tiền tệ quốc gia, Phó Thủ tướng cho biết, Ủy ban này được lập ra với chức năng tổng hợp, hình thành hệ thống thông tin, giám sát trên toàn quốc, có nhiệm vụ phân tích, tổng hợp, dự báo và đề xuất, kiến nghị Chính phủ những giải pháp cần thiết với chất lượng cao. Hiện Ủy ban đang trong quá trình chuẩn bị nhân sự, tổ chức bộ máy và sớm đi vào hoạt động trong thời gian tới.

Liên quan đến việc kiểm soát giá thép, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết hiện Bộ Tài chính đã thành lập một số đoàn công tác đi giám sát tình hình thực hiện của các doanh nghiệp để chống việc đầu cơ, tăng giá thép trái quy định