Tư tưởng lớn từ những mẩu chuyện nhỏ
TCCS - Theo kế hoạch chỉnh Đảng được thông qua ở Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam lần thứ ba (khóa II), năm 1952, tôi được Bộ Chính trị triệu tập ra dự lớp chỉnh huấn ở Việt Bắc. Đây là lớp chỉnh huấn đầu tiên dành cho cán bộ phụ trách các cơ quan Trung ương và bí thư các Tỉnh ủy từ Bình - Trị -Thiên trở ra. Sau bế mạc lớp học (cuối tháng 7-1952), tôi được báo tin là chuẩn bị đến gặp Bác để báo cáo tình hình tỉnh Quảng Trị cho Bác nghe. Thời kháng chiến chống giặc Pháp, Quảng Trị thuộc vùng địch tạm chiếm. Để báo cáo với Bác đầy đủ, tôi chuẩn bị một bản báo cáo đến 10 trang về tình hình mọi mặt của tỉnh.
Tôi từng được gặp Bác ở lớp học, đã được nghe Bác giảng bài “Tu dưỡng đạo đức của người đảng viên cộng sản”. Nhưng đây là lần đầu tiên, tôi được trực tiếp gặp Bác. Đó là 2 giờ chiều ngày 24-7-1952, tại nơi ở của Bác trong một cái lán rất đơn sơ. Ngay khi vừa đến, sự hỏi han thân tình của Bác làm tôi vô cùng cảm động!
Vào cuộc làm việc, tôi thưa với Bác là có chuẩn bị một bản báo cáo, xin được đọc cho Bác nghe. Nhưng Bác bảo: “Bác chỉ muốn hỏi một số việc thôi”. Rồi Bác hỏi đến đâu, tôi trả lời đến đó. Bác hỏi nhiều nhất là về đời sống của nhân dân, của chiến sĩ và hỏi rất cụ thể đến các bữa ăn, áo mặc lúc trời rét, thuốc men lúc đau ốm; rồi việc học hành của các cháu thiếu niên, nhi đồng; về anh em chiến đấu bị hy sinh, bị thương đã được chăm lo như thế nào? Khi nghe tôi báo cáo tình hình đời sống của đồng bào Công giáo, những nơi nhà thờ bị địch biến thành đồn bốt, Bác nói: “Địch biến nhà thờ thành đồn bốt, lấy giáo dân làm bia đỡ đạn, lại gây chia rẽ lương giáo, đó là âm mưu rất thâm độc. Phải tuyên truyền giải thích cho bà con cả giáo và lương hiểu để tăng cường đoàn kết”. Khi tôi báo cáo với Bác là Tỉnh ủy đã hướng dẫn cho nông dân bàn để chia ruộng đất công được công bằng hợp lý, bà con rất phấn khởi; đang trầm tư, tôi thấy nét mặt Bác vui hẳn lên. Bác nói: “Tỉnh Quảng Trị là nơi có rất nhiều ruộng đất công. Hướng dẫn cho nông dân bàn bạc để việc phân chia được công bằng hợp lý, không làm thay là rất tốt, chú về báo lại là Bác có lời khen”. Rồi Bác hỏi: “Chú là Bí thư Tỉnh ủy từ lúc nào, đã có mấy lần chú xuống trực tiếp làm việc với chi bộ xã, kiểm tra công việc ở xã?”. Bác hỏi gì tôi cũng trả lời khá trôi chảy. Chỉ duy nhất có một câu hỏi mà tôi thực sự “bí”, nhất là về biện pháp khắc phục. Đó là khi Bác hỏi: “Lãnh đạo ở tỉnh, chú thấy khó khăn nhất là gì?” Tôi trả lời: “Khó khăn nhất là rất thiếu cán bộ chỉ huy”. Bác hỏi tiếp: “ở tỉnh chú, có bao nhiêu cán bộ tiểu đội đã qua hai năm làm công tác tốt mà chưa được đề bạt làm cán bộ trung đội?”. Thấy tôi im lặng, Bác bảo: “Chú về coi lại, nếu chú không chỉ đạo đề bạt, thì báo cho Bác để Bác đề bạt”. Rồi Bác phân tích: “Nếu lãnh đạo, chỉ huy ở trên mà hiểu được tình hình chiến sĩ, cán bộ ở dưới, rồi biết chọn người tốt từ bên dưới đề bạt lên cấp trên thì cán bộ không bao giờ thiếu”.
Đến đây, thì đồng chí giúp việc đến báo với Bác là có các đồng chí Lưu Hữu Phước, Nguyễn Đình Thi và Nông Quốc Chấn đến thăm. Bác bảo mời các đồng chí ấy vào. Tôi sợ phiền Bác nên chuẩn bị ra về, nhưng Bác bảo cứ ở lại để nghe. Đồng chí Lưu Hữu Phước báo với Bác là mới sáng tác được bài “Lãnh tụ ca”, xin được hát để Bác nghe và cho ý kiến. “Chú hát đi” - Bác bảo. Đồng chí Lưu Hữu Phước đằng hắng rồi lên giọng hát. Bác chăm chú nghe. Nghe xong, Bác cười rồi hỏi: “Trong bài hát của chú có câu “Hồ Chí Minh xuất hiện trong ánh sao”, vậy Hồ Chí Minh nào đã xuất hiện trong ánh sao? Nếu từ trên trời rơi xuống thì chết thôi, có làm việc gì được? Phải là xuất hiện từ nhân dân mà ra, mới đúng”. Đồng chí Lưu Hữu Phước trả lời: “Thưa Bác, Hồ Chí Minh xuất hiện trong ánh sao là xuất hiện cùng với lá cờ đỏ sao vàng ạ!”. Nhìn đồng chí Phước, Bác cười: “Đó là Bác nói đùa cho vui thôi, chứ Bác cũng hiểu được ý chú”. Rồi Bác nhìn vào chúng tôi hỏi: “Các chú có nghe người nào ca ngợi Bác, cho rằng Bác là vị cha già dân tộc không?” Khi thấy Bác chỉ vào tôi, tôi thưa: “Dạ, cháu có nghe và chính cháu cũng có nói như thế, với lòng kính trọng Bác”. Bác nghiêm nét mặt: “Nghĩ như vậy, nói như vậy về Bác là rất sai, hóa ra Bác là con người rất hỗn, làm cha cả dân tộc! Khi nói về Bác, phải nói Bác là con em của nhân dân”. Rồi Bác hỏi: “Các chú thấy nói như vậy có đúng không?”. Cả bốn chúng tôi cùng đồng thanh trả lời: “Đúng ạ!”.
Tiếp đó, đồng chí Nông Quốc Chấn báo với Bác: “Nhiều gia đình vùng đồng bào dân tộc, thấy họ treo hình Bác để thờ”. Bác hỏi: “Theo chú, làm như vậy có nên không?”. Đồng chí Nông Quốc Chấn thưa: “Cháu nghĩ rằng, đồng bào thờ như vậy cũng là tỏ lòng quý trọng tôn kính Bác”. Suy nghĩ một lát, Bác nói: “Nơi nào bà con đã treo ảnh Bác để thờ, đã thành tín ngưỡng như vậy thì đừng bảo gỡ ra. Nhưng không nên tuyên truyền khuyến khích. Chỉ nên nói với bà con, khi nghe Bác nói điều gì, suy nghĩ thấy đúng thì làm theo, như vậy Bác sẽ rất vui”. Rồi Bác chỉ vào đồng chí Nông Quốc Chấn hỏi: “Bác nói vậy có đúng không?”. Đồng chí Nông Quốc Chấn đáp: “Bác dặn vậy là rất đúng”. Bác lại hỏi: “Chú cho là đúng thì hãy nhắc lại cho Bác nghe”. Đồng chí Nông Quốc Chấn nói: “Bác dặn, nơi nào bà con đã treo ảnh Bác để thờ thì đừng bảo gỡ ra, nhưng không nên tuyên truyền khuyến khích. Chỉ nên nói với bà con, khi nghe Bác nói điều gì, thì làm theo. Như vậy Bác sẽ rất vui”. Bác hỏi ba chúng tôi: “Có đúng là Bác dặn như vậy không?”. Anh Thi, anh Phước và tôi đều trả lời là anh Chấn đã nhớ rất giỏi, thuật lại rất đúng. Bác nói ngay: “Có mấy chữ Bác dặn, rất quan trọng nhưng các chú đều đã quên. Bác dặn, khi nghe Bác nói điều gì, suy nghĩ kỹ thấy đúng thì làm theo. Bác đâu có dặn cứ nghe Bác nói là làm theo?”. Chúng tôi cùng ngớ ra, biết mình đã sai nên không ai dám nói gì!
Buổi gặp Bác chỉ diễn ra non một buổi chiều và cách đây đã gần 60 năm. Nhưng qua những mẩu chuyện nhỏ ở trên, chúng ta đều thấy rõ là Bác Hồ luôn quan tâm đến đời sống của nhân dân, của chiến sĩ; quan tâm xây dựng đoàn kết, lo cán bộ lãnh đạo, cán bộ chỉ huy quan liêu... Đặc biệt, vị lãnh tụ của Đảng, của dân tộc, có uy tín rất lớn nhưng rất nhạy cảm với tệ sùng bái cá nhân. Bác luôn muốn ai tin, ai làm theo lời Bác đều phải suy nghĩ kỹ, không được bị động làm theo hay có lòng tin thiếu cơ sở... Chính những điều bình dị đó của Bác kính yêu đã làm nên tư tưởng và nhân cách lớn, rất lớn - đó là tư tưởng và nhân cách Hồ Chí Minh./.
“Hoàng thúc Lý Long Tường"  (29/06/2010)
Ngành Quân y làm theo gương Bác  (29/06/2010)
- Một số giải pháp đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng hiện nay
- Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Thành phố Hồ Chí Minh qua gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng
- Hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo đối với doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội
- Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền
- Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng các biện pháp hòa bình
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên