TCCSĐT - Ngày 22-6-2010, hai nước Nga và Bê-la-rút kỷ niệm lần thứ 69 ngày bắt đầu cuộc Chiến tranh giữ nước vĩ đại (22-6-1941 - 22-6-2010) của nhân dân Liên Xô chống phát-xít Đức. Trong đêm 21 và ngày 22-6, nhân dân các tỉnh, thành tại Liên bang Nga và Bê-la-rút đã tới các nghĩa trang liệt sĩ, Ngọn lửa vĩnh cửu, Tượng đài chiến sĩ vô danh và những địa điểm khác tôn vinh những người đã ngã xuống để bảo vệ Tổ quốc, thắp nến, đặt hoa và cầu nguyện.
 
1. Nga kỷ niệm ngày bắt đầu Chiến tranh giữ nước

Ngày 22-6-2010, hai nước Nga và Bê-la-rút kỷ niệm lần thứ 69 ngày bắt đầu cuộc Chiến tranh giữ nước vĩ đại (22-6-1941 - 22-6-2010) của nhân dân Liên Xô chống phát-xít Đức. Trong đêm 21 và ngày 22-6, nhân dân các tỉnh, thành tại Liên bang Nga và Bê-la-rút đã tới các nghĩa trang liệt sĩ, Ngọn lửa vĩnh cửu, Tượng đài chiến sĩ vô danh và những địa điểm khác tôn vinh những người đã ngã xuống để bảo vệ Tổ quốc, thắp nến, đặt hoa và cầu nguyện. Cách đây 69 năm, sáng sớm 22-6-1941, phát-xít Đức đã huy động các lực lượng cơ giới cùng lục quân và không quân ào ạt tấn công Liên Xô trên quy mô lớn. Trong 1.418 ngày đêm của bốn năm Chiến tranh giữ nước vĩ đại (1941-1945), Liên Xô đã chịu tổn thất nặng nề về người và của với 26,6 triệu người bị chết, trong đó có hơn 8,6 triệu quân nhân, hàng nghìn thành phố và làng mạc bị hủy diệt. Trong bốn năm chiến tranh, 29,5 triệu người Xô-viết đã được động viên ra mặt trận.

2. Tổng thống Nga Đ.Mét-vê-đép thăm chính thức Mỹ

Ngày 22-6-2010, Tổng thống Nga Đ.Mét-vê-đép bắt đầu chuyến thăm chính thức Mỹ trong 2 ngày theo lời mời của Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma. Đây là lần gặp gỡ thứ bảy giữa hai nhà lãnh đạo, nhưng là chuyến thăm Mỹ đầu tiên của ông Đ.Mét-vê-đép trên cương vị Tổng thống Nga. Chuyến thăm nhằm cải thiện hơn nữa các mối quan hệ song phương và thúc đẩy hợp tác trong các vấn đề kinh tế và công nghệ mới. Phát biểu với các phóng viên, ông Rô-đét (Rhodes), người phát ngôn của cố vấn an ninh quốc gia Mỹ nói rằng chuyến thăm của Tổng thống Đ.Mét-vê-đép chứng tỏ "sự tiến triển rất thực chất trong việc khởi động lại mối quan hệ Mỹ - Nga trong một số các lĩnh vực quan trọng và thực tế". Ông nói: "Chúng tôi tin tưởng rằng chuyến thăm sẽ đưa quan hệ Mỹ - Nga lên một giai đoạn mới," đồng thời cho biết, Tổng thống B.Ô-ba-ma coi việc cải thiện quan hệ với Nga là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của mình. Tại cuộc họp báo sau khi kết thúc các cuộc hội đàm với người đồng cấp B.Ô-ba-ma, Tổng thống Nga cho biết, trong thời gian gần đây, Nga và Mỹ đã đạt được những bước tiến không tồitrong việc củng cố sự tin cậy lẫn nhau. Ông Đ.Mét-vê-đép nói “Chúng tôi, ở một mức độ nhất định, đã làm cho thế giới của chúng ta an toàn hơn”.

3. Hội nghị thượng đỉnh thường niên G8

Từ ngày 24 đến ngày 26-6-2010, tại Hăn-tơ-xvi-lơ (Huntsville), phía Bắc thành phố Tô-rôn-tô (Ca-na-đa), Hội nghị thượng đỉnh thường niên Nhóm 8 nước công nghiệp phát triển (G8) gồm Anh, Ca-na-đa, Pháp, Đức, I-ta-li-a, Nhật Bản, Nga và Mỹ, đã bế mạc với tuyên bố chung đề cập nhiều vấn đề liên quan đến chống đói nghèo, an ninh lương thực, hòa bình và an ninh toàn cầu. Các nhà lãnh đạo G8 thừa nhận cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đang đe dọa việc thực hiện các mục tiêu về giảm một nửa số người nghèo đói trên thế giới vào năm 2015. Thủ tướng Ca-na-đa Xtê-phen Háp-pơ (Stephen Harper) thông báo, các nhà lãnh đạo G8 cam kết góp 5 tỉ USD trong 5 năm tới cho chương trình chăm sóc sức khoẻ mẹ và trẻ em, trong đó Ca-na-đa góp 1,1 tỉ USD và Mỹ là 1,35 tỉ USD. Tuyên bố của hội nghị nhấn mạnh, an ninh lương thực vẫn là một thách thức toàn cầu và đang ngày càng trở nên nghiêm trọng do vấn đề biến đổi khí hậu tại các nước đang phát triển… G8 cũng hoan nghênh hiệp ước START mới giữa Mỹ và Nga nhằm cắt giảm kho vũ khí hạt nhân của mỗi nướcHội nghị thượng đỉnh G8 tiếp theo sẽ được tổ chức tại khu nghỉ dưỡng Nice ở. Đông Nam nước Pháp. Pháp sẽ đảm nhiệm chức Chủ tịch luân phiên G8 từ ngày 1-1-2011 và cũng sẽ đảm nhiệm vị trí Chủ tịch G20 sau Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Xơ -un (Hàn Quốc) dự kiến vào tháng 11 tới .

4. Bước tiến mới trong việc nối lại quan hệ ngoại giao Ấn Độ - Pa-ki-xtan

Ngày 24-6-2010, tại thủ đô I-xla-ma-bát của Pa-ki-xtan, Bí thư Đối ngoại Ấn Độ, bà Ni-ru-pa-ma Rao (Nirupama Rao), và người đồng cấp Pa-ki-xtan Xa-man Ba-xia (Salman Bashir) đã tiến hành hội đàm nhằm xây dựng chương trình nghị sự cho cuộc gặp cấp bộ trưởng ngoại giao dự kiến diễn ra ngày 15-7 tới đây.Trong cuộc gặp, bà Ni-ru-pa-ma Rao và ông Xa-man Ba-xia thảo luận vấn đề tăng cường hợp tác song phương trong lĩnh vực chống khủng bố, duy trì hòa bình, an ninh và xây dựng lòng tin giữa hai nước láng giềng Nam Á này. Trước đó, Ngoại trưởng Pa-ki-xtan Xa Mê-mút Cơ-rê-si (Shah Mehmood Qureshi) đã mời Ngoại trưởng Ấn Độ S.M.Crít-xna (S.M. Krishna) tới thăm thủ đô I-xla-ma-bát, một trong những động thái thể hiện sự xích lại gần nhau giữa hai nước. Nhằm bày tỏ thiện chí trước cuộc gặp trên, Pa-ki-xtan ngày 23-6 đã trao trả cho phía Ấn Độ 17 người bị giam giữ tại nước này. Hàng trăm người Ấn Độ và Pa-ki-xtan hiện đang bị giam giữ ở cả hai nước với cáo buộc hoạt động gián điệp hoặc vượt biên trái phép.

5. Anh khẳng định sẽ rút quân khỏi Áp-ga-ni-xtan trước năm 2015

Ngày 25-6-2010, Thủ tướng Anh Đa-vít Ca-mê-rôn (David Cameron) lần đầu tiên lên tiếng công khai khẳng định sẽ rút toàn bộ quân đội Anh khỏi chiến trường Áp-ga-ni-xtan trước khi diễn ra cuộc tổng tuyển cử mới vào tháng 5-2015. Ông Ca-mê-rôn đã đưa ra lời khẳng định trên trong bài trả lời phỏng vấn báo chí Ca-na-đa, khi ông đang tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G8 tại đây. Thủ tướng Ca-mê-rôn và Bộ trưởng Quốc phòng Anh Li-am Phoóc (Liam Fox) đã từng nói rõ rằng họ đã "hết kiên nhẫn" về những tiến triển chậm chạp của chiến dịch chống tàn quân Ta-li-ban ở Áp-ga-ni-xtan, đặc biệt là việc tuyển dụng và huấn luyện các lực lượng an ninh địa phương. Thái độ hoài nghi của chính phủ Anh về các chiến dịch quân sự của NATO tại Áp-ga-ni-xtan cũng như vai trò của Anh tại đây đã gây những quan ngại cho Oa-sinh-tơn. Các tư lệnh quân đội Anh cũng lo ngại rằng chiến dịch quân sự tại Áp-ga-ni-xtan sẽ huỷ hoại vai trò và ảnh hưởng của Anh tại nước này. Theo thống kê chính thức, tính tới thời điểm này, tổng số quân Anh thiệt mạng tại chiến trường Áp-ga-ni-xtan đã lên tới 307 người.

6. Hội nghị thượng đỉnh Liên minh Bô-li-va dành cho châu Mỹ (ALBA) lần thứ 10

Ngày 25-6-2010, Hội nghị thượng đỉnh Liên minh Bô-li-va dành cho châu Mỹ (ALBA) lần thứ 10 đã bế mạc tại thành phố Ô-ta-va-lô (Otavalo) của Ê-cu-a-đo với tuyên bố chung cam kết tăng cường trao đổi thương mại nội khối và đề cao vai trò của người thổ dân da đỏ và người gốc Phi trong xã hội. Trong Tuyên bố Ô-ta-va-lô, các nước thành viên ALBA khẳng định sẽ tăng cường trao đổi thương mại nội khối thông qua các thể chế tài chính là Ngân hàng và Quỹ ALBA, bảo vệ quyền lợi của các thổ dân, phát huy bản sắc văn hóa đa dạng của các dân tộc, bảo vệ môi trường sinh thái và nguồn tài nguyên thiên nhiên. Tổng thống Bô-li-vi-a Ê-vô Mô-ra-lét kêu gọi những người thổ dân, người da đen và người lai tại các nước thành viên ALBA cùng đoàn kết vì sự phát triển và bảo vệ Đất Mẹ. Trong khi đó, Tổng thống Vê-nê-du-ê-la Hu-gô Cha-vét nêu rõ, Hội nghị thượng đỉnh ALBA lần này muốn khẳng định vai trò của người thổ dân và người da đen trong xã hội, cũng như thể hiện sự quan tâm của các chính phủ đối với việc tăng cường chất lượng cuộc sống của nhóm người này, hướng tới một thế giới công bằng và tốt đẹp hơn. ALBA, tổ chức kinh tế - chính trị được thành lập từ năm 2004 do Cu-ba và Vê-nê-du-ê-la khởi xướng, là cơ chế hội nhập trên tinh thần đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau giữa các nước Mỹ La-tinh. Tổ chức này được coi như sự lựa chọn thay thế Khu vực thương mại tự do châu Mỹ (FTAA) do Mỹ đề xuất vì FTAA không nhận được sự ủng hộ của các nước trong khu vực

7. Hội nghị Bộ trưởng Nội vụ các nước Hiệp hội hợp tác khu vực Nam Á (SAARC)

Ngày 26-6-2010 tại thủ đô I-xla-ma-bát của Pa-ki-xtan, Hội nghị Bộ trưởng Nội vụ các nước Hiệp hội hợp tác khu vực Nam Á (SAARC) gồm 8 nước: Pa-ki-xtan, Ấn Độ, Xri Lan-ca (Sri Lanka), Nê-pan (Nepal), Băng-la-đét (Bangladesh), Bu-tan (Bhutan), Áp-ga-ni-xtan (Afghanistan) và Ma-đi-vơ (Maldives), đã bế mạc với tuyên bố chung cam kết tăng cường hợp tác chống khủng bố. Hội nghị đã tập trung thảo luận 13 vấn đề liên quan tới an ninh và hợp tác chống khủng bố trong khu vực, các biện pháp tăng cường giám sát hoạt động tấn công khủng bố, ngăn chặn nạn buôn bán ma túy và phụ nữ, tăng cường an ninh hàng hải, sửa đổi luật di cư và cấp thị thực. Bên lề hội nghị, Bộ trưởng Nội vụ Ấn Độ Pa-la-ni-áp-pan Chi-đam-ba-ram (Palaniappan Chidambaram) đã có hai cuộc gặp với Bộ trưởng Nội vụ Pa-ki-tan Rê-nan Ma-líc (Rehman Malik). Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác giải quyết vụ tấn công khủng bố tại thành phố Mum-bai của Ấn Độ năm 2008, đồng thời đưa ra nghị quyết xây dựng chiến lược chống khủng bố chung. Trước đó, ngày 23-6, Hội nghị bộ trưởng khối Hợp tác khu vực của Hiệp hội các nước Nam Á (SAARC) tại Cát-man-đu (Kathmandu, Nê-pan), đã kết thúc với quyết định thành lập Trung tâm "Sáng kiến Nam Á chấm dứt ngược đãi trẻ em" (SAIEVAC) với mục tiêu bảo đảm tất cả trẻ em trong khu vực Nam Á quyền có môi trường tự do, thoát khỏi các hình thức bạo lực, lạm dụng, bóc lột, hắt hủi hay kỳ thị. Hội nghị cũng đã bầu ra Ban Quản trị SAIEVAC gồm đại diện chính quyền, trẻ em, các tổ chức quốc tế và tổ chức xã hội đến từ các nước thành viên. Ban Quản trị SAIEVAC có nhiệm vụ quản lý và giám sát hoạt động của trung tâm. Văn phòng SAIEVAC đ ược đặt tại Nê-pan và do Bộ Phụ nữ, Trẻ em và Phúc lợi xã hội Nê-pan phụ trách.

8. Hội nghị cấp cao G20

Từ ngày 26 đến 27-6-2010, tại thành phốTô-rôn-tô, Ca-na-đa đã diễn ra Hội nghị cấp cao lần G20 thứ 4. Các nhà lãnh đạo G20 cho rằng, mặc dù tăng trưởng đã trở lại, nhưng sự phục hồi diễn ra không đồng đều và không chắc chắn, tỷ lệ thất nghiệp tại nhiều nước vẫn cao quá mức cho phép và tác động xã hội của cuộc khủng hoảng vẫn còn tồn tại nhiều nơi. Do đó, ưu tiên cao nhất hiện nay vẫn là tăng cường sự phục hồi của nền kinh tế và các nước cần hoàn tất những kế hoạch kích thích kinh tế hiện hữu, cùng với việc tạo điều kiện đẩy mạnh sức cầu tư nhân. Những diễn tiến gần đây đã nêu bật tầm quan trọng của hoạt động tài chính công bền vững, buộc các nước đưa ra kế hoạch thực hiện ổn định ngân sách một cách đáng tin cậy, theo từng giai đoạn hợp lý và có lợi cho tăng trưởng, có xét đến sự khác biệt và phải phù hợp với hoàn cảnh quốc gia… Việc hoàn tất những cải cách đối với các tổ chức tài chính quốc tế cũng là một nhu cầu cấp bách khác. Các nhà lãnh đạo G20 quyết tâm thực hiện các cam kết đã được thông qua và chỉ đạo các bộ trưởng và quan chức trực thuộc thực hiện những bước đi cần thiết để triển khai nhữngc cam kết này một cách đầy đủ theo đúng lịch trình đã thống nhất. Tuyên bố của các lãnh đạo G20 nêu rõ các giải pháp cụ thể trong việc thực hiện khuôn khổ tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững và cân bằng; cải cách các lĩnh vực tài chính; các tổ chức tài chính quốc tế và phát triển; chống chủ nghĩa bảo hộ và thúc đẩy thương mại và đầu tư; các vấn đề khác và chương trình nghị sự cho tương lai, trong đó ưu tiên cao nhất của G20 là bảo vệ và tăng cường sự phục hồi, đặt nền móng cho sự tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững và cân bằng, đồng thời củng cố các hệ thống tài chính chống lại rủi ro./.

*** Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 14 đến ngày 20-6-2010)