1. Khai mạc Diễn đàn tài chính Châu Á tại Hồng Công.

Ngày 19-1-2009, Diễn đàn tài chính châu Á (AFF) khai mạc tại Khu hành chính đặc biệt Hồng Công (Trung Quốc) với sự tham gia của hơn 1.000 đại biểu, gồm quan chức chính phủ và giới doanh nghiệp, đến từ 31 nước và vùng lãnh thổ, trong đó có đoàn đại biểu Việt Nam do một Vụ trưởng của Ngân hàng Nhà nước làm trưởng đoàn. Với chủ đề "Diện mạo châu Á thay đổi", các đại biểu tham dự Diễn đàn tài chính này do Chính quyền Khu hành chính đặc biệt Hồng Công và Hội đồng phát triển thương mại Hồng Công (HKTDC) phối hợp tổ chức, tập trung thảo luận các diễn biến mới nhất trong khu vực và những cơ hội nảy sinh trong bối cảnh kinh tế thế giới sa sút hiện nay. Trong phát biểu khai mạc, Trưởng khu Hành chính đặc biệt Hồng Công (HKSAR) Tăng Âm Quyền cho rằng cuộc khủng hoảng hiện nay lớn hơn nhiều so với cuộc khủng hoảng tài chính châu Á cách đây một thập niên. Ông khẳng định, một châu Á hùng mạnh là tin tốt lành đối với kinh tế thế giới. Vì vậy, Diễn đàn này sẽ đề cập tới vai trò mới nổi của các nền kinh tế châu Á trong bối cảnh thế giới đầy biến động hiện nay.

2. EU - Hàn Quốc khởi động đàm phán thương mại cấp cao.

Ngày 19-1-2009, Hàn Quốc và Liên minh châu Âu (EU) khởi động các cuộc đàm phán thương mại cấp cao nhằm giải quyết các vấn đề còn tranh cãi cản trở hai bên tiến tới một hiệp định tự do thương mại (FTA). Cao ủy phụ trách thương mại của EU, ông Ca-tơ-rin A-xtôn (Catherine Ashton), và người đồng cấp Hàn Quốc Kim Dông-hun (Kim Jong-hoon) có cuộc đàm phán kéo dài 2 ngày để tìm cách giải quyết các vấn đề liên quan đến biểu thuế công nghiệp, ngành sản xuất ô tô và các quy định về nguồn gốc sản phẩm. Phát biểu với báo giới trước thềm cuộc gặp, ông Kim tuyên bố: "Chúng tôi đang ở sát cánh cổng mở ra một kỷ nguyên mới". Theo ông Kim, không dễ giải quyết được mọi vấn đề còn tranh cãi, nhưng điều quan trọng hơn là hai bên đàm phán với một thái độ cởi mở. EU là đối tác thương mại lớn thứ hai của Hàn Quốc sau Trung Quốc. Trao đổi thương mại hai chiều năm 2007 đạt 93 tỉ USD. EU cũng là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất vào Hàn Quốc. Hàn Quốc đang thúc đẩy ký kết các thỏa thuận tự do thương mại. Năm 2007, nước này đã ký FTA với Mỹ nhưng hiệp định vẫn đang phải chờ cơ quan lập pháp của cả hai bên phê chuẩn.

3. Ấn Độ thử thành công tên lửa hành trình siêu âm đất đối đất.

Ngày 20-1-2009, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết quân đội nước này đã thử thành công phiên bản tên lửa hành trình siêu âm đất đối đất “BrahMos” cùng Nga nghiên cứu và phát triển. Tên lửa mới được phóng từ khu vực Pô-khran (Pokhran) ở bang sa mạc Ra-gia-xthan (Rajasthan), phía Tây Ấn Độ giáp với Pa-ki-xtan. Đây cũng là địa điểm thử hạt nhân của Ấn Độ trong năm 1998. Tên lửa “BrahMos” dài 8 mét, nặng khoảng 3 tấn, có thể mang một đầu đạn thông thường nặng 300 kg, phóng từ đất liền, tàu chiến, tàu ngầm và bay với vận tốc gấp 2,8 lần tốc độ âm thanh (khoảng 344 m/s), và có tầm bắn 290 km. “BrahMos” mang tên gọi của 2 dòng sông: sông Bra-ma-pu-tra (Brahmaputra) của Ấn Độ và sông Mát-xcơ-va của Nga.

4. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-mun yêu cầu điều tra vụ I-xra-en tiến công Văn phòng Liên hợp quốc ở dải Ga-da.

Ngày 20-1-2009, trong chuyến thăm đầu tiên tới Trung Ðông kể từ khi I-xra-en tiến công dải Ga-da, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-mun yêu cầu I-xra-en giải trình về vụ các tòa nhà và trường học do Liên hợp quốc quản lý tại Ga-da bị ném bom. Ông nêu rõ, hành động tiến công nhằm vào các cơ sở của Liên hợp quốc là không thể chấp nhận, cần điều tra toàn diện và đầy đủ vụ việc để bảo đảm không lặp lại hành động tương tự. Cùng ngày, Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) thông báo sẽ xem xét lời cáo buộc I-xra-en sử dụng đạn chứa chất u-ra-ni làm nghèo trong các cuộc tiến công dải Ga-da. Thông báo được đưa ra sau khi giới ngoại giao A-rập gửi thư tới Tổng Giám đốc IAEA với nội dung yêu cầu trên. Bộ Quốc phòng I-xra-en cho biết sẽ kiểm tra thông tin này. Trong khi đó, các tổ chức nhân quyền ở I-xra-en yêu cầu điều tra về chiến dịch quân sự vừa qua ở dải Ga-da, vì cho rằng, hơn 1.300 người Pa-le-xtin chết, hơn 5.300 người bị thương là những con số khủng khiếp.

5. Tổng thống thứ 44 của Mỹ chính thức nhậm chức.

Ngày 20-1-2009, Tổng thống thứ 44 của Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma tuyên thệ nhậm chức. Trong diễn văn đọc tại buổi lễ này, Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma kêu gọi người dân Mỹ xây dựng một thời đại mới, với tinh thần trách nhiệm; nhấn mạnh tầm quan trọng thúc đẩy hợp tác và hiểu biết lẫn nhau giữa các quốc gia vì hòa bình và đối phó các nguy cơ trong tương lai. Diễn văn khẳng định ưu tiên của Chính phủ mới là cải thiện nền kinh tế Mỹ và cuộc sống của người dân. Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma thừa nhận nước Mỹ đang trong thời kỳ khủng hoảng: kinh tế suy giảm; thất nghiệp tăng; các lĩnh vực xã hội, giáo dục gặp khó khăn...; những thách thức đặt ra nghiêm trọng và không thể giải quyết trong thời gian ngắn. Ngày 21-1-2009, trong ngày làm việc đầu tiên tại Nhà Tắng, Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma chủ trì cuộc họp xem xét đề nghị Ủy ban ngân sách của Quốc hội về khoản chi 358 tỷ USD, một phần trong gói kích thích kinh tế đang được được xem xét. Ngày 22-1-2009, Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma ký ban hành sắc lệnh đóng cửa nhà tù Gu-an-ta-na-mo trong một năm tới.

6. Kỷ niệm ngày mất của V.Lê-nin.

Ngày 21-1-2009, phát biểu ý kiến trước hàng nghìn người đến đặt hoa tại Lăng V.I. Lê-nin trên Quảng trường Ðỏ ở Thủ đô Mát-xcơ-va (Liên bang Nga), nhân kỷ niệm lần thứ 85 Ngày mất của Người (21-1-1924 - 21-1-2009), Chủ tịch Ủy ban Trung ương Ðảng Cộng sản Liên bang Nga (KPRF) G.Diu-ga-nốp khẳng định, các tư tưởng của Lê-nin không chỉ tồn tại sống động đến ngày nay, mà còn phát triển không ngừng. Học thuyết Lê-nin và sự nghiệp cách mạng của Người vẫn sống động và mang tính thời sự trong thời đại hiện nay. Khắp thế giới đang nghiên cứu chính sách của V.I. Lê-nin. Các tác phẩm của lãnh tụ vô sản C.Mác và V.Lê-nin ngày càng được bạn đọc thế giới quan tâm. KPRF tuyên bố kiên quyết bảo vệ Lăng Lê-nin, các di tích lịch sử và Tượng đài kỷ niệm của thời kỳ Xô-viết trên Quảng trường Ðỏ.

7. Tổng Thư ký ASEAN kêu gọi mở cửa thị trường để giảm bớt tác động của khủng hoảng toàn cầu.

Ngày 21-1-2009, Tổng thư ký Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) Xu-rin Pít-xu-văn (Surin Pitsuwan) kêu gọi các nước thành viên mở cửa thị trường và tăng cường liên kết để cùng đối phó với những tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hiện nay. Phát biểu tại một diễn đàn kinh doanh tổ chức ở thủ đô Gia-các-ta (Jakarta) của In-đô-nê-xi-a, ông Xu-rin nêu rõ rằng trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu đang xấu thêm và bắt đầu tác động tới khu vực ASEAN, các nước thành viên ASEAN cần phải mở cửa thị trường của mình đúng theo quy định đã đề ra trong Hiến chương ASEAN, một văn kiện quan trọng đã được toàn bộ các thành viên phê chuẩn và chính thức có hiệu lực từ ngày 15-12-2008. Theo ông Xu-rin, một thị trường mở trong khu vực với số dân lên tới 500 triệu người sẽ có khả năng đối phó tốt hơn với khủng hoảng, đặc biệt khi đã bắt đầu xuất hiện tình trạng giảm mạnh xuất khẩu ở các thị trường lớn nhất của ASEAN như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản.

8. Khôi phục hoàn toàn nguồn khí đốt từ Nga cho Châu Âu.

Ngày 21-1-2009, theo người phát ngôn Ủy ban châu Âu (EC), tất cả các nước EU mua khí đốt của Nga quá cảnh U-crai-na xác nhận đã được cấp lại nhiên liệu này. Trước đó, Nga và U-crai-na công bố giá bán và mua khí đốt trong năm 2009, nhưng với các con số khác nhau. Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn công nghiệp khí đốt Nga Gazprom A.Mét-vê-đép khẳng định, trong năm 2009, U-crai-na sẽ mua khí đốt của Nga với giá trung bình 250 USD/1.000 m3, thấp hơn mức gần 280 USD/1.000 m3 mà các khách hàng châu Âu phải trả. Trong khi đó, Thủ tướng U-crai-na Y.Ti-mô-sen-cô cho rằng, giá khí đốt trung bình mà Ki-ép mua của Mat-xcơ-va trong năm 2009 là 228,8 USD/1.000 m3 và giá khí đốt dùng để vận hành hệ thống vận tải quá cảnh là 153,9 USD/1.000 m3, thấp hơn giá năm 2008 tới 25 USD. Riêng trong quý I-2009, U-crai-na phải chịu mức giá 360 USD/1.000 m3.

9. "Ðối thoại Đê-li I" thúc đẩy hợp tác Ấn Ðộ - ASEAN.

Ngày 22-1-2009, kết thúc diễn đàn đối thoại giữa Ấn Ðộ và Hiệp hội các quốc gia Ðông-Nam Á (ASEAN) tại Niu Đê-li (Ấn Ðộ) theo Chương trình "Ðối thoại Đê-li I" do Liên đoàn các phòng thương mại và công nghiệp Ấn Ðộ (FICCI) và Viện Nghiên cứu Ðông-Nam Á Xin-ga-po phối hợp tổ chức. Tổng Thư ký ASEAN Xu-rin Pit-xu-rin (Surin Pitsuwan), Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Ðộ P. Mu-khê-ri, Chủ tịch FICCI, Giám đốc Viện Nghiên cứu Ðông - Nam Á của Xinh-ga-po cùng hơn 160 chuyên gia an ninh, kinh tế, du lịch của Ấn Ðộ và các nước ASEAN tới dự."Ðối thoại Đê-li I" tập trung thảo luận ba chủ đề chính là: an ninh năng lượng; cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu; vấn đề an ninh, hậu cần, liên kết ASEAN - Ấn Ðộ. Các đại biểu tham dự khẳng định, an ninh năng lượng là một vấn đề cấp bách đối với tăng trưởng kinh tế và sự thịnh vượng của khu vực. An ninh năng lượng toàn cầu đang có những thay đổi lớn và châu Á nằm ở trung tâm của những thay đổi này.

10. Bộ trưởng Ngoại giao Hi-la-ri Clin-tơn cam kết cải thiện hình ảnh nước Mỹ.

Ngày 22-1-2009, khoảng một giờ sau khi được Thượng viện phê chuẩn làm Ngoại trưởng, bà Hi-la-ri Clin-tơn đã tuyên thệ nhậm chức trong một buổi lễ kín, có sự tham dự của chồng là cựu Tổng thống Bin Clin-tơn. Bà Hi-la-ri Clin-tơn cũng đã chính thức rút khỏi Thượng viện. Phát biểu ý kiến nhậm chức ngày Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Hi-la-ri Clin-tơn cam kết cải thiện hình ảnh nước Mỹ trên trường quốc tế và thúc đẩy giải quyết các cuộc khủng hoảng trên thế giới. Bà khẳng định sẽ huy động mọi công cụ hợp pháp, bên cạnh chính sách ngoại giao truyền thống, để giải quyết các thách thức quốc tế; tăng cường sử dụng các khoản viện trợ để thực hiện các mục tiêu chính sách ngoại giao.

11. Hai người gây ra vụ bê bối sữa nhiễm melamine bị kết án tử hình

Ngày 22-1-2009 Tòa án thành phố Thạch Gia Trang, tỉnh Hà Bắc (Trung Quốc) tuyên án tử hình đối với 2 trong số 12 bị cáo liên quan vụ bê bối sữa nhiễm melamine hồi cuối năm 2008. Một trong hai bị cáo lĩnh án tử hình là Zhang Yujun, kẻ tổ chức một xưởng sản xuất ở tỉnh Sơn Đông, đã làm ra tổng cộng 600 tấn bột protein có chứa melamine. Đây là cơ sở sản xuất bột protein giả lớn nhất Trung Quốc. Kẻ chuyên tiêu thụ hàng cho ông ta bị kết án chung thân. Bị cáo thứ hai lĩnh án tử hình là Geng Jinping, là đầu mối thu mua sữa nguyên liệu và ông ta đã bán cho các công ty sản xuất sữa một khối lượng lớn sữa nguyên liệu có melamine. Cùng chịu án nặng còn có bà Tian Wenhua, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị tập đoàn sữa Tam Lộc - trung tâm của vụ bê bối sữa bẩn. Bà Tian lĩnh án tù chung thân, đồng thời phải nộp phạt 20 triệu tệ, trong tổng số 50 triệu tệ (7,3 triệu USD) tiền phạt mà tập đoàn này phải nộp. Tại phiên tòa, bà Tian thừa nhận chịu trách nhiệm về việc sản xuất và đưa ra thị trường các sản phẩm không bảo đảm chất lượng. Ba giám đốc điều hành khác của Tam Lộc cũng bị kết án từ năm đến 15 năm.

12. Tổng Thư ký Liên hợp quốc và Tổng thống Mỹ thảo luận nhiều vấn đề quốc tế.

Ngày 23-1-2009, Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma (Barack Obama) đã điện đàm với Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-mun (Ban Ki-moon) và thảo luận nhiều vấn đề nóng bỏng của thế giới, trong đó có cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, biến đổi khí hậu và an ninh lương thực. Thông báo của Liên hợp quốc cho biết, hai nhà lãnh đạo cũng thảo luận hướng giải quyết các cuộc khủng hoảng tầm khu vực, đặc biệt là tại Trung Đông và châu Phi, cũng như các nỗ lực đang diễn ra nhằm cải tổ Liên hợp quốc và sự cần thiết phải hỗ trợ đầy đủ tổ chức đa phương lớn nhất thế giới này về mặt chính trị và tài chính. Thông báo của Nhà Trắng cho biết Tổng thống Ô-ba-ma nhấn mạnh cam kết của ông đối với mối quan hệ vững chắc giữa Mỹ và Liên hợp quốc, khẳng định Liên hợp quốc đang làm việc hiệu quả với Mỹ về các vấn đề chống biến đổi khí hậu, nghèo đói và khủng bố. Tổng thống Ô-ba-ma và Tổng Thư ký Ban Ki-mun cũng đề cập các cách thức mà Liên hợp quốc có thể thực hiện trong công cuộc cải tổ nhằm nâng cao tính hiệu quả và hiệu lực của tổ chức này trong việc ứng phó với các vấn đề quốc tế.

13. CHDCND Triều Tiên cam kết phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Ngày 23-1-2009, nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Châng In (Kim Jong-Il) khẳng định Triều Tiên cam kết phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và muốn chung sống hòa bình với tất cả các bên. Phát biểu trong cuộc gặp với Trưởng Ban liên lạc đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Vương Gia Thụy (Wang Jiarui) đang ở thăm Bình Nhưỡng, ông Kim Châng In nhấn mạnh, Triều Tiên cam kết biến bán đảo Triều Tiên thành một khu vực phi hạt nhân và mong muốn cùng chung sống hòa bình với tất cả các bên liên quan". Nhà lãnh đạo Triều Tiên khẳng định Bình Nhưỡng "không muốn thấy tình trạng căng thẳng bao trùm bán đảo Triều Tiên và sẵn sàng tăng cường thảo luận và phối hợp với Trung Quốc thúc đẩy các cuộc đàm phán sáu bên". Về phần mình, ông Vương Gia Thụy khẳng định cam kết của Chính phủ Trung Quốc trong việc duy trì hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên, nhấn mạnh Bắc Kinh sẵn sàng củng cố quan hệ với Bình Nhưỡng trên tinh thần cùng cộng tác để vượt qua những rào cản và đảm bảo duy trì tiến trình đàm phán sáu bên./.