Hôm nay, 27-5-2008, ngày làm việc thứ 18 của kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XII, Quốc hội làm việc tại hộ trường tiếp tục thảo luận về Dự án Luật bảo hiểm y tế.

Dự án Luật Bảo hiểm y tế được Bộ trưởng Bộ y tế Nguyễn Quốc Triệu thay mặt Chính phủ trình bày Tờ trình trước Quốc hội và Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai trình bày Báo cáo thẩm tra Dự án Luật bảo hiểm y tế chiều 26-5; sau đó các đại biểu Quốc hội đã thảo luận về dự án luật này tại hội trường.

Theo Bộ trưởng Bộ y tế, ban hành Luật bảo hiểm y tế là để tạo cơ sở pháp lý trong thực hiện chính sách bảo hiểm y tế, bảo về quyền và trách nhiệm của các bên liên quan, đẩy mạnh việc thực hiện xã hội hóa công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân. Đồng thời, ban hành Luật Bảo hiểm y tế cũng nhằm đáp ứng những đòi hỏi mới của kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế. Dự án Luật Bảo hiểm y tế được xây dựng trên quan điểm chỉ đạo: coi bảo hiểm y tế là một phần của chính sách xã hội và an sinh xã hội, không vì mục đích lợi nhuận và do Nhà nước thực hiện.

Dự án Luật Bảo hiểm y tế gồm 11 chương, 59 điều; hướng tới các qui định cụ thể của bảo hiểm y tế: đối tượng, mức đóng góp, trách nhiệm đóng góp; thẻ bảo hiểm; quyền lợi và nghĩa vụ của người tham gia bảo hiểm y tế; tổ chức khám, chữa bệnh cho người tham gia bảo hiểm y tế, thanh toán chi phí; quỹ bảo hiểm, quyền lợi và trách nhiệm của các bên liên quan đến bảo hiểm y tế; thanh tra, khiếu nại, tố cáo và xử lý các vi phạm pháp luật xung quanh bảo hiểm y tế...

Trong phiên thảo luận tại hội trường chiều 26-5, đã có 16 vị đại biểu Quốc hội của 16 tỉnh, thành trong cả nước phát biểu ý kiến. Các ý kiến tập trung vào thảo luận các vấn đề chung sau: tên gọi, đối tượng và phạm vi điều chỉnh của Luật Bảo hiểm y tế; việc triển khai thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân; các loại hình bảo hiểm y tế; các mức đóng bảo hiểm y tế; bảo hiểm y tế đối với nông dân; nơi đăng ký khám, chữa bệnh của bảo hiểm y tế; qui định về chi trả khám, chữa bệnh; ngân sách hỗ trợ của nhà nước; quỹ bảo hiểm y tế và quản lý quỹ bảo hiểm y tế; vấn đề thanh, kiểm tra công tác bảo hiểm y tế; khiếu kiện, tố cáo xung quanh bảo hiểm y tế; chế tài xử lý vi phạm bảo hiểm y tế; bộ máy quản lý quỹ bảo hiểm y tế...

Nhìn chung, hầu hết các ý kiến đều thống nhất với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dự án Luật Bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, một số vị đại biểu Quốc hội tỏ ý lo ngại về thực trạng Quỹ bảo hiểm y tế thu không đủ chi, dẫn đến tình trạng các cơ sở y tế yếu kém, lạc hậu không được đầu tư nâng cấp; đời sống đội ngũ cán bộ y tế không được quan tâm đúng mức; vì thế, họ không thiết tha khám, chữa bệnh cho bệnh nhân có bảo hiểm y tế; trái lại, dịch vụ khám, chữa bệnh theo bảo hiểm y tế nhiều thủ tục phiền phức, không thuận lợi nên người dân không thiết tha với việc đóng bảo hiểm y tế tự nguyện; bênh cạnh đó, các bác sĩ cho rằng khung giá dịch vụ kỹ thuật khám, chữa bệnh theo bảo hiểm y tế là quá thấp, không phù hợp...Những khía cạnh này chưa được phản ánh trong Dự án Luật.

Có ý kiến cho rằng, Dự án Luật Bảo hiểm y tế, chỉ đề cập đến các nội dung khám, điều trị bệnh là chưa đủ, như thế là bỏ mất phần dự phòng. Theo ý kiến này, nếu làm tốt công tác dự phòng, người dân ít ốm đau, bệnh tật thì chi phí của quỹ bảo hiểm cho khám, chữa bệnh sẽ giảm rất nhiều. Xu hướng của thế giới đang chuyển dần từ nội dung bảo hiểm y tế thiên về khám, chữa bệnh sang nội dung bảo hiểm sức khỏe, đầu tư nhiều cho công tác dự phòng, khám bệnh định kỳ, khuyến khích người dân chủ động và tích cực tự bảo về sức khỏe của mình...

Về mức đóng bảo hiểm y tế cũng có nhiều ý kiến trao đổi. Hiện nay mức đóng là 3% mức tiền lương, tiền công hoặc mức tiền lương tối thiểu. Dự án Luật nâng lên là 6%. Một số đại biểu cho rằng như thế là quá cao bởi đời sống người lao động hiện còn rất khó khăn. Theo các đại biểu, mức đóng của đối tượng do ngân sách đảm bảo bằng 3% mức lương tối thiểu; các đối tượng còn lại là 5%, trong đó, người lao động đóng 2% còn chủ sử dụng lao động đóng 3%... Các đại biểu cũng cho rằng, đối với bảo hiểm y tế tự nguyện cần đa dạng hóa hơn nữa, nghĩa là cùng với các quy định về bảo hiểm y tế tự nguyện hiện hành cần triển khai các chế độ bảo hiểm y tế mới hướng tới các nhóm xã hội có thu nhập cao.

Một vấn đề mà nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm là bảo hiểm y tế cho nông dân. Theo Báo cáo thẩm tra của Thường vụ Quốc hội thì bảo hiểm y tế cho nông dân là vấn đề khó khăn nhất hiện nay. Hiện nông dân chiếm 56% dân số cả nước, trong đó khoảng 60% đã được Nhà nước mua bảo hiểm y tế theo các đối tượng: nghèo, cận nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi và người gìa, dân ở vùng 135 và vùng Tây Nguyên, vùng Tây Nam bộ... nhưng vẫn còn 40% nông dân chưa có bảo hiểm y tế (khoảng 15 triệu người). Nhiều đại biểu cho rằng, Nhà nước cần hỗ trợ những đối tượng này một phần kinh phí để họ được tham gia bảo hiểm y tế. Đây cũng là nhằm thực hiện chính sách “tam nông” và phúc lợi xã hội đối với người dân nông thôn...

Còn một số vấn đề xung quanh Dự án Luật bảo hiểm y tế mà các đại biểu nêu sẽ được tiếp tục thảo luận vào ngày hôm nay. Theo chương trình, sau khi thảo luận về Dự án Luật bảo hiểm y tế, Quốc hội sẽ nghe Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Hoàng Văn Phong thay mặt Chính phủ, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bay Tờ trình Dự án Luật Công nghệ cao và Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường Quốc hội Đặng Vũ Minh trình bày Báo cáo thẩm tra Dự án Luật công nghệ cao./.