Cánh đồng Tà Pạ, An Giang 
 Ảnh: Nguyển Đức Hiển
Năm 2007, cả tỉnh An Giang đã nhận đơn khiếu nại và xem xét giải quyết được 2.265 vụ việc thuộc thẩm quyền, trong đó cấp xã giải quyết 509 đơn; cấp huyện 1.077 đơn; cấp tỉnh 529 đơn và 150 đơn tiếp khiếu quyết định của tỉnh. Điểm tích cực đáng lưu ý là từ cuối năm 2005 đến nay hầu như không còn những thiếu sót làm phát sinh khiếu nại do chính sách đền bù, giải tỏa mặt bằng.

Trong những năm gần đây, An Giang là một trong những tỉnh có nhiều đoàn đông người kéo lên các cơ quan Trung ương để tiếp khiếu các quyết định giải quyết khiếu nại cuối cùng có hiệu lực thi hành.

Việc khiếu nại phức tạp của đông người trong thời gian qua, trước hết là do thiếu sót của địa phương trong quá trình giải quyết các tranh chấp về đất đai, sai sót trong thực hiện giải tỏa đền bù khi Nhà nước thu hồi đất, nhất là lúc giao thời áp dụng chính sách đền bù giữa văn bản cũ và mới. Quá trình giải quyết khiếu nại có lúc có nơi chưa tích cực, áp dụng chính sách pháp luật còn cứng nhắc, nên nhiều trường hợp ngay từ lúc đó người dân đã bức xúc và chưa đồng tình. Hiện tại, vẫn còn khoảng gần 200 vụ việc khiếu nại tồn đọng, vượt cấp thường xuyên kéo dài đeo bám các cơ quan chức năng ở Trung ương, mà trong đó hơn 80% số vụ việc có nguyên nhân từ thực hiện chính sách đền bù, giải tỏa, di dời, tái định cư và đa phần là những dự án có trước 1998, lúc chưa có Nghị định 22/1998/NĐ-CP của Chính phủ.

Kết quả bước đầu

Những năm gần đây, An Giang đã thực hiện nghiêm túc các kết luận giải quyết của các bộ, ngành, các đoàn, tổ công tác của trung ương, ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tổ chức tốt việc thi hành các quyết định có hiệu lực; mạnh dạn điều chỉnh sửa đổi những chủ trương chính sách chưa phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, quan tâm và giải quyết kịp thời chính sách xã hội đối với những hộ có hoàn cảnh khó khăn. Tiếp tục quán triệt thực hiện và cụ thể hóa chỉ thị 09-CT/TW ngày 06-3-2002 và Chỉ thị 05/CT-TTG ngày 30-03-2001 của Thủ tướng Chính phủ bằng Chỉ thị 37-CT/TU, Chỉ thị 09-CT/TU và Kế hoạch số 58/KH-UBND Về tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại của công dân.

Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định số 2589/2007/QĐ-UBND, ngày 19-9-2007; xây dựng Đề án đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc Khơ-me nhằm cụ thể hóa chính sách giải quyết đất sản xuất theo Chương trình 134 của Chính phủ đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư chấp thuận trình lên Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Tỉnh đã điều chỉnh, bổ sung và vận dụng giải quyết chính sách xã hội đối với những trường hợp khẳng định việc giải quyết đã đúng pháp luật nhưng cuộc sống hiện tại của người dân đang gặp khó khăn. Địa phương đã giao cấp 68 nền nhà trị giá trên 4,5 tỉ đồng, đền bù bổ sung 2,2 tỉ đồng, nâng cấp kết cấu hạ tầng cho khu vực dân cư có các hộ bị giải tỏa trị giá 1,2 tỉ đồng, xây cất 10 căn nhà tình thương tại thành phố Long Xuyên và huyện Châu Phú. Ngoài ra, đã bồi thường bổ sung đối với khu vực dự án kênh Bảy huyện An Phú và huyện Tân Châu gần 10 tỉ đồng, các khu vực khác và hộ lẻ khoảng 20tỉ đồng.

Hiện nay, tỉnh An Giang đang tập trung triển khai thực hiện đề án 1.000 nền nhà hỗ trợ tái định cư và thực hiện hỗ trợ chính sách xã hội đối với người có nhà đất bị giải tỏa đang khó khăn về chỗ ở và đời sống. Tiếp tục thực hiện đền bù giai đoạn 2 đối với khu vực đất do Sư đoàn 330 thuộc Quân khu 9 đang sử dụng làm nơi đóng quân.

Qua xem xét hồ sơ, tiếp dân đối thoại gần đây của Đoàn Thanh tra Chính phủ thì hầu hết các vụ khiếu nại đã được Đoàn nhận định thống nhất với tỉnh, đồng thời cũng thống nhất cao với cách giải quyết và những chính sách xã hội của ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành.

Những khó khăn hiện nay

- Việc vận dụng bổ sung chính sách, nâng giá đền bù theo hướng có lợi cho người dân trong thời điểm giao thời, áp dụng văn bản pháp luật và triển khai thực hiện các chính sách xã hội làm cho người dân hiểu lầm rằng, có khiếu nại thì mới được xem xét giải quyết.

- Các thế lực thù địch lợi dụng kích động, chống phá làm cho tình hình thêm phức tạp. Công tác nắm tình hình, xây dựng hồ sơ cá nhân và xử lý đối với đối tượng cầm đầu, xúi giục thực tế còn ít và lúng túng nên tác động răn đe, giáo dục còn hạn chế.

- Trong thực tế vẫn còn một số cấp ủy và chính quyền nhận thức chưa nhất quán và chưa hành động tích cực theo tinh thần Chỉ thị số 09-CT/TU ngày 25-9-2006 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Bên cạnh hạn chế, thiếu sót trong quá trình giải quyết khiếu nại của công dân, thực tế vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc từ phía các cơ quan trung ương. Đó là:

- Chính sách, pháp luật trước đây chưa nhất quán, thiếu đồng bộ. Thời điểm trước khi có Nghị định 22/1998/NĐ-CP của Chính phủ, hệ thống chính sách về điều chỉnh đất đai, giải tỏa đền bù; quản lý tài sản, đất đai của địa chủ, ngụy quân, ngụy quyền,... chưa được quy định cụ thể. Có phần thiệt thòi cho người dân, nhưng việc giải quyết phải theo nguyên tắc pháp luật thời điểm đó, nếu vận dụng cho người này thì người khác so bì, khiếu nại.

- Vẫn còn hiện tượng cơ quan nào cũng có thể nhận đơn và chuyển đơn lòng vòng, không đúng thẩm quyền.

- Việc giải quyết khiếu nại hiện nay chưa có điểm dừng, quan điểm không nhất quán, có trường hợp một vụ việc lại có nhiều đoàn giải quyết, sự phối hợp giữa trung ương và địa phương trước đây nhiều lúc chưa chặt chẽ.

- Về phía người dân khiếu kiện đang rất trông chờ vào sự trả lời, giải thích, giải quyết của các cơ quan tiếp dân ở trung ương. Nếu không trả lời dứt khoát, rõ ràng thì số công dân đeo bám ngày càng đông, bị lôi kéo, kích động đi khiếu kiện ngày càng nhiều.

Từ thực tiễn, An Giang rút ra những bài học kinh nghiệm sau đây:

Một là, thực hiện tốt và vận dụng chính sách xã hội một cách hợp lý. Từ năm 2002, An Giang đã tổng rà soát và điều chỉnh, giải quyết những vụ khiếu nại kéo dài, vượt cấp, những sai sót thời điểm đó đã được chấn chỉnh. Khi có Chỉ thị 09-CT/TU và Kế hoạch 58/KH-UBND tháng 9-2006, Đoàn công tác của tỉnh tổ chức vận dụng thực hiện các chính sách xã hội một cách hiệu quả hơn. Đặc biệt là từ tháng 9-2007, ủy ban nhân dân tỉnh ban hành quy định về chính sách xã hội kèm theo Quyết định 2589/2007 cho 2 huyện trọng điểm có nhiều vụ việc khiếu nại lâu năm, đeo bám và vượt cấp.

Hai là, nêu cao tính chủ động và quyết tâm trong giải quyết khiếu nại cho công dân. Đoàn công tác của tỉnh chủ động rà soát, lên phương án thảo luận công khai, dân chủ, chủ động đăng ký với bộ, ngành ở trung ương để báo cáo, thảo luận, xin ý kiến và thống nhất phương án xử lý. Vì vậy, đã giải quyết dứt điểm được nhiều vụ việc, trong đó có một số vụ việc phức tạp, điều quan trọng hơn là thống nhất được các quan điểm giải quyết thấu tình đạt lý, nếu còn sai sót thì áp dụng chính sách xã hội đúngchủ trương chính sách thời điểm.

Ba là, phải thật sự dân chủ, mở rộng việc đối thoại công khai với công dân, trên cơ sở tổng rà soát, tổ chức phúc tra cẩn thận, và thảo luận dân chủ trong việc xây dựng phương án giải quyết khiếu nại cho từng vụ việc cụ thể, từ đó tổ chức tiếp dân và đối thoại với dân một cách công khai, dân chủ ngay cả trên các phương tiện thông tin đại chúng để dân càng hiểu rõ hơn.

Bốn là, tổ chức tốt công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật cho công dân. Hiệu quả của việc thực hiện đề án "Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về khiếu nại tố cáo ở xã, phường, thị trấn" là bằng chứng góp phần nâng cao nhận thức của người dân về Luật Khiếu nại, tố cáo.

Một số giải pháp trong thời gian tới

1 - Tập trung xử lý những đơn thư còn tồn đọng, cơ quan chuyên môn tích cực tham mưu cho ủy ban nhân dân cùng cấp rà soát các đơn thư hiện có để tập trung giải quyết dứt điểm. Tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là về thẩm quyền và thời hạn. Những nơi để xảy ra phát sinh nhiều đơn thư khiếu tố, khiếu kiện đông người, đơn tồn đọng lâu thì xem xét, xử lý trách nhiệm của người lãnh đạo, người đứng đầu.

2 - Củng cố và chấn chỉnh công tác tiếp dân, đối thoại với công dân. Nâng cao trách nhiệm các tổ, đoàn công tác cấp tỉnh, huyện gắn với việc vận động có sự tham gia của Ban Dân vận, Mặt trận Tổ quốc, Hội Nông dân, các tổ chức đoàn thể, cơ quan dân cử,... để thuyết phục người khiếu nại chấp hành chủ trương, chính sách pháp luật về đất đai, về khiếu nại, tố cáo. Trường hợp người khiếu nại vẫn cố tình không chấp hành và có hành động kích động, gây rối thì cần áp dụng các biện pháp xử lý thật nghiêm theo pháp luật.

3 - Hạn chế phát sinh đơn thư mới, cơ quan chuyên môn cấp trên có trách nhiệm hỗ trợ cấp dưới về mặt nghiệp vụ, xác định việc giải quyết khiếu tố là trách nhiệm của các cấp. Nhiệm vụ này có liên quan chặt chẽ đến việc tổ chức thi hành và chấp hành pháp luật. Trong quý I-2008, ủy ban nhân dân tỉnh sẽ ban hành Quyết định về việc tổ chức thực hiện các quyết định hành chính có hiệu lực pháp luật. Các huyện, thị, nhất là cơ sở tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo công tác quản lý đơn thư phát sinh, thường xuyên kiểm tra, thanh tra, phát hiện, chấn chỉnh kịp thời những sai sót, yếu kém.

4 - Đối với những trường hợp tiếp khiếu quyết định của tỉnh, tiếp tục rà soát các trường hợp tiếp khiếu, nắm chắc những trường hợp thường xuyên đeo bám tại các cơ quan trung ương, thẩm tra chính xác hồ sơ và nội dung khiếu nại, tổ chức đối thoại công khai và ban hành văn bản trả lời cho từng trường hợp. Đối với các vụ việc giải quyết sai sót, mạnh dạn sửa, đền bù theo quy định của pháp luật.

5 - Khẩn trương thực hiện các dự án tạo quỹ nền nhà để giải quyết cho đối tượng hưởng chính sách xã hội và thực hiện chính sách xã hội theo quyết định 2589/QĐ-UB ngày 19-9-2007, của ủy ban nhân dân tỉnh. Qua đó, tổng kết rút kinh nghiệm và hoàn thiện dần các chính sách xã hội theo hướng toàn diện, đồng bộ, được người dân chấp nhận và trong khả năng ngân sách địa phương cho phép./.