Tiếp xúc trực tiếp với khí thải làng nghề
Ảnh: Trần Vũ
Nổi tiếng từ lâu với nhiều làng nghề truyền thống, Bắc Ninh hiện có 61 làng nghề thu hút khoảng 35 ngàn lao động. Cùng với các khu công nghiệp tập trung, 25 khu công nghiệp vừa và nhỏ, cụm công nghiệp làng nghề cũng được quy hoạch và xây dựng kết cấu hạ tầng với diện tích trên 600 ha thu hút trên 700 tổ chức kinh tế và hộ cá thể đầu tư tổ chức sản xuất, kinh doanh. Song, qua kiểm tra khảo sát thực tế tại các làng nghề cho thấy, nhìn chung người lao động đang phải làm việc trong một môi trường không thuận lợi, tiềm ẩn nhiều yếu tố độc hại và nguy hiểm.

Xã Châu Khê (huyện Từ Sơn) có nghề sắt thép của thôn Đa Hội, mỗi năm cho "ra lò" khoảng 112.000 tấn sản phẩm các loại. Với tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân khoảng 10%/năm và giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đạt mức 1.400 tỉ đồng, chiếm tới 92,2% trong cơ cấu kinh tế của địa phương, Châu Khê đang được xếp vào hàng những xã giàu có nhất tỉnh. Toàn xã hiện có 859 hộ sản xuất tiểu, thủ công nghiệp, sử dụng bình quân 5.000 - 7.000 lao động mỗi ngày. Nếu như trước những năm90, ở đây sản xuất với mô hình thủ công là chính, thì từ năm 1992 trở lại đây, những máy móc thiết bị hiện đại như máy đúc, máy cán, máy cắt phôi thép... đã thay thế dần những chiếc đe, chiếc búa khiến năng suất lao động của làng nghề thủ công này đã tăng lên với tốc độ khá nhanh. Mỗi ngày Đa Hội có lưu lượng khoảng 100 xe ô-tô chuyên chở nguyên liệu, hàng hóa vào ra phục vụ cho sản xuất với khối lượng luân chuyển ở mức khoảng 300 - 500 tấn. Với sức sản xuất như vậy nên trung bình làng nghề này thải ra môi trường khoảng 4tấn rác mỗi ngày. Đó là chưa kể tới khói bụi, tiếng ồn và nước thải công nghiệp.

Ông Phùng Văn Khôi, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã cho biết, ô nhiễm môi trường đang là vấn đề rất bức xúc ở đây. Hầu như bất kỳ cuộc họp nào của xã đều kết thúc bằng những ý kiến tranh luận làm thế nào để giảm ô nhiễm môi trường. Do đặc điểm sản xuất, làng Đa Hội có mức tiêu thụ điện năng khá lớn, khoảng 16-10 triệu kWh/tháng nên để giảm thiểu chi phí, thời gian "vào ca" của các cơ sở sản xuất thường bắt đầu giờ làm việc vào lúc 22 giờ đêm và kết thúc vào 5 giờ sáng. Điều này cũng đồng nghĩa với việc người dân nơi đây lại phải "nghỉ ngơi" hít thở trong một môi trường đầy khói bụi và ngột ngạt. Điều càng lo lắng hơn là trên địa bàn xã đã xuất hiện các bệnh liên quan đến đường hô hấp, tiết niệu và tiêu hóa với tỷ lệ trên 50% bị kết luận là tử vong do ung thư. Mặc dù đã xây dựng được khu sản xuất tập trung 13,5 ha được gọi là Cụm công nghiệp sản xuất thép xã Châu Khê, song thực tế chỉ có khoảng hơn 140 hộ được tập trung vào đây, chủ yếu là những hộ có quy mô sản xuất lớn, đầu tư máy móc và sản phẩm là vật liệu xây dựng, thép hình. Còn lại, đa phần các cơ sở sản xuất vừa và nhỏ, tiểu thủ công vẫn ở xen trong dân với các sản phẩm chính là đồ gia dụng, hàng hóa nông cụ như cán sắt nhỏ, rút sắt, làm đinh, dây buộc, quang, xảo... Sự "xâm lấn" mặt bằng sản xuất vào khu vực sinh sống của dân cư càng làm gay gắt thêm nỗi bức xúc về ô nhiễm môi trường sống. Đó là còn chưa kể tới tình trạng các hộ sản xuất lấn chiếm các khu cây xanh, hồ sinh thái... để thải rác. Tình trạng trên đã kéo dài nhiều năm qua và đến nay chính quyền xã vẫn chưa có cách nào xử lý.

Làng Dương Ổ (xã Phong Khê, huyện Yên Phong) chuyên sống bằng nghề làm giấy. Toàn xã hiện có khoảng 220 dây chuyền sản xuất giấy công nghiệp nằm trong 171 doanh nghiệp, trong đó có 65 công ty, xí nghiệp, hợp tác xã cổ phần với các sản phẩm chính là khăn ăn, bao bì, giấy vệ sinh, giấy viết, giấy làm vỏ bao xi-măng..., ngoài ra còn có các loại giấy bản, giấy moi, giấy dó cao cấp. Tổng thu nhập từ giấy công nghiệp tăng từ khoảng 120 tỉ năm 2003 lên mức 300 tỉ năm 2004 và 450 tỉ đồng năm 2005. Giấy thủ công mỗi năm tổng doanh thu cũng đạt khoảng 5 tỉ đồng. Các nghề dịch vụ nhờ giấy mà cũng phát triển theo. Phong Khê có hàng trăm lao động buôn bán nguyên liệu, 15 xưởng cơ khí sửa chữa và thay thế phụ tùng máy móc, có trên 220 ô-tô vận chuyển nguyên liệu, hàng hóa. Tuy nhiên, cũng như làng sắt Đa Hội, cùng với sự phát triển của sản xuất, ô nhiễm môi trường ở Dương Ổ đang là một vấn đề rất nghiêm trọng. Không những ô nhiễm từ "đầu ra" của sản xuất, đặc điểm sản xuất của nghề giấy là có nguồn nguyên liệu đầu vào là phế liệu, phế thải được thu gom từ khắp nơi chuyển về. Cùng với việc sử dụng những hóa chất để tẩy rửa, các loại giấy bẩn lưu cữu lâu ngày bị mục nát không những tạo ra một thứ mùi khó chịu mà còn thải ra sông ngòi gây ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng. Từ năm 2003, Phong Khê đã dành đất xây dựng một khu công nghiệp làng nghề rộng 12,7 ha để tạo điều kiện tập trung các doanh nghiệp, hạn chế bớt sự ô nhiễm môi trường. Mặc dù Dương Ổ vốn đã sớm được các ngành, các cấp của địa phương quan tâm dành nhiều dự án trong nước cũng như quốc tế về môi trường song các chỉ số ô nhiễm đất, nước, không khí vẫn ở mức cao hơn chỉ số cho phép.

Trên đây mới chỉ là hai trong số rất nhiều làng nghề đã được khảo sát trong một dự án mới được khởi động dưới sự chỉ đạo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Bắc Ninh và Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI) do Đại sứ quán Phần Lan tài trợ mang tên "Vận động xây dựng môi trường lao động lành mạnh và vệ sinh tại các làng nghề ở Bắc Ninh vì quyền lợi của phụ nữ, trẻ em và người lao động". Dự án trước mắt được triển khai tại 2 làng nghề trên với mục tiêu đẩy mạnh trách nhiệm xã hội trong việc cải thiện môi trường sống, các hoạt động và quan hệ lao động cho lao động trẻ em, phụ nữ và cộng đồng tại các làng nghề thông qua công tác vận động chính sách vì cộng đồng, cung cấp thông tin, bảo vệ sức khỏe môi trường và luật pháp với sự tham gia của cộng đồng dân cư sinh sống quanh làng nghề, các hộ sản xuất, kinh doanh và cán bộ chính quyền địa phương. Phương thức hoạt động của dự án là khuyến khích sự tham gia của cộng đồng dân cư, chủ cơ sở sản xuất và chính quyền địa phương tự tìm cho mình một cách thích hợp để giải quyết vấn đề ô nhiễm dưới sự tham vấn về mặt kỹ thuật thực hiện của dự án.

Theo bà Vũ Xuân Đào, Giám đốc CDI, thì đây chỉ là một dự án rất nhỏ, song điểm khác biệt của nó là thay vì việc đầu tư vốn để xây dựng, cải tạo môi trường bằng các sản phẩm hữu hình, dự án tập trung vào việc làm thay đổi nhận thức của cộng đồng về trách nhiệm bảo vệ môi trường. Điều này tình cờ lại trùng hợp với suy nghĩ của nhiều lãnh đạo của 2 địa phương trên. Theo ông Ngô Văn Trứ, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Phong Khê, để giải quyết tận gốc ô nhiễm môi trường ở các làng nghề thì nhận thức của các doanh nghiệp là vấn đề cốt lõi. Bởi lẽ, hầu hết các doanh nghiệp làng nghề, do vốn ít, quy mô nhỏ nên chỉ muốn làm thế nào để tối thiểu hóa chi phí nhằm tối đa hóa lợi nhuận. Chính vì thế, họ mua sắm toàn những thiết bị thải loại từ những đơn vị khác, vừa rẻ tiền, vừa "bẩn" mà không quan tâm tới việc những thiết bị đó gây thiệt hại như thế nào cho cộng đồng, xã hội. Nói cách khác, lợi thì họ hưởng còn những ảnh hưởng độc hại người dân xung quanh phải gánh chịu. Thực tế, ở xã Phong Khê đã có rất nhiều dự án được triển khai nhằm cải thiện môi trường làng nghề song các dự án cứ đến rồi lại đi và chưa có tác động mạnh để cải tạo môi trường bởi các dự án này mới chỉ chú trọng hỗ trợ vật chất. Ông Trứ cũng nhận định, nếu chủ doanh nghiệp có được một nhận thức đúng đắn về trách nhiệm của mình, từ đó có những biện pháp cụ thể và tuyên truyền tới công nhân về ý thức bảo vệ trong quá trình lao động thì vấn đề ô nhiễm môi trường làng nghềmới được giải quyết tận gốc.