Bảo đảm nhân lực cho vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn là nhiệm vụ hàng đầu của ngành y tế
Tăng cường nguồn nhân lực có chất lượng cho y tế tuyến cơ sở; nhất là ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn là chủ trương lớn, đúng đắn và hết sức cần thiết; là cụ thể hóa chủ trương lãnh đạo công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân theo định hướng công bằng, hiệu quả và phát triển của Ðảng.
Với quan điểm sức khỏe là vốn quý nhất của mỗi con người và toàn xã hội, và đầu tư cho sức khỏe là đầu tư cho phát triển; nhiều năm qua, Ðảng và Nhà nước quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và đầu tư cho y tế. Cùng với sự nỗ lực của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, ngành Y tế vượt qua những khó khăn, thách thức và đạt nhiều kết quả đáng trân trọng. Hệ thống y tế ngày càng được hoàn thiện hơn; hệ thống bệnh viện công lập được giữ vững, củng cố và phát triển; công tác phòng, chống dịch đạt được nhiều kết quả khả quan; công tác đào tạo nguồn nhân lực y tế ngày càng được chú trọng và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân ngày càng tốt hơn. Ðặc biệt, năm 2009 đánh dấu bước tiến bộ vượt bậc trong toàn ngành với việc hoàn thành xuất sắc cả bốn chỉ tiêu Quốc hội giao, đạt 15/15 chỉ tiêu của ngành và vượt trước từ hai đến ba năm một số chỉ tiêu Thiên niên kỷ.
Bên cạnh các thành tựu đạt được, ngành y tế đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt về nhân lực y tế như sự phân bổ nhân lực y tế không đều giữa các vùng, miền, giữa nông thôn và thành thị, giữa miền núi và vùng đồng bằng. Tình trạng thiếu nhân lực y tế phổ biến ở nhiều địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn; nhất là ở các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long, nơi có mức độ phát triển kinh tế - xã hội thấp hơn và nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân cao thì chỉ số bác sĩ lại thấp nhất. Ðây là sự bất cập giữa nhu cầu chăm sóc sức khỏe và khả năng đáp ứng về nguồn nhân lực, cho thấy sự bất cập trong cung ứng và sử dụng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh giữa các vùng miền.
Mặc dù, số lượng bác sĩ được đào tạo hằng năm tăng, nhưng rất ít bác sĩ về công tác tại y tế cơ sở, địa bàn vùng sâu, vùng xa. Hiện tượng di chuyển cán bộ y tế từ tuyến dưới về tuyến trên, từ các vùng khó khăn ra vùng kinh tế - xã hội phát triển vẫn diễn tiến hầu như không có điểm dừng.
Nhằm khắc phục những hạn chế nêu trên, thời gian qua, ngành y tế thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, đồng thời với việc đầu tư xây dựng mới, nâng cấp cơ sở, bổ sung cho bệnh viện huyện thiết bị chẩn đoán và điều trị cơ bản, trang bị một số thiết bị hiện đại, chuyên sâu cho bệnh viện tỉnh và bệnh viện Trung ương. Tăng cường công tác chỉ đạo tuyến hỗ trợ kỹ thuật cho tuyến dưới. Tham mưu cho Chính phủ ban hành nhiều chính sách về đầu tư cơ sở vật chất, nhân lực y tế cho y tế cơ sở, miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Phối hợp tích cực với các bộ, ngành đề xuất sửa đổi, bổ sung các chế độ chính sách cho cán bộ y tế, chế độ phụ cấp ngành nghề, phụ cấp vùng miền, phụ cấp phòng, chống dịch bệnh, phụ cấp trực. Xây dựng chương trình hành động triển khai Nghị quyết số 18/2008/NQ-QH12 ngày 3-6-2008 của Quốc hội Khóa XII, về đẩy mạnh thực hiện chính sách pháp luật xã hội hóa để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân; trong đó có việc nâng cao, xây dựng mới bệnh viện đa khoa cho những tỉnh, khu vực khó khăn và bệnh viện chuyên khoa cho khu vực đồng bằng. Ðặc biệt, ngày 26-5-2008, Bộ Y tế ký ban hành Quyết định số 1816/QÐ-BYT phê duyệt Ðề án"Cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh"(gọi tắt là Ðề án 1816), nhằm ba mục tiêu chính: Nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh của bệnh viện tuyến dưới, đặc biệt là miền núi, vùng sâu, vùng xa thiếu cán bộ y tế; Giảm tình trạng quá tải cho các bệnh viện tuyến trên, đặc biệt là các bệnh viện tuyến Trung ương; Chuyển giao công nghệ và đào tạo cán bộ tại chỗ nhằm nâng cao tay nghề cho cán bộ tuyến dưới.
Sau hơn một năm tích cực triển khai thực hiện, Ðề án 1816 đã thu được những kết quả khích lệ: nhiều bệnh viện Trung ương và bệnh viện hạng I của một số thành phố lớn cử hàng nghìn lượt cán bộ đi luân phiên hỗ trợ gần 200 bệnh viện và cơ sở y tế trực thuộc 62 tỉnh, thành phố; đã chuyển giao hơn một nghìn kỹ thuật thuộc nhiều chuyên ngành, chuyên khoa; mở nhiều lớp tập huấn cho hàng vạn lượt cán bộ y tế tuyến dưới và điều trị cho hơn 200 nghìn lượt người bệnh, phẫu thuật gần năm nghìn ca, đặc biệt nhiều ca bệnh hiểm nghèo đã được cứu sống và nhiều cán bộ y tế tuyến tỉnh, tuyến huyện đã luân phiên xuống các tuyến dưới. Kết quả này khẳng định Ðề án 1816 đã đạt được các mục tiêu cơ bản, góp phần nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh cho nhân dân. Việc thực hiện Ðề án 1816 là một giải pháp góp phần quan trọng vào việc giải quyết bài toán về nhân lực của ngành Y tế, đồng thời mang đậm tính nhân văn, thể hiện truyền thống văn hóa tốt đẹp của người Việt Nam sẵn sàng tương thân, tương ái, chia sẻ kinh nghiệm, đùm bọc lẫn nhau. Qua đó khẳng định, Ðề án 1816 là một chủ trương đúng đắn phù hợp ý Ðảng, lòng dân.
Thời gian tới, để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, nhất là đối với tuyến cơ sở, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, các cấp, các ngành cần tập trung triển khai thực hiện tốt một số vấn đề:
Một là, Bộ Y tế, các cấp, các ngành cần tiếp tục tổ chức triển khai tốt Nghị quyết 46-NQ/TW ngày 23-2-2005 của Bộ Chính trị về "Công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới", các kết luận: số 42-KL/TW của Bộ Chính trị về đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập, số 43-KL/TW ngày 1-4-2008 của Bộ Chính trị về 3 năm thực hiện Nghị quyết 46-NQ/TW và 5 năm thực hiện chỉ thị 06-CT/TW; tập trung chỉ đạo thực hiện tốt những cơ chế chính sách đã có, như khuyến khích trí thức trẻ về cơ sở (đặc biệt đối với 62 huyện nghèo các xã biên giới hải đảo); đào tạo cử tuyển; đào tạo theo yêu cầu; kết hợp quân - dân y; đổi mới cơ chế kinh tế y tế; thực hiện Luật Bảo hiểm y tế và tiến tới thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân vào năm 2014; thực hiện Luật Khám bệnh, chữa bệnh tiếp tục củng cố và hoàn thiện hệ thống tổ chức và quản lý y tế theo tinh thần của Nghị quyết 46-NQ/TW. Nhấn mạnh vai trò tích cực, chủ động của địa phương là rất quan trọng.
Hai là, quán triệt sâu sắc xã hội hóa hoạt động y tế là một chủ trương lớn của Ðảng và Nhà nước. Vấn đề nhân lực y tế tuyến cơ sở luôn cần được quan tâm, kết hợp công lập và ngoài công lập. Quan niệm công lập là "phần cứng" có nhiệm vụ giữ vững vai trò chủ đạo của y tế công lập nhằm chăm sóc sức khỏe cho nhân dân theo định hướng công bằng, hiệu quả và phát triển; y tế ngoài công lập là "phần mềm" - một bộ phận không thể thiếu để bổ sung cho "phần cứng", đồng thời thể hiện tính linh hoạt, năng động; tạo nên sự phong phú đa dạng của các địa phương.
Ba là, Bộ Y tế có trách nhiệm hướng dẫn, điều hòa, phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi để triển khai thực hiện tốt các cơ chế chính sách bảo đảm sự công bằng, bình đẳng, đồng bộ, rộng khắp ở các địa phương. Ðặc biệt, chú trọng hỗ trợ ở mức cao đối với nông thôn, miền núi, vùng khó khăn, biên giới, hải đảo, song cần có các biện pháp, chính sách cụ thể để các bệnh viện có cán bộ đi luân phiên hoạt động bình thường, bảo đảm tốt chất lượng các dịch vụ khám, chữa bệnh cho nhân dân. Cần bám sát thực tế, qua sơ kết, tổng kết để sửa đổi, bổ sung hoàn thiện cơ chế, chính sách hướng tới ngày càng sát hợp và hiệu quả hơn.
Bốn là, triển khai thực hiện đồng bộ và hiệu quả Ðề án 1816. Duy trì tính bền vững và hiệu quả của việc Trung ương cử cán bộ y tế về hỗ trợ tỉnh; các địa phương nhanh chóng kiện toàn Ban Chỉ đạo thực hiện Ðề án 1816 cấp tỉnh, triển khai thực hiện việc cử cán bộ từ tỉnh hỗ trợ bệnh viện huyện, bác sĩ từ huyện về khám bệnh, chữa bệnh tại xã cho sát hợp, tránh hình thức, lãng phí. Phát động và triển khai tích cực phong trào thi đua học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thực hiện tốt quy tắc ứng xử, tổ chức đánh giá, nêu gương những điển hình tiên tiến, tích cực, tổng kết kinh nghiệm thực tiễn khái quát thành các bài học về luân phiên, luân chuyển cán bộ. Xây dựng, hoàn thiện quy định cử cán bộ đi luân phiên, tiến tới luật hóa trách nhiệm và nghĩa vụ của cán bộ y tế, đồng thời xây dựng chế độ, chính sách đãi ngộ thỏa đáng.
Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Người thầy thuốc giỏi đồng thời phải là như người mẹ hiền", toàn thể cán bộ, công chức, viên chức ngành Y tế phát huy hơn nữa thành tích đã đạt được, nêu cao tinh thần, trách nhiệm của người thầy thuốc và hướng về cơ sở để thực hiện"mọi người dân đều được quan tâm chăm sóc sức khỏe". /.
Vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao  (26/02/2010)
Tiếp tục duy trì lãi suất cơ bản bằng đồng Việt Nam ở mức 8%/năm  (26/02/2010)
Xuất, nhập khẩu đều giảm mạnh  (26/02/2010)
Kinh tế thế giới tiếp tục phục hồi  (26/02/2010)
Vai trò của chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với an sinh xã hội của đất nước  (26/02/2010)
Thấy gì qua việc bàn giao lưới hạ áp nông thôn cho ngành điện quản lý?  (26/02/2010)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên