Kinh tế thế giới tiếp tục phục hồi

Thu Lê
20:40, ngày 26-02-2010

TCCS - Trái với những dự báo đưa ra hồi cuối năm 2008 về hiệu ứng đô-mi-nô lan tỏa của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, năm 2009, nền kinh tế thế giới đã vượt qua giai đoạn khủng hoảng tồi tệ nhất và đang mở rộng trở lại. Chủ tịch Quỹ Tiền tệ thế giới (IMF) Đ.Xtrau Kan (D.Strauss-Kahn) nhận định có được kết quả này là nhờ những hành động khẩn trương và mạnh dạn trên tinh thần hợp tác chính trị chưa từng có tiền lệ giữa các nước. Tuy nhiên, theo Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) R.Giô-e-líc (R.Zoellick), vẫn còn quá sớm để nói đến sự thành công. Năm 2010 sẽ là năm đầy khó khăn và bất ổn đối với hồi phục kinh tế toàn cầu, khi hiệu quả của các gói kích thích dần phai nhạt.

Kinh tế thế giới 2009 - thoát khỏi suy thoái, bắt đầu phục hồi

Những khởi động đối với sự hồi phục này là các chính sách công mạnh mẽ ở khắp các nền kinh tế phát triển và đang nổi. Đây là yếu tố đã xóa bỏ mối quan ngại về sự đình đốn kinh tế toàn cầu. Các ngân hàng trung ương nhanh chóng cắt giảm mức lãi suất lớn chưa từng có, áp dụng những biện pháp không theo thông lệ nhằm tăng tính thanh khoản, duy trì tín dụng. Chính phủ các nước phát động những chương trình kích thích tài khóa lớn trong khi hỗ trợ các ngân hàng bằng cách bảo lãnh và bơm thêm vốn nhằm giảm sự bất ổn, tăng niềm tin, thúc đẩy sự cải thiện các điều kiện tài chính. Và kết quả là sự tăng mạnh tại khắp các thị trường và một sự hồi phục của các luồng vốn quốc tế cùng hoạt động thương mại thế giới.

Tuy nhiên, tốc độ phục hồi kinh tế thế giới chậm, hoạt động kinh tế vẫn còn kém hơn nhiều so với những mức độ trước khủng hoảng. Theo IMF, tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2009 là -1,1% (con số của Liên hợp quốc là -2,2%), thấp hơn nhiều so với mức tăng 3% của năm 2008.

Tại các nền kinh tế công nghiệp phát triển, tăng trưởng GDP là - 3,4%. Sự can thiệp chưa từng thấy của các chính phủ đã giúp ổn định hoạt động kinh tế, thúc đẩy sự quay trở lại mức tăng trưởng khiêm tốn ở một số nước. Theo Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), sự phục hồi kinh tế đã khá rõ ràng ở Mỹ. Trong quý III-2009, GDP của Mỹ tăng 1,6% và 2,4% trong quý IV. Tuy nhiên, các nhà chức trách nước này hiện vẫn đang tỏ ra hết sức thận trọng. Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tuyên bố sẽ tiếp tục duy trì lãi suất đồng USD ở mức 0% - 0,25% thêm một thời gian nữa. Thâm hụt ngân sách Mỹ năm tài khóa 2009 tăng kỷ lục 9,9% GDP (gấp hơn 3 lần so với năm 2008). Theo Cơ quan Ngân sách quốc hội Mỹ (CBO), thâm hụt ngân sách đến từ các khoản chi tiêu khổng lồ như Chương trình giải cứu tài sản gặp rắc rối của chính phủ Mỹ, gói cứu trợ kinh tế trị giá 787 tỉ USD cũng như khoản chi cho việc giải cứu tập đoàn thế chấp Phăn-ni Ma-e (Fannie Mae) và Phrét-đi Mác (Freddie Mac).

Nền kinh tế Nhật Bản đang dần thoát khỏi “cơn lốc” suy thoái, một phần nhờ các biện pháp kích thích tài chính phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, đồng yên đã lên giá cao nhất trong 14 năm qua so với đồng USD (1USD = 86 yên), gây cản trở đà phục hồi kinh tế của nước này khi sức cạnh tranh hàng xuất khẩu yếu. Trong khi đó, giá tiêu dùng suy giảm đe dọa đẩy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này rơi vào vòng xoáy giảm phát. Tăng trưởng GDP của Nhật Bản là -5,4%, giảm mạnh so với mức -0,7% năm 2008.

Tăng trưởng kinh tế của Liên minh châu Âu (EU) đã thoát khỏi suy giảm từ quý II-2009. OECD đánh giá, sự can thiệp hiệu quả của các gói kích cầu kinh tế cùng các biện pháp cải cách về giám sát tài chính và chính sách lãi suất thấp của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã góp phần tích cực hồi phục các hoạt động xuất khẩu và tiêu dùng. Song, sự phục hồi này vẫn chưa chắc chắn. Tốc độ tăng trưởng GDP vẫn giảm mạnh, - 4,2% so với mức tăng 0,7% năm 2008. Kinh tế Anh chịu ảnh hưởng nặng nề hơn cả, suy giảm 6 quý liên tục, chủ yếu do ngành tài chính của nước này chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế. Hai nền kinh tế lớn nhất của khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (ơ-rô) là Đức và Pháp đã thoát khỏi suy thoái từ quý II-2009, sau một năm liền co cụm. 10 nước thành viên trẻ nhất của EU, các nước Đông Âu phục hồi còn khá mong manh. Theo WB, tăng trưởng kinh tế của EU10 giảm khoảng 4,2% năm 2009.

Các nền kinh tế đang phát triển cũng đang trong quá trình phục hồi. Sự tăng giá gần đây của các mặt hàng nguyên liệu thô và các chính sách hỗ trợ đang giúp rất nhiều những quốc gia này. Tuy vậy, WB cho rằng, tâm lý lo sợ rủi ro của các nhà đầu tư đã dẫn tới sự sụt giảm mạnh mẽ của các dòng vốn chảy vào đây. Năm 2009, FDI chỉ đạt 363 tỉ USD, giảm mạnh so với mức 920 tỉ USD của năm 2008. Điều này đã làm cho các nước đang phát triển gặp nhiều khó khăn hơn trong quá trình phục hồi. Tăng trưởng GDP của các nước này chỉ đạt 1,2%. Trong đó, các nền kinh tế mới nổi ở châu á vẫn là mảng sáng nhất của kinh tế thế giới. Ngân hàng Phát triển châu á (ADB) nhận định: Mặc dù trong điều kiện môi trường kinh tế toàn cầu đang xấu đi, nhưng các nước đang phát triển ở châu á vẫn vươn lên dẫn đầu trong quá trình phục hồi sau khủng hoảng. Tăng trưởng GDP của các nước châu á đạt 6,2%, thấp hơn so với mức 7,6% năm 2008, song đây vẫn là mức tăng trưởng ấn tượng, cao nhất trên thế giới.

Tuy tốc độ tăng trưởng GDP của các nước Mỹ La-tinh giảm mạnh -2,5% năm 2009, nhưng đã có tín hiệu khả quan. IMF đánh giá đi đầu trong công cuộc khôi phục kinh tế ở khu vực này là Bra-xin với GDP khoảng 0,7% năm 2009. Thị trường tiêu dùng ở Bra-xin vẫn phát triển mạnh trong suốt giai đoạn khủng hoảng, phần lớn nhờ các chương trình hỗ trợ và nâng lương tối thiểu của chính phủ giúp người dân tăng chi tiêu dùng.

Trong khi đó, kinh tế Mê-hi-cô và khu vực Trung Mỹ vẫn còn chịu tác động tiêu cực bởi sự suy giảm kinh tế của Mỹ do có hơn 80% lượng hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ. Tăng trưởng GDP của Mê-hi-cô đạt -7,3% năm 2009. Theo ủy ban Kinh tế Mỹ La-tinh và Ca-ri-bê (ECLAC), tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã đẩy hàng triệu người trở lại cảnh nghèo khó. Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực này tăng lên hơn 8% năm 2009. Tình trạng sụt giảm trong lĩnh vực đầu tư trực tiếp nước ngoài đang khiến cuộc chiến thoát nghèo ở khu vực càng trở nên khó khăn.

Các nền kinh tế châu Phi chịu tác động nghiêm trọng của sự suy giảm kinh tế thế giới, giá hàng hóa và nguồn vốn tài trợ sụt giảm, tăng trưởng GDP chậm lại, đạt 2,8% năm 2009, sau nửa thập kỷ tăng trưởng trên 5%. OECD cho rằng, hoạt động thương mại thế giới suy giảm mạnh năm 2009 đã và đang tiếp tục "nhấn chìm" giá các hàng hóa xuất khẩu từ châu Phi.

Mặc dù có những dấu hiệu tích cực trong những tháng cuối năm 2009 như lạm phát giảm, đồng rúp tăng giá trở lại, Tổng thống Nga Đ.Mét-vê-đép vẫn đánh giá cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu đã ảnh hưởng tới nền kinh tế Nga nặng nề hơn so với dự đoán. GDP của Nga năm 2009 giảm mạnh -7,5%. Chính phủ Nga đang nỗ lực bảo đảm việc làm cho người lao động, ổn định lĩnh vực ngân hàng và ổn định đồng rúp. Theo Tổng thống Nga, để giải quyết các vấn đề cấp bách hiện nay, nước Nga cần phải thực hiện một cuộc thay đổi toàn diện và hiện đại hóa nền kinh tế. Chuyển đổi mô hình kinh tế tài nguyên sang mô hình kinh tế mới. WB và Ngân hàng Tái thiết và phát triển châu Âu (EBRD) đã cảnh báo, thách thức lớn nhất của Nga là nhanh chóng cơ cấu lại nền kinh tế nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào hàng hóa xuất khẩu trước những cơn dư chấn tài chính trong tương lai.

Trước bối cảnh tăng trưởng kinh tế thế giới kể trên, các chuyên gia kinh tế thế giới cho rằng những biện pháp kích thích nền kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ hơn là yếu tố cần thiết hiện nay, đặc biệt là sự hợp tác giữa các khu vực kinh tế chủ chốt nhằm giúp cho kinh tế toàn cầu lấy lại đà phục hồi.

Hội nghị thượng đỉnh nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7), diễn ra vào tháng 10-2009 tại I-xtan-bun (Thổ Nhĩ Kỳ) đã ra tuyên bố: Kinh tế thế giới và thị trường tài chính toàn cầu đã có dấu hiệu phục hồi, song, chưa phải lúc để có thể thỏa mãn. Thế giới cần duy trì các biện pháp để ổn định thị trường ngoại tệ cho đến khi bảo đảm một sự phục hồi chắc chắn. G7 sẽ giữ vai trò then chốt trong hợp tác kinh tế toàn cầu. Tại Hội nghị thượng đỉnh nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20), được tổ chức vào tháng 9-2009 ở Pít-xbớt (Mỹ), các nhà lãnh đạo đã thảo luận ba vấn đề chính, đó là: phục hồi kinh tế thế giới, cải cách các quy định tài chính và các vấn đề thương mại thế giới. Theo đó, G20 kêu gọi sự đồng thuận từ những nước chưa hợp tác; hỗ trợ các nước nghèo, giúp họ bắt kịp với sự phục hồi kinh tế thế giới.

Còn tại Hội nghị thượng đỉnh APEC-17 tổ chức tại Xin-ga-po (tháng 11-2009), các nhà lãnh đạo APEC đã thống nhất hợp tác nhằm củng cố đà phát triển, hướng tới tăng trưởng kinh tế toàn cầu mạnh mẽ, bền vững và cân bằng; đồng thời, xây dựng mô hình tăng trưởng mới phù hợp với sự thay đổi của cục diện thế giới sau khủng hoảng và chương trình nghị sự về đầu tư - thương mại nhằm củng cố hội nhập kinh tế tại khu vực châu á - Thái Bình Dương. WB cho rằng, việc lấy lại mức tăng trưởng không nhất thiết là sự lựa chọn giữa việc phụ thuộc vào thị trường thế giới hay thị trường nội địa. Nó có thể là việc tận dụng tăng trưởng từ nhu cầu nội địa và coi đó như một nguồn bổ sung vào quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Với việc tái cân bằng các động lực tăng trưởng và bảo vệ sự ổn định của thị trường tài chính, nhân tố then chốt cho sự phục hồi kinh tế bền vững lâu dài ở châu á là tăng nhu cầu trong nước và khu vực. Ngoài ra, các nhà hoạch định chính sách trong khu vực cần hoàn thiện và tổ chức tốt hơn các hệ thống điều tiết, giám sát, đồng thời tăng cường hợp tác khu vực và trên thế giới.

Kinh tế thế giới 2010 - còn nhiều bất ổn

Các cơ quan nghiên cứu kinh tế thế giới đều nhận định: năm 2010, kinh tế thế giới tiếp tục phục hồi; tăng trưởng GDP đạt khoảng 3%. Tuy nhiên, IMF, WB và OECD đã đưa ra một số cảnh báo:

Một là, sự phục hồi kinh tế mong manh

Nhìn lại lịch sử, kể từ cuối thế kỷ XIX đến nay, các nền kinh tế phương Tây đã trải qua 255 cuộc suy thoái. Trong đó, 70% số cuộc suy thoái có mức GDP sụt giảm hơn 6% với thời kỳ phục hồi kéo dài 1 năm. Và trong hầu hết các chu kỳ phục hồi, các nền kinh tế đều có mức tăng trưởng khá cao 3,5% ngay từ giai đoạn đầu.

Tuy nhiên, tại cuộc khủng hoảng lần này, mức sụt giảm sản lượng của các nền kinh tế là rất lớn, do đó, chưa thể đoán định được thời gian nền kinh tế thế giới phục hồi hoàn toàn. Các nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ chưa thể nhích lên trước quý II-2010 mà phải tới tận nửa đầu năm 2011. Bên cạnh đó, hoạt động thương mại thế giới vẫn ở mức thấp nhất trong hơn mấy thập kỷ qua, - 11% năm 2009 và ước đạt 2,5% năm 2010 (năm 2008 là 4,5%). Tiến trình đàm phán Đô-ha về tự do hóa thương mại toàn cầu vẫn lâm vào cảnh bế tắc vì bất đồng về vấn đề nông nghiệp...

Mạng Oxford Analytica cho rằng, kinh tế các nước đang phát triển (hiện chiếm 1/2 GDP toàn cầu) sẽ tăng trưởng mạnh nhất do nhu cầu trong nước tăng cùng với việc mở rộng buôn bán giữa các nước và khu vực tài chính ổn định. Tốc độ tăng trưởng GDP của các nước đang phát triển đạt khoảng 5,1% năm 2010, góp phần chủ đạo trong phục hồi, tăng trưởng của kinh tế thế giới.

Tại Trung Quốc, tăng trưởng GDP ước đạt mức cao nhất thế giới, khoảng 8,8%. Tuy nhiên, IMF và WB cũng cảnh báo, đầu tư không sinh lời chỉ thúc đẩy tăng trưởng nhất thời và đó chính là tình trạng của Trung Quốc hiện nay. Theo mạng tin Asia Sentinel, Trung Quốc đang có nguy cơ phải đối diện với cuộc khủng hoảng tài chính trong nước khi chương trình kích thích kinh tế không còn hiệu quả.

Tăng trưởng GDP của Bra-xin, nền kinh tế lớn ở Mỹ La-tinh, trong năm 2010 có thể trên 5% nhờ nhu cầu trong nước tăng mạnh và sự hỗ trợ của quốc tế.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế của đất nước đông dân nhất Nam á là ấn Độ sẽ đạt 7%. Còn tăng trưởng của Nga có thể đạt 3,5% - 4,5% sau khi bị giảm mạnh trong năm 2009. Nam Phi, nền kinh tế lớn nhất châu Phi, có tốc độ tăng trưởng 1,5% với sự phục hồi của giá hàng hóa và đầu tư mạnh vào xây dựng kết cấu hạ tầng trước Giải Vô địch bóng đá thế giới 2010.

Tăng trưởng kinh tế của các nền kinh tế phát triển vẫn ở mức thấp, GDP chỉ đạt 1,3%, thấp hơn nhiều so với mức trước khủng hoảng (2,7% năm 2007, 3% năm 2006 và 2,6% năm 2005). Kinh tế Mỹ chỉ có mức GDP là 1,3%. Trong đó có một sự khác biệt quan trọng giữa tiềm năng phục hồi kinh tế ngắn hạn và những nhân tố ảnh hưởng đến triển vọng trung hạn của nền kinh tế Mỹ. Về ngắn hạn, động lực cơ bản vẫn là chi tiêu tiêu dùng, chiếm gần 70% GDP. Tuy vậy, động lực này vẫn yếu trong năm 2010. Về trung hạn, chi phí tăng lên sẽ gây lo ngại về lạm phát và lãi suất tăng cao. Tiêu dùng thực sự sẽ giảm mạnh vào đầu năm 2010, kéo theo việc giảm tốc độ tăng GDP. Triển vọng tiêu dùng sẽ tăng lại vào giữa năm 2010 và đi cùng với nó là sự phục hồi về chi tiêu đầu tư của các công ty. Các điều kiện tiền tệ dễ dàng, đồng USD giảm giá và sự cạnh tranh kinh tế được cải thiện sẽ phục hồi đầu tư.

Đối với EU, mặc dù đồng ơ-rô tăng giá mạnh sẽ kiềm chế lạm phát, nhưng tốc độ tăng về tiêu dùng của EU sẽ vẫn yếu trong năm 2010. Bên cạnh đó, việc các ngân hàng EU kìm hãm thanh toán những khoản nợ xấu, trong khi không được cấp đủ vốn sẽ gây nguy cơ một cuộc khủng hoảng tín dụng nghiêm trọng trong năm 2010. Đồng ơ-rô mạnh sẽ làm "nản lòng" cả nhà đầu tư lẫn xuất khẩu, trong bối cảnh xuất khẩu lại là cốt lõi của kinh tế EU. Tốc độ tăng trưởng GDP của EU sẽ đạt khoảng 1% -1,5%.

Đối với Nhật Bản, suy thoái kinh tế đặc biệt tàn phá hoạt động kinh doanh của nước này. Có những dấu hiệu xuất khẩu được cải thiện là nhờ mức tăng về thương mại bên trong khu vực châu Á. Giống như Hàn Quốc và các nền kinh tế châu á khác, Nhật Bản được lợi từ nhu cầu tăng mạnh ở Trung Quốc. Tuy nhiên, nhu cầu trong nước vẫn phải vật lộn để cải thiện do tác động của việc giảm giờ làm, tình trạng thất nghiệp và thu nhập thấp ở những công ty nhỏ. Các chính sách tài chính và tiền tệ ít được phát huy. Vì vậy, kinh tế Nhật Bản có khả năng sẽ chỉ phục hồi từ từ và yếu. Tăng trưởng GDP ước đạt 1,7% năm 2010.

Hai là, sự bất ổn của thị trường tài chính toàn cầu.

Tuy cuộc khủng hoảng đã qua, nhưng thế giới hiện đang phải đối mặt với 3 nguy cơ tài chính tiềm ẩn, đó là: hình thành những loại bong bóng mới, thiếu khả năng thanh toán nợ đúng hạn và nợ ngân sách tăng quá cao. Nguy cơ lớn nhất vẫn là những bong bóng cổ phiếu, nhà ở và các bất động sản khác có thể xuất hiện và nổ tung không thể kiểm soát tại bất cứ thời điểm nào trong quá trình phục hồi kinh tế nếu không có biện pháp ngăn chặn sớm. Nguyên nhân dẫn đến xu thế này là do tình trạng bơm tiền mặt vào thị trường nhằm tránh khủng hoảng. Tuy nhiên, lượng tiền mặt này chỉ hỗ trợ phần nào cho các hoạt động vay tín dụng, phần dư thừa còn lại đã được đầu tư vào các thị trường tài sản khiến giá cổ phiếu tăng.

Với đồng USD, người ta nhận thấy xu hướng quay trở lại của việc ứng dụng mô hình các nhà đầu tư vay vốn bằng USD với một tỷ lệ lãi suất gần bằng 0% và mang đi cho vay ở một số thị trường lớn khác, nơi tiền được vay với tỷ lệ cao hơn, để hưởng chênh lệch lãi suất. Xu hướng này nếu tiếp tục duy trì sẽ khiến cho đồng USD ngày càng bị mất giá, còn giá trị các loại tiền địa phương lại tăng, gây nguy hiểm cho khả năng phục hồi kinh tế thế giới. Năm 2009, đồng USD mất giá khoảng 15% so với đồng ơ-rô. Các chuyên gia kinh tế của Gôn-men Xát (Goldman Sachs) dự báo, đồng USD sẽ còn tiếp tục mở rộng biên độ giảm so với đồng ơ-rô và hầu hết các đồng tiền chủ chốt trong năm 2010.

Ngoài ra, đồng USD mất giá là một trong những yếu tố khiến giá vàng thế giới tăng cao kỷ lục, khoảng 1.200 USD/ounce. Trước khi cuộc khủng hoảng xảy ra, đồng USD vốn được coi là nơi bảo toàn vốn tốt nhất. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, các nhà đầu tư nhận thấy không còn sự lựa chọn nào tốt hơn ngoài vàng và sau đó là các loại tài sản, đặc biệt là nguyên liệu. Nguy cơ mất lòng tin vào giá trị tiền mặt sẽ khiến giới đầu tư nghĩ đến việc đầu cơ vào các tài sản thực để bảo toàn vốn. Ngay từ bây giờ, nhiều doanh nghiệp tư nhân và cả ngân hàng trung ương ở một vài nền kinh tế lớn đã thực hiện biện pháp này.

Liên quan đến nguy cơ không thể thanh toán nợ đúng hạn, các ngân hàng có thể sẽ phải chịu những thiệt hại trong kinh doanh do sự "thất hẹn" này của khách hàng chuyên nghiệp hay cá nhân. Việc đồng USD mất giá, tín dụng bị xiết lại cùng với xu hướng giảm sút các đơn đặt hàng sẽ có thể dẫn các doanh nghiệp đến nguy cơ phá sản.

Về nợ ngân sách, những kế hoạch phục hồi kinh tế của các chính phủ khiến cho khoản nợ này ngày càng lớn, đẩy thâm hụt ngân sách tăng thêm vài phần trăm GDP trong vòng một năm. Tại Mỹ, thâm hụt ngân sách sẽ lên tới hơn 11% năm 2010. Nhiều nước trong EU vi phạm Hiệp ước về tăng trưởng và ổn định của EU về giới hạn thâm hụt ngân sách ở mức 3% GDP, trong đó, Tây Ban Nha sẽ là 10% GDP, Anh hơn 15% GDP. Để trả nợ, các ngân hàng trung ương phải "sản xuất" tiền dẫn đến tính thanh khoản tăng.

Tình trạng nợ công cũng tăng mạnh. IMF cảnh báo, nợ công của 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể tăng từ 78% GDP hiện nay lên 114% GDP vào năm 2014. Khi đó, chính phủ các nước này sẽ nợ mỗi người dân của mình trung bình 50.000 USD. Nợ công của Nhật Bản trong năm tài khóa 2009 đã lên tới 53,5 nghìn tỉ yên, mức cao kỷ lục kể từ năm 1946. Nợ của

Hy Lạp đang ngày càng gia tăng và theo dự báo của các chuyên gia kinh tế EU, sẽ lên tới 150% GDP vào năm 2010, đưa quốc gia này thành nước có tỷ lệ nợ công cao nhất trong 16 nước khu vực đồng ơ-rô. Nợ của các nước đang phát triển cũng tăng mạnh lên 35.000 tỉ USD, làm xói mòn niềm tin của các nhà đầu tư và thậm chí có thể làm đảo ngược những thành quả kinh tế đã đạt được, cản trở những nỗ lực nhằm thúc đẩy sự phục hồi kinh tế tại đây.

Ba là, thất nghiệp trên thế giới tiếp tục tăng cao lên mức kỷ lục

IMF cho rằng, thách thức lớn nhất đối với tăng trưởng kinh tế thế giới hiện nay là tỷ lệ thất nghiệp vẫn tiếp tục tăng. Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), năm 2009, số người thất nghiệp trên thế giới đạt mức kỷ lục, khoảng 240 triệu người, tăng khoảng 50 triệu người so với năm 2007. Trong đó, nạn nhân chính là tầng lớp người nghèo. Tình trạng thất nghiệp trên thế giới thậm chí có thể còn tăng hơn nữa nếu các hậu quả của suy giảm kinh tế không được khắc phục nhanh chóng. Tại Mỹ và châu Âu, hàng ngàn người đã bị sa thải sau khi nhiều ngân hàng, công ty bảo hiểm bị phá sản. ở Mỹ, lần đầu tiên sau 26 năm, con số này lên tới 10,2% (tháng 10-2009). Các chuyên gia kinh tế Mỹ nhận định, tăng trưởng kinh tế Mỹ năm 2010 là tăng trưởng với sự “phục hồi không có việc làm”. Thị trường lao động Mỹ sẽ tiếp tục tồi tệ hơn với tỷ lệ thất nghiệp lên tới hơn 10,8% năm 2010, mức chưa từng có kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai đến nay. Đáng lo ngại nhất là tỷ lệ thất nghiệp tăng có thể kìm hãm tiêu dùng, lĩnh vực chiếm 70% GDP của Mỹ, theo đó cản trở sự phục hồi kinh tế còn non yếu.

Thất nghiệp tại 27 nước EU tăng từ 7,6% năm 2008 lên 8,8% năm 2009 và hơn 9% năm 2010. Trong đó, số người thất nghiệp tại Anh tăng kỷ lục trong 14 năm qua, với 2,38 triệu người, chiếm 7,6% lực lượng lao động. Con số thất nghiệp tại khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu cũng tăng lên mức kỷ lục trong vòng 10 năm qua, lên tới 16 triệu người (hơn 9,7% lực lượng lao động). Riêng Tây Ban Nha, tỷ lệ thất nghiệp ở mức cao nhất 18,5%.

Mặc dù, nhiều nền kinh tế đã có sự chuyển biến tích cực, song các hoạt động kinh tế vẫn còn quá yếu để có thể tác động tới thị trường lao động. OECD cảnh báo tình trạng thất nghiệp sẽ còn kéo dài ở nhiều nền kinh tế, cả sau khi các nước này đã thoát khỏi suy thoái toàn cầu hiện nay.

Tỷ lệ thất nghiệp cao ở các nước giàu có thể gây ra những chấn động ngầm đến các thể chế tài chính quốc gia và quốc tế trong khi các thể chế này vẫn còn phải chật vật giải quyết những khó khăn về tài chính như nợ tiêu dùng cao, nợ thẻ tín dụng, nợ xấu và nhiều vấn đề tài sản thương mại khác. Tỷ lệ thất nghiệp cao buộc lãnh đạo các nước phải tăng rào cản buôn bán, theo đuổi đường lối bảo hộ mậu dịch để tháo “ngòi nổ” kinh tế - xã hội trong nước.

Tại các nước đang phát triển, tình trạng thất nghiệp gia tăng vẫn chưa có dấu hiệu chững lại. Mê-hi-cô có tỷ lệ thất nghiệp lên mức cao nhất trong 13 năm qua, hơn 7%; Bra-xin là 8,1%.

Bốn là, nguy cơ lạm phát

Ông R.Giô-e-líc, Chủ tịch WB đã đưa ra cảnh báo về nguy cơ ít được chú ý đến, đó là “bóng ma” lạm phát khi các ngân hàng trung ương ở các nước tiếp tục bơm nguồn tài chính khổng lồ để kích thích nền kinh tế trong nước. Ông nhấn mạnh, nếu các ngân hàng trung ương duy trì mức lãi suất thấp như FED đã từng thực hiện, điều này sẽ thúc đẩy lạm phát. Tuy nhiên, nếu các ngân hàng này lựa chọn nâng lãi suất, đồng tiền nội tệ của họ sẽ tăng giá, khiến hàng xuất khẩu của họ mất sức cạnh tranh trên thị trường thế giới và ngay cả thị trường trong nước do phải mở cửa thị trường cho tự do thương mại.

Ngoài ra, việc tung ra lượng tiền mặt lớn cũng có thể khiến cho lạm phát có nguy cơ quay trở lại, giống như các trường hợp đã xảy ra giữa hai cuộc đại chiến ở Đức, hay trong những năm 80 của thế kỷ trước ở Ác-hen-ti-na./.