TCCSĐT - Sáng 25-2, Tổng thống đắc cử Vich-to Y-a-nu-cô-vich chính thức tuyên thệ nhậm chức, trở thành Tổng thống thứ 4 của U-crai-na, kể từ khi nước này tách khỏi Liên xô (trước đây) năm 1991. Ông Y-a-nu-cô-vich cam kết bảo vệ chủ quyền và độc lập của U-crai-na, cũng như các quyền công dân và quyền tự do của người dân U-crai-na.

Phát biểu tại lễ nhậm chức, ông Vich-to Y-a-nu-cô-vich cam kết bảo vệ chủ quyền và độc lập của U-crai-na, cũng như các quyền công dân và quyền tự do của người dân U-crai-na, đồng thời cam kết thúc đẩy mối quan hệ bình đẳng và đôi bên cùng có lợi với Nga, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và các nước khác.

Cựu Tổng thống I-u-sen-cô, Thủ tướng đương nhiệm U-crai-na I-u-lia Ty-mô-sen-cô, đối thủ của ông Y-a-nu-cô-vich trong cuộc bầu cử Tổng thống vòng 2 ngày 7-2 vừa qua, không tham dự lễ nhậm chức của tân Tổng thống. Bà I.Ty-mô-sen-cô đến nay vẫn từ chối công nhận ông V.Y-a-nu-cô-vich là Tổng thống mới và tuyên bố không từ chức Thủ tướng.

Thành lập một nội các mới để giải quyết những vấn đề kinh tế, lập lại trật tự trong nước, và bắt đầu các cải cách...; cải thiện và mang lại cho người dân một cuộc sống tốt đẹp hơn... là trách nhiệm lớn lao và nặng nề đang đặt lên vai tân Tổng thống V.Y-a-nu-cô-vich.

Trong một bài viết đăng trên "The Wall Street Journal", ngày 16-2-2010, sau khi công bố kết quả bầu cử vòng hai, ông V.Y-a-nu-cô-vich đã thể hiện phần nào quan điểm xây dựng một đất nước Ucraina mới. Đó là kiên định mục tiêu áp dụng các giá trị dân chủ của châu Âu vào điều kiện U-crai-na. U-crai-na cần tận dụng các lợi thế về địa - chính trị của mình và trở thành cầu nối giữa phương Đông và phương Tây, thiết lập quan hệ gắn bó với các nước phương Tây, đồng thời phá bỏ hàng rào ngăn cách với nước Nga láng giềng.

Trong bài viết trên, ông Y-a-nu-cô-vich khẳng định sẽ nỗ lực xây dựng những chiếc cầu nối liền Đông - Tây, chứ không xây dựng những đường phố trên đó chỉ được phép đi theo một chiều, bởi đất nước U-crai-na thuộc cộng đồng châu Âu nhưng lại có các quan hệ lịch sử truyền thống, văn hoá và kinh tế gắn bó với nước Nga. Do đó, việc thiết lập quan hệ với Nga sẽ không ảnh hưởng tới các nỗ lực gắn bó với các nước châu Âu khác. U-crai-na sẽ thắt chặt quan hệ với Nga như là một đối tác chiến lược về kinh tế, đồng thời, U-crai-na cũng sẽ phục hồi quan hệ với tất cả các nước láng giềng khác.

Để trở thành cầu nối giữa phương Đông và phương Tây, về đối ngoại, ông V.Y-a-nu-cô-vich nói, U-crai-na sẽ thực hiện nhiều chính sách, trong đó có việc xây dựng cơ sở kinh tế và chính trị để gia nhập EU trên nguyên tắc tự do và công bằng; thiết lập quan hệ gắn bó với các thể chế tài chính quốc tế nhằm thể hiện và nâng cao uy tín của U-crai-na trong cộng đồng kinh tế thế giới.

Về đối nội, ông V.Y-a-nu-cô-vich khẳng định, để phục hồi sức sống của nền kinh tế; ổn định tình hình chính trị; tạo khả năng cho U-crai-na tận dụng và khai thác các ưu thế địa - chính trị vốn có, U-crai-na cần đạt được ba mục tiêu cơ bản. Một là, tạo thêm nhiều việc làm. Hai là, ổn định giá cả thị trường để người dân có khả năng mua sắm những mặt hàng thiết yếu cho đời sống. Ba là, người lao động được trả lương và phụ cấp hưu trí.
 
Tạo ra nền tảng kinh tế cho đời sống của người dân là bước đi đầu tiên có tầm quan trọng sống còn đề thiết lập lại mối quan hệ giữa nhân dân và chính phủ U-crai-na. Trong số các nước lớn ở châu Âu, U-crai-na là quốc gia bị cuộc khủng hoảng tài chính kinh tế - toàn cầu tác động nặng nề nhất với tổng thu nhập nội địa (GDP) giảm tới 15%. Chương trình cứu trợ trị giá 16,4 tỉ USD của IMF cho nước này cũng đang bị trì hoãn, và theo IMF, nó sẽ được nối lại khi chính phủ nước này trở lại ổn định.

Xây dựng một “Đất nước U-crai-na của người U-crai-na” - như Chương trình tranh cử Tổng thống của ông V.Y-a-nu-cô-vich; trở thành cầu nối thật sự giữa Nga và phương Tây được cho là sẽ mang lại những lợi ích thiết thực, quan trọng, trước hết, đối với U-crai-na, sau đó là đối với nước Nga và toàn bộ châu Âu nói chung trong một thế giới đang toàn cầu hoá./.