Trong thế kỷ XXI, liệu thế giới có phải đối mặt với cuộc "chiến tranh tài nguyên" có quy mô toàn cầu, diễn biến phức tạp và quyết liệt ? Nếu toàn cầu hóa kinh tế là một bước đi tất yếu trong lịch sử của xã hội loài người, thì “chiến tranh tài nguyên” phải chăng là một trong những đặc trưng cơ bản nổi bật của quá trình toàn cầu hóa với nhiều biểu hiện "gai góc" đúng vào giai đoạn mà chúng ta đang sống. Nguy cơ "chiến tranh tài nguyên" toàn cầu phản ánh một cách bao quát nhất hình thái vận động của kinh tế toàn cầu hóa; vừa mang tính thời sự nóng hổi để nhận thức và lý giải những diễn biến của thời cuộc, vừa có tính thực tiễn to lớn và sâu sắc trực tiếp liên quan đến việc hoạch định và điều hành chiến lược và chính sách của các quốc gia lớn, nhỏ hiện nay cũng như trong nhiều năm tới.

Vài nét về tài nguyên trên thế giới

Bất cứ loại tài nguyên nào, nếu cứ khai thác mãi, nhất định sẽ có ngày cạn kiệt. Đó là một thực tế rõ ràng. Các nhà nghiên cứu của OPEC dự đoán: điều này sẽ xảy ra vào khoảng những năm 2080. Còn một số chuyên gia của IEA cho rằng: có thể sớm hơn, vào khoảng những năm 50 - 60 của thế kỷ XXI.

Hành tinh chúng ta là một kho tài nguyên vô giá với rất nhiều chủng loại. Trong thời điểm hiện nay, có thể nói thứ tài nguyên quan trọng hàng đầu đang làm xáo động cả thế giới là dầu mỏ. Ngày nay, đối với bất cứ nền kinh tế của nước nào cũng đều rất cần đến dầu mỏ. Nhưng dầu mỏ qua sự phân bố tự nhiên lại không đều. Trên bản đồ tài nguyên thế giới, rõ ràng Trung Đông là kho dầu mỏ lớn nhất. Theo tính toán của Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA), các nước ở vùng này thường xuyên cung cấp 43% tổng lượng dầu mỏ chung cho toàn thế giới. Xếp thứ 2 sau Trung Đông là khu vực Trung á và vùng biển Ca-xpi (chưa thăm dò hết). Theo các cơ quan chuyên ngành, người ta xếp Ả-rập Xê-út là quốc gia dầu mỏ đứng đầu thế giới. Phần lớn các nước là thành viên của Tổ chức xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) nằm ở Trung Đông. Nga là quốc gia thứ 2 về xuất khẩu dầu mỏ nhưng lại xếp số 1 thế giới về khai thác khí đốt (báo chí Nga cho biết, năm 2007 Nga khai thác được 492 triệu tấn dầu và 650,76 tỉ mét khối khí). Giới chuyên môn dự đoán trong một tương lai không xa, khoảng năm 2015 đến 2020, Nga sẽ chiếm vị trí số 1 về dầu mỏ với sản lượng khai thác mỗi năm từ 550 triệu tấn đến 600 triệu tấn. Ngoài ra, ở các khu vực khác cũng có những nước có tiềm năng lớn về khai thác dầu mỏ như Ni-giê-ri-a, An-giê-ri (châu Phi), Bra-xin, Vê-nê-xu-ê-la (Mỹ La-tinh), v.v.. Tuy nhiên, khi đề cập về sản lượng dầu, báo chí Pháp đã nhắc đến những dữ liệu đáng nghi ngờ như việc 8 tập đoàn quốc gia chính của các nước thành viên OPEC nắm giữ 662 tỉ thùng dầu, vậy thì tại sao trong tay của 8 tập đoàn dầu mỏ quốc tế lớn nhất lại chỉ có 57 tỉ thùng mà không ai kiểm chứng?

Nhu cầu dầu mỏ của thế giới ngày càng tăng, từ mức 80,3 triệu thùng/ngày trong năm 2004 và dự báo đến 2025 sẽ tăng lên gần 120 triệu thùng/ngày, tức là sẽ gấp hơn 2 lần mức nhu cầu của thế giới cách đây 30 năm.

Nhiều năm qua, sản lượng khai thác dầu mỏ ngày càng tăng vì nhu cầu phát triển của những nền kinh tế lớn như Trung Quốc, Ấn Độ và một số nước khác. Nhưng tăng mãi rồi sẽ dẫn đến đâu? Sự sụt giảm liên tục của dầu mỏ ở Biển Bắc (châu Âu) là một minh chứng đáng buồn. Người ta có câu rằng: bất cứ loại tài nguyên nào, nếu cứ khai thác mãi, nhất định sẽ có ngày cạn kiệt. Đó là một thực tế rõ ràng. Các nhà nghiên cứu của OPEC dự đoán: điều này sẽ xảy ra vào khoảng những năm 2080. Còn một số chuyên gia của IEA cho rằng: có thể sớm hơn, vào khoảng những năm 50 - 60 của thế kỷ XXI. Hơn nữa, sau những "cú sốc choáng váng về dầu mỏ" năm 1973 và năm 1980, các nước lớn đều thường xuyên lo dự trữ dầu mỏ chiến lược. Thậm chí, ngay từ những năm 70 thế kỷ trước, dự trữ dầu mỏ của Mỹ đã lên đến 100 triệu tấn cho 90 ngày, của Nhật Bản là 180 triệu tấn. Mấy thập kỷ gần đây, mức dự trữ tăng mạnh gấp nhiều lần. Nhiều nước lớn khác trước đây không cần dầu mỏ cũng đã tăng dự trữ. Báo chí Pháp cho rằng, tăng dự trữ chiến lược là lo "kỷ nguyên hậu dầu mỏ". Nhưng việc giá dầu mỏ tăng vùn vụt hằng ngày là vì sao? Theo một số phương tiện thông tin đại chúng phương Tây, giá dầu trung bình là 24,30 USD/thùng (tháng 4-2002), đến nay (tháng 6-2008) đã tăng vọt lên gần 140 USD/thùng. Điều khó hiểu là mỗi lần Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ra nghị quyết trừng phạt kinh tế I-ran thì giá dầu tăng, hay vụ công nhân dầu mỏ Ni-giê-ri-a đình công buổi sáng thì buổi chiều giá dầu mỏ tăng...

Đó là mới nói riêng về dầu mỏ. Nhiều loại tài nguyên khác đang có biểu hiện cạn kiệt hoặc gặp nhiều rắc rối, khó xử. Ví dụ, u-ra-ni là loại nguyên liệu hạt nhân rất cần cho sản xuất điện sau dầu mỏ. Nga là một trong mười quốc gia có nhiều trữ lượng u-ra-ni. Tuy nhiên, tháng 12-2006, Giám đốc Rosatom (Tập đoàn năng lượng nguyên tử Nga) tuyên bố: "Nga chỉ đủ bảo đảm nhiên liệu hạt nhân trong 60 năm nữa cho tất cả các nhà máy điện nguyên tử ở Nga và các nhà máy điện nguyên tử do Nga xây dựng ở nước ngoài mà thôi". Gần đây nhất, tạp chí Tổng kết (Nga) đưa tin: Các mỏ thiếc và u-ra-ni đang khai thác có thể tới năm 2017 sẽ cạn, còn chì thì đến năm 2013 và các mỏ vàng cám đang cạn kiệt. Ni-ken thì chỉ có thể còn khai thác thêm 25 năm nữa. ở một số quốc gia khác, nhiều loại tài nguyên cũng đang trong chiều cạn kiệt, sụt giảm. Báo Kỷ nguyên châu Á (Ấn Độ) cho rằng: "châu Á đang là lục địa thiếu nước, mặc dù đây là nơi sinh sống của hơn 1/2 dân số thế giới và nguy cơ đối đầu với cuộc chiến tranh giành nguồn nước ở đây đã rõ ràng". Theo một số nhà phân tích, hiện đã có tới 32 quốc gia đang gặp phải những xung đột đổ máu về nguồn nước.

Nhìn tổng thể, trên bản đồ tài nguyên thế giới, có lẽ chỉ một nơi nhiều tài nguyên còn nguyên vẹn mà chưa ai đụng đến, với lượng dầu khí ước tính chiếm 25% tổng trữ lượng của thế giới. Đấy cũng là một kho lớn có nhiều tài nguyên quý như vàng, măng-gan, ni-ken, thiếc, chì, pla-tin... Đó là vùng lãnh thổ Bắc cực vừa tan băng, lại đang có tranh chấp chủ quyền lãnh thổ giữa 5 nước.

Tóm lại, tài nguyên là vấn đề toàn cầu. Việc phí phạm tài nguyên, cạn kiệt tài nguyên, việc giành giật và chiếm đoạt tài nguyên bằng mọi giá, kể cả bằng chiến tranh lớn, bằng sinh mạng hàng triệu người đang dẫn đến nguy cơ một cuộc chiến tranh mới - chiến tranh tài nguyên trong thế kỷ XXI.

Chiến lược dầu mỏ trong chiến lược toàn cầu của Mỹ

Ngày nay, đặc biệt là từ sau "chiến tranh lạnh" và trong quá trình toàn cầu hóa, các cường quốc và các nước lớn trên thế giới đều có chiến lược tài nguyên quốc gia (hoặc chiến lược dầu mỏ) riêng của mình. Mỹ cũng không là ngoại lệ.

Cuộc chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất mở ra và để lại nhiều bài học đắt giá về "chiến tranh tài nguyên dầu mỏ" đến nỗi phải sau 12 năm chuẩn bị, Tổng thống G.W. Bu-sơ mới bắt đầu phát động lại cuộc chiến xâm lược I-rắc từ tháng 3-2003 và kéo dài đến tận ngày nay.

Ngay sau chiến tranh thế giới thứ hai, Mỹ công khai tuyên bố ý đồ làm bá chủ thống trị thế giới và cũng từ đó Mỹ đề ra chiến lược toàn cầu nhằm thực hiện mục đích này. Bởi từ lâu giới cầm quyền Mỹ đã rất quan tâm đến dầu mỏ. Nhưng phải qua 2 cuộc khủng hoảng dầu mỏ thế giới năm 1973 và năm 1980, vấn đề dầu mỏ mới được đặt ra thành chiến lược. Tuy vậy, khi Liên Xô sắp sụp đổ và khối quân sự Vác-sa-va tan rã mới là "thời cơ" để Mỹ ráo riết thực hiện ý đồ này. Nhân cơ hội chính quyền Xa-đam Hu-xê-in của I-rắc đưa quân chiếm đóng Cô-oét (năm 1990) - một quốc gia nhiều dầu lửa ở vùng Vịnh, Mỹ lập tức vận động Liên hợp quốc ra ngay một Nghị quyết lên án I-rắc xâm lược. Đồng thời, Lầu Năm góc huy động hơn 30 vạn quân tiến công I-rắc. Chỉ 3 ngày sau khi chiến tranh bùng nổ, I-rắc tuyên bố rút hết quân khỏi Cô-oét. Mấy ngày sau, Mỹ cũng buộc phải rút quân, không dám tiến vào Bát-đa. Cuộc chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất mở ra và để lại nhiều bài học đắt giá về "chiến tranh tài nguyên dầu mỏ" đến nỗi phải sau 12 năm chuẩn bị, Tổng thống G.W. Bu-sơ mới bắt đầu phát động lại cuộc chiến xâm lược I-rắc từ tháng 3-2003 và kéo dài đến tận ngày nay.

Chính vì vậy, cuộc chiến tranh I-rắc lần thứ 2 này có nhiều đặc điểm và nội dung rất mới của một loại chiến tranh lớn, rất hiện đại để thực hiện "chiến tranh tài nguyên".

Chẳng hạn, cùng tiến vào lãnh hải và bờ biển I-rắc, sau 3 ngày cuộc chiến bắt đầu, còn có tàu bè và chuyên gia, thợ kỹ thuật của các tập đoàn lớn chuyên khai thác dầu mỏ, chiếm lĩnh các giếng dầu và tiến hành ngay việc khai thác hút dầu (trong chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất, quân Mỹ chỉ nổ súng bắn cháy hơn 500 giếng dầu ở bờ biển). Việc tác chiến của quân Mỹ trên chiến trường dầu mỏ ngày nay còn có nhiệm vụ hàng đầu là nhằm bảo vệ chắc chắn cho các lực lượng đi theo khai thác và vận chuyển dầu. Và để làm tròn nhiệm vụ đó, còn phải điều động thêm nhiều tàu chiến và các loại máy bay ngày đêm tuần tra vòng ngoài trên biển, trên không cho lực lượng khai thác dầu. Tất nhiên, Lầu Năm góc phải thu về một món lời khổng lồ bởi số dầu hàng triệu tấn hút lên suốt ngày đêm là do các tập đoàn dầu mỏ "tham chiến" này đã "ăn không", không phải mua, không phải đóng thuế cho ai cả.

Nhiều nhà nghiên cứu khoa học nhất trí nhận định rằng, trong chiến tranh dầu mỏ, chiến tranh xâm lược không phải là biện pháp có thể giành thắng lợi. Nhiều quân sự gia có tiếng tăm, nhiều tướng lĩnh từng dày dạn trận mạc rất tâm đắc về điểm này. Xin nói thêm rằng, ngay cả những người giỏi, có tri thức, là giáo sư ở Đại học Ha-vớt từng được giải Nô-ben kinh tế, đã viết tác phẩm làm xôn xao dư luận quốc tế, coi cuộc chiến tranh I-rắc là "Cuộc chiến 3.000 tỉ đô-la". Vậy, phải chăng qua cuộc chiến tranh này, đằng sau Nhà Trắng và Lầu Năm góc còn có bóng dáng đồ sộ của một bộ máy siêu quyền lực là sự liên minh "máu thịt" mới của Tổ hợp công nghiệp - quân sự với Tổ hợp Thượng đỉnh của dầu khí và năng lượng Mỹ ?

Phải chăng trong chiến lược toàn cầu của Mỹ, người ta không mấy khó khăn để nhận thấy rõ ý đồ của Mỹ muốn chiếm và kiểm soát bằng được khu vực dầu mỏ Trung Đông (gồm 15 nước Ả-rập và Hồi giáo) chứ không phải chỉ có I-rắc. Khu vực thứ 2 là các nước ở Nam Á, Trung Á và vùng biển Ca-xpi. Chính vì vậy, Mỹ đang tìm cách bao vây chống phá I-ran; phát động chiến tranh xâm lược Áp-ga-ni-xtan từ tháng 11-2001 đến nay, đưa quân của 15 nước NATO vào chiếm đóng Áp-ga-ni-xtan; tung đô-la và vũ khí vào một loạt nước thuộc Liên Xô trước đây, tiến hành cái gọi là các cuộc "cách mạng màu sắc", dựng lên các chính quyền thân Mỹ và phương Tây, thúc ép các nước đó gia nhập EU và khối NATO. Nga là một cường quốc dầu mỏ và khí đốt ở khu vực này. Vì thế, Mỹ đang tìm mọi cách để cô lập và gây sức ép chống lại Nga. Việc Mỹ gần đây xoay sở để bố trí kế hoạch đặt hệ thống tên lửa và ra-đa cảnh giới tại Ba Lan và Séc, thực chất là như vậy.

Như trên đã nói, tài nguyên của thế giới gồm rất nhiều chủng loại, và tuy không tuyên truyền về ý đồ chiến lược đối với các tài nguyên khác nhưng Mỹ đang ráo riết tìm cách khống chế các nước, các khu vực có nhiều loại tài nguyên khác. Bằng chứng là trong cuốn "Toàn cầu hóa và những mặt trái" của giáo sư J.E. Xti-glit, người từng được giải Nô-ben kinh tế, đã vạch ra vụ chính quyền Mỹ đã giúp tổ chức một "các-ten nhôm toàn cầu". Ông kết luận rằng "việc lập ra các-ten nhôm toàn cầu là bất hợp pháp" và là "sự vi phạm mọi nguyên tắc". Chính các-ten này cũng như nhiều loại các-ten hoặc công ty đa quốc gia khác đang tung tiền để vơ vét tài nguyên được lặng lẽ khai thác lậu ở nhiều nước.

Một điều mới nữa đang làm xôn xao dư luận về chiến lược tài nguyên của Mỹ là Mỹ đang đến cả châu Âu và châu Phi vận động thành lập Bộ Chỉ huy quân sự châu Phi (Africom) để chuẩn bị ra mắt và cho những hoạt động sắp tới.

Tóm lại, chiến lược toàn cầu của Mỹ trong thế kỷ XXI là nhằm giành giật, kiểm soát và khống chế các nguồn tài nguyên ở các khu vực bằng mọi cách. Vậy nên, người ta đã đặt câu hỏi rằng liệu đấy có phải là một "cuộc chiến tranh tài nguyên" toàn cầu trong thế kỷ XXI?