Từ ngày 22-6 đến ngày 25-6-2008, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị đất ngập nước Châu Á 2008. Tham gia Hội nghị, về phía Việt Nam có đại diện các bộ, ban, ngành, các cơ quan hữu quan ở trung ương và địa phương; khách quốc tế, có đại diện Bộ Môi trường Nhật Bản, Quỹ bảo tồn thiên nhiên Keidanren,GTZ, Dự án biển Nam Trung Hoa UNEP/GEP, SIDA, Tổ chức đất ngập nước quốc tế, JICA, Trung tâm nghiên cứu phòng chống thiên tai sông Hokkaido... Hơn 200 đại biểu từ khắp các nước Châu Á đã đến Hà Nội tham dự Hội nghị.

Hội nghị nhấn mạnh, nhiều cộng đồng ở Châu Á, đất ngập nước là một phần thống nhất trong sự sinh tồn của họ. Các hệ sinh thái này là nơi sản xuất lúa gạo, lương thực, thực phẩm. Đất ngập nước cũng là nơi trú ngụ của nhiều số lượng lớn các loài động thực vật, tạo nên nguồn đóng góp quan trọng cho đa dạng sinh học toàn cầu. Tuy nhiên, tài nguyên đất ngập nước Châu Á đang ngày càng bị đe dọa do quá trình công nghiệp hóa, phát triển nông nghiệp đa dạng và tốc độ đô thị hóa cao. Đặc biệt rừng ngập mặn Châu Á đã và đang gánh chịu những tổn thất lớn nhất, kể từ năm 1980 với hơn 1,9 triệu ha đã bị phá hủy chủ yếu do những thay đổi trong sử dụng đất. Tại Hội nghị, các đại biểu dành nhiều thời gian chia sẽ kinh nghiệm, đề xuất nhiều giải pháp khả thi cho các chính phủ, các tổ chức tư nhân và tổ chức xã hội trong việc khắc phục những thử thách to lớn và phức tạp trong quản lý bền vững đất ngập nước. Nhiều đại biểu nêu những thành công của Việt Nam trong việc bảo tồn vườn quốc gia Tràm Chim ở đồng bằng sông Cửu Long và vườn quốc gia Xuân Thủy ở đồng bằng sông Hồng.

Hội nghị đã ra Lời kêu gọi Hà Nội về hành động vì đất ngập nước 2008, trong đó nêu rõ:

1. Khôi phục môi trường suy thoái vùng đất ngập nước ven biển, đô thị và vùng nước ngọt nhằm chống lại sự đe dọa của các loại bệnh tật truyền nhiễm như cúm gia cầm và bệnh sốt rét; quy hoạch vùng đất ngập nước có sự tham gia của cộng đồng không chỉ trong công tác quản lý đất ngập nước mà còn trong quản lý sức khỏe môi trường.

2. Chuyển sự chú ý ở cấp quốc gia, cấp vùng và quốc tế sang việc xây dựng các thỏa thuận xuyên biên giới về đất ngập nước, hoặc các thảo luận trao đổi nhằm thúc đẩy hòa bình và bảo tồn tài nguyên đất ngập nước.

3. Kết hợp và tổng hợp kiến thức khoa học - kỹ thuật về sinh thái nhằm xây dựng và triển khai tốt các công cụ và phương pháp luận hiệu quả như các báo cáo đánh giá tác động môi trường, các bản đồ vùng đất ngập nước đang bị đe dọa, đánh giá tài nguyên thiên nhiên và khoanh vùng sử dụng đất, thiết kế kết cấu hạ tầng thân thiện với hệ sinh thái và các hệ thống theo dõi hệ sinh thái.

4. Phục hồi canh tác sinh thái trong các vùng đất ngập nước để thúc đẩy sức sản xuất lương thực của tự nhiên nhằm tìm ra một phương thức sản xuất nông nghiệp lành mạnh hơn, bảo vệ và nuôi dưỡng môi trường.

5. Liên kết các sáng kiến phát triển với các mục tiêu bảo tồn đa dạng sinh học nhằm cùng lúc nâng cao chất lượng cuộc sống và chất lượng môi trường đất ngập nước; chú trọng đến các mục tiêu cải thiện sinh kế nông thôn song song với việc bảo tồn đa dạng sinh học có quy hoạch. Xây dựng một cơ cấu chuyển giao kiến thức và chia sẽ kinh nghiệm trong việc liên lạc, giáo dục và nhận thức cộng đồng về các dự án đất ngập nước giữa các nước châu Á...

Hội nghị đề xuất các nhà tổ chức tìm kiếm sự hỗ trợ và ủng hộ từ phía Chính phủ Việt Nam trong việc chuyển Lời kêu gọi Hà Nội về hành động vì đất ngập nước 2008 tới Hội nghị lần thứ X sắp tới của các bên tham gia vào Công ước đất ngập nước sẽ được tổ chức tại Gyeognam, Hàn Quốc vào tháng 11 năm 2008.