Trong 15 năm cải tổ (1991 – 2006), 10 năm đầu nước Nga khủng hoảng nghiêm trọng do áp dụng “liệu pháp sốc”. Từ năm 2000 đến nay, với sự điều chỉnh căn bản và thận trọng hơn hệ thống chính sách vĩ mô, GDP của Nga liên tục tăng trưởng cao, đạt 9% vào năm 2000 và 6,9% vào năm 2006; từ chỗ phải nhập khẩu lương thực, Nga trở lại xuất khẩu mặt hàng này; ngân sách cân bằng, lạm phát giảm dần (ở mức 6,6% năm 2006).

Mấy năm gần đây, Nga tích cực đẩy mạnh chuyển đổi mô hình phát triển, tạo ra hệ thống kinh tế thị trường rộng khắp lãnh thổ, môi trường đầu tư được cải thiện rõ rệt và có sức hấp dẫn ngày càng mạnh đầu tư trong nước và nước ngoài. Năm 2005, lượng vốn FDI vào Nga đã tăng gấp đôi so với năm 2004, đạt hơn 26 tỉ USD; và trong cả năm 2006, lượng vốn này đạt xấp xỉ 28 tỉ USD. Đến tháng 8/2006, Nga đã thanh toán trước thời hạn 21,3 tỉ USD tiền nợ 18 nước thuộc Câu lạc bộ Paris; và cùng ở thời điểm ấy, dự trữ vàng và ngoại tệ của Nga đã đạt xấp xỉ 266 tỉ USD, đứng thứ ba thế giới (sau Trung Quốc và Nhật Bản). Ngoài ra, Nga đã bắt kịp các nước tiên tiến trong một số lĩnh vực công nghệ mới, đặc biệt là công nghệ phần mềm… Lợi thế nổi bật của Nga là có lãnh thổ rộng nhất thế giới, kết nối với cả châu Âu và châu Á; tài nguyên rất đa dạng và với trữ lượng lớn nhất (chiếm tới 21% của cả thế giới, có tổng giá trị ước đạt 30.000 tỉ USD, gấp 3 lần của Mỹ).

Những thành tựu và ưu thế kinh tế nói trên của Nga là không thể phủ nhận. Song, theo đánh giá của nhiều chuyên gia trong và ngoài Nga, nước này hiện vẫn đang phải đối mặt với không ít khó khăn và nguy cơ tụt hậu: cơ cấu chung của nền kinh tế còn nhiều mặt bất hợp lý; lệ thuộc quá lớn vào xuất khẩu năng lượng đến mức mắc phải “căn bệnh Hà Lan” (tăng xuất khẩu năng lượng quá ngưỡng, khiến cho tỷ giá bị đẩy lên cao, dẫn đến xuất khẩu trở nên đắt hơn và tác động tiêu cực tới sức cạnh tranh và đầu tư ở các lĩnh vực khác); kết cấu hạ tầng bị xuống cấp khá nghiêm trọng do thiếu đầu tư trong nhiều thập niên qua; chưa trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới; nhiều dự án trong các lĩnh vực nông nghiệp, y tế, nhà ở và giáo dục triển khai chậm; tình trạng tham nhũng và tệ quan liêu còn khá phổ biến; chảy máu chất xám khá trầm trọng và vẫn đang tiếp diễn, trong khi Nga chưa giành được lợi thế về công nghệ cao so với các nước phương Tây, và kể cả so với các nền kinh tế mới nổi là Trung Quốc và Ấn Độ; nhiều quan chức Nga vẫn còn ỷ lại vào sự giàu có tài nguyên, cường điệu khả năng tự cấp, tự túc nên không thấy hết tầm quan trọng của việc hội nhập kinh tế quốc tế…

Trước tình hình nêu trên, Tổng thống V.Putin cùng các nhà lãnh đạo chủ chốt của Nga đã đưa ra các quyết sách mới, nhằm tăng gấp đôi GDP trong vòng 10 năm tới và nâng hẳn vị thế quốc tế của Nga.