Sáng ngời phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” trong cuộc chiến với đại dịch COVID-19
TCCS - Trải qua gần 78 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành dưới sự lãnh đạo, giáo dục, rèn luyện của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam đã giữ vững và phát huy những phẩm chất, truyền thống vô cùng quý báu của “Bộ đội Cụ Hồ”. Trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, một lần nữa, những phẩm chất, truyền thống đó lại được tỏa sáng, tô thắm thêm, xứng đáng với niềm tin mà nhân dân trao gửi.
“Bộ đội Cụ Hồ” - Bộ đội của nhân dân, vì nhân dân
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”(1). Đây là luận điểm không chỉ khái quát sâu sắc, cô đọng về phẩm chất, truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam, mà còn chỉ rõ bản chất, mục tiêu, lý tưởng, phương hướng chính trị, chức năng, nhiệm vụ của quân đội ta trong mọi điều kiện, hoàn cảnh. Từ khi được thành lập đến nay, trải qua các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, với những chiến công và thành tích vẻ vang, quân đội ta đã giữ vững và phát huy những phẩm chất và truyền thống tốt đẹp của mình. Sự trưởng thành, lớn mạnh của quân đội là thành quả được xây đắp bởi sự hy sinh, chiến đấu, lao động và cống hiến của bao thế hệ cán bộ, chiến sĩ, mà yếu tố cốt lõi, xuyên suốt bảo đảm cho sự trưởng thành, lớn mạnh đó là sự giáo dục, rèn luyện của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, với mục tiêu, lý tưởng cao đẹp là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân. Đây chính là sự khác biệt về bản chất giữa quân đội nhân dân Việt Nam với quân đội nhiều quốc gia trên thế giới.
Trong quá trình chuẩn bị lực lượng để tiến hành đấu tranh cách mạng, trên cơ sở vận dụng và phát triển lý luận chủ nghĩa Mác - Lê-nin về chiến tranh và quân đội, ngay tại Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Chánh cương vắn tắt của Đảng do Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo đã xác định: “Tổ chức ra quân đội công nông”(2) làm nòng cốt cho toàn dân đánh giặc. Quân đội công nông theo quan điểm của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh là đội quân cách mạng mang bản chất của giai cấp công nhân, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, liên hệ và gắn bó mật thiết với nhân dân; có chức năng, nhiệm vụ bảo vệ Đảng, bảo vệ nhân dân, chiến đấu vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Trong Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Tên Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, nghĩa là chính trị trọng hơn quân sự”(3). Chỉ dẫn ấy được hiểu là mọi hoạt động quân sự phải nhằm mục tiêu phục vụ và thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, đó là giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng nhân dân và tiến lên xây dựng đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa. Để thực hiện được mục tiêu đó, quân đội ta trước hết phải là một đội quân tuyên truyền của Đảng, phải lấy tuyên truyền, vận động làm chính để tập hợp, đoàn kết quảng đại quần chúng nhân dân, cảm hóa kẻ thù. Quân đội lấy nhân dân làm chỗ dựa vững chắc, vì nhân dân chiến đấu, vì nhân dân phục vụ là nội dung xuyên suốt, bao trùm trong tư tưởng quân sự của Hồ Chí Minh, kể cả việc xác định mục tiêu chiến đấu, chức năng, nhiệm vụ và phương châm hoạt động của quân đội. Đó không chỉ là sự kế thừa và phát triển đúng đắn quan điểm “cách mạng là sự nghiệp của quần chúng” theo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, mà còn là kết tinh của văn hóa dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam qua hàng nghìn năm lịch sử.
Thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong suốt quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, bất luận trong điều kiện, hoàn cảnh nào, cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam luôn đoàn kết, gắn bó chặt chẽ với nhân dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh để bảo vệ, phục vụ nhân dân, vì mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì ấm no, hạnh phúc của nhân dân. Nhờ có phẩm chất đó mà cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam được nhân dân trao tặng danh hiệu “Bộ đội Cụ Hồ” - một “tài sản văn hóa” chỉ riêng có của quân đội ta. Phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” không chỉ được thể hiện trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm giải phóng dân tộc, bảo vệ biên giới, trong làm nhiệm vụ quốc tế vẻ vang, mà cả trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay. "Bộ đội Cụ Hồ" vừa phản ánh sự hội tụ của truyền thống văn hóa Việt Nam trong bản chất cách mạng của quân đội, vừa thể hiện tình cảm sâu sắc và niềm tin của nhân dân đối với cán bộ, chiến sĩ quân đội.
Sáng ngời phẩm chất “vì dân” trong đại dịch
Ngay từ những ngày đầu đại dịch COVID-19 khởi phát, sớm nhận rõ tác động nghiêm trọng của dịch bệnh, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, trực tiếp là Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, các đơn vị trong toàn quân đã chủ động đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục thông qua nhiều hình thức để nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân về phòng, chống dịch. Xác định “ứng phó kịp thời, hiệu quả với các đe dọa an ninh phi truyền thống, nhất là nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh”(4) là một nội dung quan trọng của nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, quân đội đã tích cực phối hợp, hỗ trợ cấp ủy, chính quyền các địa phương xây dựng các kịch bản ứng phó, triển khai thực hiện toàn diện các biện pháp phòng, chống dịch theo phương châm “4 tại chỗ” để hạn chế đến mức thấp nhất sự lây nhiễm của dịch bệnh, bảo vệ an toàn sức khỏe, tính mạng của người dân. Hàng nghìn lượt cán bộ, học viên, chiến sĩ bộ đội biên phòng, dân quân tự vệ đã được huy động lên các tuyến biên giới, vừa làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát giữ vững an ninh, vừa không để dịch bệnh xâm nhập vào nước ta qua những trường hợp vượt biên trái phép. Bộ đội đã tham gia ứng trực, phân luồng, hướng dẫn tại các tuyến, chốt giao thông; bảo vệ trật tự, an toàn các khu cách ly, phong tỏa; hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ phải cơ động vào đóng quân trong rừng để nhường doanh trại làm khu cách ly tập trung cho kiều bào và công dân về nước tránh dịch… Dù phải đương đầu với nhiều khó khăn, gian khổ, hiểm nguy, cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam vẫn luôn lạc quan, kiên cường bám trụ, khắc phục mọi khó khăn, ra sức thi đua cùng hệ thống chính trị và toàn dân thực hiện phòng, chống dịch.
Khi đợt dịch lần thứ tư bùng phát, lan rộng ở Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố phía Nam, hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, hàng chục nghìn cán bộ, chiến sĩ từ các đơn vị; các y sĩ, bác sĩ, học viên các bệnh viện quân y trong toàn quân đã hăng hái xung phong, thần tốc đến vùng tâm dịch lập nên các bệnh viện dã chiến, các tổ, đội công tác, cùng cả hệ thống chính trị và nhân dân các địa phương hình thành một “mặt trận” chống dịch với sức mạnh cao nhất. Hình ảnh những đoàn xe nối tiếp nhau chở cán bộ, chiến sĩ lên đường chống dịch; các đoàn xe vận chuyển hàng nông sản, trang thiết bị y tế hỗ trợ đồng bào Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố phía Nam như tái hiện khí thế ra trận của những năm tháng hào hùng thời kháng chiến cứu nước trong lịch sử.
Trong các bệnh viện dã chiến, các khu điều trị, đội ngũ thầy thuốc quân y trong đội hình tuyến đầu chống dịch ngày đêm không quản hiểm nguy, vất vả, ân cần hướng dẫn, thăm khám, điều trị cho bệnh nhân; trên từng con hẻm, góc phố, cán bộ, chiến sĩ thuộc các tổ đội lưu động vượt nắng, đội mưa “đi từng ngõ, gõ từng nhà” trao lương thực, thực phẩm, túi an sinh đến từng hộ gia đình, giúp dân bảo đảm nhu cầu thiết yếu trong lúc dịch họa. Những “gian hàng 0 đồng” được tổ chức, những túi quà thắm đượm tình quân dân được trao tặng cho các hộ gia đình ở các khu cách ly, phong tỏa, các trường hợp khó khăn, đối tượng yếu thế với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Một số đơn vị đã tổ chức cho bộ đội giúp dân thu hoạch, vận chuyển, tiêu thụ nông sản vừa không để đứt gãy chuỗi sản xuất trong phát triển kinh tế, vừa kịp thời cung ứng hàng hóa phục vụ nhân dân vùng tâm dịch. Trong cuộc chiến đó, có những cán bộ, chiến sĩ đã ngã xuống, có những người không thể về quê nhà chịu tang người thân,... Sự hy sinh thầm lặng và cao quý của những người lính “Bộ đội Cụ Hồ” không chỉ để đổi lấy sức khỏe và mạng sống cho người dân mà còn góp phần đưa đất nước ta sớm trở lại trạng thái bình thường mới, để phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện khát vọng Việt Nam trong giai đoạn mới.
“Bộ đội Cụ Hồ” vì nhân dân phục vụ luôn là lẽ sống, một nét đặc sắc của văn hóa quân sự Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh. “Nhân dân cần bộ đội có, nhân dân khó có bộ đội” đã trở thành chân lý được đúc kết từ thực tiễn cách mạng nước ta và càng tỏa sáng từ cuộc chiến chống đại dịch COVID-19.
Giữ gìn, phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”
Thực tiễn xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của quân đội ta cho thấy, phẩm chất "Bộ đội Cụ Hồ" đã trở thành biểu tượng của chủ nghĩa nhân văn cao đẹp của Quân đội nhân dân Việt Nam, là nét đặc trưng của văn hóa quân sự Việt Nam. Phẩm chất ấy luôn được giữ gìn, bồi đắp và phát huy bởi các thế hệ cán bộ, chiến sĩ của một quân đội anh hùng, một quân đội từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu và phục vụ, là yếu tố kết nối mối quan hệ đoàn kết quân dân bền chặt trong mọi thời kỳ cách mạng. Mối quan hệ máu thịt giữa quân với dân, tình quân dân như "cá với nước" là đặc trưng nổi bật nhất về phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, là cội nguồn sức mạnh của quân đội ta. Hình tượng "Bộ đội Cụ Hồ" thực sự là tài sản văn hóa tinh thần vô giá của quân đội ta, đòi hỏi phải được thường xuyên bồi đắp và phát huy trong thực tiễn chiến đấu, lao động, công tác, học tập, rèn luyện của mỗi cán bộ, chiến sĩ, trong từng bước trưởng thành và lớn mạnh của quân đội.
Hiện nay, trước những diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường của tình hình thế giới và khu vực, trong xu thế toàn cầu hóa và sự tác động mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhiệm vụ xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đang đặt ra những vấn đề, yêu cầu mới. Những tác động tiêu cực từ tiến trình toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế cũng như những ảnh hưởng từ mặt trái của cơ chế thị trường là những yếu tố đã và đang tác động tới phẩm chất tốt đẹp và giá trị văn hóa "Bộ đội Cụ Hồ". Đặc biệt, các thế lực thù địch, các phần tử phản động luôn dùng mọi thủ đoạn để xuyên tạc, bôi nhọ phẩm chất, truyền thống tốt đẹp đó, muốn hạ thấp uy tín của quân đội ta, chia rẽ mối quan hệ đoàn kết quân - dân hòng thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” và âm mưu xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta.
Thực tiễn đó đòi hỏi hơn lúc nào hết, phẩm chất, truyền thống "Bộ đội Cụ Hồ" phải luôn được giữ gìn và phát huy trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị và mỗi cán bộ, chiến sĩ trong quân đội. Giữ gìn, phát huy phẩm chất, truyền thống "Bộ đội Cụ Hồ", nhất là giữ gìn, phát huy mối quan hệ máu thịt với nhân dân, là giữ gìn bản chất cách mạng của quân đội ta, cũng là một giải pháp quan trọng để xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam “tinh, gọn, mạnh”, tạo tiền đề tiến lên “xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại vào năm 2030”(5), góp phần xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Giữ gìn và phát huy phẩm chất "Bộ đội Cụ Hồ" là trách nhiệm của mỗi cán bộ, chiến sĩ trong quân đội. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ: “Quân đội ta có truyền thống vẻ vang cả trong chiến đấu lẫn trong công tác và lao động sản xuất, được nhân dân ghi nhận, yêu mến đặt cho cái tên hết sức cao quý, thiêng liêng và trìu mến là “Bộ đội Cụ Hồ”… Trách nhiệm của mỗi chúng ta là phải củng cố, giữ gìn và phát huy ngày càng tốt hơn nữa những giá trị đó để quân đội ngày càng phát triển mạnh hơn, uy tín cao hơn và phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” ngày càng sâu sắc, tỏa sáng hơn”(6). Để thực hiện tốt chỉ dẫn của đồng chí Tổng Bí thư, từng cơ quan, đơn vị và mỗi cán bộ, chiến sĩ trong quân đội phải thông qua những hành động, việc làm thiết thực, cụ thể trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình để làm cho phẩm chất, truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ” không ngừng được bồi đắp và phát triển. Trong đó, nhiệm vụ hàng đầu là tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; thực hiện tốt cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”, làm cho phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” được lan tỏa, là một hạt nhân tích cực để xây dựng và phát huy những giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, góp phần hiện thực hóa khát vọng Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc./.
-----------------------
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.14, tr.435
(2) Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2002, t.2, tr.2
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.3, tr.539
(4) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t.I, tr.156
(5) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t.I, tr.158
(6) Xem: “Phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ XI”, Báo Chính phủ điện tử, http://baochinhphu.vn/Thoi-su/Phat-bieu-cua-Tong-Bi-thu-Nguyen-Phu-Trong-tai-Dai-hoi-dai-bieu-Dang-bo-Quan-doi-lan-thu-XI/408843.vgp, ngày 28-9-2020
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dâng hương tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại nhà 67 trong Phủ Chủ tịch  (01/02/2022)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên (tỉnh Nghệ An)  (30/01/2022)
- Phát huy hệ giá trị con người Việt Nam, hoàn thiện chuẩn mực đội ngũ cán bộ ngành ngoại giao trong thời kỳ mới
- Xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Sự phát triển nhận thức của Đảng ta về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực qua gần 40 năm đổi mới
- Một số vấn đề về chuyển đổi nội dung số trong các tạp chí của Việt Nam hiện nay
- Tỉnh Nam Định xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay