Thành phố Hồ Chí Minh: Xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư
TCCS – Ngày 13-12-2021, Cơ quan Thường trực Tạp chí Cộng sản tại miền Nam và Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh đồng phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học: “Thành phố Hồ Chí Minh: Xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư”.
Hội thảo được tổ chức tại Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh dưới hai hình thức trực tiếp và trực tuyến. Tham dự và chủ trì hội thảo có PGS, TS. Nguyễn Ngọc Hà, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; PGS, TS. Nguyễn Tấn Phát, Thành ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh; TS. Phùng Ngọc Bảo, Vụ trưởng, Trưởng Cơ quan thường trực Tạp chí Cộng sản tại miền Nam.
Tham dự hội thảo còn có các đồng chí: Phạm Phương Thảo, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh; TS. Trần Thế Lưu, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, nguyên Trưởng Ban Nội chính Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh; PGS, TS. Trương Thị Hiền, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Thành phố Hồ Chí Minh, nguyên Giám đốc Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh, cùng các đồng chí đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, quận, huyện, thành phố Thủ Đức tham dự trên cả hai hình thức.
Hiện nay, trên thế giới, quá trình đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ. Hệ thống đô thị phát triển nhanh, vì vậy, việc xây dựng chính quyền đô thị là đòi hỏi tất yếu đối với các quốc gia và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế này. Ở Việt Nam, các đô thị ngày càng được mở rộng, đóng vai trò là trung tâm phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội ở các cấp độ khác nhau. Quá trình này đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động quản lý nhà nước trên địa bàn đô thị cũng như đặt ra yêu cầu cần phải xây dựng mô hình tổ chức và hoạt động của chính quyền đô thị khác với nông thôn. Tổ chức chính quyền đô thị phải có tính tập trung cao, ít khâu trung gian, bảo đảm tính thông suốt. Hoạt động của chính quyền đô thị phải hiệu lực, hiệu quả, nhanh chóng, kịp thời xử lý các tình huống phát sinh đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng của người dân. Xây dựng chính quyền đô thị góp phần tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong thực hiện vai trò quản lý hành chính nhà nước, giải quyết các vấn đề phát sinh kịp thời hơn, từ đó sẽ nâng cao chất lượng sống của người dân, góp phần cải thiện môi trường đầu tư… Sự phức tạp, đa dạng về hoạt động kinh tế - xã hội của đô thị ngày càng gia tăng ở nước ta nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng đang đặt ra những yêu cầu mới về nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền đô thị các cấp cũng như đổi mới mô hình tổ chức và hoạt động của chính quyền đô thị.
Phát biểu khai mạc và đề dẫn hội thảo, PGS, TS Nguyễn Tấn Phát khẳng định, hội thảo là diễn đàn khoa học để các nhà lãnh đạo, quản lý trao đổi, chia sẻ kết quả nghiên cứu, kinh nghiệm thực tiễn nhằm góp phần thực hiện các chủ trương, chính sách và tổng kết thực tiễn lãnh đạo, quản lý của Đảng bộ, chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh; thảo luận, đề xuất những giải pháp thiết thực, mang tính chiến lược nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả trong xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư của Thành phố trong thời gian tới.
Ngày 16-11-2020, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 131/2020/QH14, về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh và ngày 29-3-2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 33/2021/NĐ-CP, quy định chi tiết và biện pháp thi hành Nghị quyết số 131/2020/QH14. Đây là những quy định pháp lý quan trọng để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xây dựng chính quyền Thành phố năng động, hoạt động hiệu lực và hiệu quả. Trên cơ sở đó, thời gian qua, Thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư; lấy người dân, doanh nghiệp là đối tượng phục vụ của chính quyền các cấp để Thành phố trở thành điểm đến lý tưởng của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đặc biệt, Hội nghị lần thứ 2 Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh khóa XI đã xác định chủ đề năm 2021 của Thành phố Hồ Chí Minh là: “Năm xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư” và tại Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh đã xác định chủ đề năm 2022 là: “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp”. Điều này cho thấy, xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư là những nhiệm vụ được Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố quan tâm và chỉ đạo sâu sát.
Đồng chí PGS, TS. Nguyễn Ngọc Hà, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản mong muốn, hội thảo tập trung thảo luận về các vấn đề trọng tâm: (i) Về nâng cao hiệu quả trong xây dựng chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh, đặc biệt là những khó khăn, trở ngại trong tổ chức thực hiện và những vấn đề cụ thể về mô hình tổ chức; cơ chế tổ chức, hoạt động; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; quyền làm chủ của nhân dân… (ii) Về cải thiện môi trường đầu tư của Thành phố Hồ Chí Minh với những vấn đề như thu hút đầu tư, thu hút FDI thế hệ mới; nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; các giải pháp thu hút đầu tư để phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19… (iii) Bàn về mối tương quan giữa xây dựng chính quyền đô thị với cải thiện môi trường đầu tư; việc kết hợp giữa xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư với tiến trình xây dựng đô thị thông minh, chuyển đổi số của Thành phố Hồ Chí Minh.
Hội thảo nhận được hơn 73 bài tham luận khoa học của các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các sở, ban, ngành Thành phố; các chuyên gia, nhà khoa học… được nghiên cứu công phu, nghiêm túc, chất lượng. Các tham luận đã đề cập một cách toàn diện, phong phú, sâu sắc những vấn đề xung quanh chủ đề hội thảo. Mỗi tham luận là một công trình khoa học độc lập, làm sáng rõ từng vấn đề cụ thể, nhưng tựu chung đã góp phần làm sâu sắc những nội dung chủ yếu: Thứ nhất, cơ sở khoa học; căn cứ chính trị, pháp lý và kinh nghiệm của các quốc gia trong xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư; thứ hai, phân tích, đánh giá thực trạng xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư ở Thành phố Hồ Chí Minh; thứ ba, đề xuất các kiến nghị, giải pháp để nâng cao hiệu quả xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Kết luận hội thảo, TS. Phùng Ngọc Bảo, Vụ trưởng, Trưởng Cơ quan thường trực Tạp chí Cộng sản tại miền Nam tổng kết một số vấn đề cơ bản liên quan đến các kết quả đạt được, những thuận lợi và khó khăn trong xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư, đặc biệt nhấn mạnh một số nhóm giải pháp để nâng cao hiệu quả xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư tại Thành phố Hồ Chí Minh thời gian tới: Một là, tập trung thực hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội; hai là, tiếp tục củng cố, xây dựng “thương hiệu” của một thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình; ba là, củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; kết hợp chặt chẽ giữa quốc phòng, an ninh với phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; tăng cường công tác nắm tình hình, chủ động đấu tranh các hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động; bốn là, tập trung thông tin, tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các sự kiện lớn của đất nước; chú trọng tuyên truyền, cổ vũ những mô hình hay, cách làm sáng tạo, gương người tốt, việc tốt; kịp thời đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch./.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Giữ vững an ninh, trật tự, phục vụ nhiệm vụ phục hồi và phát triển xã hội của đất nước  (12/12/2021)
Thành phố Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc phấn đấu hoàn thành giải ngân vốn đầu tư công năm 2021  (10/12/2021)
Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thường tham dự Hội nghị trực tuyến liên đảng quốc tế do Đảng Nước Nga Thống nhất chủ trì  (02/12/2021)
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay