TCCSĐT- Sáng nay, 22-1, tại Tuần Châu (Quảng Ninh), đã khai mạc Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “Các lý thuyết kinh tế chính trong bối cảnh phát triển của thế giới và những vấn đề rút ra cho Việt Nam”. Hội thảo do Hội đồng Lý luận Trung ương chủ trì, phối hợp với Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam và một số trường đại học lớn trong cả nước; với sự tham dự của một số đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương; hơn 100 nhà khoa học đến từ các cơ quan nghiên cứu, học viện, nhà trường ở trung ương và địa phương trong cả nước.

PGS, TS Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương tham dự và chỉ đạo Hội thảo.

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, PGS,TS Tô Huy Rứa nêu rõ: “Cuộc Hội thảo hôm nay là cuộc hội thảo quy mô lớn đầu tiên ở cấp quốc gia mong quy tụ được hầu hết các học giả, chuyên gia hàng đầu và khá đông lực lượng nghiên cứu trẻ tuổi của đất nước, nhằm tập trung thảo luận về ba lý thuyết kinh tế chính: học thuyết kinh tế của C. Mác, lý luận của Keynes và trường phái Tự do mới. Đây là dịp tốt để chúng ta cùng trao đổi, tranh luận, làm sáng tỏ không chỉ những vấn đề lý luận, học thuật mà còn cả những kinh nghiệm thực tiễn, chính sách, để tìm kiếm những lời giải tối ưu cho bài toán phát triển đất nước... Các kết quả Hội thảo kỳ vọng sẽ đóng góp tích cực vào việc tiếp tục nghiên cứu bổ sung, phát triển Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội; hoàn thiện dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020 và Báo cáo chính trị trình Đại hội XI của Đảng”.

Đồng chí Tô Huy Rứa nhấn mạnh: Trong cuộc Hội thảo này, chúng ta không đi vào tranh luận một cách kinh viện, “tầm chương trích cú”, mà cần tập trung vào vấn đề vận dụng những yếu tố hợp lý của các lý thuyết kinh tế chính để xác định mô hình kinh tế và thể chế kinh tế ở nước ta. Tại Hội thảo lần này, chúng ta không chỉ xới xáo lên các vấn đề hay thảo luận theo kiểu chiếu lệ, mà cố gắng đào sâu tranh luận, làm bật ra những ý tưởng mới, những phát hiện sắc sảo, những câu hỏi và trả lời thật sự thiết thực cho những vấn đề lý luận và thực tiễn đang đặt ra.

Hội thảo diễn ra trong hai ngày 22 và 23./.
 

*** Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được hơn 100 báo cáo tham luận của các tác giả là các nhà khoa học, quản lý, cán bộ nghiên cứu, cán bộ giảng dạy thuộc nhiều thế hệ đã và đang làm việc tại các cơ quan Trung ương, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Thương mại, Trường Đại học Cần Thơ, Học viện Ngân hàng, Học viện Ngoại giao, Viện Quản lý kinh tế Trung ương, Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Viện Khoa học Tài chính (Bộ Tài chính), Viện Chính sách và phát triển nông nghiệp, nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)...