Diễn văn khai mạc Đại hội đồng AIPA - 31 của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch AIPA - 31
Sáng 21-9, Đại hội đồng lần thứ 31 Liên Nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (AIPA 31) chính thức khai mạc tại thủ đô Hà Nội. Dự phiên khai mạc có 19 đoàn với hơn 400 đại biểu nghị viện thành viên của AIPA, 1 đoàn đại biểu quan sát viên đặc biệt, 7 Đoàn nghị sĩ các nước và tổ chức quan sát viên. Trên cương vị là Chủ tịch AIPA 31 và Chủ tịch ASEAN 2010, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu tại phiên khai mạc Đại hội đồng AIPA 31. TCCSĐT trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc bài phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng.
- Thưa các vị Chủ tịch Quốc hội, các vị Trưởng đoàn Nghị viện,
- Thưa Ngài Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch ASEAN,
- Thưa quý vị đại biểu,
- Thưa quý bà, quý ông,
Thay mặt nhân dân và Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tôi nhiệt liệt chào mừng các Ðoàn đại biểu thành viên, Quan sát viên đặc biệt, Quan sát viên và các đoàn khách mời tới tham dự Ðại hội đồng lần thứ 31, Hội đồng Liên Nghị viện Hiệp hội các quốc gia Ðông - Nam Á (AIPA). Tôi cũng nồng nhiệt chào mừng các vị trong Ðoàn Ngoại giao và các vị khách quý có mặt tại Ðại hội đồng quan trọng này. Năm 2010, tiếp theo nhiều hoạt động sôi nổi của AIPA, với cương vị Chủ tịch AIPA, Quốc hội Việt Nam rất vinh dự chủ trì tổ chức Ðại hội đồng AIPA lần thứ 31 tại Thủ đô Hà Nội.
Ðây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, là cơ hội để Nghị viện các nước gặp gỡ, trao đổi và cùng nhau tìm ra những giải pháp thúc đẩy tiến trình hội nhập giữa các nước trong khu vực, cũng như tăng cường quan hệ hợp tác với các bên đối tác. Trên tinh thần đó, Quốc hội Việt Nam đã và sẽ làm hết sức mình nhằm tạo những điều kiện tốt nhất vì thành công của Ðại hội đồng AIPA lần này.
Từ Ðại hội đồng AIPA lần thứ 30 đến nay, tình hình thế giới và khu vực tiếp tục có những diễn biến nhanh chóng. Nền kinh tế khu vực và thế giới đã có những dấu hiệu phục hồi khả quan và đáng khích lệ sau cuộc khủng hoảng tài chính và suy giảm kinh tế toàn cầu. Trong khu vực, ASEAN đang chuyển sang một giai đoạn phát triển mới, hướng tới mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015 và hoạt động trên cơ sở Hiến chương ASEAN. Bên cạnh những thuận lợi cơ bản, quá trình xây dựng Cộng đồng ASEAN cũng còn không ít khó khăn, thách thức, xuất phát từ những yếu kém chủ quan và những tác động tiêu cực khách quan. Cùng với đó là những thách thức mang tính toàn cầu hiện nay, đặc biệt là nguy cơ khủng hoảng tài chính và suy giảm kinh tế, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp, tác động không nhỏ đến các nước trong khu vực, đòi hỏi chúng ta phải cùng nhau nỗ lực tập thể, xử lý có hiệu quả hơn nữa những thách thức chung ở cả tầm quốc gia, khu vực và quốc tế.
Trong bối cảnh đó, tinh thần đoàn kết, đồng thuận và phát huy các giá trị truyền thống, các nguyên tắc cơ bản trong quan hệ giữa các quốc gia Ðông - Nam Á là nhân tố có ý nghĩa quyết định trong việc hiện thực hóa Hiến chương ASEAN về xây dựng thành công Cộng đồng ASEAN trở thành một Cộng đồng hài hòa về chính trị, liên kết về kinh tế, có trách nhiệm về xã hội. Trên cơ sở nhận thức đó, chúng ta vui mừng nhận thấy chủ đề của Ðại hội đồng AIPA lần này là: "Ðoàn kết các dân tộc vì sự phát triển bền vững của Cộng đồng ASEAN" đã nhận được sự đồng thuận cao của nghị viện các nước thành viên AIPA, quan sát viên đặc biệt và các bên đối tác. Trong những ngày làm việc tới đây, Ðại hội đồng của chúng ta sẽ tập trung thảo luận và đề xuất các biện pháp cụ thể nhằm tăng cường đoàn kết, sự hợp tác có hiệu quả giữa nghị viện các nước trong khu vực; thúc đẩy hợp tác giữa AIPA và ASEAN, góp phần tăng cường sự kết nối ASEAN; tìm ra những giải pháp nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, thiên tai và dịch bệnh; tăng cường phúc lợi xã hội đối với phụ nữ và trẻ em... cũng như các biện pháp nhằm tăng cường quan hệ hợp tác với các bên đối thoại.
Hình thành và phát triển gắn liền với tiến trình liên kết và hội nhập khu vực, AIPO trước đây, nay là AIPA luôn là động lực thúc đẩy sự hợp tác giữa nghị viện các nước ASEAN và hỗ trợ đắc lực cho việc phát triển quan hệ giữa các cơ quan lập pháp và cơ quan hành pháp. AIPA đã thật sự là một diễn đàn quan trọng để các nghị sĩ trao đổi quan điểm, chính kiến của mình về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, qua đó tăng cường sự hiểu biết, tin cậy lẫn nhau, góp phần nâng cao năng lực hoạt động của các nghị viện thành viên và vị thế của các nước ASEAN. Những kiến nghị của AIPA trên nhiều lĩnh vực đã và đang tác động tích cực tới việc hoạch định chính sách, xây dựng và giám sát việc thực thi pháp luật của các nước thành viên ASEAN.
Hiện nay, trong giai đoạn phát triển mới của ASEAN, nhiệm vụ đặt ra đối với AIPA là tập trung xây dựng các khuôn khổ pháp lý cho sự hợp tác, liên kết và tiến trình hội nhập khu vực của các nước thành viên AIPA, hài hòa hóa pháp luật nhằm bảo đảm quá trình liên kết nội khối, hỗ trợ chính phủ các nước ASEAN thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, góp phần giữ vững hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực. Ðây là định hướng lớn đã đạt được sự đồng thuận của các nước thành viên AIPA. Chúng ta vui mừng với những bước đi đầu tiên trong quá trình hài hòa hóa pháp luật trong lĩnh vực đấu tranh phòng, chống ma túy và phòng, chống buôn bán người. Kết quả này sẽ đặt nền móng quan trọng cho việc mở rộng hài hòa hóa pháp luật đối với một số lĩnh vực khác. Bên cạnh đó, với tư cách là một diễn đàn đại diện cho tiếng nói của nhân dân trong khu vực, AIPA cũng cần đề ra những biện pháp khuyến khích người dân chủ động và tích cực tham gia vào những nỗ lực liên kết của khu vực, đoàn kết phấn đấu vì mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN của nhân dân, vì nhân dân.
Cùng với những nỗ lực biến Hiến chương ASEAN từ tầm nhìn đến hành động của Chính phủ Việt Nam trong năm làm Chủ tịch ASEAN 2010, là Chủ tịch AIPA nhiệm kỳ 2009-2010, Quốc hội Việt Nam đã tích cực góp phần đưa hợp tác liên nghị viện giữa các nước ngày càng đi vào chiều sâu. Chúng ta đã tổ chức thành công Hội nghị chuyên đề AIPA về vai trò của nữ Nghị sĩ trong quá trình xây dựng pháp luật; Hội nghị chuyên đề AIPA về hậu khủng hoảng tài chính - kinh tế thế giới và phát triển bền vững; Hội nghị chuyên đề lần thứ bảy của Ủy ban điều tra thực trạng nhằm đấu tranh chống hiểm họa ma túy (AIFOCOM-7); Hội nghị lần thứ hai của Nhóm tư vấn AIPA. Bên cạnh đó, chúng ta đã từng bước kiện toàn tổ chức của Ban Thư ký AIPA với việc bổ nhiệm ông Antonio Cuenco - một nghị sĩ có nhiều kinh nghiệm hoạt động nghị viện làm Tổng thư ký mới của AIPA. Mới đây, với tư cách Chủ tịch AIPA, tôi đã tham dự Hội nghị tham vấn các Chủ tịch Quốc hội/Nghị viện G20, tại Ca-na-đa theo lời mời của Ngài Chủ tịch Thượng viện Ca-na-đa, nước chủ nhà G20, để nói lên tiếng nói của AIPA về những vấn đề lớn mà thế giới đang phải tập trung xử lý.
Ðồng thời, quan hệ giữa AIPA và ASEAN đã có bước phát triển mới với việc tổ chức thành công cuộc gặp giữa Lãnh đạo AIPA và Lãnh đạo ASEAN trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 16 được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội tháng 4-2010. Ðại hội đồng chúng ta hoan nghênh và đánh giá cao kết quả của cuộc họp này, thể hiện mong muốn và quan tâm chung của Lãnh đạo cấp cao của ASEAN và AIPA về những vấn đề khu vực và quốc tế mà hai bên cùng quan tâm, cũng như về việc tăng cường sự phối hợp giữa hai tổ chức này trong thời gian tới. Ðây là bước đi cần thiết, có ý nghĩa quan trọng nhằm xác lập cơ chế phối hợp giữa kênh lập pháp và kênh hành pháp trong việc thực hiện mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN.
Thực tiễn hoạt động và phát triển của AIPA trong hơn ba thập kỷ qua cho thấy, AIPA luôn trung thành phấn đấu vì những mục tiêu đã đề ra, đồng thời cũng luôn tự điều chỉnh phương thức hoạt động để phù hợp với tình hình mới và đã khẳng định được vai trò không thể thiếu và sự đóng góp quan trọng của mình đối với sự phát triển của khu vực. Nhằm đáp ứng với những yêu cầu mới đặt ra, AIPA cần tiếp tục đổi mới cơ chế hoạt động sao cho ngày càng hiệu quả, thiết thực, hỗ trợ cho quá trình liên kết khu vực, tham gia chủ động và tích cực vào nền ngoại giao nghị viện, qua đó mở rộng quan hệ với các đối tác và nâng cao vị thế của AIPA và ASEAN. Với quyết tâm của các nghị viện thành viên và sự hợp tác, hỗ trợ của các đối tác, chúng ta tin tưởng rằng AIPA sẽ tiếp tục phát huy vai trò quan trọng trong tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN ngày càng hòa bình, thịnh vượng.
Nhiệm kỳ Chủ tịch AIPA-31 của Việt Nam trùng hợp với kỷ niệm 15 năm Quốc hội Việt Nam gia nhập AIPA và ASEAN. Trong suốt chặng đường 15 năm qua, Quốc hội Việt Nam đã không ngừng nỗ lực hội nhập và có những đóng góp tích cực vào hoạt động của AIPA. Chúng tôi luôn xác định đây vừa là trách nhiệm của Nghị viện thành viên AIPA, vừa thể hiện chính sách đối ngoại nhất quán của Nhà nước Việt Nam. Với tinh thần đó, chúng tôi mong muốn tiếp tục tăng cường, mở rộng quan hệ hợp tác với nghị viện các nước, đặc biệt là các nước trong khu vực theo phương châm tích cực, chủ động và có trách nhiệm.
Là diễn đàn của những người đại diện cho nhân dân các nước trong khu vực, Ðại hội đồng AIPA-31 của chúng ta sẽ phản ảnh tiếng nói và nguyện vọng của nhân dân, thông qua đó hoạt động của AIPA sẽ làm cho tiến trình liên kết và những chương trình hành động của ASEAN trở nên gần gũi và thiết thực hơn với người dân. Tôi tin tưởng rằng, với cố gắng và nỗ lực của nước chủ nhà và sự đóng góp tích cực và xây dựng của các đoàn đại biểu nghị viện, Ðại hội đồng AIPA-31 sẽ diễn ra trong bầu không khí hiểu biết, tin cậy và trách nhiệm, nhất định sẽ đạt kết quả thiết thực, thúc đẩy sự hợp tác liên nghị viện của AIPA lên tầm cao mới.
Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ IX thành công tốt đẹp  (22/09/2010)
57.400 tỉ đồng cho chiến lược phát triển thủy sản  (22/09/2010)
Việt Nam coi phát triển bền vững là ưu tiên hàng đầu  (22/09/2010)
Triển khai kiểm soát thủ tục hành chính  (22/09/2010)
Triển khai kiểm soát thủ tục hành chính  (22/09/2010)
Tăng cường gắn kết AIPA và ASEAN  (21/09/2010)
- Một số vấn đề về chuyển đổi nội dung số trong các tạp chí của Việt Nam hiện nay
- Tỉnh Nam Định xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
- Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm