V.I Lê-nin chống bệnh quan liêu, bao che, tham nhũng
Sau những năm tháng gian khổ, lãnh đạo nhân dân và các lực lượng vũ trang chống thù trong giặc ngoài để bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền Xô-viết, V.I.Lê-nin đã kết luận rằng: Giành được chính quyền đã khó, giữ được chính quyền lại càng khó hơn.
Hiện thực của Liên Xô, Đông Âu những năm 1989-1991, một minh chứng đau lòng đã một lần nữa tái khẳng định điều đó. Liên Xô - một siêu cường thế giới, ở đó có một Đảng Cộng sản ra đời rất sớm, lớn mạnh nhanh chóng, từng đững vững trong các trận cuồng phong, bão tố và đã chiến thắng huy hoàng. Nhưng sau một thế kỷ, Đảng Cộng sản Liên Xô đã bị giải tán và sau ba phần tư thế kỷ, Liên bang Xô-viết đã tan vỡ. Sự kiện chấn động trời đất đó nhắc nhở và lưu ý chúng ta rằng, giành được chính quyền mới chỉ là bắt đầu, giữ và củng cố được chính quyền vững mạnh để xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội đích thực mới là nội dung cốt lõi, là việc lâu dài đầy khó khăn và không một phút được lơ là.
Theo V.I.Lê-nin thì bảo vệ chính quyền cách mạng, bảo vệ Đảng Cộng sản ít nhất có ba loại việc lớn. Một là, chống giặc ngoài; hai là, trấn áp thù trong và ba là, phải làm cho nội bộ Đảng trong sạch, vững mạnh, ngày càng gắn bó mật thiết với nhân dân. Một khi đã đập tan được các cuộc xâm lăng, đã trấn áp một cách căn bản bọn phản cách mạng thì chính loại việc thứ ba (làm cho nội bộ Đảng trong sạch, vững mạnh, gắn bó với nhân dân) lại là việc không đơn giản và phải được đặt lên hàng đầu. Ở “mặt trận” này không có “khói súng” nhưng vô cùng gian khổ và đầy tính quyết liệt. Đôi khi trong cảnh đầu rơi, máu chảy, thịt nát, xương tan trước họng súng quân thù mà chiến sĩ cách mạng vẫn hiên ngang vượt qua, nhưng đứng trước một ham muốn, một sự cám dỗ tầm thường lại không bước qua nổi. Có nhiều thứ “bệnh tật”, tệ nạn đã làm cho một số cán bộ, đảng viên vấp ngã. Trong đó, V.I.Lê-nin đã liệt kê quan liêu và tham nhũng hối lộ la hai loại tệ nạn nguy hiểm “giết người êm ái”. Người nói: “Toàn bộ công việc của tất cả các cơ quan kinh tế của chúng ta bị khốn khổ trước hết về quan liêu... Nếu cái gì sẽ làm tiêu vong chúng ta thì chính là cái đó.”(1) và “Hiện giờ có ba kẻ thù đang đứng trước mỗi người, bất kể người đó làm việc gì, ở cương vị nào... Kẻ thù thứ nhất- tính kiêu ngạo cộng sản chủ nghĩa; kẻ thù thứ hai- nạn mù chữ; kẻ thù thứ ba - nạn hối lộ.”(2). Người giải thích rằng: “Nếu còn hối lộ được, thì cũng không thể nói đến chính trị được. Trong trường hợp này, thậm chí cũng không thể nói đến làm chính trị được, vì mọi biện pháp đều sẽ lơ lửng trên không trung, sẽ hoàn toàn không mang lại kết quả gì cả. Một đạo luật chỉ có thể đưa đến kết quả xấu hơn, nếu trên thực tiễn nó được đem áp dụng trong điều kiện nạn hối lộ còn được dung thứ và đang thịnh hành.”(3)
Thật là chí lý, đã quan liêu xa rời quần chúng, lại dấn thân vào mê lộ quan liêu, tham nhũng, hối lộ thì làm gì còn có lòng tin đối với nhân dân, làm sao có thể phản ánh và thực hiện được nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Chính vì vậy, V.I.Lê-nin đã yêu cầu phải xử lý rất nghiêm khắc hai thứ tội này. Trong hàng nghìn vụ việc, xin chỉ nêu ra ba trường hợp làm thí dụ.
Về một trong những tội quan liêu:
Tháng 5 năm 1920, Ban kim khí thuộc Hội đồng kinh tế quốc dân tối cao được giao nhiệm vụ tổ chức sản xuất máy cày kiểu Phau-lơ, nhưng trong kế hoạch sản xuất, Ban kim khí lại không tính đến các nguồn kim loại và chất đốt. Những người được giao việc lại chỉ trao đổi giấy tờ, thư từ, điện thoại qua lại mà không làm việc trực tiếp, cặn kẽ với các bộ, ngành có liên quan để giải quyết cụ thể, do đó công việc không tiến triển được. Một năm rưỡi sau, vào ngày 21 tháng11 năm 1921, Hội đồng lao động và quốc phòng phải quyết định thông qua một nghị quyết về việc sản xuất máy cày và tiếp tục giao cho Ban kim khí thuộc Hội đồng kinh tế quốc dân tối cao chịu trách nhiệm thi hành; đồng thời giao cho Bộ dân ủy tư pháp điều tra tình trạng quan liêu giấy tờ và luộm thuộm trong suốt một năm rưỡi qua. Đầu tháng giêng năm 1922, vụ án được chuyển đến tòa án quân sự Mát-xcơ-va, vì kết quả điều tra cho thấy nhiều cán bộ trong Hội đồng kinh tế quốc dân tối cao và trong Bộ dân ủy nông nghiệp không chấp hành nghiêm chỉnh nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên tòa án lại quyết định không xử phạt họ vì chiếu cố đến công lao những đồng chí này trong sự nghiệp khôi phục kinh tế. Sau khi xem xét, Hội đồng lao động và quốc phòng đã lưu ý đoàn chủ tịch Hội đồng kinh tế quốc dân tối cao và ban lãnh đạo Bộ dân ủy nông nghiệp về thái độ thiếu nghiêm túc đối với việc sản xuất máy cày phục vụ nông dân. Trong việc quyết định không xử phạt các cán bộ có tội, có sự tác động của chủ tịch Hội đồng kinh tế tối cao P.A. Bô-gđa-nốp. Vì vậy, V.I.Lê-nin đã có giác thư với lời lẽ rất thẳng thắn như sau:
“Gửi P.A. Bô-gđa-nốp
23-XII-1921
Đồng chí P.A. Bô-gđa-nốp!
Tôi cho rằng tất cả những ý kiến của đồng chí về vụ những chiếc cày kiểu Phau-lơ là sai hoàn toàn và sai về nguyên tắc. Quả thật sự sai lầm của đồng chí không đến nỗi thô lỗ (xin lỗi, tôi đã dùng chữ quá nặng) như sai lầm của Ô-xin-xki, đồng chí ấy đã công nhiên biến thành người bảo vệ cho chủ nghĩa quan liêu xấu xa, nhưng dù sao thì đồng chí cũng không tốt đẹp gì.
Đừng nên sợ tòa án (tòa án của chúng ta là tòa án vô sản) và công khai, mà phải đưa tệ quan liêu giấy tờ ra tòa án công luận; chỉ có như vậy chúng ta mới thật sự chữa khỏi bệnh đó...
Ý nghĩa xã hội của nó có phải sẽ lớn gấp 1000 lần so với lối bí mật dập đi một cách ngu xuẩn - trong nội bộ Trung ương Đảng - đối với một vụ dơ dáy về tệ quan liêu dơ dáy mà không đưa ra công khai hay không.
Đồng chí hết sức sai nguyên tắc. Chúng ta không biết phán xử một cách công khai tệ quan liêu dơ dáy; vì sự bất lực đó mà tất cả chúng ta và Bộ dân ủy tư pháp đáng bị treo cổ lên những chiếc thòng lọng thối hoắc. Tôi vẫn chưa mất hết hi vọng rằng sẽ có một khi nào đó, vì khuyết điểm đó, chúng ta sẽ bị treo cổ một cách đáng đời…
Gửi lời chào cộng sản
V.U-li-a-nốp (Lê-nin)”(4)
Về một tội bao che:
Trong hai tháng Giêng, Hai năm 1922, có nhiều đơn tố giác về những việc làm tiêu cực của Phòng nhà đất trung ương thuộc Xô viết Mát-xcơ-va, vì vậy các cơ quan chức năng đã quyết định mở cuộc thanh tra. Văn phòng hội đồng dân ủy đã cử đồng chí Đi-vin-cốpx-ki tham gia cuộc thanh tra này. Kết quả cuộc thanh tra đã xác nhận những tiêu cực của một số cán bộ phụ trách phòng nhà đất trung ương và sự a tòng của đảng viên Xô-vét-nhi-cốp, cục trưởng Cục công trình công cộng Mát-xcơ-va. Ngày 14 tháng 3 năm 1922, Thường vụ Ban chấp hành Đảng bộ Mát-xcơ-va đã họp, có sự tham gia của Đoàn chủ tịch Xô-viết Mát-xcơ-va. Cuộc họp đã đi đến kết luận rằng, kết quả thanh tra là không có căn cứ và quyết định chuyển việc này cho một tiểu ban của Đảng để xem xét lại. Ngay lập tức, ngày 15 tháng 3 năm 1922, đồng chí Đi-vin-cốp-xki đã viết báo cáo cho đồng chí Goóc-bu-nốp để chuyển tới tất cả các ủy viên Bộ chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng Bôn-sê-vich Nga để biết. Đồng chí Đi-vin-cốp-xki nói, quyết định của Đảng bộ Mát-xcơ-va là “sự chôn vùi toàn bộ vụ án loại một” và lưu ý rằng, quyết định đó mâu thuẫn với chỉ thị của V.I.Lê-nin là phải thẳng tay truy nã, trừng trị “tệ ăn cướp, quan liêu, đặc biệt nếu như cái tệ đó là do những phần tử khả nghi đã chui vào Đảng thực hiện”. Vì vậy, đồng chí Đê-vin-cốp-xki đề nghị phải hủy bỏ quyết định của Ban Thường vụ Mát-xcơ-va và phải truy tố những kẻ phạm tội trước toà án…
Những người tố giác có gửi cả đơn cho V.I.Lê-nin và khi biết tình hình trên, tuy bận nhiều việc nhưng Người đã quyết định bằng giác thư sau đây:
“THƯ GỬI BỘ CHÍNH TRỊ BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG CỘNG SẢN (B) NGA
Gửi đồng chí Mô-lô-tốp để chuyển cho các ủy viên Bộ chính trị.
Ban chấp hành Đảng bộ Mát-xcơ-va (trong đó có cả đồng chí Dê-len-xki) không phải lần đầu đã thực tế nhẹ tay với những đảng viên cộng sản phạm tội mà lẽ ra phải treo cổ.
Việc làm này là do “nhầm”. Song cái “nhầm” này hết sức nguy hiểm.
Tôi đề nghị:
1/ Chấp nhận đề nghị của đồng chí Đi-vin-cốp-xki.
2/ Tuyên bố nghiêm khắc cảnh cáo Ban chấp hành Đảng bộ Mát-xcơ-va về tội nhẹ tay với những đảng viên cộng sản (hình thức nhẹ tay - một Ủy ban đặc biệt).
3/ Khẳng định với tất cả các Tỉnh ủy rằng Ban chấp hành Trung ương sẽ khai trừ ra khỏi Đảng những ai có chút mưu toan “tác động” đến toà án nhằm “giảm nhẹ” trách nhiệm của những đảng viên cộng sản.
4/ Ra thông tri báo cho Bộ Dân ủy tư pháp (sao gửi cho các Tỉnh ủy) biết rằng toà án phải trừng phạt các đảng viên cộng sản nghiêm khắc hơn là đối với những người không phải là đảng viên cộng sản.
Nếu không chấp hành chỉ thị này, các thẩm phán nhân dân và các uỷ viên ban lãnh đạo Bộ dân ủy tư pháp sẽ bị đuổi ra khỏi cơ quan làm việc.
5/ Ủy nhiệm cho đoàn Chủ tịch Ban chấp hành trung ương các Xô viết toàn Nga quất cho đoàn Chủ tịch Xô viết Mát-xcơ-va một đòn cảnh cáo trên báo chí.
18-III
Lê-nin
PS(5)
Thật là quá ư nhục nhã và kỳ quái:
một đảng cầm quyền lại bảo vệ những tên
vô lại “của mình”!(6)
Như vậy việc giải quyết một vụ tiêu cực cùng lúc cho ta nhiều bài học, trong đó có bài học sống động là, đi đôi với chống tiêu cực phải phát quang những nơi ẩn náu của tiêu cực; phải nghiêm trị những kẻ gây ra tiêu cực đồng thời với việc xử lý nghiêm minh những kẻ bao che cho tiêu cực, bất kể đó là ai, ở cương vị nào, cao đến đâu.
Về một tội tham nhũng, hối lộ:
Bốn cán bộ thuộc Ban điều tra Mát-xcơ-va đã phạm tội ăn hối lộ lại còn dọa dẫm. Ngày 2 tháng 5 năm 1918, tòa án Mát-xcơ-va đã quyết định xử nhẹ, chỉ phạt họ có 6 tháng tù. Biết được việc này, V.I.Lê-nin đã viết thư cho ủy viên ban lãnh đạo Bộ dân ủy tư pháp N.V.Crư-len-cô, yêu cầu cho Ban chấp hành Trung ương biết danh sách những người bị kết án và danh sách các quan tòa đã xử vụ án. Sau khi nhận được báo cáo, V.I.Lê-nin đã chuyển cho Ban chấp hành Trung ương Đảng và kèm theo bức thư của Người, trong đó đặc biệt lưu ý đến tài liệu của Crư-len-cô cung cấp. Nội dung bức thư như sau:
“Gửi Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Nga
Tôi đề nghị ghi vào chương trình nghị sự vấn đề khai trừ các đảng viên là quan tòa trong vụ xử (2-V-1918) những tên ăn hối lộ - những tên này đã bị xác nhận và đã tự thú nhận là có ăn hối lộ - đã chỉ kết án những tên kia có 6 tháng tù.
Két án bọn ăn hối lộ nhẹ đến mức lố bịch như thế, mà lẽ ra phải xử bắn chúng nó, đó là một hành động sỉ nhục đối với một người cộng sản và một người cách mạng. Phải đưa các đồng chí đó ra truy tố trước tòa án dư luận và khai trừ họ ra khỏi Đảng, vì chỗ đứng của họ là ở bên cạnh bọn Kê-ren-xki hay bọn Mác-tốp chứ không phải ở bên cạnh những người cộng sản cách mạng.
4-V-1918
Lê-nin”(7)
Vụ án trên đã được xét xử lại, kết quả là 3 trong 4 bị cáo phải lãnh án 10 năm tù chứ không phải chỉ có 6 tháng.
Cũng trong những ngày ấy, V.I.Lê-nin đã gửi cho Bộ trưởng Bộ dân ủy tư pháp Đ.I.Cuốc-xki một bức thư ngắn, yêu cầu phải soạn thảo ngay một cách cực kỳ nhanh chóng một dự án luật với những điều khoản trừng phạt tội tham nhũng, ăn hối lộ, mua chuộc, lộ tin tức để ăn tiền.
Theo kết quả xử lại vụ án trên thì những tội này không thể dưới 10 năm tù, ngoài ra còn phải 10 năm lao động khổ sai. Bộ dân ủy tư pháp đã trình dự án sắc lệnh này và Hội đồng bộ trưởng dân ủy trong phiên họp ngày 8 tháng 5 năm 1918 đã xem xét dự án sắc lệnh, V.I.Lê-nin đã cho ý kiến chỉnh lí và sắc lệnh đã được phê chuẩn.
Như vậy việc xử lại một vụ án và việc dự thảo rồi đi đến phê chuẩn một sắc lệnh được tiến hành khá khẩn trương và nhanh chóng, chỉ vẻn vẹn trong một tuần (từ ngày 2 đến ngày 8 tháng 5 năm 1918)…
Các ví dụ trên đây cho chúng ta thấy: Việc giữ gìn kỷ cương phép nước, thái độ công minh chính trực đối với cán bộ, đảng viên chỉ có thể làm cho Đảng trong sạch, vững mạnh, tuyệt nhiên không ảnh hưởng đến uy tín của Đảng. V.I.Lê-nin cũng đã nói rõ điều đó: Người cộng sản nếu không tự bôi nhọ mình thì không ai có thể hạ thấp được uy tín của họ.
V.I.Lê-nin chống bệnh quan liêu, bao che, tham nhũng  (21/04/2008)
Xây dựng quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Hàn Quốc trong thế kỷ XXI  (21/04/2008)
Xây dựng quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Hàn Quốc trong thế kỷ XXI  (21/04/2008)
Trà Vinh đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở xã, phường, thị trấn  (21/04/2008)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên