Bình Phước hiện có 6 tôn giáo được Nhà nước cho phép hoạt động gồm Công giáo, Phật giáo, Tin Lành, Cao Đài, Hoà Hảo, Hồi giáo với 225.298 tín đồ, chiếm gần 30% số dân toàn tỉnh. Số người theo đạo Tin Lành phần lớn là đồng bào dân tộc Sêtiêng và thường sinh sống ở những vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Đây chính là yếu tố nhạy cảm trong hoạt động tôn giáo trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua.

Từ khi có Nghị quyết số 25-NQ/TW (khoá IX) của Đảng về công tác tôn giáo và Chương trình hành động số 19 của Tỉnh uỷ, hoạt động tôn giáo trên địa bàn tỉnh đã được các cấp uỷ Đảng, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể quan tâm hơn, đặc biệt là công tác vận động quần chúng và củng cố hệ thống chính trị ở vùng có đạo.

Những năm qua, công tác vận động quần chúng vùng có đạo đã bám sát mục tiêu vận động đồng bào về ý thức làm chủ của công dân, đoàn kết lương giáo, đoàn kết dân tộc, xây dựng các tổ chức chính trị ở cơ sở vững mạnh, đẩy mạnh sản xuất, thực hiện tốt chính sách pháp luật của Nhà nước và các quy định về hoạt động tôn giáo, thực hiện tốt phương châm “Kính Chúa yêu nước”, sống “Tốt đời đẹp đạo”, giữ vững đạo pháp dân tộc… Với tinh thần ấy, hằng năm, vào các dịp lễ trọng của các tôn giáo như: lễ Noel, lễ Phật đản, những lễ hội tôn giáo của đồng bào Khơme, đồng bào Sêtiêng…Tỉnh uỷ, Ủy ban nhân dân tỉnh, Mặt trậntổ quốc và các đoàn thể đều tổ chức các đoàn đi thăm hỏi, tặng quà, động viên các tổ chức tôn giáo; đồng thời tổ chức họp mặt chức sắc, tu sỹ đứng đầu các tôn giáo mỗi năm 1 lần. Ở cấp huyện, việc họp mặt chức sắc, chức việc tổ chức mỗi năm 2 lần.
 
Thông qua nhiều hình thức hoạt động, Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể đã chuyển tải những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước đến đồng bào có đạo. Các hội: Nông dân, Phụ nữ, Đoàn thanh niên, cựu chiến binh đều có các chương trình ký kết về công tác dân tộc, công tác tôn giáo với Ban Dân tộc và Ban Tôn giáo tỉnh để thực hiện công tác vận động đoàn viên, hội viên là người có đạo. Với nhiều hoạt động lồng ghép, công tác vận động quần chúng, tập hợp đoàn viên, hội viên của các tổ chức, đoàn thể trong vùng có đạo đã đạt những kết quả đáng khích lệ. Hội Nông dân đã tổ chức hơn 500 lớp tập huấn khoa học kỹ thuật cho 300.000 lượt hội viên tôn giáo.
 
Sở Tư pháp phối hợp với Ban Tôn giáo biên soạn, phát hành 1.000 cuốn hỏi-đáp về hoạt động tôn giáo. Hội Phụ nữ xây dựng mô hình chi hội người Kinh kết nghĩa với chi hội người dân tộc, có đạo, mô hình này cũng đã thành lập được 40 câu lạc bộ sức khỏe sinh sản với 1.655 thành viên. Hội cựu chiến binh mở cuộc vận động toàn hội giúp đỡ xóa đói giảm nghèo cho những hội viên có đạo. Đoàn Thanh niên tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng, kiến thức về tôn giáo, dân tộc và tổ chức 84 lớp tập huấn khuyến nông cho 4.896 lượt đoàn viên, hội viên, trong đó có 1.524 thanh niên dân tộc, tôn giáo tham dự…

Cùng với công tác vận động quần chúng, việc củng cố hệ thống chính trị ở vùng có đạo đã được các cấp uỷ đảng, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể đặc biệt quan tâm. Các tổ chức cơ sở đảng đã được củng cố, xây dựng ở tất cả các vùng tập trung đồng bào có đạo. Hằng năm, ngoài việc triển khai, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, đẩy mạnh việc thực hiện xây dựng, chỉnh đốn Đảng, các cấp uỷ còn chú trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, tác phong, đạo đức và phương pháp vận động quần chúng, tạo điều kiện cho đảng viên công tác ở vùng giáo và đảng viên là người có đạo hoàn thành nhiệm vụ. Toàn tỉnh hiện có 22 đảng bộ vùng giáo. Số đảng viên là người có đạo là 79 người.

Việc củng cố hệ thống chính trị vùng có đạo còn được thể hiện qua việc tạo điều kiện cho các vị chức sắc, chức việc tham gia vào Hội đồng nhân dân và Mặt trận tổ quốc các cấp. Toàn tỉnh hiện có 164 vị chức sắc, chức việc là đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp và hàng trăm tín đồ các tôn giáo tham gia điều hành hoạt động ở các thôn, ấp, khu phố. 261 vị chức sắc, chức việc của các tôn giáo tham gia Uỷ ban Mặt trận tổ quốc các cấp. Hội Phụ nữ có 16.612 hội viên có đạo. Đoàn Thanh niên và Hội Liên hiệp thanh niên có 44.853 hội viên có đạo. Hội Nông dân có 20.262 hội viên và Hội Cựu chiến binh có 624 hội viên có đạo.
 
Sự có mặt đông đảo đoàn viên, hội viên là người có đạo và số cán bộ là người có đạo trong các cơ quan của Đảng, chính quyền ngày càng tăng vừa là điều kiện thuận lợi để triển khai các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; vừa góp phần phòng ngừa và đấu tranh có hiệu quả với các thế lực lợi dụng tự do tôn giáo để hoạt động chính trị, chống phá cách mạng./.