Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc, ngày 16-4, dưới sự chủ trì của Tổng thống Cộng hòa Nam Phi Tha-bô Mơ-bê-ki (Thabo Mbeki), Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã tổ chức cuộc họp cấp cao thảo luận chủ đề “Hòa bình và An ninh ở châu Phi” nhằm tìm phương hướng tăng cường quan hệ hợp tác giữa Liên hợp quốc và các tổ chức khu vực, đặc biệt là Liên minh châu Phi (AU), trong việc gìn giữ hòa bình và an ninh quốc tế.
 
 
Tham dự cuộc họp cấp cao này có Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-mun, 4 tổ chức khu vực gồm Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), AU, Liên minh châu Âu (EU), Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS) và đại diện của trên 30 nước châu Phi. Nhiều nguyên thủ quốc gia như tổng thống các nước Nam Phi, Tan-da-ni-a, Xô-ma-li, Cốt Đi-voa, CHDC Công-gô, thủ tướng các nước Anh, I-ta-li-a, Ê-ti-ô-pi và nhiều bộ trưởng, thứ trưởng của các nước thành viên Hội đồng Bảo an và các nước châu Phi đã tham dự thảo luận. Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, Đặc phái viên của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự cuộc họp.

Các nước và tổ chức khu vực tham gia cuộc họp hoan nghênh việc nước Chủ tịch Hội đồng Bảo an và Nam Phi tổ chức thảo luận; cho rằng tình hình thế giới và các cuộc xung đột ở châu Phi hiện nay đòi hỏi Liên hợp quốc và các tổ chức, nhất là AU, tăng cường hơn nữa hợp tác nhằm tận dụng lợi thế so sánh của các tổ chức khu vực trong việc giải quyết các vấn đề hòa bình và an ninh tại khu vực của mình. Các đại biểu đã ghi nhận những thành công trong hợp tác giữa hai bên, song cũng thừa nhận còn nhiều tồn tại và thách thức về các vấn đề kinh phí, nguồn lực, thể chế mà hai bên cần khắc phục nhằm hợp tác tốt hơn nữa, đặc biệt trong các hoạt động gìn giữ hòa bình. Các nước châu Phi nhìn chung nhấn mạnh tầm quan trọng của việc Liên hợp quốc hỗ trợ AU về mặt tài chính, hậu cần, xây dựng năng lực, thiết lập hệ thống cảnh bảo sớm trong việc gìn giữ hòa bình và an ninh ở châu Phi.

Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Thường trực Phạm Bình Minh đánh giá cao ý nghĩa và tính thiết thực của việc tổ chức cuộc thảo luận trong bối cảnh tình hình thế giới đang có nhiều biến đổi, các vấn đề an ninh phi truyền thống ngày càng gia tăng, và việc xử lý các điểm nóng trên thế giới, đặc biệt ở châu Phi, đòi hỏi tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa Liên hợp quốc và các tổ chức khu vực liên quan. Thứ trưởng cho rằng trong khi Hội đồng bảo an vẫn là cơ quan chủ yếu trong việc gìn giữ hòa bình và an ninh quốc tế, tính đặc thù của các tổ chức khu vực khiến hợp tác giữa Liên hợp quốc và các tổ chức này góp phần quan trọng vào việc xử lý nhiều điểm nóng, đặc biệt là ở châu Phi. Thứ trưởng ghi nhận những thành công của AU và các tổ chức tiểu khu vực ở châu Phi trong các hoạt động gìn giữ hòa bình, trung gian hòa giải, bình ổn và tái thiết ở châu lục; hoan nghênh Tuyên bố tháng 11-2006 giữa Liên hợp quốc và AU về kế hoạch tăng cường năng lực cho AU; nêu bật những thành tựu và đóng góp của ASEAN vào việc đảm bảo và củng cố hòa bình và an ninh tại khu vực như trên thế giới.

Về quan hệ giữa ASEAN và Liên hợp quốc, Thứ trưởng đánh giá cao việc ASEAN được trao quy chế Quan sát viên tại Đại hội đồng Liên hợp quốc năm 2006 và việc ký Bản ghi nhớ về hợp tác giữa Liên hợp quốc và ASEAN, cho rằng điều này sẽ góp phần nâng cao hơn nữa vị thế của ASEAN cũng như quan hệ hợp tác giữa ASEAN với Liên hợp quốc trong các vấn đề hòa bình và an ninh. Thứ trưởng Phạm Bình Minh khẳng định, với tư cách là một thành viên tích cực của ASEAN và bạn bè truyền thống của các nước châu Phi, Việt Nam sẵn sàng đóng góp tích cực vào việc tăng cường hợp tác giữa ASEAN và AU vì hòa bình, an ninh, ổn định và phát triển ở hai khu vực và trên thế giới.

Kết thúc cuộc họp, Hội đồng bảo an đã thông qua bằng đồng thuận Nghị quyết 1808, khẳng định quyết tâm triển khai những biện pháp thiết thực nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác giữa Liên hợp quốc và các tổ chức khu vực, đặc biệt là AU, trong quá trình ngăn ngừa, xử lý và giải quyết hòa bình các xung đột; nhấn mạnh tầm quan trọng của các biện pháp xây dựng lòng tin và trung gian hòa giải; khuyến khích các tổ chức khu vực và tiểu khu vực, trong đó có ASEAN, EU, AU và OAS, tăng cường hợp tác với nhau trong việc gìn giữ hòa bình và an ninh quốc tế; ghi nhận vai trò của AU trong việc giải quyết các cuộc xung đột ở châu Phi và kêu gọi tăng cường các hình thức hợp tác đa dạng giữa Hội đồng bảo an Liên hợp quốc và Hội đồng Hòa bình và An ninh của AU./.