Hậu phương trong chiến dịch Điện Biên Phủ - nhìn từ góc độ sức mạnh chính trị - tinh thần
TCCSĐT - Chiến thắng của nhân dân Việt Nam trong chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử và trong chiến cuộc Đông Xuân (1953 - 1954) cách đây 55 năm luôn là đề tài hấp dẫn để nhân dân Việt Nam và bè bạn quốc tế cũng như những nhà nghiên cứu suy ngẫm - suy ngẫm về những điều đã qua để nghĩ về sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hôm nay cũng như cho cả thế hệ mai sau.
Giữa những người không cùng ý thức hệ, quan niệm về hậu phương vẫn có một sự khác nhau nhất định. Nếu chúng ta có một quan niệm toàn diện về hậu phương, nhìn nhận hậu phương không chỉ là nơi cung cấp sức người, sức của cho tiền tuyến, mà còn là nơi tạo dựng và động viên, nhân lên các khả năng của con người để phát huy sức mạnh giành chiến thắng trong chiến tranh, thì đối phương chỉ thuần túy nhìn nhận hậu phương với tính cách là nơi tạo dựng và cung cấp các nguồn lực về vật chất - kỹ thuật cho các hoạt động tác chiến. Đây là điều lý giải vì sao các chiến lược gia quân sự Pháp cách đây 55 năm đã chọn thung lũng Điện Biên Phủ làm điểm quyết chiến chiến lược trong trận chiến Đông Dương, làm nơi thách thức Quân đội nhân dân Việt Nam lên giao chiến với quân đội viễn chinh Pháp. Và kết cục bi thảm đối với quân đội viễn chinh Pháp tại trận chiến Điện Biên Phủ nói riêng và của nước Pháp ở chiến trường Đông Dương nói chung, là một tất yếu.
1. Hậu phương của Việt Minh trong chiến dịch Điện Biên Phủ dưới con mắt của quân đội viễn chinh Pháp
Xét về mặt địa - quân sự, tập đoàn cứ điểm Điên Biên Phủ cách rất xa căn cứ địa Việt Bắc và các vùng tự do của ta. Nếu lấy sân bay Mường Thanh làm tâm, quay một cung bán kính Hà Nội - Điện Biên Phủ sẽ thấy các vùng tự do của ta - hậu phương quốc gia của chiến tranh giải phóng và mặt trận này, đều nằm trên vòng cung đó. Từ Việt Bắc qua Phú Thọ sang Điện Biên Phủ, hoặc qua Lào Cai, Yên Bái đến lòng chảo Mường Thanh; từ Thanh Hóa qua Hòa Bình, Sơn La lên Điên Biên Phủ, mọi nguồn lực vật chất để chi viện cho bộ đội ta tại chiến dịch lịch sử này đều hết sức khó khăn bởi nó vừa xa xôi, lại phải vượt qua một vùng núi non hiểm trở, nhiều đèo dốc. Ngày nay, nếu chúng ta đi từ Hà Nội, hoặc Tuyên Quang lên Điện Biên Phủ bằng ô tô chỉ hết một ngày, thì ở vào thời điểm cách đây 55 năm, đó lại là cả một cuộc hành trình đầy gian truân.
Nghiên cứu lại các cứ liệu lịch sử có thể thấy, sở dĩ Na-va - Tổng chỉ huy quân đội Viễn chinh Pháp ở Đông Dương coi Điện Biên Phủ là cái bẫy, là cỗ máy nghiền nát quân chủ lực của Việt Minh và thách thức Quân đội nhân dân Việt Nam đưa lực lượng chủ lực lên giao chiến tại Điện Biên Phủ đều xuất phát từ cách nhìn thuần tuý về những khó khăn trong việc bảo đảm các nguồn lực nhằm đáp ứng các yêu cầu tác chiến của quân đội ta tại mặt trận này.
Do chúng ta phải vận chuyển một khối lượng vật chất - kỹ thuật lớn từ hậu phương xa xôi lên tiền tuyến hiểm trở bằng phương tiện vận tải thô sơ dùng sức người là chính, trong khi hậu phương tại chỗ là vùng Tây Bắc thì dân cư thưa thớt, nghèo nàn, nên các tướng lĩnh Pháp cho rằng, với thực lực hiện có, cùng những khó khăn về mặt địa - quân sự và phương tiện vận tải, cộng với sự ngăn chặn bằng phi pháo của quân đội Pháp, việc cung cấp sức người, sức của của Việt Minh từ hậu phương ra mặt trận là vô kế khả thi.
Đổ quân xuống Điện Biên Phủ, tướng Na-va xuất phát từ một suy luận lô-gíc rằng: bằng cái bẫy về bảo đảm các nguồn lực về vật chất - kỹ thuật của cho các hoạt động tác chiến, ông ta sẽ nghiền nát lực lượng chủ lực của Việt Minh, qua đó làm thay đổi cục diện chiến trường hiện đang bất lợi cho nước Pháp. Trong lễ giáng sinh năm 1953, Na-va đã tuyên bố rằng, Việt Minh phải sửa lại hoàn toàn kế hoạch (ngụ ý nói về kế hoạch tác chiến chiến lược trong chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954, "...Họ đã đưa quân lên những vùng núi hiểm trở, nghèo xác xơ và đường giao thông hoàn toàn không có. Vận tải của Việt Minh đều toàn đi bộ do những "phu” gánh, nếu có bằng ô tô chăng nữa thì cũng phải đi trên những đoạn đường rất xấu, luôn bị quân Pháp chia cắt" [1]. Còn Giuyn Roa, đại tá không quân Pháp ở chiến trường Đông Dương trong cuốn "Điện Biên Phủ", xuất bản tại Pa-ri năm 1963 thì cho rằng: "Địch khó có đủ sức tiến công vào Điện Biên Phủ, Việt Minh không thể để các sư đoàn của họ sống xa căn cứ của mình lâu được"[2].
Cho đến khi tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ thất thủ, người Pháp mới nhận ra rằng, họ đã sai lầm. Cái sai lầm chết người đưa đến sự thảm bại của nước Pháp ở chính cái nơi mà họ cho là Việt Minh vô kế khả thi trong việc bảo đảm các yếu tố vật chất - kỹ thuật cho tác chiến. Sự thảm bại đó còn là do họ không hiểu nổi yếu tố nào đã chi phối khiến những chiếc máy bay vận tải của quân đội viễn chinh Pháp lại thua những đôi bồ dân công của Việt Minh [3].
2. Thắng lợi tại mặt trận Điện Biên Phủ - thắng lợi từ "sức mạnh lòng dân" của nhân tố hậu phương
Khi quyết định chọn Tây Bắc làm địa bàn chiến lược đọ sức với quân đội viễn chinh Pháp trong chiến cuộc Đông Xuân (1953 - 1954), với điểm quyết chiến chiến lược là Điện Biên Phủ, Bộ Chính trị, Chính phủ, Hồ Chủ tịch và Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam đã nhận thấy những khó khăn lớn mà quân đội và nhân dân ta phải đối mặt. Khó khăn lớn nhất của chúng ta là cung cấp, tiếp tế các nguồn lực vật chất từ hậu phương ra tiền tuyến. Để triển khai chiến dịch chúng ta cần huy động một lực lượng lớn bộ đội, dân công hoạt động dài ngày ở một địa bàn rừng núi hiểm trở, xa hậu phương, trong khi tại đó dân cư lại thưa thớt, kinh tế lạc hậu, nghèo nàn, đời sống của người dân còn hết sức khó khăn.
Trên cơ sở phân tích kỹ lưỡng tình hình và khả năng, Trung ương Đảng và Bộ Tổng tư lệnh thấy rằng, tất cả những khó khăn về cung cấp, cụ thể là phương tiện vận tải dù chỉ bằng sức người và xe đạp thồ là chủ yếu nhưng chúng ta vẫn có thể vượt núi, băng rừng đưa vũ khí, đạn dược, thuốc men, lương thực, thực phẩm kịp thời đến tận tay chiến sĩ. Bởi Trung ương tin ở ý chí quyết chiến quyết thắng, khắc phục khó khăn hoàn thành nhiệm vụ của quân đội, tin vào sức mạnh của toàn dân, ở tinh thần cả nước ra trận, quyết cùng với bộ đội giành thắng lợi trong trận quyết chiến chiến lược này của nhân dân các địa phương vùng căn cứ địa Việt Bắc và các vùng tự do - hậu phương của chiến dịch. Còn nhân dân ta thì tin vào sự nhìn nhận và chỉ đạo sáng suốt của Trung ương Đảng và Chính phủ, tin vào bản chất, truyền thống và những phẩm chất cao quý của “Bộ đội Cụ Hồ”, vì thế mà dốc lòng, dốc sức ra trận, đi dân công phục vụ hỏa tuyến, quyết vượt mọi khó khăn nguy hiểm đem từng cân gạo, viên đạn đến tận tay người chiến sĩ. Và thực tế cho thấy, nhân dân các địa phương ở hậu phương của chiến dịch Điện Biên Phủ đã làm được điều mà kẻ thù của chúng ta cho là không thể.
Thực tiễn hoạt động của nhân dân các địa phương thuộc hậu phương của chiến dịch hơn 170 ngày đêm (tính từ khi các hoạt động triển khai vận chuyển các nguồn lực vật chất - kỹ thuật từ hậu phương ra tiền tuyến), với hơn 18 triệu ngày công của 261.000 dân công hỏa tuyến và bằng 29.991 xe đạp thồ, 500 ngựa, hậu phương đã đưa ra mặt trận 27.400 tấn gạo và toàn bộ nhu cầu về đạn dược, thuốc men, thực phẩm, quân trang, quân dụng [4] từ Liên khu IV và từ Việt Bắc vượt qua mọi khó khăn về khoảng cách, địa hình hiểm trở, sự đánh phá ác liệt của địch để biến cái không thể thành cái có thể. “Nhân dân ta đã làm được một việc vĩ đại hoàn toàn ngoài sức tưởng tượng của địch” [5].
Sức mạnh chính trị - tinh thần của hậu phương còn cho phép chúng ta nhân lên nguồn lực có hạn của một hậu phương với tiềm lực kinh tế còn nhỏ bé nhưng đủ sức cung cấp các nhu cầu lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm, cũng như một phần vũ khí đạn dược cho hoạt động tác chiến. Chính Na-va đã phải thú nhận rằng: "Về phương diện chính trị, Việt Minh là một quốc gia thực sự. Ảnh hưởng của họ lan rộng nửa nước Việt Nam. Hơn nữa, trong vùng quân ta kiểm soát thì họ cũng có một uy quyền bí mật, đánh bại được uy quyền của chúng ta và cho phép họ thu được một phần tài nguyên phụ thêm. Họ thu thuế ở đó, tuyển mộ quân số ở đó, họ chở ra rất nhiều gạo, muối, vải vóc mà họ cần dùng, họ mua sắm những chiếc xe đạp đã có tác dụng rất lớn trong công tác tiếp tế, các loại thuốc men cần thiết cho ngành y tế của họ, những hòn pin điện để lắp vào những quả mìn giết hại binh sĩ Pháp” [6].
Với tầm vóc về sức mạnh chính trị - tinh thần của hậu phương chiến tranh như vậy, sự thắng lợi của quân và dân ta, sự thất bại của quân Viễn chinh Pháp ở mặt trận Điện Biên phủ là hai hiện tượng mang tính tất yếu như nhau. Đại bại ở mặt trận Điện Biên Phủ đã làm cả quân đội Pháp ở Đông Dương, cả nội các Pháp ở Pa-ri và cả người Mỹ ở bên kia bờ đại dương đều bàng hoàng[7]. Một sự bàng hoàng hoàn toàn có thể hiểu được, bởi cả người Pháp và người Mỹ lúc đó cũng như người Mỹ sau này trong cuộc đụng đầu lịch sử với nhân dân Việt Nam ở mảnh đất phía Nam vĩ tuyến 17, đều đã không hiểu đầy đủ về tính chất của hậu phương trong chiến tranh. Cái điểm mạnh của Việt Minh về chính trị - tinh thần trong nhân tố hậu phương tại chiến dịch Điện Biên Phủ chính là cái gót chân Asin của họ.
3. Từ Điện Biên Phủ, nghĩ về xây dựng sức mạnh lòng dân trong chuẩn bị đất nước bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới
Thế giới đương đại mà chúng ta đang sống đã khác rất xa với thế giới của 55 năm trước đây, nhưng những nội dung cần có, những yếu tố, những khía cạnh để tạo dựng sức mạnh chính trị - tinh thần của hậu phương thì vẫn giữ nguyên tính thời sự của nó. Bài học về vai trò của sức mạnh chính trị - tinh thần của nhân tố hậu phương đối với thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây 55 năm đã và đang đặt ra cho Đảng, Nhà nước và nhân dân ta nhiều vấn đề cần nghiên cứu và giải quyết. Có rất nhiều việc chúng ta phải tiến hành theo tinh thần của Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ tám (khóa IX) và Văn kiện Đại hội X của Đảng về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Xây dựng sức mạnh chính trị - tinh thần trong sức mạnh tổng hợp quốc gia - thực chất là xây dựng sức mạnh lòng dân nhằm thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới. Để là được điều này, thiết nghĩ cần tiến hành thực hiện tốt một số nội dung nhằm tạo ra sức mạnh lòng dân trong chuẩn bị đất nước bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.
Một là, bằng những biện pháp tích cực nhất, tiến hành các hoạt động xây dựng ý thức bảo vệ Tổ quốc cho mọi người dân Việt Nam. Nội dung xây dựng ý thức bảo vệ Tổ quốc cho các tầng lớp nhân dân bao gồm nhiều vấn đề, trong đó mấu chốt là: 1) Bồi dưỡng nâng cao giác ngộ về truyền thống giữ nước bất khuất, lòng tự hào dân tộc, đem tinh thần và ý chí quyết tâm giữ nước trước đây vào công cuộc bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa cho mọi người dân Việt Nam trong thời kỳ mới; bồi dưỡng nâng cao nhận thức cho toàn dân về mối quan hệ không thể tách rời giữa Tổ quốc và chủ nghĩa xã hội trong thời đại hiện nay. 2) Xây dựng, củng cố thái độ, tình cảm, niềm tin đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa cho mọi tầng lớp nhân dân, theo đó cần xây dựng tình yêu đối với quê hương, đất nước và chế độ xã hội chủ nghĩa; bồi dưỡng cho mọi người có tình cảm trong sáng, niềm tin vững chắc vào thắng lợi của sự nghiệp đổi mới, sức mạnh của đất nước, của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, của lực lượng vũ trang nhân dân; sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa hiện nay. 3) Xây dựng ý chí quyết tâm bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa cho mỗi người dân Việt Nam. Biện pháp có nhiều nhưng trực tiếp và trước hết là tiến hành tốt các chương trình giáo dục quốc phòng cho tất cả các đối tượng theo tinh thần chỉ thị của Bộ Chính trị.
Hai là, với những biện pháp phong phú và đa dạng, thực hiện một cách chủ động và tích cực để xây dựng cho được khối đại đoàn kết toàn dân tộc theo tinh thần Nghị quyết Đại hội X của Đảng. Trong đó: 1) Đặt trọng tâm vào xây dựng các tổ chức cơ sở đảng trong sạch vững mạnh và chính quyền các cấp vững mạnh toàn diện, để trong mọi hoàn cảnh các tổ chức lãnh đạo và bộ máy quản lý, các tổ chức chính trị xã hội đó đủ sức tập hợp, quy tụ được sự đoàn kết thống nhất trong các tầng lớp nhân dân tại địa phương thực hiện có chất lượng các yêu cầu, nội dung cụ thể của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. 2) Xây dựng hệ thống chính trị, xây dựng Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân vững mạnh. Đây là các tổ chức có vai trò to lớn trong việc tập hợp, cổ vũ, động viên các thành viên thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. 3) Mở rộng dân chủ xã hội chủ nghĩa đi đôi với việc tăng cường trật tự kỷ cương, giải quyết tốt các vấn đề dân tộc, tôn giáo theo đúng quy định của pháp luật và các chính sách của Nhà nước đảm bảo cho sự thống nhất ý chí trong xã hội; ngăn chặn những kẻ lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để chống Đảng, chống Nhà nước ta.
Ba là, chăm lo tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần, văn hóa của nhân dân, làm tốt công tác xóa đói, giảm nghèo, đặc biệt là nhân dân ở các vùng đặc biệt khó khăn (vùng sâu, vùng xa, cùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng căn cứ kháng chiến cũ, biên giới, hải đảo), đồng bào tại các địa phương thuộc các địa bàn chiến lược có tầm quan trọng trong chiến lược bảo vệ Tổ quốc.
Việt Nam và các chỉ số  (17/04/2009)
Việt Nam và các chỉ số  (17/04/2009)
Hội đồng Nga - NATO hoạt động trở lại  (17/04/2009)
Việt Nam cần tận dụng cơ hội hiện nay để đào tạo lại lực lượng lao động  (17/04/2009)
Lên núi trồng rừng  (17/04/2009)
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên