Chỉ tiêu tăng trưởng hạ, quyết tâm càng phải cao
TCCSĐT - Đầu tháng 4 vừa qua, trong khi xem xét tình hình kinh tế - xã hội Quý I năm 2009 và bàn về các nhiệm vụ, giải pháp từ nay đến cuối năm 2009, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã đề ra chủ trương điều chỉnh kế hoạch năm 2009 theo hướng hạ bớt các chỉ tiêu tăng trưởng. Cũng theo tinh thần đó, Chính phủ đã thống nhất trình Quốc hội, vào kỳ họp sắp tới, xin điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2009 còn khoảng 5% và bội chi ngân sách nhà nước dưới 8% GDP (con số tương ứng của kế hoạch trước đây là 6,5% và dưới 5%).
Sự điều chỉnh này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong tình hình kinh tế nước ta đang suy giảm nghiêm trọng và cuộc đấu tranh chống lại nó cũng diễn ra rất quyết liệt. Dư luận bày tỏ sự đồng tình rộng rãi. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng mức điều chỉnh đó vẫn còn cao, khó thực hiện được; hoặc ngược lại, lo ngại mức điều chỉnh ấy sẽ dẫn đến khó khăn cho việc thực hiện kế hoạch năm 2010, năm cuối cùng của kế hoạch 5 năm 2006-2010 nhằm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển, …
Vậy cần nhận thức như thế nào cho đúng? Cơ sở nào để xây dựng kế hoạch và điều chỉnh kế hoạch?
Một kế hoạch trước hết phải được xây dựng trên cơ sở đánh giá đúng tình hình và dự báo đúng các khả năng phát triển. Đó là yêu cầu khách quan nhất. Một kế hoạch còn phải được xây dựng trên cơ sở quyết tâm cao của cơ quan lãnh đạo và quản lý, tất nhiên quyết tâm đó không xuất phát từ chủ nghĩa duy ý chí mà là từ nhận biết một cách đúng đắn thực tiễn và các điều kiện khách quan để đề ra các giải pháp hợp lý.
Tình hình thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội trong Quý I năm 2009 cho thấy cả hai mặt: sự sụt giảm và những dấu hiệu chuyển biến tích cực. Sự sụt giảm thể hiện ở tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) chỉ đạt 3,1% là mức thấp nhất trong hàng chục năm qua; xuất khẩu chỉ tăng 2,4%; công nghiệp tăng 2,1%; khách du lịch nước ngoài giảm 16,1% so với cùng kỳ năm 2008; đầu tư nước ngoài chậm lại… Còn những dấu hiệu chuyển biến tích cực lại được thể hiện ngay trong quá trình sụt giảm đó: trong điều kiện rất nhiều khó khăn, GDP vẫn duy trì được mức tăng trưởng 3,1% và nước ta là một trong 12 nước trong khu vực giữ được mức tăng trưởng; kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lãi suất, tỷ giá được điều hành linh hoạt, lạm phát tiếp tục đuợc kiềm chế; các cân đối được giữ vững, nhập siêu giảm; sản xuất nông nghiệp phát triển thuận lợi trên tất cả các mặt; sản xuất công nghiệp và xây dựng tăng dần trong tháng 2 và tháng 3; dịch vụ tăng trưởng cao hơn khu vực nông nghiệp và công nghiệp. Ngoài ra, an sinh xã hội được tăng cường, quốc phòng và an ninh được giữ vững; công tác phòng, chống tham nhũng, cải cách hành chính tiêp stục có chuyển biến tốt…
Có thể khẳng định, những kết quả tích cực nêu trên sẽ là cơ sở cho các quý sau trong năm 2009 có thể phấn đấu đạt mức tăng trưởng cao hơn. Và nếu đà suy giảm kinh tế của nước ta đã chạm đáy vào quý I năm 2009 thì sự tăng trưởng trong các quý sau của năm phải được coi là những dấu mốc của quá trình phục hồi. Như vậy, mức điều chỉnh cho năm 2009 khoảng 5% (tức 5% hoặc trên dưới một ít) là có ý nghĩa rất tích cực.
Một trong những khó khăn lớn hiện nay là làm thế nào để đánh giá thật đúng tình hình và các khả năng biến diễn của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu và tác động của nó đến kinh tế nước ta. Ở đây, không chỉ chúng ta mà các tổ chức kinh tế tài chính hàng đầu thế giới cũng bộc lộ sự bị động. Thí dụ: tháng 10 năm 2008, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo tốc độ tăng trưởng GDP năm 2009 của thế giới là 2,2%; nhưng đến tháng 1/2009, dự báo chỉ tăng 0,5% và đến cuối tháng 3 năm 2009, lại dự báo âm 5%. Tương tự, nếu tháng 11-2008, Ngân hàng thế giới (WB) dự báo tốc độ tăng trưởng GDP của thế giới năm 2009 là 0,9% thì đến tháng 3/2009, dự báo âm 1,7%.
Đối với kinh tế nước ta, những dự báo của các cơ quan nước ngoài cũng lên xuống thất thường như vậy. Theo thông tin gần đây nhất, giữa các cơ quan đó đã có sự đánh giá rất khác biệt nhau. Dự báo lạc quan nhất (WB) cho rằng tăng trường GDP của Việt Nam trong năm 2009 là 5,5%; trái lại. dự báo bi quan nhất (EU) cho rằng mức tăng trưởng đó chỉ là 0,3%. Các dự báo khác đều xoay quanh con số từ 3 đến 4-5%. Thực tiễn sẽ chứng minh dự báo nào là đúng và xác suất đúng sẽ là bao nhiêu. Song trong tình hình khủng hoảng kinh tế toàn cầu diễn biễn phức tạp, những dự báo nêu trên cần được coi là những thông tin tham khảo.
Trong khi đề ra mức tăng trưởng được điều chỉnh là khoảng 5%, Đảng và Chính phủ cũng xác định mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến cuối năm là: Tập trung mọi nỗ lực ngăn chặn suy giảm kinh tế, phấn đấu duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế hợp lý, bền vững, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, chủ động phòng ngừa lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, trong đó mục tiêu hàng đầu là ngăn chặn suy giảm kinh tế. Điều đó có ý nghĩa là chỉ tiêu tăng trưởng tuy có hạ xuống song quyết tâm ngăn chặn suy giảm kinh tế vẫn rất cao.
Vấn đề đặt ra trước mắt là thực hiện kiên quyết và đồng bộ hệ thống các nhóm giải pháp đã được đề ra trong kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2009 mà thực tế những tháng đầu năm cho thấy là có hiệu quả thiết thực. Đó trước hết là các nhóm giải pháp về thúc đẩy sản xuất kinh doanh và xuất khẩu, về kích cầu đầu tư và tiêu dùng, về chính sách tài chính, tiền tệ và về các lĩnh vực bảo đảm an sinh xã hội,…
Có thể lấy một trong những thí dụ cụ thể là gói kích cầu 17.000 tỷ đồng (tương đương 1 tỉ USD) để bù 4% lãi suất vay vốn. Đây là một khoản tiền khá lớn so với ngân sách nhà nước eo hẹp nhưng lại là quá nhỏ so với GDP của nước ta (bằng khoảng 1,13% GDP năm 2008). Thế nhưng, với số tiền 17.000 tỉ đồng làm “vốn mồi” ấy, nền kinh tế sẽ huy động được 420.000 tỉ đồng vào sản xuất kinh doanh. Có nghĩa là tác dụng kích cầu không chỉ dừng lại ở khoảng 1,13% mà bằng 27,8% GDP của nước ta. Đủ thấy, sức lan toả của gói kích cầu này là lớn!
Chỉ tiêu tăng trưởng tăng lên hay hạ xuống đều có ý nghĩa quan trọng. Song điều quan trọng hơn là phải thực hiện bằng được những giải pháp hữu hiệu để hiện thực hoá các chỉ tiêu tăng trưởng được điều chỉnh khi Quốc hội đồng ý./.
Phê duyệt Hiệp định Đối tác kinh tế giữa Việt Nam và Nhật Bản  (16/04/2009)
Chỉ tiêu tăng trưởng hạ, quyết tâm càng phải cao  (16/04/2009)
Năm nay, bão nhiều hơn và lũ sớm hơn  (16/04/2009)
Đà Nẵng xây dựng đội ngũ cán bộ từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới  (16/04/2009)
Thương mại và thị trường miền núi những năm đổi mới  (16/04/2009)
Thương mại và thị trường miền núi những năm đổi mới  (16/04/2009)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên