Du lịch Việt Nam: Nhân việc cấp bách tính chuyện lâu dài

Vương Nhật Thành
13:57, ngày 09-02-2009

Khách du lịch thăm quan
Văn Miếu, Quốc Tử Giám -  Ảnh: Duy Tường
Lẽ thường, khi hầu bao bị lép, các nhu cầu con người đều phải tiết giảm. Suy thoái kinh tế động chạm tới mọi khía cạnh đời sống xã hội. Nhưng mức độ ảnh hưởng lại rất khác nhau, cả với từng quốc gia, với từng ngành, nhóm lợi ích và cá nhân cụ thể. Có cách gì để khắc phục, hạn chế tác hại, phát huy lợi thế và phục hồi tăng trưởng?

Phòng ngừa bao giờ cũng hơn khắc phục. Để khi xảy ra biến cố bất lợi, đỡ lúng túng và giảm thiểu được thiệt hại. Phòng ngừa tốt, còn có thể biến nguy thành an. Đối với ngành kinh tế tổng hợp du lịch, rất mẫn cảm với thời cuộc, lại càng cần kế “sâu rễ, bền gốc” để thích ứng với những tác động không thuận và vững bền phát triển. Trước hết và quan trọng hơn cả, là phải đặt lại cả về tư duy và nhận thức. Phải chăng lô-gic và biện chứng là các ngành, các lĩnh vực cần “phục vụ” cho du lịch phát triển trước để rồi, trên nền tảng đó, du lịch “phục vụ” trở lại đối với xã hội và con người chứ không chỉ theo nghĩa hẹp và lối mòn tư duy thời gian qua? Nhận thức có thông, mới có chính sách, chương trình, kế hoạch phù hợp và bố trí nguồn lực thực hiện.

Trong hệ thống chính sách hiện hành, những gì cần điều chỉnh, có tác động tức thời để chặn đà suy giảm khách du lịch hiện nay? Việc cung ứng hàng hóa, dịch vụ cho khách quốc tế đến Việt Nam (inbound) thực chất là hoạt động xuất khẩu tại chỗ. Các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, vận chuyển đã liên kết lại, cam kết cùng giảm giá từ 30% đến 50% và tăng chất lượng dịch vụ để hút khách đến. Đối với Nhà nước, để phát huy lợi thế so sánh có được và tăng khả năng cạnh tranh quốc gia, xin mạnh dạn đề xuất mấy ý sau:

- Cho phép hoàn thuế giá trị gia tăng cho các doanh nghiệp lữ hành quốc tế đón khách inbound trong cả năm 2009 như chính sách áp dụng với các doanh nghiệp có hàng hóa khuyến khích xuất khẩu.

- Trợ giá 10% cho dòng sản phẩm tham quan, nghỉ dưỡng (chiếm 65% lượng khách inbound hằng năm) đối với các hãng lữ hành quốc tế có hợp đồng đón đoàn từ 05 khách, độ dài tour từ 5 ngày trở lên (trong đó có 4 đêm nghỉ tại các cơ sở lưu trú dulịch) trong thời gian từ01-02-2009 đến hết 31-12-2009.

- Trợ giá 10% - 15% cho dòng sản phẩm Hội nghị, Khen thưởng, Hội thảo, Triển lãm (Meeting Insentive Conference Exhibition - MICE) đối với các doanh nghiệp lữ hành quốc tế có các hợp đồng đón từ 50 khách inbound trở lên trong thời gian từ 01-02-2009 đến 31-12-2009; riêng trong mùa thấp điểm, từ tháng 5 đến hết tháng 8 năm 2009, mức trợ giá có thể là 20% - 30%. Nguồn trợ giá được khấu trừ vào tổng số thuế phải nộp của chính các doanh nghiệp đó.

- Đơn giản hóa thủ tục cấp visa tại các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài (và cả việc giám sát, kiểm tra mức lệ phí cấp visa theo quy định hiện hành tại một số nơi). Tuyên truyền rộng rãi, rút ngắn thời gian cấp visa tại các cửa khẩu quốc tế; hiện đại hóa các trang thiết bị cho lực lượng làm việc tại các đầu mối xuất nhập cảnh; sớm thực hiện cấp visa trực tuyến; xem xét tiếp tục đơn phương miễn thị thực cho công dân một số thị trường trọng điểm vào Việt Nam du lịch.

Để kích cầu tiêu dùng thông qua du lịch nội địa, tăng lưu chuyển và hiệu quả sử dụng vốn trong xã hội, có thể cho phép các doanh nghiệp, đơn vị dịch vụ công, khi tổ chức đi du lịch, nghỉ mát trong nước cho người lao động của đơn vị mình được hạch toán toàn bộ khoản tiền đó vào phí, không tính vào lợi nhuận của các đơn vị này khi tính thuế. Ngoài ra, những ngày nghỉ theo quy định, nếu chỉ ngắt quãng một ngày làm việc, nên cho phép được liền mạch và làm việc bù vào ngày nghỉ của tuần kế tiếp gần nhất. Các kỳ nghỉ của học sinh, sinh viên cũng cần xem xét cho phù hợp hơn. Được thế, sẽ tạo thêm thời gian cho người lao động nghỉ ngơi cùng gia đình, kích thích đi du lịch.

Cùng với thương hiệu “điểm đến an toàn, thân thiện”, chính sách hoàn thuế và trợ giá khi được áp dụng sẽ là một lợi thế lớn trong cạnh tranh, hút khách đến Việt Nam. Đương nhiên, chất lượng sản phẩm mới đóng vai trò quyết định và bảo đảm phát triển bền vững trong tương lai. Sản phẩm du lịch, theo nghĩa tổng quát và tiêu biểu nhất do Tổ chức Du lịch thế giới (WTO) đưa ra, gồm 3 yếu tố cấu thành: kết cấu hạ tầng (hệ thống giao thông tiếp cận điểm đến); tài nguyên du lịch (tự nhiên, nhân văn); cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch cùng dịch vụ cung ứng (khách sạn, nhà hàng, phương tiện các loại... và nhân lực - yếu tố con người). Đó cũng chính là sản phẩm “nền” để khu vực kinh doanh du lịch phát triển các loại hình sản phẩm thương mại đa dạng, phù hợp từng đối tượng khách.

Muốn nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, có quá nhiều việc phải làm, chỉ xin nêu một vài khía cạnh. Trong khuôn khổ chương trình đầu tư phát triển hạ tầng du lịch, giai đoạn 2001 - 2008, Nhà nước đã rót trên 4.000 tỉ đồng (khoảng 40% tổng vốn đầu tư từ ngân sách trung ương được phê duyệt cho giai đoạn 2001 - 2010) cho 200 dự án phát triển du lịch lớn nhỏ (gồm cả 30 khu du lịch chuyên đề và 4 khu du lịch tổng hợp quốc gia) thuộc 62 địa phương trong cả nước. Các dự án này phần nhiều vẫn đang dở dang, chủ yếu vì thiếu vốn, đang rất cần (trước mắt) cấp đủ số 60% kinh phí đã duyệt còn lại. Đối với các doanh nghiệp thực hiện cải tạo, nâng cấp, mở rộng năng lực, quy mô các cơ sở lưu trú từ 3 sao trở xuống, cơ sở vui chơi giải trí, nhà hàng và các dự án du lịch vừa và nhỏ khác còn đang dở dang vì thiếu vốn, thì cần cho họ được hưởng chế độ tín dụng ưu đãi (như đối với các đơn vị sản xuất hàng xuất khẩu). Như thế, cùng với việc đầu tư xây mới các khu du lịch cao cấp, khách sạn 4 - 5 sao theo quy hoạch đã duyệt, sẽ giải quyết tốt nhu cầu về buồng, phòng vào mùa cao điểm, tránh được việc tăng giá khách sạn tự phát, thiếu gắn kết lữ hành - khách sạn, làm giảm tính cạnh tranh trong thu hút khách inbound vừa qua.

Không như hàng hóa thương mại khác, sản phẩm du lịch đòi hỏi tiêu dùng tại chỗ. Đặc thù này đặt ra nhiệm vụ rất lớn cho việc định hướng thị trường và công tác xúc tiến, quảng cáo. Trong bối cảnh hiện nay, cần tập trung nguồn lực, xúc tiến mạnh thị trường gần, có chi phí vận chuyển chiếm tỷ lệ thấp trong giá tour đến nước ta như Trung Quốc (gồm cả Hongkong, Macao và Đài Loan) và nội khối ASEAN. Đây cũng là những thị trường nguồn chiếm tới 30% tổng số khách quốc tế đến Việt Nam. Thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc cũng chiếm trên 20% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam, chi tiêu lớn, cần coi trọng và tổ chức các hoạt động xúc tiến chuyên đề, có trọng tâm và thường xuyên. Các thị trường xa hơn, có tỷ trọng khách đến Việt Nam lớn, độ dài tour cao như Bắc Mỹ, Tây Âu, Ô-xtrây-li-a và thị trường Nga đang lên. Mặc dù bị ảnh hưởng nặng hơn của suy thoái kinh tế toàn cầu, nhưng đối tượng khách tiềm năng còn rất lớn, cần duy trì, củng cố hình ảnh điểm đến, đáp ứng cả yêu cầu trước mắt và lâu dài.

Đó là về định hướng thị trường, còn xúc tiến, quảng cáo ra sao lại là cả vấn đề cần rất nhiều nỗ lực để đổi mới nội dung và cách làm... Xin phép được đề cập tới vào dịp khác.

Trong bối cảnh một thế giới đa cực và hội nhập, sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các nền kinh tế ngày càng lớn. Du lịch là một ngành kinh tế “ngang”, liên quan hầu hết các lĩnh vực đời sống xã hội, sẽ phải đương đầu nhiều hơn với những thách thức mới, hoặc nội tại, hoặc mang tính khu vực, toàn cầu. Phân tích, dự báo khoa học, xây dựng được những sản phẩm du lịch chất lượng tốt, phù hợp yêu cầu từng thị trường và tổ chức xúc tiến hiệu quả là kế sách căn bản, dài lâu. Có vậy, ngành kinh tế mũi nhọn du lịch nước ta mới phát triển bền vững, có tỷ trọng đóng góp xứng đáng trong GDP, tạo nhiều việc làm, thu hút lao động, thực hiện tốt vai trò thúc đẩy các ngành, lĩnh vực khác phát triển theo và góp phần bảo đảm an sinh xã hội./.