Đồng chí Giô-xê Ra-mon Phéc-nan-đéc
 (Jose Ramon Fernandez).

TCCSĐT - Ngày 19-4-1961, dưới sự lãnh đạo của Tổng tư lệnh Phi-đen Ca-xtrô, nhân dân Cu-ba đã lập nên chiến công hiển hách: chỉ sau 72 giờ chiến đấu, tại bãi biển Hi-rôn, quân dân Cu-ba đã tiêu diệt và bắt sống hoàn toàn 1.500 tên lính đánh thuê do Mỹ dày công huấn luyện và trang bị hiện đại. Nhân dân các nước yêu chuộng hoà bình nói chung và Cu-ba nói riêng coi chiến thắng này như một “Điện Biên Phủ” bởi đây là thất bại đầu tiên của đế quốc Mỹ ở Tây bán cầu.

Nhân dịp kỷ niệm 50 ngày Chiến thắng Hi-rôn (19-4-1961 - 19-4-2011), chúng tôi xin lược dịch bài trả lời phỏng vấn của đồng chí Giô-xê Ra-mon Phéc-nan-đéc (Jose Ramon Fernandez), Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban Olimpic Quốc gia Cu-ba, người đã cùng Tổng tư lệnh Phi-đen Ca-xtrô tham gia chỉ huy trận đánh có tính lịch sử này của cách mạng Cu-ba được đăng trên trang http://www.gi-ron.co.cu/.

Thời kỳ trước cách mạng thành công

Tôi là người tỉnh Xan-ti-a-gô Đê Cu-ba, học tại trường tiểu học La-xan sau khi nhà lãnh đạo Phi-đen tốt nghiệp 1 năm. Khi học tại đây, tôi đã được nghe nhiều chuyện về Phi-đen, những câu chuyện mà học trò chúng tôi hay nói, bình luận với nhau như: Phi-đen là một học sinh xuất sắc trong thể thao, rất thông minh và có kỷ luật…

Sau khi tốt nghiệp Học viện quân sự Cu-ba năm 1947, tôi trở thành giảng viên của trường. Năm 1954-1955, tôi học khoá cơ bản về pháo binh. Một năm sau, tôi sang Mỹ tham gia khoá đào tạo chuyên sâu về pháo binh của Trung tâm huấn luyện pháo binh của lục quân và lính thủy đánh bộ tại Phót Xin (Fort Sill).

Sau cuộc đảo chính quân sự do Ba-ti-xta tiến hành ngày 10-3-1952, tôi và một số sỹ quan khác bắt đầu có ý đồ chống lại chế độ độc tài Ba-ti-xta. Vì lý do này, tôi đã bị xét xử vào ngày 4-4-1956 và sau đó bị đưa ra nhà tù tại đảo Thông (nay là đảo Thanh Niên), bị đánh đập và đối xử tàn tệ.

Những ngày ở tù, tôi gặp chuyện rắc rối khi tố cáo một tên lính vì tên này vô cớ bắn tù nhân. Tên đại tá khát máu Ca-xti-giát cho người tìm tôi. Khi tôi đến văn phòng của hắn, hắn nói: “Tôi vừa nói chuyện với Ba-ti-xta. Ông ấy nói nếu anh trở lại quân đội, ít nhất cũng được mang hàm đại tá”. Tôi từ chối và tranh cãi với hắn, rốt cuộc tên đại tá nổi cáu rồi gọi lính điệu tôi ra ngoài. Sau đó, hắn tiếp tục cho gọi tôi và cố thuyết phục nhưng tôi từ chối việc trở lại quân đội Ba-ti-xta.

Tôi làm quen với các thành viên của Phong trào 26 tháng 7 do Phi-đen tổ chức và lãnh đạo và đã được cử làm giáo viên quân sự. Chúng tôi đã tổ chức một tiểu đoàn. Các buổi lên lớp khi đó không có vũ khí hoặc giáo cụ mà chỉ dạy “chay”. Đối với tôi như vậy thật khó vì làm sao tôi có thể dạy “nín thở, bóp cò”, ngắm bắn được…

Ban đầu, tôi không muốn gia nhập Phong trào 26 tháng 7. Tôi đọc sách và nói chuyện nhiều với Li-ô-nen Xô-tô (Lionel Soto)(1) và dần hiểu ra được nhiều điều về chủ nghĩa Mác, về lý luận giá trị thặng dư. Tôi cũng tiếp xúc với một số chiến sỹ từng tham gia đổ bộ trên tàu Gran-ma như Ác-tơ (Hart), Kinh-tin Pi-nô (Quintin Pino), Mông-ta-nê (Montane) và Cô-gia-đô (Collado).

Chiến thắng Hi-rôn

Về cuộc đổ bộ lên bãi biển Hi-rôn, ngay từ đầu, cả về chiến lược và chiến thuật đều do Phi-đen đảm nhiệm với sự phối hợp chặt chẽ của quần chúng nhân dân, các lực lượng của Bộ Nội vụ, các Ủy ban bảo vệ cách mạng… tất cả góp phần làm cho quân địch thất bại chỉ sau một thời gian rất ngắn. Phi-đen đã thể hiện tài thiên phú của một nhà chiến lược biết sử dụng hiệu quả lực lượng vũ trang, pháo binh, pháo phòng không, xe tăng, súng cối. Phi-đen phán đoán một cách đúng đắn việc phải tấn công địch từ mọi hướng, ra quyết định đúng lúc, đánh đòn quyết định vào các tàu chở quân đổ bộ, cắt đứt hậu cần, cô lập lực lượng địch trên đất liền.

Rạng sáng 17-4-1961, tôi được tin địch bổ bộ lên khu vực Xi-ê-na-ga Đê Xa-pa-ta (vùng đầm lầy Xa-pa-ta). Phi-đen giao nhiệm vụ cho tôi đến Trường Cán bộ chỉ huy dân quân tỉnh Ma-tan-xát (Matanzas). Khi tiểu đoàn 225 của lực lượng dân quân quốc gia Cách mạng (MNR) của tỉnh Ma-tan-xát vừa đến, tôi ra lệnh phải chiếm Pan-pi-tê (Palpite), điều mà lúc đó chưa thể thực hiện được. Ít phút sau, lực lượng của Trường Cán bộ Chỉ huy dân quân cũng xuất hiện. Đến 11 giờ thì giành lại được Pan-pi-tê và Xop-li-gia (Soplillar). Nghe tin thắng trận, Phi-đen mừng rỡ nói lớn: Chúng ta đã thắng! Khi mà bọn địch hiểu ra việc cần phải bảo vệ khu Pan-pi-tê thì chúng đã thua mất rồi!

Tôi giao nhiệm vụ cho lực lượng của Trường Cán bộ chỉ huy dân quân tấn công Bãi biển dài (Playa Larga). Máy bay địch bắn phá dữ dội trên đầu trong khi chúng tôi không có hầm hào, không được không quân, pháo binh, súng cối yểm trợ. Cuộc chiến đấu tại Bãi biển dài rất khó khăn và đẫm máu.

Kẻ địch áp dụng tốt chiến thuật và các vị trí chiến đấu của chúng rất mạnh. Chúng có công sự, hầm hào tốt. Xe tăng và đại bác bắn thấp sát mặt đường nơi chúng tôi buộc phải tiến qua.

Một yếu tố khá ngẫu nhiên nữa là, trong lực lượng của quân xâm lược, có hai sỹ quan chỉ huy là Giô-xê Pê-rét và Éc-nêi-đô Ô-li-va, từng là học viên của tôi hồi những năm 50 (thế kỷ XX). Phải nói rằng đây là những kẻ hiểu biết, biết lợi dụng tốt địa hình, địa vật nhưng chúng đã không học được những điều tôi đã cố gắng dạy chúng ngày xưa. Chúng đứng vào hàng ngũ chống lại nhân dân. Hơn nữa, ở đây chẳng ai chờ đón chúng như những “Nhà giải phóng” mà người ta chờ đón một đội quân rất dũng cảm mà chúng hoàn toàn không biết về họ.

Buổi chiều, Phi-đen đến Nhà máy đường Ô-xtrây-li-a, lệnh cho tôi chỉ huy tác chiến ở Pan-pi-tê. Các đơn vị pháo binh, pháo phòng không, mặt đất, xe tăng bắt đầu đến Nhà máy đường. Chúng tôi lắp đặt, bố trí pháo binh để tác chiến. Sau khi Phi-đen đến Pan-pi-tê, đạn pháo địch nổ ngay trong sân nhà máy đường. Chúng tôi đề nghị Phi-đen không nên ở đây nhưng Phi-đen không những không rút mà vẫn đứng trong hàng đầu lực lượng chiến đấu. Sự hiện diện của Phi-đen là nguồn cổ vũ tinh thần chiến đấu rất lớn cho các chiến sỹ...

Đã bắt đầu có sự yểm trợ của pháo binh, xe tăng và súng cối khi chúng tôi tiến quân vào Bãi biển dài. Cuộc chiến đấu ở Bãi biển dài kết thúc vào giữa sáng ngày 18-4. Lực lượng của Trường Cán bộ Chỉ huy dân quân đã đảm đương vai trò nổi bật. Nhờ vậy, đường tiến quân đến bãi biển Hi-rôn được khai thông. Ngày 19-4, chúng tôi chiếm Xang Blát (San Blas), Cayo Ramona và En Ê-lê-chan (El Helechal). 5 giờ 30 chiều ngày 19-4, chúng tôi tiến vào bãi biển Hi-rôn.

Tại sao Mỹ không tham gia trực tiếp vào cuộc xâm lược Cu-ba?

Để trả lời câu hỏi này, giả thiết của tôi là: các điều kiện ở Cu-ba không thuận lợi cho Mỹ trực tiếp can thiệp quân sự vào Cu-ba. Bởi, thứ nhất, nhân dân Cu-ba chào đón và ủng hộ Cách mạng, hoan nghênh Phi-đen, hoan nghênh Quân đội khởi nghĩa. Thứ hai, Cách mạng Cu-ba nhận được sự ủng hộ của các phong trào quần chúng ở các nước Trung Mỹ, Vê-nê-xu-ê-la và nhiều nước khác. Chính phủ Mỹ chỉ đạt được việc gây sức ép buộc một số chính phủ bạn bè hoặc một số nước vốn phụ thuộc Mỹ cắt quan hệ quan hệ ngoại giao với Cu-ba.

Theo tài liệu của CIA, cựu Tổng thống Mỹ D.Ai-xen-hao, ngày 17-3-1960, đã thông qua việc thực hiện một số hành động chống Cu-ba, điều này tạo điều kiện cho những kẻ đã từng giết hại nhân dân Cu-ba trốn chạy sang Mỹ. Ngoài ra, Mỹ còn âm mưu lập một chính phủ để đương đầu với các lực lượng cách mạng cầm quyền.

Một hành động khác nữa là việc Mỹ đã xem xét đến việc thủ tiêu Phi-đen, Ra-un, Chê (Ghê-va-đa) trong cùng một thời điểm. Họ không nghĩ đến một cuộc can thiệp trực tiếp. Sau này, cựu Tổng thống J.F.Ken-nơ-đy nói rằng, một cuộc can thiệp trực tiếp sẽ có thể là một vụ bê bối rất lớn. Hơn nữa, nếu can thiệp trực tiếp thì quân Mỹ phải đối mặt với một quân đội nhân dân đã từng đánh đổ chế độ độc tài 80 nghìn quân đã nhận được cố vấn và sự hỗ trợ về hậu cần của Mỹ.

Tôi có ý kiến trùng với Phi-đen khi cho rằng, chúng ta thật hạnh phúc khi giành được chiến thắng trong một thời gian ngắn. Nhân dân Cu-ba là bất khả chiến bại. Tôi hoàn toàn tin tưởng vào những giá trị và vai trò lãnh đạo của Phi-đen. Tôi xin nhắc lại, thật hạnh phúc bởi chúng ta giành được chiến thắng vì nếu không, sẽ có hàng trăm nghìn người thiệt mạng, trong đó có cả người Mỹ. Và nếu vậy, chắc chắn Cu-ba đã có thể là một Việt Nam, trước Việt Nam thắng Mỹ sau này.

Cuộc chiến đấu tại Hi-rôn đã đem lại cho học thuyết quân sự Cu-ba nhiều yếu tố làm phong phú quan niệm về chiến tranh nhân dân với những nét đặc thù: khu vực tác chiến rộng lớn, các lực lượng và quân đội tham gia, đặc điểm của kẻ thù, và đặc biệt là sự tham gia rộng rãi của quần chúng nhân dân và nhân dân ý thức được họ đang bảo vệ điều gì.

Hi-rôn là một cảnh báo đúng lúc đối với Mỹ về một sai lầm nghiêm trọng nếu như một ngày nào đó có ý đồ xâm lược Tổ quốc Cu-ba./.
 
---------------------------------------------------------

(1) Lionel Soto, tiến sỹ triết học, sáng lập viên của Đảng Cộng sản Cu-ba; nguyên Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Cu-ba, Đại sứ Cu-ba tại Liên Xô.