Hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá, Chương trình Phòng chống tác hại thuốc lá Quốc gia - Bộ Y Tế tổ chức Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá từ ngày 25-5 đến ngày 31-5.
 
Chương trình hướng tới thông tin về tác hại của thuốc lá, yêu cầu thực hiện các nơi làm việc trong nhà, nơi công cộng trong nhà, trên các phương tiện giao thông công cộng hoàn toàn không có khói thuốc lá; kêu gọi sự ủng hộ của các nhà hoạch định chính sách cho việc thành lập quỹ phòng chống tác hại thuốc lá, in cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh trên các mặt chính của bao thuốc; vận động thực thi nghiêm các quy định cấm quảng cáo thuốc lá, đặc biệt là quảng cáo tại các điểm bán hàng thông qua việc trưng bày các vỏ bao, các biểu tượng liên quan đến thuốc lá.

Để thực hiện hiệu quả các hoạt động hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá, Bộ Y Tế kêu gọi các bộ, ngành, đoàn thể trung ương; các cơ quan thông tin đại chúng; ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cùng phối hợp tổ chức.

Đối với các bộ, ngành, đoàn thể trung ương cần chủ động đưa ra các hoạt động như có băng rôn, khẩu hiệu treo tại cổng ra vào cơ quan; ban hành và thực thi nghiêm quy định cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc; đưa tiêu chuẩn không hút thuốc lá tại nơi làm việc vào tiêu chuẩn thi đua của cán bộ, nhân viên cơ quan.

Các cơ quan thông tin đại chúng xây dựng, phát sóng các phóng sự, đưa tin bài về tác hại của thuốc lá đối với sức khoẻ, kinh tế, môi trường, về sự cần thiết thực hiện môi trường 100% không có khói thuốc lá tại các nơi làm việc trong nhà, nơi công cộng trong nhà, trên các phương tiện giao thông công cộng, sự cần thiết in cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh trên các mặt chính của bao thuốc; sự cần thiết phải có nguồn kinh phí bền vững cho công tác phòng chống tác hại thuốc lá…cũng như các biện pháp phòng chống tác hại thuốc lá khác đã được quy định trong công ước

Về phía ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sẽ chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương phối hợp với các ngành y tế, văn hóa, thông tin cùng thực hiện. Các hoạt động như: tổ chức mít tinh, hội nghị, hội thảo, diễu hành, treo khẩu hiệu, phát sóng các tin bài trên hệ thống loa truyền thanh tại các xã, phường hưởng ứng Tuần lễ quốc gia không thuốc lá. Bên cạnh đó, cần lồng ghép phong trào xây dựng Làng văn hóa – sức khỏe với xây dựng cộng đồng dân cư không có người hút thuốc lá, thuốc lào.

Sử dụng thuốc lá là một trong những nguyên nhân gây bệnh và tử vong hàng đầu trên thế giới. Theo điều tra tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành tại Việt Nam năm 2010 cho thấy có 47,4% nam giới hút thuốc lá và thuốc lào. Việt Nam là một trong nhóm 15 nước có tỷ lệ nam giới hút thuốc lá cao nhất trên thế giới. Với con số tử vong hàng năm trên toàn thế giới là 5 triệu người, hoạt động phòng chống tác hại thuốc lá đã và đang là một hoạt động y tế công cộng hết sức quan trọng đối với các nước trên thế giới.

Xác định việc ban hành Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá là hết sức cần thiết để bảo vệ sức khỏe và lợi ích của người dân cũng như của Nhà nước; đồng thời giúp hạn chế các tác hại do thuốc lá gây ra, kịp thời điều chỉnh và từng bước giảm dần tình trạng hút thuốc lá đang diễn ra lan tràn hiện nay, Việt Nam đang tiến hành các hoạt động nhằm lấy ý kiến chính thức của các bộ, ngành đối với “Dự án Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá” trước khi trình Chính phủ. Dự án Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá gồm 5 Chương và 27 Điều quy định về các biện pháp giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá, giảm nguồn cung cấp thuốc lá và các điều kiện bảo đảm để phòng, chống tác hại của thuốc lá. Theo đó, Luật quy định 10 hành vi bị nghiêm cấm gồm: Kinh doanh thuốc lá lậu, thuốc lá giả, thuốc lá không đảm bảo chất lượng, sản phẩm mô phỏng thuốc lá; kinh doanh thuốc lá không có giấy phép, sản xuất sản phẩm thuốc lá vượt quá sản lượng ghi trong giấy phép; in cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá không theo đúng các qui định của Luật và các qui định khác có liên quan; quảng bá, khuyến mại, tiếp thị thuốc lá dưới mọi hình thức; sử dụng tên, nhãn hiệu và biểu tượng thuốc lá với các sản phẩm, dịch vụ khác; bán, cung cấp thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi; sử dụng thuốc lá khi người đó chưa đủ 18 tuổi hoặc phụ nữ đang trong thời gian mang thai…; bán thuốc lá bằng máy bán thuốc lá tự động, bán qua mạng internet, điện thoại và tại các địa điểm có quy định cấm; hút thuốc lá tại địa điểm công cộng có quy định cấm; sử dụng hình ảnh thuốc lá trên báo chí, xuất bản phẩm dành riêng cho trẻ em và khuyến khích, vận động, ép buộc người khác sử dụng thuốc lá. Ngoài ra, Luật còn quy định các biện pháp giảm nguồn cung cấp thuốc lá như: Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng an toàn đối với thuốc lá, số lượng điếu thuốc lá trong bao, gói…/.