I-ran sẽ là I-rắc thứ hai?

Trường Lưu
16:26, ngày 14-09-2007

Trong những ngày gần đây, dư luận thế giới lại rộ lên tin đồn về việc Mỹ chuẩn bị tấn công I-ran. Tờ Thương báo của Hồng Công, số ra ngày 5-9 đưa tin, Bộ Quốc phòng Mỹ đã soạn thảo “Kế hoạch tấn công chớp nhoáng I-ran trong ba ngày”. Theo kế hoạch này, các lực lượng quân sự của Mỹ sẽ được huy động để đảm bảo chỉ trong ba ngày tiêu diệt hoàn toàn các mục tiêu quân sự chủ yếu của I-ran. Số mục tiêu được đưa vào kế hoạch tấn công chớp nhoáng lên tới con số 1.200, bao gồm cả các mục tiêu không phải là các cơ sở hạt nhân của I-ran. Tờ Thương báo còn hé lộ thông tin rằng, chính Tổng thống Mỹ G. Bu-sơ đã thông báo quan điểm của mình cho các nhân vật chủ chốt trong bộ máy chính quyền Oa-sinh-tơn là Mỹ sẽ gia tăng sức ép tổng hợp đối với I-ran cũng như chuẩn bị về dư luận quốc tế, để khi giải quyết được tình hình I-rắc một cách căn bản sẽ quay sang giải quyết vấn đề I-ran bằng vũ lực.

Một số thông tin từ giới báo chí Mỹ còn cho biết, quân đội Mỹ đã tổ chức diễn tập một cách bài bản các phương án tấn công I-ran. “Giáo trình” đưa ra trong diễn tập tấn công I-ran được chia thành 3 giai đoạn: giai đoạn thứ nhất, không kích các căn cứ quân sự; giai đoạn thứ hai, không kích 300 cơ sở tiềm lực của quân đội I-rắc như các cơ sở sinh học, hóa học, hạt nhân và các nhà máy sản xuất vũ khí thông thường; giai đoạn ba, tấn công mặt đất từ bốn phía để hoàn tất việc loại bỏ “lực lượng chống Mỹ” và dựng lên một chính quyền thân Mỹ tại Tê-hê-ran.

Người ta còn nhớ rằng, đầu năm 2003, Mỹ đã dựng lên cái cớ là I-rắc sử dụng “vũ khí giết người hàng loạt” để lôi kéo đồng minh tiến hành cuộc chiến lật đổ chính phủ của Sa-đam Hút-xen, dựng lên một chính phủ thân Mỹ ở I-rắc. Những tưởng cuộc chiến chớp nhoáng ấy sẽ mang lại nền hòa bình cho I-rắc và những lợi lộc to lớn cho các tập đoàn công nghiệp Mỹ từ nguồn dầu mỏ dồi dào của đất nước này. Nhưng tiếc thay, tình cảnh của Mỹ ở I-rắc đã thực sự rơi vào thế “tiến thoái lưỡng nan”, đi cũng dở mà ở thì cũng không xong. An ninh của đất nước này không những không được cải thiện mà còn có xu hướng phức tạp, tồi tệ thêm, bất chấp việc Tổng thống Mỹ đã cho triển khai thêm quân từ tháng 6 vừa qua, đưa số lượng quân nhân Mỹ ở I-rắc lên 168.000 người. Những vụ khủng bố, đánh bom liều chết đẫm máu vẫn xảy ra như cơm bữa. Chỉ riêng trong tháng 8 vừa qua, 1.809 dân thường I-rắc đã thiệt mạng trong các vụ khủng bố. Còn trong hơn 4 năm qua, kể từ khi Mỹ phát động cuộc chiến và đem quân chiếm đóng I-rắc, đã có ít nhất 650.000 người dân I-rắc bị giết, hơn 4 triệu người phải bỏ nhà cửa ruộng vườn đi tị nạn. Tính đến ngày 10-9 đã có 3.772 lính Mỹ bị chết ở I-rắc.

Trong lòng nước Mỹ cũng đang diễn ra một cuộc chiến không kém phần nóng bỏng. Cuộc chiến I-rắc hầu như đã chia nước Mỹ thành hai nửa: một nửa ủng hộ và nửa còn lại chống chiến tranh, trong đó lực lượng chống đối có chiều hướng ngày càng tăng hơn. Quốc hội Mỹ do Đảng Dân chủ nắm quyền đa số chỉ trích chính sách của chính phủ và đòi phải rút ngay quân đội ra khỏi I-rắc. Ngày 10-9 vừa qua, trong cuộc điều trần của Tướng Đê-vít Pa-tri-ơt, Tư lệnh quân đội Mỹ và Đại sứ Mỹ Ry-an Krôc-cơ tại I-rắc, Chủ tịch Ủy ban đối ngoại của Hạ viện Mỹ Tôm Lan-tôt đã thẳng thừng khẳng định rằng: chính sách của ông Bu-sơ tại I-rắc đã thất bại, không thể cứu vãn và việc rút quân đội Mỹ khỏi I-rắc là “vì lợi ích của quốc gia này và của cả chúng ta”.

Không hiểu nước Mỹ sẽ làm thế nào để có được chiến thắng nếu mở ra cuộc chiến với I-ran, trong khi I-rắc vẫn còn như miếng xương mắc ngang họng? Chắc chắn là I-ran không ngồi khoanh tay chờ quân đội Mỹ đến chiếm đóng. Ngay từ khi quân đội Mỹ giương ngọn cờ chống khủng bố để tấn công Áp-ga-nít-xtan, rồi chiếm đóng I-rắc, thì những người cầm quyền ở I-ran đã hiểu được rằng đất nước họ đã được đặt trong tầm ngắm của Mỹ. Tuy nhiên, không có dấu hiệu nào cho thấy I-ran dễ dàng khuất phục trước sức mạnh của Mỹ. Một mặt, I-ran rất khẩn trương tăng cường sức mạnh quân sự của mình. Biểu hiện rõ nhất là mật độ quá mức bình thường của những cuộc thử vũ khí mới, những cuộc diễn tập theo phương án chống các cuộc tấn công của nước ngoài. Mặt khác, I-ran phớt lờ những yêu cầu của Mỹ và Liên Hợp quốc về việc ngừng phát triển công nghệ hạt nhân. Thậm chí, I-ran còn công khai tuyên bố đã có thể sản xuất vũ khí hạt nhân, bất chấp những trừng phạt mà Mỹ và Liên hợp quốc đưa ra.

Liệu I-ran có trở thành I-rắc thứ hai nếu Mỹ tiếp tục dấn thêm một bước nữa trên con đường phiêu lưu sử dụng sức mạnh quân sự để chinh phạt các nước “cứng đầu, cứng cổ”? Điều ấy còn phải chờ xem sao. Nhưng kinh nghiệm cho thấy, sức mạnh của Mỹ cũng có hạn. Vả lại, không dễ gì có thể dùng sức mạnh để áp đặt những tiêu chuẩn phi truyền thống, những giá trị ngoại lai đối với cả một dân tộc. Sợ rằng, đối với Mỹ, I-ran còn là “miếng mồi” khó nhằn hơn cả I-rắc!