Việt Nam dự Diễn đàn hợp tác kinh tế Vịnh Bắc Bộ
Trong hai ngày 12 và 13-8, Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Vịnh Bắc Bộ mở rộng lần thứ 5 đã được tổ chức tại thành phố Nam Ninh, Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc. Với chủ đề “Thiết lập khu vực thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc và Hợp tác Kinh tế Vịnh Bắc Bộ mở rộng”, Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Vịnh Bắc Bộ năm nay đã tập trung thảo luận các định hướng và biện pháp thúc đẩy sự phát triển của Hành lang Kinh tế Nam Ninh - Xin-ga-po trong bối cảnh Khu vực thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc (CAFTA) đã chính thức có hiệu lực.
Trong khuôn khổ diễn đàn cũng đã diễn ra hoạt động đối thoại giữa các nước trong khu vực Vịnh Bắc Bộ mở rộng với một số công ty và tập đoàn có trong danh sách 500 doanh nghiệp hàng đầu của Tạp chí Fortune.
Các đại biểu tham dự diễn đàn đánh giá cao những tiến triển trong hợp tác kinh tế - thương mại giữa ASEAN và Trung Quốc trong thời gian qua. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn thứ 3 của ASEAN, sau Nhật Bản và Liên minh châu Âu.
Từ năm 2003 đến nay, thương mại giữa hai bên đạt mức tăng trung bình 26% hàng năm, từ mức 59,6 tỉ USD năm 2003 lên 192,7 tỉ USD năm 2008. Trong 5 tháng đầu năm 2010, thương mại hai chiều ASEAN - Trung Quốc tăng 58% so với cùng kỳ năm trước.
Các đại biểu tham dự diễn đàn đã nhất trí về sự cần thiết của việc tăng cường các dự án và chương trình hợp tác giữa các nước ASEAN và Trung Quốc nhằm tận dụng những cơ hội mới do CAFTA mang lại, trong đó đặc biệt lưu ý đến việc tăng cường kết nối hạ tầng giao thông trong khuôn khổ Hành lang Kinh tế Nam Ninh - Xin-ga-po.
Các tuyến đường bộ và đường sắt trong khuôn khổ Hành lang Kinh tế Nam Ninh - Xin-ga-po sau khi được hoàn thành sẽ góp phần tạo nên mạng lưới giao thông đồng bộ kết nối từ Nam Ninh qua các trung tâm kinh tế của các nước trong khu vực như Hà Nội, Viên-chăn, Băng-cốc tới Xin-ga-po.
Nhằm thúc đẩy việc xây dựng Hành lang Kinh tế Nam Ninh - Xin-ga-po, nhiều đại biểu tham dự Diễn đàn nhấn mạnh sự cần thiết của việc tăng cường hợp tác giữa các nước trong khu vực từ khâu nghiên cứu và lập kế hoạch tới huy động vốn và lựa chọn dự án.
Nhiều học giả của các nước ASEAN và Trung Quốc đề xuất tăng cường sự gắn kết giữa việc phát triển các tuyến giao thông trong khuôn khổ Hành lang Kinh tế Nam Ninh - Xin-ga-po với việc triển khai Kế hoạch tổng thể về kết nối ASEAN.
Tại diễn đàn, các học giả của các nước ASEAN và Trung Quốc đã cùng nhau xây dựng Kiến nghị chung về đẩy mạnh phát triển Hành lang Kinh tế Nam Ninh - Xin-ga-po, bao gồm đề xuất thành lập Nhóm nghiên cứu chung giữa các bên để lập nghiên cứu khả thi về Tuyến Hành lang.
Đoàn đại biểu Việt Nam, do Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Mạnh Hùng dẫn đầu, đã tích cực tham gia và đóng góp vào các nội dung thảo luận tại diễn đàn. Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Lê Mạnh Hùng đánh giá cao ý nghĩa của việc tăng cường mối quan hệ đối tác ASEAN - Trung Quốc đối với hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực.
Thứ trưởng Lê Mạnh Hùng khẳng định Việt Nam, trên cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2010 và là nước điều phối quan hệ ASEAN - Trung Quốc, đang tích cực phối hợp với các nước triển khai các chương trình hợp tác giữa ASEAN và Trung Quốc, bao gồm việc hoàn tất Chương trình Hành động thực hiện Tuyên bố chung ASEAN - Trung Quốc về Quan hệ Đối tác Chiến lược giai đoạn 2005-2010 và xây dựng Chương trình Hành động giai đoạn 2011-2016.
Nhằm cụ thể hóa các lợi ích do CAFTA mang lại, Thứ trưởng Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh các nước ASEAN và Trung Quốc cần có các kế hoạch hành động cụ thể, trong đó có việc tăng cường khả năng kết nối của khu vực để tạo điều kiện cho giao lưu kinh tế - thương mại.
Trong quá trình xây dựng Hành lang Kinh tế Nam Ninh - Xin-ga-po, các nước liên quan cần chú trọng một số vấn đề như hài hòa các tiêu chuẩn về đường bộ, đường sắt cũng như các thủ tục về hải quan, kiểm dịch.
Các nước cần có kế hoạch và biện pháp huy động vốn cho việc triển khai các dự án trong khuôn khổ Tuyến Hành lang, đồng thời cần đặc biệt lưu ý tới các biện pháp tăng cường năng lực cũng như hỗ trợ cho các nước có trình độ phát triển thấp hơn để đảm bảo Tuyến Hành lang Kinh tế đem lại lợi ích rộng khắp cho tất cả các nước tham gia.
Trong thời gian qua, các lĩnh vực và nội dung hợp tác giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc ngày càng được củng cố và tăng cường, góp phần làm sâu sắc thêm mối quan hệ “đối tác hợp tác chiến lược toàn diện” giữa hai nước, đồng thời góp phần tích cực vào việc thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa các nước ASEAN và Trung Quốc.
Trong thời gian gần đây, bên cạnh các lĩnh vực hợp tác như thương mại, đầu tư, công nghiệp, Việt Nam và Trung Quốc rất chú trọng thúc đẩy các dự án hợp tác trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng, trong đó có nhiều dự án lớn như dự án đường sắt đô thị tuyến Hà Nội - Hà Đông và các dự án trong khuôn khổ hợp tác “Hai hành lang một vành đai kinh tế.”
Thứ trưởng Lê Mạnh Hùng nêu rõ cùng với các khuôn khổ hợp tác đang được triển khai, sáng kiến tổ chức Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Vịnh Bắc Bộ mở rộng của Trung Quốc đã tạo diễn đàn để các nước ASEAN và Trung Quốc cùng nhau chia sẻ thông tin và thảo luận các biện pháp nhằm tăng cường sự phát triển kinh tế - xã hội của các nước cũng như thúc đẩy hợp tác và liên kết kinh tế trong khu vực.
Việt Nam ủng hộ Trung Quốc tổ chức Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Vịnh Bắc Bộ mở rộng và đã cùng với các nước ASEAN tích cực tham gia và đóng góp ý kiến tại diễn đàn trên cơ sở cùng có lợi, tôn trọng luật pháp quốc tế cũng như độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các bên tham gia.
Bên lề diễn đàn, Thứ trưởng Lê Mạnh Hùng đã có cuộc gặp gỡ với Chủ tịch Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây Mã Tiêu để trao đổi về các nội dung hợp tác giữa các địa phương của Việt Nam và tỉnh Quảng Tây, đặc biệt trong lĩnh vực giao thông vận tải.
Song song với Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Vịnh Bắc Bộ mở rộng, Diễn đàn Thị trưởng các thành phố Vịnh Bắc Bộ mở rộng cũng được tổ chức trong hai ngày 13 và 14-8 tại thành phố Bắc Hải, Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, để trao đổi về các biện pháp thúc đẩy hợp tác giữa các địa phương trong khu vực Vịnh Bắc Bộ mở rộng.
Tham dự diễn đàn về phía Việt Nam có các đại diện thành phố Hải Phòng, các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, và các thành phố Hạ Long và Móng Cái thuộc tỉnh Quảng Ninh./.
Đẩy mạnh phong trào thi đua vùng dân tộc, tôn giáo  (13/08/2010)
Triển vọng sáng cho châu Phi  (13/08/2010)
Triết lý “Lấy sức dân, của dân, tài dân, làm lợi cho dân” của Chủ tịch Hồ Chí Minh và sự nghiệp xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa hiện nay  (13/08/2010)
Thủy sản bảy tháng đầu năm 2010 ước đạt 2,45 tỉ USD  (13/08/2010)
Xuất khẩu gần bốn triệu tấn gạo  (13/08/2010)
Lửa tôi ý chí của một đơn vị hai lần Anh hùng  (13/08/2010)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay