Lửa tôi ý chí của một đơn vị hai lần Anh hùng
TCCS - Trong 50 năm, Công ty cổ phần Than Hà Lầm đã sản xuất được 26,6 triệu tấn than cung cấp cho nền kinh tế quốc dân, bốc xúc 55,5 triệu m3 đất đá, đào 241 km đường lò (gấp hơn 2 lần chiều dài của cả tỉnh Quảng Ninh). Những con số lớn lao đó kết tinh công sức, trí tuệ và cả hy sinh của lớp lớp những thế hệ thợ mỏ, để xây dựng nên một đơn vị 2 lần được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng.
Chiếc nôi của cách mạng Việt Nam
Cuộc đời người phu thợ lò từng chìm sâu dưới bóng tối ách áp bức của thực dân Pháp. Đêm trường nô dịch kéo dài, từ khi việc khai thác mỏ của thực dân Pháp được tiến hành tại Đông Dương vào năm 1888, đến khi vùng Mỏ được giải phóng năm 1955. Trong 70 năm đó, kiếp sống của người thợ mỏ nói chung, mỏ than Hà Lầm nói riêng cùng cực bởi đói khổ, đánh đập, cúp phạt, bệnh tật, tai nạn...
Trong bóng đêm, cũng là lúc ánh sáng cách mạng và tinh thần đấu tranh bất khuất của những người thợ được nhen nhóm. Từ ngọn lửa cách mạng đầu tiên những năm 1928 - 1929, gắn với phong trào “vô sản hóa”, các tổ chức cộng sản đầu tiên đã ra đời tại vùng Mỏ. Nơi đây trở thành một trong những chiếc nôi của cách mạng Việt Nam. Hun đúc qua thực tiễn đấu tranh, ngọn lửa cách mạng của công nhân mỏ nhanh chóng được thổi bùng lên. Ngày 12-11-1936, cuộc tổng bãi công của công nhân mỏ nổ ra, với khí thế hừng hực của hơn 3 vạn người, dưới sự lãnh đạo của Đảng, cùng tinh thần “kỷ luật, đồng tâm”, đã vang dội thắng lợi. Ngày 12-11 hằng năm trở thành ngày truyền thống công nhân mỏ và “kỷ luật, đồng tâm” trở thành tinh thần cách mạng săt đá, cốt lõi tạo nên thắng lợi trong đấu tranh, cũng như trong lao động của những người thợ mỏ nói chung, mỏ than Hà Lầm nói riêng.
Khai thác than hầm lò được xếp là một trong những loại lao động nặng nhọc, độc hại nhất. Trước đây, người trong nghề thường ví: “Thợ lò là nghề cuối cùng trong các nghề”(!). Nghĩa là ít có công việc nào vất vả hơn nữa. Những người đã từng tận mắt chứng kiến cuộc sống trong lòng đất, dưới độ sâu hàng trăm mét so với mực nước biển, hạn chế nói chuyện vì thiếu dưỡng khí, không dám thở sâu vì bụi mới thấu hiểu được những cực nhọc của thợ hầm lò.
Trong điều kiện làm việc đó, cũng là lúc bừng sáng ý chí, tinh thần lao động kiên cường của công nhân mỏ. Những người thợ bền bì, cần mẫn, không quản ngày đêm, đi sâu vào lòng đất, đều đặn cho ra lò hàng triệu tấn than. Khó khăn, gian khổ đã không ngăn được sức người, ngược lại, càng nung nấu ý chí cách mạng và ý chí lao động của công nhân mỏ than Hà Lầm.
Âm 300 m - mức khai thác sâu nhất của ngành than hiện nay
Thợ lò ngày nay không còn phải làm việc trong điều kiện thiếu sáng và thiếu an toàn như trước đây. Tất cả các tuyến đường vận tải trong lò đã được Công ty lắp đèn, tạo điều kiện cho công nhân đi lại thuận lợi và bảo đảm an toàn. Người thợ trong quá khứ khi xuống và lên lò phải đi bộ từ độ sâu âm hơn 100 m, đường lò dốc kéo dài hơn 600 m, có khi mất hàng giờ. Hệ thống cơ giới bằng đầu tàu đi-ê-den kết hợp mô-nô ray (tàu một đường ray) chở người và vật tư trong lò được xây dựng đã giảm đi rất nhiều những vất vả của công nhân.
Nối tiếp truyền thống vẻ vang, trong điều kiện mới hiện nay, người thợ mỏ Hà Lầm đi tiên phong trong việc hiện đại hóa công nghệ khai thác hầm lò của ngành than.
Năm 2009, Công ty thực hiện dự án khai thác phần dưới -50 m, đào giếng xuống -300 m và đến ngày 31-12-2009 đã chạm mức -300 m. Cho đến thời điểm này, mở vỉa bằng giếng đứng, thì đây là mức xuống sâu nhất trong ngành than Việt Nam. Khi dự án hoàn thành, một mỏ hiện đại sẽ ra đời, với khai trường có trữ lượng 100 - 120 triệu tấn, công suất mỏ 2,4 - 2,5 triệu tấn/năm, thời gian khai thác 40 - 45 năm, bảo đảm cho Công ty sản xuất ổn định và phát triển bền vững. Kết quả trên là minh chứng sống động cho tinh thần dám nghĩ, dám làm của mỏ Hà Lầm, là quyết sách mang tính sống còn đối với Công ty, trong điều kiện các hầm lò ở mức -50 m trở lên đến lộ vỉa đã cạn kiệt than, đang ở giai đoạn kết thúc khai thác.
Nhằm nâng cao chất lượng than, Công ty cũng đầu tư trên 35 tỉ đồng lắp đặt hệ thống tuyển huyền phù và hệ thống tuyển xoáy lốc than cám. Hà Lầm trở thành đơn vị đầu tiên của Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam lắp đặt giá khung di động chống lò GK 1600, công nghệ khai thác lò hiện đại nhất hiện nay, nâng cao chất lượng điều kiện làm việc và an toàn cho người lao động, đồng thời đưa công suất lò chợ lên 250 - 300 nghìn tấn mỗi năm.
Để bảo đảm nhu cầu nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất, giảm thiểu ảnh hưởng tới môi trường, Công ty đầu tư lắp đặt hệ thống lọc nước, vừa cung cấp nước uống cho công nhân, vừa xử lý nước thải từ trong lò, vốn có sức phá hủy đất đai rất lớn. Nước mỏ sau khi được lọc không gây ô nhiễm, ảnh hưởng tới môi trường, cũng như sinh hoạt của dân cư khu vực liền kề.
Viết nên trang sử truyền thống vẻ vang của Công ty là những người công nhân, đã không chỉ gắn bó cả cuộc đời của mình, mà còn gắn bó nhiều thế hệ trong gia đình với mỏ. Những cống hiến của họ là vô kể, bởi vậy, quan điểm của lãnh đạo Công ty là, trong mọi điều kiện phải luôn quan tâm chăm lo đời sống người lao động về việc làm, thu nhập, điều kiện lao động, đời sống vật chất, tinh thần. Nguồn lực con người là một yếu tố quyết định trong quá trình sản xuất và phát triển. Do đó, việc chuẩn bị căn cơ cho tương lai một đội ngũ cán bộ, công nhân mỏ hiện đại, có trình độ, gánh vác nhiệm vụ trong giai đoạn mới, được đặt lên hàng đầu.
Chăm sóc ngày càng tốt đời sống công nhân
Công nhân hầm lò khi tan ca, được tắm nước nóng, quần áo thay ra được phân xưởng phục vụ giặt ủi, đến ca sau đi làm, có trang phục sạch sẽ để mặc. Công ty tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho công nhân, đối với thợ lò một năm 2 lần, đặc biệt tiến hành điều trị rửa phổi cho 111 công nhân bằng phương pháp điều trị bệnh bụi phổi duy nhất có tại Trung tâm Y tế của ngành than. Công ty cũng đưa vào hoạt động nhà ăn tự chọn phục vụ thợ lò, công suất phục vụ 1.800 suất ăn/ngày, bảo đảm chế độ dinh dưỡng cao. Hoàn thiện nhà sinh hoạt mỏ, diện tích hơn 2.300 m2; nhà tập thể công nhân 11 tầng, có thang máy, bố trí cho 340 người ở. Người thợ mỏ gửi gắm tình yêu lao động vào lời ca, tiếng hát, mỏ Hà Lầm tự hào là chiếc nôi nuôi dưỡng, chắp cánh cho nhiều hạt nhân văn nghệ xuất sắc đóng góp vào bề dày truyền thống nghệ thuật của vùng Mỏ.
Trong những bước phát triển của Công ty thời gian tới, các công đoạn sản xuất sẽ có hàm lượng khoa học - kỹ thuật ngày càng cao, do đó yêu cầu cán bộ, công nhân phải hội đủ sự hiểu biết để thích ứng, không chỉ nắm bắt công nghệ mới, mà còn chủ động có những nghiên cứu, tìm tòi, phát kiến cải tiến kỹ thuật. Đào tạo và tuyển dụng mới đội ngũ cán bộ khoa học - kỹ thuật, quản lý, điều hành, lực lượng thợ lò, đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất và làm chủ được tất cả các hệ thống thiết bị là đòi hỏi quan trọng hiện nay của Công ty, chuẩn bị cho những bước phát triển ở tương lai, nhất là trong điều kiện lao động có xu hướng dịch chuyển sang các ngành nghề dịch vụ, thay vì các ngành sản xuất có cường độ lao động nặng như ngành than. Những chế độ, chính sách tuyển dụng, đào tạo, đãi ngộ sẽ tiếp tục được Công ty đổi mới, dành những ưu ái thu hút lao động có trình độ.
Năm mươi năm kể từ ngày thành lập Công ty, ngày 1-8-1960, là một chặng đường dài, với nhiều đổi thay của lịch sử. Song tinh thần cách mạng, ý chí kiên cường, kỷ luật và đồng tâm trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, cũng như trong lao động sản xuất xây dựng đất nước, vẫn được thợ mỏ Hà Lầm giữ vững, vượt mọi khó khăn để phát triển. Công ty Than Hà Lầm thích ứng và bắt nhịp nhanh với những yêu cầu khắt khe của cơ chế mới, của mô hình tổ chức công ty cổ phần, cũng như những đòi hỏi của quá trình hiện đại hóa ngành than. Ghi nhận những đóng góp lớn lao của lớp lớp cán bộ, công nhân mỏ Hà Lầm, Đảng và Nhà nước đã trao tặng Công ty 2 danh hiệu Anh hùng: Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới (1996), Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (2004) và trong dịp kỷ niệm 50 năm ngày thành lập sắp tới, những người thợ mỏ Hà Lầm lại vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất. Bề dày truyền thống và vinh dự đó chính là điểm tựa sức mạnh để Công ty cổ phần Than Hà Lầm phát triển trong giai đoạn mới./.
Mục lục Hồ sơ sự kiện số 128 (13-8 -2010)  (13/08/2010)
Đại hội lần thứ IX Hội Nhà báo Việt Nam  (12/08/2010)
Đại hội lần thứ IX Hội Nhà báo Việt Nam  (12/08/2010)
Phát biểu của đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội tại Đại hội IX Hội Nhà báo Việt Nam  (12/08/2010)
Phát biểu của đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội tại Đại hội IX Hội Nhà báo Việt Nam  (12/08/2010)
Mục lục Tạp chí Cộng sản số 814 (8-2010)  (12/08/2010)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay