TCCS - Trong lần về thăm Thanh Hóa năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh có căn dặn cán bộ, đảng viên:"Phải đem hết sức dân, tài dân, của dân làm cho dân. Trước kia, sức dân, của dân làm lợi cho đế quốc, nay đem làm lợi cho dân"(1). Đây là một triết lý vô cùng độc đáo và hết sức sâu sắc, đồng thời có ý nghĩa lớn với việc xây dựng chính quyền nhân dân theo tư tưởng của Người.

1 - Trước hết, theo Hồ Chí Minh, dân chính là nhân dân, quần chúng, đồng bào. Quần chúng là chỉ mọi người trong xã hội và cũng là toàn thể nhân dân, nhân dân là quần chúng. Nhân dân còn chỉ người dân nói chung. Còn đồng bào là tất cả mọi người chúng ta đều chung một tổ tiên, dòng họ, đều là ruột thịt anh em. Nhân dân trước hết là nhân dân lao động tập trung ở hai giai cấp chủ yếu đông nhất trong xã hội, đó là công nhân và nông dân; là toàn thể các chiến sĩ trong quân đội, toàn thể công nhân trong xưởng, toàn thể nhân viên trong cơ quan, v.v.. Bác cho rằng công nông là gốc của cách mạng.

Theo Nho giáo, dân nhìn chung và cơ bản là những người bị trị, do đó họ là những lực lượng bị động, thiếu sức sáng tạo. Các nhà tư tưởng Việt Nam quan niệm về dân có tiến bộ hơn, họ đã phần nào nhìn ra sức mạnh, sự sáng tạo của dân. Chỉ đến Hồ Chí Minh từ lập trường của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, cách nhìn nhận về dân đã có sự thay đổi về chất.

Phát triển tư tưởng truyền thống "Dĩ dân vi bản", "dân vi bang bản", Hồ Chí Minh cho rằng nước lấy dân làm gốc; gốc có vững cây mới bền; xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân.

Nếu Nho giáo coi thường những người lao động chân tay và những người dân nói chung thì Hồ Chí Minh cho rằng trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Mặc dù, Mạnh Tử có câu "dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh" nhưng ông vẫn không có tư tưởng tôn trọng, đề cao dân, không xếp dân vào bậc quân tử đáng kính trọng, mà vẫn xếp họ vào loại lao lực, phục vụ, nuôi dưỡng người lao tâm, còn theo Bác, sức mạnh của nhân dân là lực lượng vô địch.

Nguyễn Trãi cho rằng dân như nước, chính quyền, chế độ, nhà nước như thuyền, nước có thể chở thuyền mà cũng có thể lật thuyền. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng cho như vậy, nhưng khái niệm "Dân", "Nhà nước" hoàn toàn có sự khác về chất so với những người đi trước. Nhà nước ở đây không phải đứng trên dân mà là của dân, do dân, vì dân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh còn cho rằng người cầm lái con thuyền chính là Đảng, còn chủ nghĩa, học thuyết như là trí khôn của người cầm lái, là la bàn định hướng cho con thuyền ra khơi. Như vậy, ta thấy ở Hồ Chí Minh có một hình ảnh khá cụ thể, sinh động: dân như nước, chính quyền (nhà nước) như thuyền, Đảng là người cầm lái, chủ nghĩa là trí khôn, la bàn.

Chủ tịch Hồ Chí Minh coi dân như nước, mình (tức cán bộ) như cá. Cá không thể tách rời khỏi nước, cá tách rời khỏi nước cá không thể tồn tại, nước nuôi cá, cá chỉ vùng vẫy được ở trong nước. Bởi vậy, theo Người, bao nhiêu lực lượng đều ở dân. Quan hệ giữa dân và Chính phủ, theo Người, nếu không có dân thì không đủ lực lượng, nếu không có Chính phủ thì không có ai dẫn đường. Vậy nên Chính phủ với dân phải đoàn kết thành một khối. "Chúng ta phải hiểu rằng, các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh việc chung cho dân, chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật"(2)

2 - Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng dân là chủ, chính phủ và cán bộ là đày tớ của dân.

Hiến pháp của nước ta sau Cách mạng Tháng Tám quy định: tất cả quyền lực trong nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đều thuộc về nhân dân. Chính quyền các cấp do nhân dân bầu ra và nhân dân có quyền bãi miễn. Tất cả các cơ quan nhà nước phải dựa vào dân, liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến của dân và chịu sự kiểm soát của nhân dân. Nhiều lần, Người nhắc nhở cán bộ từ Trung ương đến xã đều phải là người đày tớ thật trung thành của nhân dân, hay "Chính phủ ta là một Chính phủ làm đày tớ của nhân dân, một lòng một dạ phục vụ nhân dân"(3).

Không chỉ dân là gốc, dân là nền móng, dân như nước, mà dân còn là chủ. Mục đích xây dựng nước Việt Nam không chỉ độc lập mà còn tự do, hạnh phúc và dân chủ. Thế nào là nhà nước dân chủ? Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà nước dân chủ tức là nhà nước đưa lại quyền dân chủ thực sự cho nhân dân. Hiến pháp của ta có ghi: Nhà nước của ta là nhà nước dân chủ nhân dân. Nhân dân làm chủ tức là nhân dân coi việc nước cũng như việc nhà. Người cũng giải thích rất rõ thế nào là nước dân chủ: Nước ta là nước dân chủ có nghĩa là bao nhiêu lợi ích đều vì dân; bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân. Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân; chính quyền từ xã đến chính phủ Trung ương do dân cử ra; đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên; nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân.

Đem tài dân, sức dân, của dân, tức là đem toàn bộ những sức người, sức của, tinh thần, vật chất, tài năng, của cải, tài sản trong dân để làm lợi cho dân. Nói ngắn gọn, đây chính là triết lý lấy dân để làm lợi cho dân; đem tài dân, sức dân, của dân để làm lợi cho dân. Triết lý này sâu sắc ở chỗ người cán bộ, các cơ quan chính quyền là người tổ chức, chỉ dẫn, chỉ đường dẫn lối, còn tất cả là ở người dân.

Lấy dân để làm lợi cho dân trên cơ sở dân tự nguyện, tự giác, còn nếu bắt buộc thì sẽ không bền. Qua thực tế dù trong chiến tranh hay trong hòa bình, việc gì hợp với nguyện vọng của quần chúng thì được quần chúng ủng hộ và hăng hái tham gia. Về điểm này, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: "việc gì đúng với nguyện vọng nhân dân thì được quần chúng nhân dân ủng hộ và hăng hái đấu tranh, và như vậy mới thật là một phong trào quần chúng"(4).

Muốn đem tài dân, sức dân, của dân để làm lợi cho dân thì cán bộ từ trên xuống dưới, từ Trung ương đến địa phương; từ Đảng, chính quyền cho đến các cơ quan, tổ chức, đoàn thể; từ cán bộ lãnh đạo cho đến mọi đảng viên, tất cả phải hết lòng hết sức vì dân, một lòng một dạ phục vụ nhân dân, phải là người đày tớ thật sự trung thành của nhân dân. Chúng ta cần phải hiểu rằng các cơ quan của chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng đều là đày tớ của dân, nghĩa là để gánh vác công việc chung cho dân, chứ không phải đè đầu cưỡi cổ dân. Bởi vậy, "Muốn cho dân yêu, muốn được lòng dân, việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh."(5).

3 - Nhiều lần Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở: Chính phủ ta là một Chính phủ làm đày tớ của dân, một lòng một dạ phục vụ nhân dân, cán bộ đảng viên phải toàn tâm, toàn ý phục vụ nhân dân, phải là người đày tớ thật sự trung thành của nhân dân. Đảng ta không có lợi ích nào khác là phấn đấu hy sinh vì lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân. Bác phê phán có người coi Đảng như là một cái cầu thang để thăng quan phát tài, "trước sau như một, ngoài lợi ích của nhân dân Đảng không có lợi ích nào khác"(6). Đảng luôn hết lòng trung thành phục vụ nhân dân, thật thà quan tâm đến đời sống của nhân dân, đem tài dân, sức dân, của dân để làm lợi cho dân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh phê phán bệnh quan liêu, lãng phí, tham ô. Theo Người, tham ô là trộm cướp, còn quan liêu thì có mắt mà không nhìn thấy, có tai mà không nghe thấy. Nó là kẻ thù khá nguy hiểm vì nó không mang gươm mang súng mà nó nằm trong các tổ chức, trong mỗi con người để làm hỏng công việc. Mắc tội này cũng nặng như tội việt gian, mật thám, chống nó giống như chống giặc. Những cái xấu đó vẫn còn thì cách mạng vẫn hoàn toàn chưa thành công. Nó là thứ "giặc ở trong lòng" (giặc nội xâm). Nếu chiến sĩ và nhân dân ra sức chống giặc ngoại xâm mà quên chống giặc nội xâm, như thế là chưa làm tròn nhiệm vụ của mình. Nguyên nhân của nó là do lòng tự tư tự lợi mà ra. Người nói: "Việc tranh đấu với kẻ địch ở tiền tuyến bằng súng, bằng gươm còn dễ, nhưng việc tranh đấu với kẻ địch trong người, trong nội bộ, trong tinh thần, là một khó khăn, đau xót"(7).

Muốn cải tạo xã hội thì trước hết phải tự cải tạo bản thân mình. Người phê phán chủ nghĩa cá nhân vì nó lấy của dân làm lợi cho cá nhân mình, do đó nó là một thứ "rất gian giảo, xảo quyệt, nó khéo dỗ dành người ta đi xuống dốc". Thắng lợi của chủ nghĩa xã hội không thể tách rời thắng lợi của cuộc đấu tranh từ bỏ chủ nghĩa cá nhân. Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: "Chủ nghĩa cá nhân đẻ ra trăm thứ bệnh nguy hiểm: quan liêu, mệnh lệnh, bè phái, chủ quan, tham ô, lãng phí... Nó trói buộc, nó bịt mắt những nạn nhân của nó, những người này bất kỳ việc gì cũng xuất phát từ lòng tham muốn danh lợi, địa vị cho cá nhân mình, chứ không nghĩ đến lợi ích của giai cấp, của nhân dân"(8). Chủ nghĩa cá nhân là lợi mình hại người, là kẻ địch bên trong con người.

Người cán bộ phải biết đặt lợi ích của dân tộc, tập thể lên trên lợi ích cá nhân, phải biết quên mình cho nghĩa lớn. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: "Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân"(9).

Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ khuyên cán bộ, đảng viên đem tài dân, sức dân, của dân để làm lợi cho dân; lấy mong muốn, nguyện vọng của dân làm nguyện vọng, mong muốn của mình; mà cả cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương sáng theo triết lý này. Chính vì Chủ tịch Hồ Chí Minh lấy tâm của mọi người làm tâm của mình, lấy cái bất biến (độc lập, tự do, hạnh phúc, dân chủ) của mọi người làm của mình, lấy dân làm lợi cho dân nên Người không có lợi ích cá nhân nào khác. Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: "Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành"(10). Phương châm thực hiện triết lý này là đem của dân, sức dân, tài dân để làm lợi cho dân. Đi theo những triết lý này sẽ dẫn đến một cách sống lo trước thiên hạ, hưởng sau thiên hạ, cách sống của các thánh nhân phương Đông hòa đồng với thiên nhiên, vạn vật, không sống cho riêng mình cho nên trường cửu.

4 - Phát triển đến đỉnh cao của triết lý đem tài dân, sức dân, của dân để làm lợi cho dân là đẩy mạnh dân chủ, xây dựng Nhà nước dân chủ nhân dân, tức Nhà nước của dân, do dân, vì dân. Dân chủ nghĩa là dân làm chủ, tức dân coi công việc của Nhà nước, việc chung cũng như việc của gia đình, của bản thân mình. Ngay từ năm 1927 trong tác phẩm Đường cách mệnh, Người viết: "Chúng ta đã hy sinh làm cách mệnh, thì nên làm cho đến nơi, nghĩa là làm sao cách mệnh rồi thì quyền giao cho dân chúng số nhiều, chớ để trong tay một bọn ít người. Thế mới khỏi hy sinh nhiều lần, thế dân chúng mới được hạnh phúc"(11). Năm 1949, trong bài báo Dân vận, Người khẳng định rằng nước ta là nước dân chủ, bao nhiêu lợi ích đều vì dân, bao nhiêu quyền hạn đều của dân... Chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương do dân cử ra... Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân.

Vậy thế nào là Nhà nước của dân? Nhà nước của dân là mọi quyền hành trong nước đều là của dân, mọi việc liên quan đến vận mệnh quốc gia do dân quyết, sau khi giành được chính quyền thì dân ủy quyền cho các đại biểu do mình bầu ra, đồng thời dân có quyền bãi miễn họ nếu họ tỏ ra không xứng đáng với sự tín nhiệm của dân.

Trong Nhà nước của dân thì dân là chủ, nghĩa là có quyền làm bất cứ việc gì mà pháp luật không cấm và có nghĩa vụ tuân theo pháp luật. Nhà nước phải hình thành thiết chế dân chủ để thực thi quyền làm chủ của dân. Với nghĩa đó, các đại biểu do dân cử ra chỉ là thừa ủy quyền của dân, chỉ là "công bộc", "đày tớ" của dân.

Nhiều vị đại biểu đã quên điều đó, lầm lẫn sự ủy quyền đó với quyền lực cá nhân, từ đó sinh ra lộng quyền, cửa quyền và tạo ra những cơn khát quyền lực, đẻ ra bao chuyện đau lòng, khiến người dân ngại tiếp xúc.

Nhà nước do dân là Nhà nước do dân lựa chọn, bầu ra, do dân ủng hộ, xây dựng giúp đỡ, đóng thuế để có cái chi tiêu, hoạt động. Do đó, Người yêu cầu tất cả các cơ quan nhà nước phải dựa vào dân, liên hệ mật thiết với dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự kiểm soát của dân. Nếu các cơ quan đó không đáp ứng được lợi ích, nguyện vọng của dân thì dân có quyền bãi miễn.

Nhà nước vì dân là Nhà nước phục vụ lợi ích và nguyện vọng của dân, không có đặc quyền đặc lợi, thực sự trong sạch, cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư, việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm, việc gì hại cho dân, ta phải hết sức tránh.

Những luận điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về nhà nước của dân vẫn có giá trị soi sáng, dẫn dắt con đường của cách mạng nước ta hiện nay, nhất là trong sự nghiệp xây dựng nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh./.
 
____________________________________________________________

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia,

Hà Nội 2000, t 5, tr 61

(2) Hồ Chí Minh: Sđd, t 4, tr 56

(3) Hồ Chí Minh: Sđd, t 12, tr 188

(4) Hồ Chí Minh: Sđd, t 6, tr 156

(5) Hồ Chí Minh: Sđd, t 4, tr 47

(6) Hồ Chí Minh: Sđd, t 10, tr 415

(7) Hồ Chí Minh: Sđd, t 7, tr 36

(8) Hồ Chí Minh: Sđd, t 9, tr 292

(9) Hồ Chí Minh: Sđd, t 12, tr 557 - 558

(10) Hồ Chí Minh: Sđd, t 4, tr 161

(11) Hồ Chí Minh: Sđd, t 2, tr 270