Sáng nay, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Hà Nội đã diễn ra lễ khai mạc trọng thể Đại lễ Phật Đản Liên hợp quốc 2008 tại Việt Nam. Tham dự Đại lễ quan trọng này có đông đảo chư tôn Giáo phẩm đại diện cho Phật giáo các nước và Tông phái Phật pháp trên thế giới cùng Quý chư tôn Giáo phẩm Giáo hội Phật giáo Việt Nam, các vị khách quý Liên hợp quốc, các cơ quan của Liên hợp quốc, các vị đại diện các đoàn ngoại giao, các tổ chức Quốc tế tại Việt Nam cùng các vị khách đến từ 75 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Về phía Việt Nam có các vị lão thành Đỗ Mười, Võ Văn Kiệt, Trần Đức Lương, Nguyễn Văn An, Nguyễn Dy Niên, Phạm Thế Duyệt... cùng đại diện các cơ quan, đoàn thể tại Trung ương và Hà Nội cùng đông đảo phật tử trong cả nước.

Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Minh Triết đến dự và nhận được sự đón chào nồng nhiệt của hơn 3000 đại biểu tại Hội trường.

Trong diễn văn khai mạc GS. TS Lê Mạnh Thát, Chủ tịch IOC tại Việt Nam, Phó Viện trưởng Viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh nói: “Phật giáo và Xã hội Công bằng, Dân chủ Văn minh” là chủ đề chính được đề cập tới trong Đại lễ Phật Đản Liên hợp quốc 2008 tại Việt Nam. Xung quanh chủ đề chính này còn có các chủ đề của các cuộc hội thảo nhóm như: Vai trò của Phật giáo trong việc ngăn ngừa chiến tranh và xây dựng thế giới hoà bình, an lạc; Sự đóng góp của Phật giáo về công bằng và xã hội; Phật giáo nhập thế và sự phát triển; Chăm sóc môi trường: giải pháp của Phật giáo về sự thay đổi khí hậu; Vấn nạn gia đình và giải pháp của Phật giáo; Diễn đàn “Giáo dục Phật giáo: sự kế thừa và phát triển”; Phật giáo trong thời đại kỹ thuật số.

Kể từ khi được Đại hội đồng Liên hợp quốc công nhận Đại lễ Phật Đản là một lễ hội văn hoá, tôn giáo của Liên hợp quốc, đến nay, quốc tế đã 6 lần tổ chức Đại lễ Phật Đản Liên hợp quốc: trong đó lần đầu tiên tổ chức tại trụ sở Liên hợp quốc ở Niu-oóc Hoa Kỳ; 1 lần tổ chức tại Mum-bai Ấn Độ; 3 lần tổ chức tại Thái Lan và năm nay tổ chức tại Việt Nam. Đại hội Phật Đản Liên hợp quốc 2008 tại Việt Nam sẽ diễn ra trong 4 ngày từ ngày 14 đến 17-5-2008 với nhiều hoạt động phong phú và ý nghĩa về nhiều mặt: tâm linh, văn hoá xã hội, chính trị kinh tế.

Tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình, Hà Nội sẽ diễn ra các hoạt động chính gồm lễ khai mạc, lễ bế mạc; các cuộc hội thảo, khoá lễ tụng kinh và cầu nguyện của các đoàn Phật giáo, biểu diễn văn nghệ. Ngày 17-5 các đại biểu sẽ tham quan du lịch văn hoá tại Trúc lâm Yên Tử, tỉnh Quảng Ninh; Di sản văn hoá thế giới Vịnh Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh; Khu du lịch Phật giáo Bái Đính tỉnh Ninh Bình.

Thay mặt nước chủ nhà Việt Nam (nước đăng cai lễ hội Phật Đản Liên hợp quốc năm 2008), Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết bày tỏ niềm vui và hoan nghênh sự có mặt đông đủ của chư tôn đức giáo, các vị đại biểu tăng ni phật tử cả nước, quốc tế, và gửi đến các đại biểu lời chúc mừng thân ái. Chủ tịch Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh, Đại lễ Phật Đản Liên hợp quốc 2008 tại Việt Nam là một sự kiện quan trọng thể hiện quyết tâm và chủ trương của Liên hợp quốc đối với các hoạt động mang tính quần chúng rộng rãi vì một thế giới hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. Đại lễ được tổ chức với sự cổ suý của Liên hợp quốc nhằm tôn vinh những giá trị sâu sắc của Đức Phật Thích ca mâu ni về hoà bình, hoà hợp, hoà giải, vị tha, nhân ái vốn đã có từ 2500 năm trước và vẫn còn nguyên giá trị trong thế giới ngày nay...
 
Chủ tịch khẳng định, Việt Nam là đất nước đa tôn giáo, và Đạo Phật có mặt ở Việt Nam từ rất sớm, gần 2000 năm trước. Ngay buổi đầu tiên, với tư tưởng từ bi, hỉ xả, Phật giáo đã được nhân dân Việt Nam đón nhận, luôn đồng hành cùng dân tộc Việt Nam với phương châm nhập thế, gắn bó giữa Đạo và Đời, phấn đấu vì hạnh phúc và an vui cho con người. Trong các thời đại, thời nào lịch sử Việt Nam cũng ghi nhận những nhà sư Đại đức, đại trí đứng ra giúp đời hộ quốc an dân. Đặc biệt, lịch sử Việt Nam mãi mãi ghi nhớ công lao của vị vua anh minh Trần Nhân Tông có công lớn lãnh đạo nhân dân bảo vệ Tổ quốc. Khi đất nước thái bình, Người nhường ngôi, từ bỏ giàu sang quyền quý tìm nơi non cao Yên Tử để học Phật, tu hành, sáng lập nên Thiền phái Trúc Lâm - một dòng thiền riêng của Việt Nam tồn tại tới ngày nay. Nối tiếp dòng chảy truyền thống gần 2000 năm qua, Phật giáo Việt Nam hôm nay làm được nhiều việc lợi đạo, ích đời, thực hiện cứu khổ độ sinh thông qua hoằng dương Phật pháp vận động tăng ni, Phật tử cả nước sống chánh tín, thực hiện đúng pháp luật nhà nước, làm tròn nghĩa vụ người công dân, đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo, tích cực tham gia các hoạt động xã hội nhân đạo, giúp đỡ người già cả cô đơn, trẻ tàn tật, mồ côi, người gặp hoàn cảnh khó khăn, thực hiện xoá đói giảm nghèo, xây dựng cuộc sống văn minh, tiến bộ... Chủ tịch Nguyễn Minh Triết  hy vọng mỗi người hãy là một sứ giả của hoà bình luôn gắn Đạo với Đời, gắn bó với dân tộc...
 
Trong phiên khai mạc, các đại biểu còn nghe Diễn văn chào mừng của Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam do Hoà thượng Thích Từ Nhơn tuyên đọc. Diễn văn khẳng định: Đại lễ Phật Đản Liên hợp quốc 2008 tại Việt Nam là một sự kiện đặc biệt của cộng đồng quốc tế đối với Chính phủ Việt Nam và Giáo hội Việt Nam, trong trách nhiệm phát huy tinh thần Đạo Phật, Đạo của Từ bi, Trí tuệ và Hoà bình, tạo sự liên hữu trong ngôi nhà Phật giáo khắp 5 châu mà Giáo hội Phật giáo Việt Nam là thành viên đã thể hiện tinh thần cao cả ấy trong cộng đồng Phật giáo thế giới và khu vực trong thời kỳ hội nhập và phát triển.
 
Đại lễ đã nhận được nhiều thông điệp chúc mừng: Thông điệp của Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-mun do đại diện Liên hợp quốc tại Việt Nam, ngài Giôn-hen-ra tuyên đọc, chia sẻ những giá trị và ý nghĩa của ngày Phật Đản; Thông điệp chúc mừng của bà Nu-lin Hây-dơ (Nooleen Heyzer) Trợ lý Tổng Thư ký của Liên hợp quốc, Thư ký Ban chấp hành Hiệp hội Kinh tế và xã hội châu Á - Thái Bình Dương; Thông điệp của Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa do ngài Diệp Tiểu Văn, Cục trưởng Cục Tôn giáo nhà nước Trung Quốc tuyên đọc; Thông điệp của Thủ tướng Ô-xtrây-li-a Kê-vin Rớt (Kevin Rudd), Thông điệp của Thủ tướng Xri-lan-ca Ra-tha-si-ri Vích-tha-si-ri-da-ca (Rathasiri Wickramanayaka), Thông điệp của Tổng thống Cộng hoà nhân dân Băng-la-đét... do các đại diện tuyên đọc.
 
Nội dung cơ bản của các thông điệp đều bày tỏ sự hoan hỉ trong ngày lễ Tam hợp trọng đại, đánh giá cao vai trò và những cố gắng của nước chủ nhà trong việc tổ chức Đại lễ Phật Đản Liên hợp quốc. Thông điệp của các quốc gia đều có một điểm chung là, thể hiện sự đánh giá cao giá trị của giáo lý và vai trò của Đạo Phật trong quá khứ và hiện tại: lòng từ bi, sự hoà hợp và đức tính tự giác. Các Thông điệp đều bày tỏ sự quan tâm đặc biệt đối với chủ đề của Đại hội; cam kết hướng tới giáo lý của Đạo Phật.
 
Buổi chiều các đại biểu tiếp tục nghe Thông điệp của lãnh tụ các Giáo hội Phật giáo thế giới và tham gia hội thảo toàn thể tại Hội trường với hai chủ đề: “Phật giáo với vấn đề, Xã hội Công bằng, Dân chủ, Văn minh”, và “Vai trò của Phật giáo trong việc ngăn ngừa chiến tranh”

Ngày 15-5 các Đại biểu sẽ tham dự các hội thảo theo 7 chuyên đề./.