Hòa Bình đã có nhiều cố gắng nhằm đẩy mạnh kinh tế của tỉnh. Chủ trương của Hòa Bình coi chuyển dịch cơ cấu kinh tế là khâu đột phá, song phải bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững. Vì vậy, phát triển kinh tế phải gắn với giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, phát triển văn hóa, xã hội và bảo vệ môi trường...

Qua 2 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình đã đạt được những thành tựu quan trọng và khá toàn diện: kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng khá, đời sống nhân dân các dân tộc tiếp tục được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm; văn hóa, xã hội có bước tiến bộ; chính trị - xã hội ổn định, quốc phòng - an ninh và trật tự an toàn xã hội được củng cố, tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội. Công tác xây dựng đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể nhân dân được tăng cường. Những thành tựu đó đã tạo đà để Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV.

Đặc biệt về lĩnh vực kinh tế, trong 2 năm qua tỉnh đã ban hành 04 nghị quyết chuyên đề về thu hút đầu tư; về phát triển nông nghiệp, nông thôn; về phát triển công nghiệp và nghị quyết về phát triển du lịch,... Đó là những chủ trương vừa có tính cơ bản, cấp bách vừa có tính chiến lược lâu dài. Kết quả đã tạo được sự chuyển biến mới, kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng khá, đạt mục tiêu đề ra, cụ thể:

Nền kinh tế duy trì được mức tăng trưởng cao và bền vững, bình quân giai đoạn 2006 - 2007 đạt 12,84%, cao hơn mức tăng bình quân giai đoạn 2001 - 2005 (đạt 8%); năm 2007 thu nhập bình quân đầu người đạt 6,2 triệu đồng, tăng 1,9 triệu đồng so với năm 2005.

Cơ cấu kinh tế đã có sự chuyển dịch tích cực theo hướng giảm dần tỷ trọng nông, lâm nghiệp, tăng dần tỷ trọng công nghiệp - xây dựng, dịch vụ. Sự chuyển dịch trong cơ cấu từng ngành hợp lý hơn, chú trọng hơn đến chất lượng, hiệu quả và quan tâm đến thị trường. Tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng tăng 23,5% năm 2005 lên 26,3% năm 2007; ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản giảm từ 43,1% năm 2005 xuống còn 40,4% năm 2007; các ngành dịch vụ: 33,3%.

Thu hút đầu tư có nhiều khởi sắc, môi trường đầu tư dần được cải thiện, mở rộng các hoạt động xúc tiến đầu tư ở trong và ngoài nước (Nhật Bản, Hàn Quốc), đã tạo ra sự khởi sắc cho việc thu hút đầu tư vào tỉnh, nhiều cam kết hợp tác giữa tỉnh và các nhà đầu tư, nhiều các nhà đầu tư trong và ngoài nước đăng ký lập dự án đầu tư vào tỉnh, nhiều dự án và tập đoàn kinh tế lớn đến khảo sát và ký hợp đồng ghi nhớ sơ bộ với Hòa Bình. Trong 2 năm (2006 - 2007), tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 90 dự án, trong đó có 10 dự án FDI, số vốn đăng ký mới trên 5.000 tỉ đồng và 66 triệu USD. Đến hết năm 2007, tỉnh Hòa Bình có 175 dự án được cấp phép đầu tư (trong đó, 17 dự án FDI) với tổng số vốn đăng ký gần 10.520 tỉ đồng và 107 triệu USD, đã có 73 dự án đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, sử dụng trên 6 nghìn lao động.

Các ngành kinh tế phát triển: Trong sản xuất nông, lâm nghiệp đã tập trung vào chuyển đổi cơ cấu theo hướng phát triển các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao; sản lượng lương thực năm 2007 đạt trên 32,7 vạn tấn, tăng 2,7 vạn tấn so với năm 2005, hình thành và ổn định các vùng chuyên canh, vùng nguyên liệu cho công nghiệp chế biến, phát triển chăn nuôi đàn trâu, bò, lợn, gia cầm tăng bình quân 5% - 5,5%. Trong lâm nghiệp đã hoàn thành điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng, tăng cường công tác khoanh nuôi, tái sinh bảo vệ rừng; trồng rừng mới, độ che phủ của rừng đến hết năm 2007 đạt 44,5% tăng 0,8% so với năm 2005.

Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đã bước đầu phát huy được tiềm năng lợi thế của tỉnh; Giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp bình quân (2006 - 2007) tăng 28%, riêng năm 2007 đạt 1.450 tỉ đồng.

Các ngành dịch vụ, thương mại phát triển, một số dịch vụ phát triển mạnh như: khách sạn, nhà hàng, thương mại tư vấn, ngân hàng, bảo hiểm, đại lý tiêu thụ sản phẩm cho các hãng sản xuất lớn có uy tín: xe gắn máy, hàng điện tử, sắt thép. Kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2007 đạt 95 triệu USD trong đó giá trị xuất khẩu đạt 45 triệu USD, tăng 17 triệu USD so với năm 2005 (tăng 60,7%).

Kết cấu hạ tầng (điện, đường, trường, trạm, nước sinh hoạt, bưu chính - viễn thông,...) được tăng cường đầu tư xây dựng, bộ mặt đô thị và nông thôn đổi mới, đã góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng có hiệu quả hơn, thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hóa, tạo điều kiện ổn định đời sống, sản xuất của nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Đến nay, đã có 100% số xã, phường, thị trấn có đường ô-tô đến trung tâm xã; các công trình thủy lợi duy trì chủ động nước tưới cho trên 80% diện tích sản xuất; tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện đạt 92%, tăng 4% so với năm 2005; 80% số phòng học được xây dựng từ cấp 4 trở lên; tỷ lệ dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt đạt 69%, tăng 9% so với năm 2005; 209/214 trạm y tế xã được xây dựng kiên cố, 100% trạm y tế cơ sở trong tỉnh đã được trang bị thiết bị y tế; 100% số xã có điện thoại đến trung tâm xã; 100% số huyện được phủ sóng điện thoại di động.

Đi đôi với phát triển kinh tế, công tác xóa đói, giảm nghèo và giải quyết việc làm, được đẩy mạnh; từng bước khắc phục tư tưởng trông chờ ỷ lại, nêu cao tinh thần, ý chí vươn lên, quyết tâm thoát khỏi đói nghèo, tiến tới làm giàu của nhân dân. Tỉnh đã kiện toàn ban chỉ đạo xóa đói, giảm nghèo, bố trí cán bộ có chuyên môn làm công tác xóa đói, giảm nghèo từ tỉnh tới cơ sở; chú trọng công tác đào tạo nghề, nhất là lao động ở khu vực nông thôn, thanh niên dân tộc thiểu số, bộ đội xuất ngũ, lao động vùng chuyển đổi mục đích sử dụng đất...; ưu tiên đào tạo lao động có trình độ cao, công nhân lành nghề, nâng cao chất lượng lao động, đẩy mạnh đào tạo nghề từ trình độ trung cấp nghề trở lên; xây dựng và triển khai thực hiện đề án đào tạo nghề cho lao động làm việc ở các khu công nghiệp và đề án đào tạo nghề xuất khẩu lao động. Nhờ đó tỷ lệ hộ nghèo bình quân mỗi năm giảm gần 4% (tương đương với 6.000 hộ thoát nghèo); năm 2007, tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới giảm xuống còn 24%. Nhiều công trình kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội cho các vùng nông thôn, vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn đã được xây dựng. Các hộ nghèo được hỗ trợ về nhà ở, giáo dục, y tế, hướng dẫn làm ăn, được vay tín dụng ưu đãi và hưởng các chính sách an sinh xã hội khác để yên tâm làm ăn, ổn định đời sống, từng bước thoát nghèo. Trong 3 năm (2005 - 2007), tỉnh đã giải quyết việc làm cho gần 5 vạn lao động, góp phần hạ tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị xuống dưới 5%, nâng tỷ lệ sử dụng thời gian lao động ở khu vực nông thôn lên 81%. Xuất khẩu lao động đạt kết quả khá, năm 2007 đã có trên 2.000 người được đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong lĩnh vực kinh tế vẫn còn tồn tại một số yếu kém: Chưa tạo ra bước đột phá mạnh trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng trưởng kinh tế còn bị tác động nhiều từ khu vực nông, lâm nghiệp; phát triển kinh tế chưa đồng đều giữa các vùng trong tỉnh. Chất lượng và hiệu quả sản xuất ngành công nghiệp chưa cao, sản phẩm hàng hóa cũng như sức cạnh tranh của các doanh nghiệp còn yếu; một số sản phẩm còn phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu. Công tác giải phóng mặt bằng cho các dự án đầu tư, khu công nghiệp vẫn còn chậm so với yêu cầu. Các ngành dịch vụ tăng trưởng chưa mạnh, các dự án thu hút đầu tư về du lịch thực hiện chậm; Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư của một số dự án chậm. Kết cấu hạ tầng và chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh còn thấp, chưa đáp ứng được với yêu cầu phát triển; nguy cơ tái nghèo cao.

Vấn đề đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế là một trong những chủ trương lớn của Hòa Bình, và được xác định là khâu đột phá trong phát triển kinh tế. Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2006 - 2010 của tỉnh là: khai thác các tiềm năng, huy động tối đa nguồn lực, tạo bước đột phá về chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng bền vững đi đôi với giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, phát triển văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường. Cụ thể:

- Trong chuyển dịch cơ cấu các ngành kinh tế: để phát triển bền vững, trong điều kiện 84% dân số ở khu vực nông thôn thì vấn đề đầu tiên là phải bảo đảm an ninh lương thực, phát triển chăn nuôi trở thành ngành "mũi nhọn" trong sản xuất nông nghiệp; tăng tỷ trọng lâm nghiệp trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp. Đẩy nhanh tốc độ phát triển của ngành công nghiệp, ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh, sử dụng nhiều lao động, phát triển sản xuất sản phẩm công nghiệp sạch, có công nghệ cao; khuyến khích phát triển tiểu thủ công nghiệp theo các loại hình hợp tác đa dạng, liên doanh, liên kết, có quy mô hợp lý, phù hợp với từng địa bàn; tạo điều kiện về cơ chế chính sách để phát huy vai trò của kinh tế hộ; mở rộng các làng nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, mây tre đan, chạm khắc gỗ,... Đa dạng hóa và khuyến khích phát triển đồng bộ các ngành dịch vụ, trong đó du lịch là ngành dịch vụ mũi nhọn.

- Trong chuyển dịch cơ cấu các thành phần kinh tế: Khuyến khích phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động trong lĩnh vực kỹ thuật, các doanh nghiệp hợp đồng dài hạn với nông dân, hợp tác xã để cung ứng vật tư, nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm, tạo mối liên kết ổn định, lâu dài với nông dân. Tiếp tục thực hiện việc chuyển đổi và thành lập mới các hợp tác xã theo luật, nâng cao năng lực hoạt động của các tổ chức kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi khuyến khích kinh tế tư nhân, kinh tế hộ, kinh tế hợp tác và hợp tác xã phát triển; quan tâm đến khu vực kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài, có cơ chế chính sách nhằm tạo sự hấp dẫn và quản lý để các hoạt động đầu tư thực sự có hiệu quả.

- Trong chuyển dịch cơ cấu và phát triển vùng kinh tế: Tập trung đầu tư phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp, "cụm" công nghiệp ở các huyện, thành phố, các khu đô thị, ưu tiên đầu tư cho thành phố Hòa Bình. Quan tâm đầu tư xây dựng hạ tầng các thị trấn, thị tứ và các cụm kinh tế - xã hội trong tỉnh; tiếp tục đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cho các xã ATK, vùng hồ sông Đà, các xóm, xã khu vực III, vùng sâu, vùng xa (không thuộc chương trình 135) và trung tâm cụm xã khu vực II; quy hoạch và từng bước đầu tư để nâng cấp thị trấn Lương Sơn lên thị xã; khuyến khích các thành phần kinh tế thực hiện đầu tư kết cấu hạ tầng các siêu thị, chợ, nước sinh hoạt theo quy hoạch. Phát triển đô thị theo quy hoạch gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động, bảo đảm môi trường và mang bản sắc văn hóa.