Ngày 11-4, WB công bố Báo cáo Phát triển thế giới. Trong báo cáo WB bác bỏ quan điểm lâu nay của các thể chế toàn cầu cho rằng chỉ cần tăng trưởng kinh tế cao là có thể giải quyết được xung đột và bạo lực. Thay vào đó, khả năng tiếp cận việc làm tốt, an ninh và công lý được bảo đảm mới là yếu tố chủ chốt để phá vỡ vòng luẩn quẩn của bạo lực và xung đột.

WB cho rằng cần có quyết tâm của ban lãnh đạo quốc gia có năng lực và một hệ thống quốc tế được cải tổ nhằm đáp ứng các nguy cơ trong thế kỷ 21. Những dàn xếp hiện nay trong việc giải quyết xung đột (như tiến hành ngoại giao phòng ngừa chiến tranh, triển khai lực lượng quân sự gìn giữ hòa bình, trợ giúp nhân đạo cho người tị nạn...) là mô hình của thế kỷ 20 đã qua để giải quyết các cuộc chiến tranh giữa các nước hoặc các cuộc nội chiến. Theo mô hình này, ngay cả các nước đã đạt được hiệp định hòa bình thông qua thương lượng vẫn phải đối phó với tình trạng bạo lực và tội phạm ở mức độ cao.

Báo cáo của WB đề xuất lộ trình hành động 5 điểm, trong đó thiết lập thể chế hợp pháp và có năng lực là nhân tố then chốt để ổn định, sau đó là đầu tư tăng cường an ninh công dân, công lý và việc làm; cải tổ thể chế để có khả năng phản ứng nhanh và hợp pháp; thúc đẩy đường lối nhiều tầng nấc và mức độ để xử lý thích hợp các vấn đề; nâng cao nhận thức bao trùm là hệ thống toàn cầu đang chuyển đổi khỏi mô hình cũ do các nước giàu chi phối. Báo cáo kêu gọi vai trò mới của Liên hiệp quốc trong việc hỗ trợ tăng cường các thể chế mới như các cơ quan quốc tế về hệ thống pháp lý liên quan đến các vấn đề giáo dục và phát triển.

Theo số liệu của WB, trên 1,5 tỉ người trên thế giới hiện đang sống trong các nước bị tác động của vòng luẩn quẩn của xung đột và bạo lực.

Nghiên cứu của WB nhấn mạnh không có nước nào bị tác động của xung đột hoặc thu nhập thấp và bất ổn chính trị có thể đạt được các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ đúng hạn vào năm 2015./.