Ngày 13-4, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước thực hiện ngay việc quy định trần lãi suất tiền gửi ngoại tệ đối với cá nhân ở mức 3% vànâng tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi ngoại tệ thêm 2%. Tạp chí Cộng sản Điện tử xin giới thiệu Toàn văn kết luận của Thủ tướng Chính phủ về quản lý ngoại tệ:

Kết luận của Thủ tướng Chính phủ

tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ về việc quản lý ngoại tệ

và ngân hàng thương mại Việt Nam bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài

________

Ngày 07 tháng 4 năm 2011, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về việc quản lý ngoại tệ và ngân hàng thương mại Việt Nam bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài. Cùng dự họp có các Phó Thủ tướng Chính phủ, đại diện lãnh đạo các cơ quan: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, Văn phòng Chính phủ và đồng chí Trương Đình Tuyển, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia. Sau khi nghe Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trình bày báo cáo, ý kiến của các cơ quan và của các Phó Thủ tướng, Thủ tướng Chính phủ kết luận như sau:

Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2011 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội đã được các Bộ, ngành và chính quyền các cấp tổ chức triển khai khẩn trương, quyết liệt và bước đầu đã đạt được một số kết quả tích cực. Giải pháp thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng đã phát huy tác dụng; việc quản lý tiền tệ, tín dụng, lãi suất, thị trường ngoại tệ, vàng đang đi vào hướng ổn định; hoạt động kinh doanh thu đổi ngoại tệ bước đầu đã lập lại trật tự theo qui định của pháp luật. Để tiếp tục triển khai có kết quả cao hơn nữa các giải pháp chính sách tiền tệ, quản lý ngoại tệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các Bộ liên quan cần tập trung triển khai các nhiệm vụ sau đây:

1. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam:

a) Rà soát sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện khung khổ pháp lý liên quan đến quản lý ngoại hối, để việc điều hành thị trường ngoại hối và tỷ giá được chủ động, linh hoạt, phù hợp với tình hình cung - cầu ngoại tệ, tăng tính thanh khoản của thị trường, khuyến khích xuất khẩu, giảm nhập siêu, cải thiện cán cân thanh toán quốc tế và góp phần tăng dự trữ ngoại hối. Cụ thể như sau:

- Trình Chính phủ trong tháng 4 năm 2011 việc ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 202/2004/NĐ-CP ngày 10 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng theo hướng tập trung xử lý các vi phạm về quản lý ngoại hối, kinh doanh vàng trong đó có các chế tài để xử lý nghiêm các vi phạm liên quan đến việc niêm yết, giao dịch, thanh toán, quảng cáo, mua bán, vận chuyển, thu đổi ngoại tệ, vàng không đúng các quy định pháp luật, kể cả việc đình chỉ, rút giấy phép hoạt động, tịch thu tài sản vi phạm. Đồng thời, ban hành ngay Thông tư hướng dẫn nhằm kiểm soát chặt hoạt động thanh toán, niêm yết, quảng cáo bằng ngoại tệ trên lãnh thổ Việt Nam.

- Trình Chính phủ trong Quí III năm 2011 Nghị định thay thế Nghị định số 134/2005/NĐ-CP ngày 01 tháng 11 năm 2005 về việc ban hành Quy chế vay và trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp không được Chính phủ bảo lãnh để bảo đảm kiểm soát chặt chẽ việc vay nước ngoài của doanh nghiệp, đặc biệt đối với các Tập đoàn kinh tế và tổng công ty Nhà nước.

- Trong tháng 6 năm 2011, ban hành Thông tư hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với cho vay và thu hồi nợ nước ngoài của tổ chức tín dụng.

- Trong tháng 4 năm 2011, ban hành Thông tư quy định việc mua bán ngoại tệ của Tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước thay thế qui định hiện hành theo hướng mở rộng đối tượng thực hiện gồm các Tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước và các doanh nghiệp thành viên là doanh nghiệp nhà nước.

- Ban hành qui định về trạng thái ngoại tệ của các tổ chức tín dụng được phép hoạt động ngoại hối thay thế qui định hiện hành theo hướng giảm giới hạn tổng trạng thái ngoại tệ dương và tổng trạng thái ngoại tệ âm của tổ chức tín dụng.

- Ban hành qui định mức ngoại tệ tiền mặt tối đa người cư trú được phép mang ra nước ngoài không phải khai báo hải quan tối đa là 5.000 (năm nghìn) đô la Mỹ.

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thành lập ngay Ban soạn thảo sửa đổi Pháp lệnh Ngoại hối theo hướng quản lý chặt chẽ, nhằm khắc phục căn bản tình trạng đô-la hoá.

- Nghiên cứu, ban hành trong Quý II năm 2011 các quy định về việc ngân hàng thương mại đáp ứng nhu cầu ngoại tệ chính đáng và hợp pháp của doanh nghiệp và người dân ở mức hợp lý, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội nước ta.

- Qui định và thực hiện việc dừng hoạt động huy động và cho vay vàng.

b) Thực hiện ngay việc quy định trần lãi suất tiền gửi ngoại tệ đối với cá nhân ở mức 3%; đồng thời, nâng tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi ngoại tệ thêm 2%.

c) Chủ trì, phối hợp với Bộ Công thương và các cơ quan liên quan thành lập Tổ công tác liên ngành để kiểm tra, giám sát chặt chẽ luồng ngoại tệ cho vay và thanh toán theo danh mục do Bộ Công thương đề xuất.

d) Báo cáo và đề xuất với Thủ tướng Chính phủ xem xét cụ thể đối với ngân hàng thương mại được bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài với tỷ lệ tối đa 20% vốn điều lệ.

2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ đạo thực hiện kiểm soát chặt chẽ việc cấp đăng ký kinh doanh vàng; đồng thời xử lý nghiêm, kể cả việc thu hồi giấy phép đối với những trường hợp vi phạm pháp luật về quản lý ngoại tệ và vàng.

Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các cơ quan liên quan biết, thực hiện./.