Đó là ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tô Huy Rứa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung uơng tại Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Chỉ thị 42 của Ban Bí thư khoá IX “Về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản” tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 12 tháng 3 vừa qua. Tại hội nghị này, các đại biểu đã thống nhất đánh giá:

Hoạt động xuất bản sau 3 năm thực hiện Chỉ thị 42 đã góp phần quan trọng và tích cực phục vụ nhiệm vụ chính trị, tư tưởng của Đảng. Ngành xuất bản có bước phát triển nhanh, từng bước thích ứng với cơ chế thị trường, phát triển cả về tiềm lực, năng lực, đáp ứng tốt hơn các nhu cầu về xuất bản phẩm của xã hội, góp phần xứng đáng vào việc phát triển một nền xuất bản độc lập, tự chủ theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Hiện nay, cả nước có 55 nhà xuất bản, 1.200 cơ sở in, 129 công ty phát hành sách quốc doanh và khoảng 12.000 cửa hàng, nhà sách tư nhân. Thực trạng hoạt động xuất bản sau 3 năm thực hiện Chỉ thị 42 đã đạt được những kết quả cụ thể như sau:

- Công tác tuyên truyền, quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị 42-CT/TW về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản đã góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ trong ngành hiểu rõ ý nghĩa, tinh thần của Chỉ thị 42, từ đó có những việc làm cụ thể đưa Chỉ thị về xuất bản của Đảng vào cuộc sống.
  
- Hoạt động xuất bản thực hiện định hướng phát triển toàn ngành, phục vụ tốt các nhiệm vụ chính trị của đất nước; nâng cao chất lượng của các xuất bản phẩm, phong phú, đa dạng, đáp ứng nhu cầu của các đối tượng đọc khác nhau, góp phần nâng cao dân trí, phát triển văn hóa dân tộc.
 
- Tập trung xây dựng tiềm lực và năng lực của hoạt động xuất bản, hoạt động xuất bản đã từng bước thích ứng cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong 3 năm (2004 - 2007) tốc độ phát triển của toàn ngành xuất bản không ngừng tăng. Năm 2004, xuất bản được 19.695 tên sách với 242,700 triệu bản; năm 2007 với 26.609 tên sách (tăng 146% so với năm 2004), đạt 276,447 triệu bản, mức hưởng thụ bình quân 3,3 bản sách/người/ năm.

Cơ quan chỉ đạo của Đảng và cơ quan quản lý nhà nước đã chú trọng xây dựng quy hoạch ngành xuất bản và xác định lại chức năng, nhiệm vụ của các nhà xuất bản. Trong 3 năm qua đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quan trọng theo tinh thần của Chỉ thị 42. Đó là: Luật Xuất bản (2004), Nghị định 111 (2005), về hỗ trợ mua bản quyền tác giả trong hoạt động xuất bản. Việc áp dụng các tiến độ khoa học kỹ thuật trong ngành in được chú trọng, chất lượng các sản phẩm in bảo đảm tốt hơn

- Hoạt động các nguồn lực cho ngành xuất bản; phát triển nhu cầu văn hóa đọc của nhân dân đã có chuyển biến rõ nét, việc đổi mới, sắp xếp một số nhà xuất bản chuyển sang hoạt động theo cơ chế doanh nghiệp và đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp in và phát hành sách nhà nước đã tạo động lực cho toàn ngành xuất bản phát triển. Cổ phần hóa doanh nghiệp phát hành sách nhà nước đã làm thay đổi nhận thức, tạo thế chủ động cho doanh nghiệp. Đến tháng 12 năm 2007, đã có 36 doanh nghiệp cổ phần hóa.

Một số nhà xuất bản thu hút tư nhân góp trên 50% vốn tham gia xuất bản sách và độc quyền phát hành một số tên sách. Hệ thống phát hành sách thuộc thành phần kinh tế tư nhân năng động và phát triển khá nhanh. Xuất hiện nhiều nhà sách có năng lực và tiềm lực lớn, có tâm huyết và kinh nghiệm trong liên kết xuất bản và phát hành. Ngành xuất bản đã chủ động hội nhập quốc tế và tham gia các hoạt động quốc tế về xuất bản.

- Đào tạo nguồn nhân lực gắn liền với thực tiễn sản xuất kinh doanh, lực lượng lao động của các nhà xuất bản tăng nhanh, trình độ đại học và trên đại học chiếm hơn 70%. Các cơ sở đào tạo đã chủ động hơn trong xây dựng khung chương trình sát với yêu cầu của thực tiễn xuất bản, đã biên soạn được một số bộ giáo trình chuyên ngành, phù hợp hơn với phương pháp giảng dạy theo hướng phát huy tính chủ động của sinh viên. Xuất hiện một số hình thức “tự đào tạo” ở một số nhà xuất bản, cơ sở in. Một số cơ sở đào tạo đã tổ chức đào tạo trên đại học cho biên tập viên và cử nhân phát hành sách.

Hội nghị cũng đã thống nhất đánh giá những mặt yếu kém, tồn tại cần phải phắc phục đó là:

Công tác chỉ đạo, quản lý nhà nước về xuất bản chưa theo kịp yêu cầu của thực tiễn hoạt động xuất bản. Chất lượng xuất bản phẩm chưa được nâng cao, cơ cấu sách ở nước ta còn bất hợp lý: 80% số lượng bản sách xuất bản là sách giáo khoa, giáo trình, sách tham khảo dành cho nhà trường, trong khi đó, số bản sách phục vụ chung chỉ có 20%. Còn một số xuất bản phẩm có nội dung lệch lạc về chính trị - tư tưởng, tác động tiêu cực đến đời sống xã hội. Về năng lực và tiềm lực của hoạt động xuất bản, ngành xuất bản có quy mô sản xuất và tổ chức kinh doanh nhỏ bé, khó khăn về vốn, hiệu quả thấp, chưa được các cơ quan chủ quản quan tâm và đầu tư đúng mức. Cơ sở in tuy nhiều nhưng đa số quy mô nhỏ bé, năng lực cạnh tranh yếu.

Chưa giải quyết kịp thời và có hiệu quả những bức xúc của ngành, chưa ngăn chặn và đẩy lùi nạn sách lậu; xuất bản phẩm xuất khẩu chưa làm tốt công tác quảng bá và giới thiệu về đất nước, con người Việt Nam; số sách đến với đồng bào vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa đáp ứng yêu cầu; xã hội hóa hoạt động xuất bản chưa phát huy được mọi nguồn lực xã hội, còn có khuynh hướng thương mại hóa, tư nhân hóa; công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, quy hoạch cán bộ còn nhiều bất cập.

Về phương hướng, nhiệm vụ công tác xuất bản trong thời gian tới

- Tiếp tục quán triệt Chỉ thị 42-CT/TW của Ban Bí thư “Về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản”, nhận thức đúng và đầy đủ vai trò, vị trí của hoạt động xuất bản, cũng như công tác chỉ đạo, quản lý hoạt động xuất bản trong tình hình hiện nay.

- Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan tiến hành: Xây dựng quy chế phối hợp, phân rõ chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm, quyền hạn giữa cơ quan chỉ đạo, cơ quan quản lý nhà nước về xuất bản, Hội xuất bản Việt Nam và cơ quan chủ quản nhà xuất bản trong hoạt động xuất bản; xây dựng quy chế bổ nhiệm, điều động, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật cán bộ lãnh đạo nhà xuất bản; xây dựng chiến lược cán bộ đối với ngành xuất bản.

- Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành hữu quan tập trung giải quyết những vấn đề cụ thể về nghiên cứu xây dựng quy họach, chiến lược phát triển ngành xuất bản, in, phát hành đến năm 2020, đề án về sửa đổi, bổ sung một số điều trong Luật Xuất bản, Luật Thuế giá trị gia tăng cho phù hợp với đặc thù và sự phát triển của hoạt động xuất bản. Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền; xây dựng quy chế về việc nhà xuất bản liên doanh, liên kết với các thành thần kinh tế khác trong tổ chức xuất bản sách, chấm dứt tình trạng buông lỏng quản lý việc cấp giấp phép xuất bản. Kiện toàn tổ chức và cơ chế hoạt động thanh tra văn hóa - thông tin, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý kịp thời, nghiêm minh các sai phạm; ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng “thương mại hóa”, tư nhân hóa, xuất bản sách trái phép, vi phạm bản quyền tác giả, xuất bản sách có chất lượng thấp, có quan điểm sai trái, tác động tiêu cực đến đời sống xã hội.

- Cơ quan chủ quan phải thực sự quan tâm chỉ đạo xây dựng, củng cố tổ chức, công tác cán bộ, định hướng hoạt động xuất bản. Xây dựng quy chế làm việc giữa cơ quan chủ quản và các đơn vị xuất bản; có kế hoạch bổ sung vốn lưu động, đầu tư cơ sở vật chất và đổi mới thiết bị, công nghệ cho nhà xuất bản. Chịu trách nhiệm trước cơ quan lãnh đạo, cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động của các nhà xuất bản, các công ty phát hành sách, các công ty in xuất bản phẩm.

- Các đơn vị xuất bản phải nâng cao bản lĩnh chính trị, ý thức trách nhiệm của lãnh đạo, nâng cao chất lượng đội ngũ biên tập viên, nhân viên cả về chính trị, tư tưởng, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp, tăng cường công tác xây dựng Đảng, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức Đảng, các đoàn thể chính trị - xã hội trong đơn vị xuất bản.

- Hội xuất bản Việt Nam, Hiệp hội in Việt Nam, phát huy vai trò, tham gia tích cực cùng với cơ quan chỉ đạo, cơ quan quản lý nhà nước trong việc lãnh đạo, quản lý hoạt động xuất bản; xây dựng qui ước đạo đức nghề nghiệp hội viên Hội xuất bản, Hiệp hội in; thường xuyên tổ chức các hoạt động giáo dục nhận thức chính trị, nâng cao trình độ chuyên môn của hội viên và các hoạt động khác góp phần đẩy mạnh, nâng cao chất lượng hoạt động xuất bản.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Tô Huy Rứa nêu rõ: Trong đời sống văn hóa, tinh thần của xã hội, sách là một sản phẩm quan trọng để nâng cao dân trí, bồi dưỡng tâm hồn, phát triển nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, tu dưỡng nhân cách. Sơ kết 3 năm triển khai Chỉ thị 42 “Về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản” là biểu hiện sự quan tâm của Đảng đối với một lĩnh vực rất quan trọng này. Tôi mong các đồng chí có mặt trong Hội nghị hôm nay hiểu rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của Chỉ thị 42, Thông báo kết luận 122 và là những người tiên phong trong việc góp công sức cùng với ngành xuất bản trong cả nước hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, giúp cho hoạt động xuât bản có những chuyển biến mạnh mẽ, đáp ứng lòng mong mỏi của Đảng, Nhà nước và các tầng lớp nhân dân.

Kết luận hội nghị, đồng chí Tô Huy Rứa nhấn mạnh một số nội dung trọng tâm cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, tiếp tục thực hiện tốt hơn chỉ thị 42, nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản.

Sau khi gia nhâp WTO, hội nhập kinh tế quốc tế, chúng ta vừa có những thời cơ, vận hội mới vừa phải đương đầu với nhiều thách thức, khó khăn. Trong đó, lĩnh vực tư tưởng, văn hóa, báo chí, xuất bản phải đối mặt với những thách thức gay gắt. Sự cạnh tranh trong nước và quốc tế trên các lĩnh vực liên quan đến các hoạt động xuất bản sẽ gia tăng. Âm mưu và thủ đoạn của các thế lực phản động và cơ hội chính trị muốn lợi dụng hoạt động xuất bản để chống phá ta ngày càng tinh vi xảo quyệt hơn; yêu cầu của xã hội đối với xuất bản phẩm ngày càng cao cả về nội dung và hình thức.

Để thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị 42 – CT/TW nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản, cần tiếp tục nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan chủ quản và cả xã hội về vị trí, vai trò của hoạt động xuất bản. Tập trung thực hiện có hiệu quả định hướng phát triển, 5 nhiệm vụ, 6 giải pháp, nêu trong Chỉ thị 42. Tập trung xây dựng, bổ sung điều chỉnh các cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi về nhân lực, vốn, cơ sở vật chất kỹ thuật, công nghệ cho hoạt động xuất bản phát triển.

Cơ quan chủ quản của các nhà xuất bản cần xác định rõ vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý toàn diện, tăng cường kiểm tra, giám sát, tạo các điều kiện, nhân lực, vốn, nhà xưởng, máy móc, cơ chế hoạt động để các nhà xuất bản phát triển đúng hướng, vững chắc.