Nhận thức rõ hoàn cảnh đặc thù của mình có ảnh hưởng không thuận lợi tới công tác phát triển đội ngũ cán bộ, xây dựng hệ thống chính trị, Tỉnh ủy Hà Giang đã thực hiện chương trình xây dựng hệ thống cơ sở chính trị vững mạnh. Sau đây là những nội dung chính và kết quả của chương trình trên với hệ thống chính trị Hà Giang.

Từ hoàn cảnh khó khăn

Xây dựng địa bàn cơ sở vững mạnh là yếu tố quyết định để xây dựng hệ thống chính trị của Hà Giang, bao gồm: tổ chức đảng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, đồng thời là điều kiện để xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở. Đây là nhiệm vụ quan trọng trong sự lãnh đạo toàn diện của Đảng bộ Hà Giang ở 34 xã vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh.

Các xã đặc biệt khó khăn của Hà Giang nhìn chung là trình độ sản xuất thấp, kinh tế chưa phát triển, tỷ lệ đói nghèo cao (chiếm trên 40% theo tiêu chí cũ), hơn 12 vạn người thiếu nước sinh hoạt. Đường giao thông rất khó khăn, có 28/34 xã vùng cao chưa có đường ô-tô, hầu hết các thôn bản đi lại là đường mòn; tỷ lệ trẻ em 6 - 14 tuổi đến trường đạt thấp, hơn 30% số người từ 15 - 25 tuổi chưa biết chữ. Thực trạng đó có nhiều nguyên nhân, điều kiện hoạt động của ngành giáo dục còn hạn chế, cơ sở vật chất trường, lớp học còn thiếu thốn là lý do trực tiếp. Hoạt động giáo dục - đào tạo ở các xã vùng cao rất khó khăn, nên ảnh hưởng không ít tới đời sống văn hóa, tinh thần của mỗi địa phương. Việc xây dựng quy ước, hương ước làm chưa tốt, một số tập tục lạc hậu còn tồn tại. Bên cạnh đó, tình hình an ninh - quốc phòng tại các xã này có những diễn biến phức tạp: nạn buôn bán phụ nữ, bắt cóc trẻ em, truyền đạo trái pháp luật, di cư tự do vẫn xảy ra...

Tuy công tác lãnh đạo toàn diện ở các xã này luôn được Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh quan tâm, tạo điều kiện về mọi mặt, nhưng vì điều kiện khó khăn chung của tỉnh nên trước năm 2000, hệ thống chính trị ở Hà Giang nói chung, ở các xã vùng cao nói riêng còn tồn tại nhiều vấn đề. Tổ chức cơ sở đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tuy đã được kiện toàn củng cố một bước so với trước, song trình độ, năng lực quản lý, điều hành của đội ngũ cán bộ xã nhìn chung là thấp. Công tác phát triển đảng chưa được quan tâm, 288/2.034 thôn, bản chưa có đảng viên, 42 xã chưa thành lập được đảng ủy, các chi bộ dưới đảng ủy còn sinh hoạt ghép từ 4 - 5 thôn, bản. Thực trạng này ảnh hưởng không tốt tới sự lãnh đạo của Đảng bộ Hà Giang tại các xã vùng cao.

Từ thực trạng trên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 14 - NQ/TU, ngày 29- 6-1999, về củng cố và nâng cao chất lượng của hệ thống chính trị ở cơ sở. Mục tiêu chủ yếu là: Xây dựng tổ chức cơ sở đảng vững mạnh; bồi dưỡng, hướng dẫn nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ xã; tổ chức phát triển đảng viên, hướng dẫn thành lập chi bộ thôn, bản, nâng chi bộ xã lên thành đảng bộ; chỉ đạo phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo; thực hiện xóa mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học, huy động trẻ em trong độ tuổi đến trường. Xây dựng cơ sở vật chất trường học, điểm trường; thực hiện tốt công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình. Xây dựng dân quân, lực lượng dự bị động viên, công an viên vững mạnh, chống truyền đạo trái pháp luật và di cư tự do...

Tới những nỗ lực của cả hệ thống chính trị

Để thực hiện thành công Nghị quyết, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã quyết định trưng tập cán bộ các cơ quan, đơn vị, lực lượng vũ trang của tỉnh, huyện tăng cường xuống các xã và phân công các đồng chí tỉnh ủy viên, các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh phụ trách các xã khó khăn để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ trên.

Các tổ công tác của tỉnh, huyện cũng như cán bộ tăng cường tại cơ sở đã phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, thôn, bản tăng cường bám, nắm địa bàn, thực hiện phương châm 3 cùng: "cùng ăn, cùng ở, cùng làm", cùng nói tiếng dân tộc, kịp thời phát hiện và xử lý các vụ việc phát sinh ở cơ sở.

Sau 4 đợt tăng cường đưa 389 cán bộ của tỉnh, huyện xuống cơ sở, đến nay đã đạt được những kết quả quan trọng. Trên cơ sở thực tế của từng xã, tổ chức đảng đã xây dựng chương trình hành động cụ thể để đưa nghị quyết của Đảng các cấp đi vào cuộc sống. Các xã có cán bộ tăng cường đã tổ chức đại hội chi bộ, đại hội đảng bộ xã nhiệm kỳ 2000 - 2005, 2005 - 2010 thành công tốt đẹp. Các tổ chức cơ sở đảng đều xây dựng quy chế hoạt động, đưa sinh hoạt cấp ủy, chi bộ thôn, bản đi vào nền nếp. Vai trò của chi bộ ngày càng rõ nét, lãnh đạo hiệu quả hơn.

Đầu tiên, công tác phát triển đảng luôn được các cấp ủy quan tâm, đặc biệt là tập trung kết nạp đảng ở những thôn, bản chưa có đảng viên, chú ý đối tượng là người dân tộc thiểu số, là nữ, đội ngũ cán bộ xã, thôn, bản, lực lượng dân quân, dự bị động viên, công an, giáo viên... Với sự lãnh đạo toàn diện, thông qua các phong trào quần chúng, tổ chức đảng cơ sở phát hiện những nhân tố tích cực để bồi dưỡng kết nạp. Từ năm 2000 đến nay, Đảng bộ tỉnh Hà Giang đã kết nạp được 20.712 quần chúng ưu tú vào Đảng, trong đó, đảng viên nữ 6.919 đồng chí, chiếm 33,4%; đảng viên người dân tộc thiểu số 12.934 đồng chí, chiếm 62,4%.

Đến nay Hà Giang có trên 40.000 đảng viên. Số đảng viên mới kết nạp đều có trình độ văn hóa cấp 2 trở lên.

Đến tháng 12-2003 tất cả các thôn, bản, trường học trong tỉnh đều có các chi bộ độc lập, các xã thành lập đảng bộ cơ sở. Điều này có ảnh hưởng tốt tới công tác phát triển đảng tại các xã vùng cao của Hà Giang.

Song song với công tác phát triển đảng, việc bồi dưỡng trình độ mọi mặt cũng được quan tâm. Lãnh đạo Hà Giang đã cử hàng nghìn lượt cán bộ xã đi học văn hóa, chính trị tại trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện và trường chính trị tỉnh. Tỉnh đã mở 21 lớp trung cấp chính trị với 1.271 học viên và 5 khóa trung cấp chính trị đặc biệt cho 505 học viên là cán bộ đương chức và kế cận thuộc các xã đặc biệt khó khăn; bên cạnh đó, bồi dưỡng sơ cấp chính trị cho 5.622 học viên, nghiệp vụ khối đoàn thể cho 7.094 người, sơ cấp quản lý nhà nước cho 770 cán bộ...

Để nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức cơ sở đảng và các tổ chức chính trị, chúng tôi đã chú trọng bồi dưỡng nghiệp vụ cho cấp ủy cơ sở và cán bộ của hệ thống chính trị ngay sau đại hội cơ sở. Thông qua công tác đào tạo, bồi dưỡng, trình độ của bí thư, phó bí thư đảng ủy, bí thư chi bộ thôn, bản, chủ tịch, phó chủ tịch ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể xã hội được nâng lên rõ rệt.

Cùng với đó, góp phần vào chất lượng hoạt động ngày càng cải thiện của tổ chức cơ sở đảng là công tác kiểm tra, giám sát theo Điều lệ Đảng. Công tác kiểm tra, giám sát của Đảng được tăng cường, đã kịp thời uốn nắn những sai sót, nhằm không ngừng nâng cao trình độ mọi mặt cho cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt cấp ủy, chính quyền và đoàn thể cơ sở. Sau khi kiểm tra, có kết luận rõ ràng, xử lý nghiêm minh theo Điều lệ Đảng và pháp luật.

Tập trung xây dựng quy chế và thực hiện quy chế là yêu cầu quan trọng trong lãnh đạo, điều hành. Các xã có cán bộ tăng cường đều xây dựng được quy chế làm việc và điều hành công việc theo quy chế. Tác phong, nền nếp, thời gian làm việc chuyển biến tích cực theo quy định, công chức xã duy trì tốt chế độ thường trực hằng ngày để giải quyết các công việc tại xã và làm tốt công tác tiếp dân. Chính quyền cơ sở đã thể hiện rõ vai trò, chức năng nhiệm vụ, công tác quản lý điều hành và chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ ngày càng hiệu quả hơn. Các khiếu nại, tố cáo của nhân dân được tập trung giải quyết hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền giải quyết, không để tồn đọng.

Hà Giang cũng đặc biệt chú trọng việc cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào điều kiện cụ thể của địa phương. Trực tiếp là, thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở, thực hiện phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra". Việc thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở xã đã phát huy được nội lực trong dân; phát huy quyền làm chủ của nhân dân, giúp đỡ nhau xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống nhân dân.

Đẩy mạnh hoạt động của các tổ chức chính trị cơ sở là nền tảng quan trọng cho việc xây dựng hệ thống chính trị. Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân tại xã, thôn, bản đã có sự đổi mới về tổ chức cán bộ, nội dung phương thức hoạt động, nhất là tại các chi hội. Vì vậy, đã thu hút được đông đảo đoàn viên, hội viên hưởng ứng tham gia các phong trào phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, thực hiện cuộc vận động "xây dựng nông thôn mới", cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.

Kết quả trên một số mặt

Chính vì làm tốt công tác củng cố và xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, tập trung đào tạo nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ cơ sở nên nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo và bảo vệ an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội của Hà Giang những năm qua đã giành được kết quả khả quan. Tỉnh đã tập trung lãnh đạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, sử dụng giống mới, phát triển chăn nuôi, thực hiện các chương trình, dự án với mô hình xóa đói, giảm nghèo ở vùng cao và nông thôn: "bể nước, mái nhà, con bò". Trong điều kiện khó khăn về vốn, tỉnh đã coi trọng phát huy nội lực trong nhân dân làm cơ sở để phát triển, lấy lợi ích và nhu cầu của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu. Bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa các tổ chức trong hệ thống chính trị, vận động nhân dân quyết tâm thực hiện xóa đói, giảm nghèo, tiến tới làm giàu, từ đó tạo cho bộ mặt nông thôn, vùng cao ngày một thay đổi.

Tổng sản lượng lương thực toàn tỉnh năm 2000 chỉ đạt 19,3 vạn tấn, năm 2006 lên 24,7 vạn tấn. Kết quả này là từ thành công của các chương trình hỗ trợ nhân dân. Từ các chương trình, hơn 30.000 hộ nông dân đã được vay vốn (tỉnh hỗ trợ lãi xuất 100%) và mua được 56.000 con trâu, bò sinh sản. Chương trình hỗ trợ hộ nghèo nuôi dê đã giải ngân trên 8 tỉ đồng cho hơn 8.000 hộ vay mua được 17.000 con dê giống. Chương trình phát triển 1 vạn con trâu, bò hàng hóa đã giải ngân được trên 25 tỉ đồng cho hơn 3.000 hộ nông dân vay mua được trên 8.000 con trâu, bò; tỷ lệ nghèo hằng năm giảm trên 7%.

Từ thành quả bước đầu trong phát triển kinh tế, các lĩnh vực khác của Hà Giang cũng có những khởi sắc. Văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, phong trào thi đua thực hiện cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư", "Xây dựng làng văn hóa, gia đình văn hóa" đã được phát động rộng khắp, đạt được hiệu quả thiết thực, các thôn, bản đều dân chủ thảo luận xây dựng hương ước, quy ước với những tiêu chí cụ thể. Tỷ lệ trẻ em từ 6 - 14 tuổi đến trường hằng năm đều đạt 97% trở lên, năm 2008 Hà Giang sẽ đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục trung học cơ sở; tỷ lệ tăng dân số tự nhiên giảm từ 2,05% (năm 1999) xuống còn 1,55% (năm 2006)...

An ninh chính trị trên địa bàn được tăng cường, củng cố, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, biên giới hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển. Vai trò lãnh đạo của cấp ủy, sự quản lý, điều hành của chính quyền cơ sở được nâng lên rõ rệt.

Nhiệm vụ trong thời gian tới

Trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện trong những năm qua, xuất phát từ điều kiện thực tế của tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiếp tục chủ trương tăng cường cán bộ về cơ sở, tập trung cho các xã đặc biệt khó khăn, nhất là các xã, thị trấn biên giới, các xã nội địa có vấn đề nổi cộm. Thông qua đó, nâng cao trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ xã theo tiêu chuẩn công chức nhà nước.

Theo đó, công tác cán bộ thực hiện theo hướng:

Huyện, thị trấn tự bố trí cán bộ của mình để tăng cường cho các xã, phường, thị trấn khó khăn (thuộc diện quy hoạch vào chức danh chủ chốt các phòng, ban của huyện). Yêu cầu bố trí đúng người, đúng việc, phát huy hiệu quả cán bộ tăng cường xã và phải bố trí giữ các chức vụ chủ chốt ở xã.

Đối với 34 xã, thị trấn biên giới, mỗi đơn vị được tăng cường một sĩ quan biên phòng xuống xã đảm nhận chức danh phó bí thư đảng ủy xã phụ trách công tác quốc phòng, an ninh, và làm tham mưu cho xã trong việc phát triển kinh tế - xã hội, củng cố, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở trong sạch, vững mạnh (ban thường vụ huyện ủy phối hợp với các đồn biên phòng tổ chức triển khai).

Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, công an tỉnh phối hợp với các huyện, thị xác định các xã, thị trấn nội địa có vấn đề nổi cộm (mỗi xã 1 tổ) vừa làm nhiệm vụ đảm bảo an ninh chính trị, vừa tham mưu giúp xã phát triển kinh tế xóa đói, giảm nghèo.

Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Sở Nội vụ tiếp tục tuyển dụng hợp đồng sinh viên đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng về công tác ở xã để tạo nguồn cán bộ lâu dài cho xã, huyện, tỉnh và tổ chức thành lực lượng trí thức trẻ tình nguyện công tác nông thôn. Đối với những sinh viên đang công tác tại các xã, tiếp tục bồi dưỡng và đưa vào công chức dự bị.

Cùng với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, Hà Giang tiếp tục kiên trì thực hiện chương trình xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, coi đó là nền tảng cho sự phát triển lâu dài của địa phương mình.