Hậu Giang xóa đói, giảm nghèo

Nguyễn Phong Quang
10:00, ngày 08-05-2008

Tích cực xóa đói, giảm nghèo chính là một trong những biện pháp quan trọng góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển từ gốc. Từ đó, hướng tới sự phát triển chung bền vững của Hậu Giang.

Khi Hậu Giang được thành lập và đi vào hoạt động từ ngày 1-1-2004, một trong những khó khăn, thách thức lớn nhất đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh là, phải giảm và tiến tới xóa bỏ tình trạng hộ nghèo đang chiếm tỷ lệ cao, để từng bước vực dậy nền kinh tế có 80% diện tích nông nghiệp, lại có địa hình vùng sâu, vùng xa, từng chịu sự tàn phá ác liệt của chiến tranh.

Hơn bốn năm qua, quán triệt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về Chương trình mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể từ cấp tỉnh đến cơ sở đều rất quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao và triển khai kịp thời các chương trình, dự án, tích cực thực hiện lồng ghép với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Hoạt động xóa đói, giảm nghèo được tiến hành theo hướng:

Một là, tiến hành rà soát và đánh giá nghiêm túc tình hình kinh tế - xã hội và tỷ lệ hộ nghèo trong tỉnh, tìm hiểu nguyên nhân, lý do của thực trạng nghèo đói, lấy đây làm căn cứ đưa ra những chủ trương, chính sách trợ giúp người nghèo một cách hợp lý và hiệu quả; đồng thời, đề ra các giải pháp phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện và khả năng của người nghèo.

Bưởi Năm Roi, dứa Cầu Đúc, cá ngát Châu Thành... - những đặc sản nổi tiếng ấy là ưu thế lớn của tỉnh, mở ra hướng xóa đói, giảm nghèo, làm ăn kinh tế có hiệu quả cao cho người dân trong vùng

Hai là, trên cơ sở đó, tranh thủ tận dụng những ưu thế, tiềm năng tự nhiên sẵn có để đề ra các giải pháp xóa đói, giảm nghèo thiết thực.
Do Hậu Giang từ xa xưa đã là một trong những trung tâm lúa gạo của miền Tây Nam Bộ, đất đai phì nhiêu, có thế mạnh về cây lúa và các loại cây ăn quả, nên tỉnh tập trung chỉ đạo người dân tiếp tục đầu tư cho các loại cây này, đặc biệt là những đặc sản nông nghiệp đã có danh tiếng như: khóm (dứa) Cầu Đúc (Vị Thanh), bưởi Năm Roi (Châu Thành). Tận dụng ưu thế hơn 5.000 ha ao, đầm nuôi tôm, cá nước ngọt, tỉnh chỉ đạo tiếp tục phát triển nguồn thủy sản, tập trung phát triển nuôi cá ngát (đặc sản của Châu Thành) và cá thát lát mình trắng (đặc sản của Long Mỹ), phấn đấu đưa những đặc sản này thành thương hiệu có đăng ký bản quyền, cũng chính là bảo đảm lợi ích kinh tế lâu dài cho người dân.

Ba là, tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỉ trọng công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, nhằm tạo thêm nhiều việc làm mới cho người lao động. Hiện nay, tỉnh đang đầu tư tập trung phát triển các khu, cụm công nghiệp: Sông Hậu, Phú Hữu A, Tân Phú Thạnh...., thu hút đáng kể nguồn nhân lực trong tỉnh. Đồng thời, tiếp tục phát triển ngành công nghiệp gạch ngói, gốm sứ, và thủ công mỹ nghệ với nhiều sản phẩm lưu niệm được làm từ cây lục bình, đã xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới, tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều người lao động, giúp họ từng bước ổn định kinh tế gia đình, dần xóa nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng.

Bốn là, đặc biệt tập trung đầu tư và phát triển công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, nhằm đạt mục tiêu thoát nghèo bền vững thông qua các hoạt động chủ yếu sau:

Đặc biệt đầu tư và phát triển công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm được tỉnh Hậu Giang coi là hoạt động chiến lược, nhằm góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững.

Thứ nhất,
đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho người lao động nông thôn, bộ đội xuất ngũ, người tàn tật, người dân tộc và người nghèo trên cơ sở có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh và nhiều thành phần kinh tế, nhất là các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trực tiếp tham gia hoặc hỗ trợ đào tạo nghề. Trên cơ sở đó, thúc đẩy nhanh, mạnh hơn nữa quá trình xã hội hóa công tác dạy nghề. Đặc biệt chú trọng việc duy trì phát triển đào tạo nghề theo hình thức truyền nghề tại gia đình, tại cơ sở sản xuất hoặc các làng nghề, nhất là trong lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp vốn là truyền thống của địa phương. Cách làm này rất chú trọng được nhân rộng, bởi vừa là cách đào tạo nghề trực tiếp, vừa đỡ tốn kém về chi phí đào tạo, học nghề.

Thứ hai, kết hợp giữa đào tạo nghề dài hạn với ngắn hạn nhằm mục đích vừa phục vụ cho yêu cầu trước mắt, vừa phục vụ cho yêu cầu lâu dài, từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để phục vụ hiệu quả cho việc chuyển đổi cơ cấu lao động trong từng giai đoạn theo hướng: giảm dần tỷ lệ lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, tăng dần tỷ lệ lao động trong công nghiệp và dịch vụ, nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề.

Thứ ba, tiếp tục triển khai các mô hình, dự án cho vay vốn quỹ quốc gia nhằm hỗ trợ việc làm, tập trung cho vay những mô hình mới, có khả năng thu hút và tạo ra việc làm cho nhiều lao động.

Thứ tư, tích cực thực hiện các chính sách hỗ trợ cho hộ Khơ-me nghèo theo Quyết định 134/2004/QĐ-TTg, ngày 20-7-2004, của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 983/QĐ-UBND, ngày 14-4-2006, về việc phê duyệt Đề án hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc Khơ-me nghèo, đời sống khó khăn (giai đoạn 1) và Chương trình 135 trên địa bàn tỉnh. Hoạt động này được tiến hành đồng thời với việc thực hiện các chính sách trợ giúp về y tế, giáo dục, nhà ở, dự án tín dụng ưu đãi, khuyến nông, lâm, ngư, nghiệp, trợ giúp người có công với nước, đối tượng bảo trợ xã hội, vận động nhân dân tích cực đóng góp cho quỹ "Vì người nghèo". Tính đến nay, đã có hàng ngàn nhà tình thương, tình nghĩa cho các hộ gia đình chính sách, gia đình khó khăn về nhà ở được tỉnh tiến hành xây dựng, góp phần tạo cuộc sống ổn định cho người nghèo.

Nhờ vận dụng sáng tạo các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước vào điều kiện thực tế ở tỉnh, triển khai đồng bộ, hiệu quả các chương trình, dự án xóa đói, giảm nghèo, và chủ động lồng ghép công tác xóa đói, giảm nghèo với hoạt động của các ngành, cơ sở, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, khơi dậy sự chủ động, tích cực của từng người dân, tỉnh Hậu Giang đã huy động được sức mạnh tổng hợp từ các nguồn lực xã hội nhằm đem lại lợi ích kinh tế, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho nhiều hộ nghèo. Qua 4 năm, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Hậu Giang luôn ổn định và ở mức cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng giảm dần nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng, thương mại - dịch vụ, thu nhập bình quân trên đầu người đạt 8,7 triệu đồng. Năm 2007 là năm thứ 2 tỉnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2006 - 2010 theo chuẩn nghèo mới. Theo kết quả phúc tra hộ nghèo cuối năm 2007, có 7.315 hộ thoát nghèo, số hộ nghèo còn lại trên địa bàn tỉnh hơn 26.000 hộ, chiếm tỷ lệ 15,5%, giảm 3,4 % so với đầu năm và vượt 0,4% kế hoạch đề ra. Tỉnh phấn đấu đến năm 2010, giảm tỷ lệ hộ nghèo dưới 10% và giảm 50% số xã có tỷ lệ nghèo cao (từ 20% hộ nghèo trở lên).

Phát huy những kết quả đạt được trong thời gian qua, Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo của tỉnh Hậu Giang được xây dựng một cách toàn diện với nhiều biện pháp, nhiều mô hình giải quyết việc làm cho người lao động. Tỉnh quyết tâm giảm tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị và tỷ lệ thiếu việc làm ở khu vực nông thôn; rút ngắn dần mức chênh lệch thu nhập giữa thành thị và nông thôn, giữa nhóm hộ khá, giàu và nhóm hộ nghèo; nâng cao mức sống dân cư khu vực nông thôn, nhất là những vùng nghèo đặc biệt khó khăn.

Năm 2008 là năm thứ ba Hậu Giang triển khai thực hiện Nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần thứ XI và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006 - 2010. Tỉnh tiếp tục ưu tiên phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, kết hợp chặt chẽ với hoạt động chăm lo giáo dục - đào tạo, đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí, lấy đây là nền tảng quan trọng tạo điều kiện cho việc phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn.

Để hoạt động xóa đói, giảm nghèo của tỉnh Hậu Giang ngày càng đạt hiệu quả cao, trong thời gian tới, tỉnh xác định tập trung vào những việc cụ thể sau:

- Trên cơ sở đặt mục tiêu xóa đói, giảm nghèo là nhiệm vụ hàng đầu và gắn chặt với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền địa phương, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, ngành và toàn thể nhân dân trong công tác xóa đói, giảm nghèo, lấy đây làm cơ sở quan trọng tạo ra nguồn lực xã hội để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, kế hoạch đề ra. Thường xuyên theo dõi thực trạng hộ nghèo trên địa bàn toàn tỉnh, định kỳ phúc tra hộ nghèo để đánh giá đúng tình hình, để có thể đề ra phương hướng xóa đói, giảm nghèo phù hợp với điều kiện và tình hình thực tế hơn nữa.

- Mỗi sở, ngành tùy theo chức năng, nhiệm vụ của mình xây dựng chỉ tiêu, kế hoạch cụ thể thực hiện các nội dung của chương trình xóa đói, giảm nghèo, đồng thời chủ động đề ra các giải pháp tiến hành phù hợp. Tăng cường sự theo dõi, giám sát và hướng dẫn các địa phương thực hiện; tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo thực hiện chương trình đạt hiệu quả. Kịp thời nghiên cứu và kiến nghị, đề xuất ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách, tạo điều kiện tốt nhất để thực hiện chương trình.

- Mặt trận Tổ quốc và tổ chức, đoàn thể các cấp tham gia kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn toàn tỉnh; tiếp tục tổ chức vận động gây "Quỹ vì người nghèo" và xã hội hóa nguồn lực xóa đói, giảm nghèo thông qua sự đóng góp của toàn xã hội; phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức thực hiện chương trình, trực tiếp hỗ trợ cho đoàn viên, hội viên của đoàn thể mình thoát nghèo bền vững. Đặc biệt khuyến khích sự tham gia giám sát của người dân trong quá trình triển khai thực hiện chương trình.

- Tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về chủ trương, chính sách liên quan đến công tác xóa đói, giảm nghèo, đồng thời phổ biến rộng rãi những mô hình, biện pháp phát triển kinh tế hiệu quả nhằm giúp người nghèo tìm ra giải pháp xóa nghèo phù hợp với điều kiện của gia đình và bản thân.

- Kịp thời khen thưởng các tập thể và cá nhân có nhiều đóng góp hiệu quả cho công tác xóa đói, giảm nghèo tại địa phương nhằm động viên họ tích cực tham gia công tác này nhiều hơn, từng bước nâng cao chất lượng xã hội hóa công tác xóa đói, giảm nghèo; định kỳ tổ chức Hội nghị điển hình thoát nghèo bền vững trên phạm vi toàn tỉnh, nhằm tạo không khí thi đua lành mạnh rộng khắp./.