Nông nghiệp, nông dân, nông thôn - những vấn đề không thể thiếu trong phát triển bền vững
Ở nước ta, phát triển nông nghiệp có liên quan mật thiết đến tính bền vững của sự phát triển. Nếu khoảng cách giữa thành thị và nông thôn ngày càng tăng, phân hóa xã hội quá mức thì dù có đạt được sự tăng trưởng cao chưa thể coi là đã có phát triển. Hơn thế nữa, nông nghiệp, nông dân và nông thôn là ba vấn đề tuy khác nhau, nhưng nếu không cùng được giải quyết một cách đồng bộ thì không thể công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước một cách thành công được.
1 - Vấn đề nông nghiệp
Hiện nay, có ý kiến cho rằng, nông nghiệp nước ta đã phát triển tương đối tốt. Đặc biệt, chúng ta xuất khẩu được nhiều nông sản trong điều kiện giá lương thực và nông sản thế giới đang tăng. Tuy nhiên, thực tế không hẳn là như vậy, vẫn còn nhiều bất cập khiến chúng ta phải quan tâm nhiều hơn đến sự phát triển của nông nghiệp. Tỷ trọng của nông nghiệp trong sản phẩm quốc nội (GDP) giảm dần, nhưng không có nghĩa là vai trò của nông nghiệp ngày càng giảm. Thực tế cho thấy, Hoa Kỳ và Pháp, hai nước có nền công nghiệp phát triển vào bậc nhất thế giới cũng là hai nước xuất khẩu nông sản lớn nhất thế giới. Ngược lại, các nước Đông Á, vốn được coi là giải quyết tốt vấn đề nông nghiệp song song với công nghiệp hóa, thì hiện nay phải nhập khẩu lương thực và nông sản ngày càng nhiều, vì nông nghiệp đã giảm sút nghiêm trọng(1). Việc các nước đã phát triển đang phải trợ cấp cho nông nghiệp rất nhiều làm cho các nước đang phát triển gặp không ít khó khăn là cái giá phải trả cho việc đã không chú ý đến nông nghiệp trong thời kỳ công nghiệp hóa.
Các nước đang phát triển hiện nay có dư lượng lao động nông thôn quá cao, và ngày càng tăng. Chẳng hạn, ở Trung Quốc, dự báo vào năm 2020, nông nghiệp trong GDP còn 5%, lao động nông nghiệp còn 35% và lao động nông thôn còn 45%. ở nước ta, theo dự báo của chúng tôi, cũng vào năm ấy, nông nghiệp trong GDP sẽ còn 10%, lao động nông nghiệp vẫn còn 23%. Như vậy, ngay khi đã công nghiệp hóa thành công, vai trò của nông nghiệp ở các nước đang phát triển vẫn còn cao, về thực chất vẫn còn là nước công - nông nghiệp. Do vậy, chúng ta không thể sao nhãng việc phát triển nông nghiệp, mà phải coi nó như một trong những mục tiêu trọng tâm của phát triển kinh tế.
Vấn đề lớn của nông nghiệp nước ta sau thời kỳ đổi mới là chất lượng nông sản còn thấp, vì chủ yếu xuất khẩu nông sản thô, quy mô sản xuất nhỏ nên giá thành cao, năng suất lao động thấp. Muốn tăng giá trị nông sản, cần cải tiến chất lượng sản phẩm bằng cách phát triển các sản phẩm có xuất xứ địa lý, sản phẩm bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh và an toàn thực phẩm quốc tế và sản phẩm hữu cơ. Để làm được việc này, cần xây dựng một thể chế quản lý chất lượng nông sản đi đôi với việc phát triển công nghiệp chế biến nông sản.
Thể chế thị trường nông sản, nếu chủ yếu chỉ dựa vào quan hệ nông dân - doanh nghiệp theo kiểu hợp đồng nông nghiệp sẽ dẫn đến sự độc quyền của doanh nghiệp chế biến và lưu thông. Nông dân, những người sản xuất trực tiếp vẫn chịu nhiều thiệt thòi. Muốn giải quyết tình trạng này, phải phát triển các hợp tác xã bao gồm cả hoạt động chế biến và buôn bán, lưu thông thì việc phân phối thu nhập mới được công bằng. Nhà nước không thể trợ giúp nông dân thông qua các doanh nghiệp nhà nước, vì thu lợi nhuận là mục tiêu chính và trước hết của doanh nghiệp, bởi vậy, phải thực hiện các hỗ trợ của Nhà nước thông qua các dịch vụ công. Hiện nay, các dịch vụ công phục vụ phát triển nông nghiệp còn yếu, đặc biệt các hộ nghèo ít được hưởng lợi. Chúng ta đã xây dựng được một số hệ thống cung cấp dịch vụ công do các tổ chức nông dân thực hiện cùng với Nhà nước và thị trường, cho phép nâng cao hiệu quả của việc cung cấp dịch vụ cho nông dân, tới đây cần nhân rộng các mô hình này.
Một vấn đề khác là, giá đầu vào của sản xuất nông nghiệp đang tăng mạnh, giá nông sản không theo kịp, nông dân không còn hăng hái với sản xuất nông nghiệp, lao động nông thôn đang bỏ ra đô thị kiếm việc làm, lao động nông nghiệp đang bị nữ hóa, già hóa và chuyển từ thâm canh sang quảng canh, chăn nuôi và nghề phụ đang bị giảm sút... Giá một số nông sản như lúa mì, ngô, đậu tương đang tăng rất nhanh trên thị trường thế giới mà chúng ta vẫn nghĩ đến việc nhập khẩu, không nhân cơ hội này để phát triển sản xuất trong nước. Nông thôn đang có xu hướng quay trở về độc canh cây lúa, từ bỏ việc đa dạng hóa sản xuất. Trong điều kiện này, chúng ta thiếu các biện pháp để chuyển đổi cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động, thiếu biện pháp để tăng năng suất lao động. Tình trạng này sẽ dẫn đến nguy cơ mất an ninh lương thực và thực phẩm như các nước công nghiệp mới ở Đông á và Đông - Nam á. Theo dự báo của các tổ chức quốc tế, trong thế kỷ XXI, thế giới sẽ thiếu lương thực, đây có phải là một thời cơ cho chúng ta phát triển nông nghiệp không?
Khoa học - kỹ thuật phục vụ nông nghiệp nước ta chưa phát triển. Các câu hỏi của công nghệ nông nghiệp thế kỷ XXI như vấn đề hướng công nghệ sinh học bảo đảm các nguy cơ đối với sức khỏe của con người và môi trường, vấn đề nông nghiệp hữu cơ với dự báo sẽ chiếm lĩnh thị trường nông sản thế giới, vấn đề phòng chống hiện tượng nóng lên của khí quyển, nước biển dâng cao làm ngập các đồng bằng - vốn được coi là những vựa lúa của nước ta, vấn đề nông nghiệp chính xác áp dụng công nghệ định vị, vấn đề nông nghiệp thẳng đứng hay không đất để giải quyết vấn đề thiếu đất và bảo vệ môi trường...., hầu hết vẫn chưa tìm được câu trả lời.
Các vấn đề biến đổi khí hậu và rủi ro trong nông nghiệp ngày càng tăng, mà chúng ta chưa có các biện pháp bảo vệ nông nghiệp, chống thiên tai và rủi ro. Hệ thống bảo hiểm chống thiên tai và rủi ro mặc dù phức tạp, nhưng không phải không có cách thực hiện được.
Chúng ta cũng chưa có một chiến lược công nghiệp hóa nông nghiệp và nông thôn, hiện đại hóa nông nghiệp như thế nào trong điều kiện đất ít, người đông, quy mô sản xuất nhỏ, năng suất lao động thấp.
2 - Vấn đề nông dân
Một thực tế là, nông dân còn quá nghèo, việc giải quyết giảm nghèo chưa gắn liền với phát triển kinh tế nông thôn nên chưa bền vững, nguy cơ tái nghèo vẫn còn rất cao. Nông dân là bộ phận công dân ít được hưởng phúc lợi xã hội, nhất là về giáo dục, y tế. Những vấn đề xã hội ở nông thôn chưa được giải quyết một cách cơ bản như: bảo hiểm thiệt hại do thiên tai và thị trường, bảo hiểm xã hội. Theo kinh nghiệm của các nước, không thể chỉ giải quyết các vấn đề xã hội của nông thôn bằng các biện pháp thị trường.
Nông dân thiếu việc làm ở nông thôn phải di cư ra thành thị để tìm việc, làm thuê với giá lao động rất thấp và bị đối xử như "công dân loại hai", mặc dù họ là động lực chủ yếu của công cuộc đổi mới. Chưa có một quy hoạch chuyển đổi cơ cấu lao động, rút lao động ra khỏi nông thôn và nông nghiệp. Nông dân tham gia thị trường lao động nhưng không được đào tạo nghề, không được Nhà nước hỗ trợ như trước kia đã làm trong các chương trình kinh tế mới. Do vậy, cần có một hệ thống biện pháp đồng bộ giúp đào tạo nông dân, đó chính là biện pháp để xây dựng giai cấp công nhân mới. Đây cũng là giải pháp hữu hiệu giúp cho lớp người này không trở thành "vô sản lưu manh", kéo theo đó là tội phạm và tệ nạn xã hội.
Một điều tối quan trọng là, quyền lợi của nông dân chưa được bảo vệ vì thiếu nghiệp đoàn nông dân. Nông dân là bộ phận yếu thế nhất, không có quyền mặc cả trên thị trường, nên quan hệ giữa thương nghiệp với nông dân đang diễn ra thiếu công bằng. Nông dân còn thiếu chủ quyền về đất đai, bị mất đất mà không có ai bênh vực. Việc đầu cơ ruộng đất làm giá bất động sản lên cao một cách giả tạo, nhưng nông dân cũng không được hưởng lợi gì từ việc này. Tình trạng này có nguyên nhân từ sự quản lý, kiểm soát của Nhà nước. Ngay ở một số nước có sở hữu đất tư nhân, nhà nước vẫn kiểm soát việc sử dụng đất một cách chặt chẽ.
Để phát triển một nền nông nghiệp hàng hóa có hiệu quả và năng suất lao động cao, con đường đúng đắn không phải là xóa bỏ kinh tế hộ nông dân, phát triển trang trại, mà là tổ chức hợp tác xã kiểu mới có chế biến nông sản và buôn bán chung nhằm mở rộng quy mô sản xuất, thực hiện thương nghiệp công bằng. Hiện nay, chúng ta đang thiếu một hệ thống dịch vụ trợ giúp cho nông dân xây dựng các hợp tác xã kiểu mới, bắt đầu từ việc xây dựng các tổ hợp tác để tiến lên hợp tác xã. Đây là biện pháp cơ bản để tiếp tục phát triển kinh tế gia đình nông dân, bắt đầu từ "Khoán 10", chuyển hộ nông dân thành nông trại gia đình như ở các nước tiên tiến.
Thế nhưng, hạn chế cố hữu của nông dân ở nước ta là tính thụ động, chờ đợi sự hỗ trợ, trừ một số vùng đặc biệt có vốn xã hội cao. Hiện nay, có nhiều vùng nông dân rất năng động nhưng chúng ta chưa thực hiện được việc tổ chức nghiên cứu các trường hợp ấy để có thể chuyển giao tính năng động sang các vùng khác.
3 - Vấn đề nông thôn
Trong quá trình đổi mới, khoảng cách giữa thành thị và nông thôn ngày càng xa nhau, do chưa có chiến lược đổi mới hiệu quả.
Nông nghiệp mâu thuẫn với phát triển nông thôn. Các vùng phát triển nông nghiệp mạnh thì không chuyển đổi được cơ cấu kinh tế nông thôn, không tạo thêm được việc làm và không tăng nhanh thu nhập của nông dân. Tình trạng thiếu việc làm ở nông thôn không thuận lợi cho việc nâng cao năng suất lao động nông thôn và tăng thu nhập của nông dân. Việc để nông dân đi bán sức lao động ở nơi khác với giá rẻ mạt, việc không có quy hoạch lao động, đã dẫn đến nhiều vùng thiếu lao động và giá lao động tăng mạnh.
Mức đóng góp của nông dân, nông thôn cao, phúc lợi cung cấp cho nông dân lại thấp, nông dân còn ít được hưởng lợi về đầu tư kết cấu hạ tầng và các nguồn cung cấp phúc lợi của Nhà nước.
Từ các hộ nông dân đang xuất hiện nhiều doanh nghiệp nhỏ: nông trại gia đình, doanh nghiệp nông nghiệp, doanh nghiệp công nghiệp và dịch vụ từ các làng nghề, nhưng các doanh nghiệp này không được các chương trình doanh nghiệp nhỏ và vừa hỗ trợ. Nông thôn còn thiếu các thể chế dựa vào cộng đồng như hợp tác xã và các tổ chức nghề nghiệp của nông dân để phụ trách việc cung cấp các dịch vụ công.
Một vấn đề nữa còn gây nhiều bức xúc là môi trường nông thôn đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. Nên có các chương trình bảo vệ môi trường gắn liền Nhà nước, doanh nghiệp và các cộng đồng nông thôn cùng thực hiện việc bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường. Kinh nghiệm của các nước cho thấy, nếu giao việc bảo vệ môi trường cho các tổ chức nông dân thì có thể biến việc bảo vệ môi trường trở thành những hoạt động kinh tế tạo việc làm và thu nhập cho nông dân. Việc phát triển du lịch nông thôn cũng góp phần nâng cao được chất lượng môi trường.
Nông thôn còn thiếu mạng lưới an sinh xã hội, trong khi thu nhập tương đối giảm nhanh. Việc xây dựng hệ thống an sinh xã hội phải gắn liền với hoạt động tương trợ, với các tổ chức nông dân. Ở Pháp, từ một tổ chức bảo hiểm tương trợ đã phát triển lên thành một công ty bảo hiểm quốc tế lớn nhất châu Âu, từ một quỹ tín dụng nông nghiệp thành một ngân hàng giàu nhất châu Âu. Các tổ chức này vẫn là tổ chức tập thể của nông dân.
Các nguyên nhân gây cản trở cho việc phát triển nông nghiệp, nông thôn không thể chỉ giải quyết bằng các biện pháp tình thế, mà có thể phải thay đổi ngay từ trong đường lối cải cách kinh tế - xã hội. Có thể thấy, cuộc cải cách kinh tế của Việt Nam và Trung Quốc bị ảnh hưởng mạnh của chủ nghĩa tự do mới, quá đề cao kinh tế thị trường và sớm đồng thuận với sự rút lui của nhà nước trong quản lý, thiếu cải cách xã hội. Đó là lý do chính làm cho khoảng cách giữa thành thị và nông thôn ngày càng xa nhau. Thêm vào đó, chúng ta lại đang dựa vào ưu thế cạnh tranh trong việc phát triển công nghiệp và dịch vụ để thu hút đầu tư nước ngoài là giá lao động rẻ, giá đất rẻ và giá môi trường rẻ. Do đó, mục tiêu của việc tăng trưởng nhanh dựa vào các ưu thế cạnh tranh này đã mâu thuẫn với các mục tiêu của phát triển nông thôn. Việc thu hút quá nhiều đầu tư nước ngoài sẽ dẫn đến sự phụ thuộc chính trị và phát triển không bền vững, gây khó khăn cho các thế hệ sau vì phải gánh nợ tích lũy từ các thế hệ trước. Mặt khác, chúng ta còn thiếu một nền kinh tế mang tính xã hội, và các doanh nhân xã hội thì không thể thực hiện được việc cải cách xã hội. Không thể chỉ dựa vào việc kêu gọi các doanh nghiệp tham gia hoạt động từ thiện. Cần có một đường lối xã hội hóa công cuộc cải cách kinh tế xã hội, không lẫn lộn xã hội hóa với thị trường hóa và tư nhân hóa. Xã hội hóa là huy động sự tham gia của quần chúng. Phát triển mạnh xã hội dân sự để huy động quần chúng tham gia vào sự phát triển chính là áp dụng truyền thống quan điểm quần chúng của Đảng.
Để giải quyết các vấn đề trên, cần có một hệ thống biện pháp phát triển nông thôn có hiệu lực, theo chúng tôi, đó là:
- Nhà nước cần có chính sách phát triển nông thôn toàn diện, không chỉ tập trung vào nông nghiệp. Việc phát triển nông thôn là công việc của hầu hết các bộ chứ không phải chỉ riêng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Hiện nay, chúng ta đã có Hội Khoa học phát triển nông thôn để huy động lực lượng quần chúng giúp nhà nước và doanh nghiệp thực hiện công việc này. Chúng ta đang được các tổ chức quốc tế và trên 399 tổ chức phi chính phủ hỗ trợ việc phát triển nông thôn, nhưng chúng ta không biết họ đang làm gì để hợp tác một cách chặt chẽ. Hội Khoa học Phát triển nông thôn đang cố gắng xây dựng cơ sở khoa học cho việc phát triển nông thôn và xây dựng một trung tâm cung cấp dịch vụ phát triển nông thôn hoạt động theo nguyên tắc của một doanh nghiệp mang tính xã hội, giống như một mô hình kiểu mới chưa có ở nước ta nhưng rất phổ biến ở các nước...
(1) Phi-lip-pin là một nước nông nghiệp, trong quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa đã dành quá nhiều diện tích canh tác cho phát triển đô thị và khu công nghiệp, khu chế xuất, nhất là có quá nhiều sân golf, nay đang "đau đầu" vì thiếu lương thực một cách trầm trọng
Nga: chính thức chuyển giao quyền lực  (08/05/2008)
Nga: Chính thức chuyển giao quyền lực  (08/05/2008)
Nga: Chính thức chuyển giao quyền lực  (08/05/2008)
Việt Nam chúc mừng tân Tổng thống Nga  (07/05/2008)
Việt Nam đang thuận lợi trong thu hút vốn ODA  (07/05/2008)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên